Monday, May 20, 2024

Bạn nhớ cài đai an toàn nhé!

Hà Dương Cự/Người Việt

Xe hơi bây giờ đi an toàn hơn xe hơi cách đây 20 năm về trước vì có nhiều chức năng giúp cho sự an toàn của người ngồi trên xe.

Theo thống kê của Bộ Giao Thông Hoa Kỳ, trên nước Mỹ trong năm 2015, đai an toàn (seat belt) cứu thoát chết được 13,941 người và trẻ con trên 5 tuổi, riêng túi khí (airbag) cứu thoát chết 2,573 người trên 13 tuổi. Vậy, đai an toàn và túi khí hoạt động ra sao?

Ðai an toàn

Trong trường hợp người ngồi trong xe không cài đai an toàn, nếu xe đang chạy mà ngừng bất ngờ, như đụng vào cột đèn, thì người ngồi trong xe sẽ bị lao ra đằng trước rất mạnh; người lái xe thì bị đập ngực vào tay lái; người ngồi bên cạnh thì bị đập đầu vào kính trước, có thể gây ra tử vong. Nếu xe bị lật thì người ngồi trong xe có thể bị văng ra ngoài.

Nếu có cài đai an toàn thì hành khách sẽ an toàn hơn. Ðai an toàn chia đều áp lực ra nhiều chỗ trên thân thể như lồng ngực và xương chậu. Những phần cơ thể này chắc chắn hơn đầu và mặt. Hơn nữa, đai an toàn làm bằng một chất dẻo có thể kéo ra một ít để làm giảm áp lực từ từ chứ không đột ngột.

Nhiều khi bạn tự hỏi, vì sao khi bạn lên xe kéo đai an toàn ra một cách dễ dàng, nhưng khi gặp tai nạn thì đai an toàn không bị kéo ra? Lý do là đai an toàn có một bộ phận giữ dây không cho ra. Bộ phận này được khởi động trong hai trường hợp: Xe giảm tốc độ một cách đột ngột hay dây bị kéo ra nhanh.

Túi khí

Mục đích của túi khí là cản lại sự lao tới của hành khách trong trường hợp có tai nạn, nhưng phải rất nhanh, chỉ trong một tích tắc. Chắc không ai muốn thấy túi khí thực sự hoạt động ra sao, vì chỉ khi nào tai nạn xảy ra thì túi khí mới bung ra.

Theo thống kê đã nêu trên thì túi khí đã cứu được rất nhiều người. Túi khí tiện lợi vì người dùng không phải làm gì hết, không như đai an toàn hành khách phải tự mình cài vào. Tuy nhiên muốn có an toàn, hành khách vẫn phải cài đai an toàn.

Túi khí tuy hữu ích nhưng cũng gây nguy hiểm cho trẻ em dưới 12 tuổi cũng như những hành khách không cài đai an toàn. Vì thế trẻ em dưới 12 tuổi nên ngồi ở băng sau và dùng hệ thống kiềm chế thích hợp. Ghế cho trẻ con có mặt hướng về phía sau thì không bao giờ nên đặt ở băng trên.

Túi khí có ba thành phần chính.

– Túi: Ðược làm bằng một loại ni lông mỏng, xếp gọn vào tay lái hay những chỗ khác trong xe.

– Cảm biến: Là một dụng cụ dùng để phát hiện ra biến cố đụng xe và gửi một tín hiệu điện tử tới bộ phận bơm (inflator).

– Bộ phận bơm: Làm sao mà túi khí lại có thể bung ra nhanh chóng như vậy? Túi khi được thổi phồng lên là do một phản ứng hóa học. Chất hóa học trong túi khí là chất natri azit (sodium azide). Bình thường chất này rất bền, nhưng khi bị hâm nóng sẽ bị phân hóa thành hai chất natri (sodium) và nitơ (nitrogen). Khoảng 130 gram natri azit sẽ tạo ra 67 lít khí nitơ đủ để bơm phồng túi khí. Tín hiệu điện gửi từ cái cảm biến làm cháy một hợp chất ngòi nổ. Sức nóng làm chất natri azit phân hóa và khí nitơ sẽ bơm đầy túi.

Nói thì lâu nhưng tất cả sự việc trên xảy ra chỉ trong vòng ba phần nghìn của một giây. Sau đây là diễn tiến được công ty Takata, một công ty chuyên chế tạo túi khí minh họa.

1) 0.003 giây sau khi tai nạn xảy ra, cảm biến ghi nhận biến cố này, gửi một tín hiệu cho đơn vị kiểm soát điện tử

KHKT-Dai-an-toan_2

2) 0.015 giây sau, bộ kiểm soát thẩm định xem tai nạn có nghiêm trọng hay không. Tức là có cần kích hoạt túi khí hay không. Nếu cần kích hoạt túi khí thì bộ phận này gửi một tín hiệu tới bộ phận bơm.

KHKT-Dai-an-toan_3

3) 0.020 giây sau, bộ phận bơm khởi động đốt cháy ngòi nổ, gây phản ứng hóa học và túi khí bắt đầu phồng lên.

KHKT-Dai-an-toan_4

4) 0.040 giây sau, túi khí đã hoàn toàn được bơm căng. Lúc đó hành khách bắt đầu bị lao ra đằng trước và túi khí sẵn sàng ngăn cản sức mạnh của hành khách.

KHKT-Dai-an-toan_5

Mới đây, công ty Tanaka bị một vố rất nặng vì phải thu hồi tới khoảng 40 triệu túi khí trên xe của nhiều hãng khác nhau. Lý do là túi khí của Tanaka bị khuyết điểm. Khi kích hoạt có thể có những mảnh kim loại văng ra và bắn vào hành khách.

Vì túi khí hữu dụng nên các công ty xe hơi nghĩ thêm nhiều loại túi khí. Túi khí bên cạnh (side airbag) để che chở bên sườn. Túi khí màn (curtain airbag) để che chở đầu. Thí dụ xe Toyota Sienna quảng cáo là có tới tám túi khí.

Hệ thống thắng chống khóa

Ðể cho tiện, tôi gọi hệ thống thắng chống khóa là hệ thống ABS (Anti-lock braking system).

Có khi nào bạn thắng xe gấp mà nghe như có tiếng bùm bùm nhỏ và nhanh, tức là xe bạn có ABS. Hệ thống ABS là một hệ thống điều chỉnh bánh xe không cho trượt trong khi thắng. ABS giúp cho tài xế giữ được tay lái, vì khi xe bị trượt rồi thì xe muốn trôi đi đâu thì đi, không thể điều khiển được.

ABS dùng một cảm biến ở mỗi bánh xe để theo dõi vận tốc quay của bánh xe. Nếu cảm biến nhận thấy bánh xe quay chậm lại một cách bất thường thì nó gửi một tín hiệu tới bộ điều khiển của hệ thống ABS.

Bộ điều khiển sẽ làm giảm áp suất của thắng tới bánh xe (như là mình nhả thắng ra), rồi lại tăng áp suất lên (như là mình đạp thắng lại) và tiếp tục chu kỳ như vậy cho tới khi xe chậm lại hay người lái nhấc chân ra khỏi bàn thắng. Mục đích của việc này là làm cho xe chậm lại một cách tối đa mà bánh xe không bị trượt.

Có hệ thống ABS làm chu kỳ giảm và tăng này rất nhanh, tới 15 lần trong một giây. Sự rung động mà bạn cảm thấy khi thắng gấp là do sự đóng mở của van khi làm tăng hay giảm áp suất.

Các biện pháp an toàn khác

Các công ty xe hơi càng ngày càng nghiên cứu để làm sao cho hành khách trên xe cũng như bộ hành chung quanh xe an toàn hơn. Sau đây là một vài biện pháp an toàn mới.

– Ðiều chỉnh lực bám (traction control): Hệ thống điều chỉnh lực bám là một hệ thống điện tử theo dõi vòng quay của bánh xe không cho nó quay mà xe không đi. Hệ thống này hữu ích khi lái xe trên đường tuyết hay đá lạnh.

– Máy hình khi lùi xe (back up camera): Khi gài xe vào số de thì màn hình trước mặt tài xế tự động hiện ra hình ảnh phía sau xe. Hình ảnh này được truyền từ một máy hình gắn ở đằng sau xe. Hệ thống an toàn này rất hữu ích vì nhiều khi mình không nhìn thấy hết những gì ở sau xe, nhất là trẻ em nhỏ.

– Ðiều chỉnh sự cân bằng (stability control): Hệ thống điều chỉnh sự cân bằng giúp cho xe không ra khỏi đường đi theo ý muốn khi đi đường vòng.

– Báo hiệu sắp đụng xe phía trước (forward collision warning): Hệ thống này dùng máy hình, ra đa hay la de (laser) để rà soát phía trước và báo động cho tài xế biết là có vật cản hay người ngay đằng trước để kịp thời thắng xe hay lách qua một bên.

—————-
Nguồn tài liệu: https://crashstats.nhtsa.dot.gov, www.takata.com, www.consumerreports.org

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 9 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT