Thursday, April 18, 2024

Căn nhà sẽ được phân chia như thế nào trong một vụ ly dị?

(Realtytimes.com) – Ly dị mà không có tranh cãi về những tài sản quan trọng là chuyện rất hiếm hoi. Trong hầu hết các trường hợp, tài sản lớn nhất, trong số những tài sản chung, của hai vợ chồng là căn nhà. Những người đã trải qua những vụ ly dị thường không biết điều gì sẽ xảy ra với các bất động sản đầu tư, hoặc nhà cửa trong thời gian hôn nhân. Việc phân chia nhà cửa trở nên cần thiết, do đó luật sư chuyên về ly dị, ông Joshua Harshberger cho biết những gì được các tòa án phân tích khi điều này được tòa quyết định.

Ngày mua căn nhà và nó có được sử dụng trong hôn nhân hay không

Điều quan trọng nhất được cứu xét là ngày mua căn nhà. Khi một bên đã mua bất động sản đó trước hôn nhân, nó có thể được coi như là một tài sản trước hôn nhân. Tuy nhiên, khi căn nhà đã sử dụng như một căn nhà trong hôn nhân hoặc nếu nó là một nguồn lợi tức trong hôn nhân, nó trở thành một tài sản hôn nhân và cần phải chia đều cho hai người.

Để người mua và làm chủ căn nhà trước hôn nhân, tiếp tục một mình làm chủ căn nhà, người phối ngẫu đó cần phải tiếp tục một mình hưởng lợi ích do căn nhà đem lại. Quyền sở hữu riêng biến mất, khi người phối ngẫu làm chủ căn nhà bắt đầu chia sẻ việc sử dụng căn nhà đó.

Bất động sản được mua sau hôn nhân hoặc được sử dụng cho các mục tiêu chính thức của cuộc hôn nhân (như sinh sống trong căn nhà) thường được coi như một tài sản của cả hai người phối ngẫu.

Phân chia bất động sản mà không có tranh chấp

Khi hai người phối ngẫu đối xử thân thiện với nhau và muốn trải qua một vụ phân ly nhanh chóng, dứt khoát, việc bán bất động sản là giải pháp tốt nhất. Vấn đề trong trường hợp này, là số tiền thu được sẽ được phân chia ra sao. Thật đáng tiếc, đây là một vấn đề có thể dễ dàng gây tranh cãi. Khi có sự đồng ý từ trước, toàn thể tiến trình sẽ giản dị. Tuy nhiên, điều này ít khi xảy ra. Thường thường, việc đầu tiên là để cho các luật sư thương lượng. Các hòa giải viên cũng có thể được thuê mướn để quyết định việc phân phối tiền mặt sau khi bán.

Nếu những cuộc thương lượng thất bại, quan tòa sẽ quyết định mỗi người phối ngẫu sẽ nhận được bao nhiêu, căn cứ vào luật pháp và thực tế. Trong nhiều trường hợp điều này khiến cho cả hai bên đều không vui nhưng tránh được sự cãi cọ khi có người chuyên lo việc phân chia tài sản.

Khi cả hai bên đều muốn căn nhà

Nếu một người phối ngẫu muốn ở lại căn nhà vì ác ý hoặc vì nhu cầu tài chánh, mọi việc trở nên phức tạp hơn. Người phối ngẫu ở lại căn nhà có thể mua lại phần căn nhà, mà người phối ngẫu kia được hưởng. Người phối ngẫu ra đi phải được loại khỏi các giấy chủ quyền chính thức, các nghĩa vụ, các quyền lợi và các món thế chấp liên quan đến căn nhà.

Nếu cả hai người phối ngẫu đều muốn duy trì việc sở hữu căn nhà, khi đó chỉ có vị thẩm phán mới có thể đưa ra một quyết định. Việc phân chia phải được thực hiện một cách công bằng. Vị thẩm phán sẽ phân tích tình hình tài chánh của cả hai người phối ngẫu và rồi quyết định ai là người sẽ làm chủ căn nhà. Quyền sở hữu những tài sản khác sẽ được thay đổi, cho tới khi việc phân chia được coi như đồng đều.

Việc phân chia một căn nhà trong vụ ly dị, chắc chắn là một chuyện khó thực hiện và tiến trình có thể mất một thời gian dài. Phần quan trọng nhất của tiến trình, là cần sự trợ giúp pháp lý của  luật sư có kinh nghiệm về tranh chấp bất động sản trong những cuộc ly dị. Sự kiên nhẫn là điều cần thiết, nhưng khi hai bên không đồng ý với nhau, các quan tòa có thể giải quyết mọi chuyện. (N.N)

MỚI CẬP NHẬT