Thursday, March 28, 2024

Nhân viên CIA hồi tưởng sự hèn nhát của sứ quán Mỹ ngày mất Sài Gòn

BANGKOK, Thái Lan (NV) – Thời gian vẫn không xóa nhòa được nỗi phẫn nộ của ông James Parker, nhân viên CIA cuối cùng rời khỏi Việt Nam trước lúc quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn hồi năm 1975.

Theo báo Washington Times, ông Parker, 73 tuổi, nhớ lại những ngày cuối Tháng Tư năm ấy, lúc thủ đô miền Nam sắp thất thủ, hành động của một nhà ngoại giao Hoa Kỳ khi ấy đã gây nguy hiểm đến tính mạng của các nhân viên CIA và những nhà ngoại giao khác.

Ngoài khơi Đà Nẵng, dân quân miền Nam hốt hoảng di tản trên một chiếc tàu của Mỹ, trong tình trạng hỗn loạn.

Nhưng hầu hết cơn phẫn nộ của ông Parker nhắm vào những người Mỹ khác.

Ông nhớ đến “sự khiếp nhược của những người trong Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn,” đến “sự ti tiện và quá thờ ơ của họ trước cuộc chiến,” mà theo ông, thái độ của tòa đại sứ góp phần thêm vào sự thất trận nhục nhã.

“Sự bất kính hèn hạ của họ đối với những người Mỹ và Việt Nam, những người tôi được biết đã từng dũng cảm hy sinh trong chiến đấu,” ông tiếp.

Một tuần trước khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt, “kế hoạch di tản tòa lãnh sự Mỹ” ở Cần Thơ, nơi ông Parker công tác, trở nên hỗn loạn.

Ông kể rằng, ông Jim D., trưởng cơ quan CIA vùng đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định phương tiện di tản tin cậy và nhanh chóng nhất phải là bằng trực thăng. Nhưng Tổng Lãnh Sự Terry McNamara không tin vào tài lái máy bay của các phi công dày dặn kinh nghiệm của CIA mà đòi đi bằng thuyền ra Biển Đông qua chặng đường dài 60 dặm đầy nguy hiểm.

Ông Parker viết rằng quyết định đó khiến việc di tản của chính ông lẫn của các đồng nghiệp trong CIA thêm phần rủi ro. Theo ông, “Chúng tôi không được hộ tống. Nếu bị quân Bắc Việt bắt, điều hoàn toàn có thể xảy ra, ông McNamara đề nghị khi đó cứ khai rằng họ là kỹ sư của cơ quan viện trợ USAID, để khỏi bị tra khảo.”

Ông Parker kể, thế là ông tổng lãnh sự và nhân viên cùng một số người Việt xuống thuyền, “ông ấy hẳn biết rõ kế hoạch của ông sẽ bỏ lại sau lưng các nhân viên CIA, và tôi tin là ông ấy cũng chẳng màng đến.”

Ngay lúc đó, Bộ Ngoại Giao đưa ra phản lệnh và cho phép di tản bằng đường không, nhờ vậy, hai ông, Parker và Jim D., cùng những người khác dàn xếp những chuyến bay trực thăng Air America của CIA, đưa chính họ, gồm người của tòa lãnh sự, tòa đại sứ và CIA, cùng hơn 100 nhân viên CIA người bản xứ, rời khỏi Việt Nam an toàn trong 48 giờ cuối cùng.

Ông Parker sống ở Las Vegas sau 32 năm làm việc cho CIA, bắt đầu từ năm 1970. Ông từng viết nhiều sách kể lại những kinh nghiệm bản thân ở Đông Nam Á. Ông về hưu lần đầu vào năm 1992 nhưng trở lại với CIA sau vụ “9/11” năm 2001, với tính cách hợp đồng để “dạy cho những người tân tuyển” và làm việc ở Cambodia, Afghanistan cùng những nơi khác, trước khi về hưu một lần nữa vào năm 2011. (TP)

Du khách Trung Quốc phạm luật còn chống đối cảnh sát giao thông

MỚI CẬP NHẬT