Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn: Bánh canh cá lóc Quảng Trị, món ngon bình dân

Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –  Bánh canh là món ăn phổ biến tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trong cả nước, được đông đảo thực khách khắp nơi ưa chuộng, nhất là giới bình dân. Với nhiều người, bánh canh là món ăn điểm tâm hàng ngày. Thức ăn nào chế biến chung với bánh canh được gọi kèm với thứ bánh canh ấy, như: bánh canh giò heo, bánh canh tôm, bánh canh cua, bánh canh ghẹ, bánh canh cá,…

Tại Sài Gòn, các hàng quán bánh canh thường là bánh canh giò heo, bánh canh cua. Bánh canh tôm là thứ bánh canh nổi tiếng và có nhiều nhất ở xứ Huế.

Riêng tại Quảng Trị, vùng địa đầu của miền Nam tự do thuở trước, bánh canh được cư dân địa phương gọi là cháo bột hoặc cháo bánh canh; nhiều người địa phương còn gọi bánh canh là “cháo vạt giường.” Bánh canh cá lóc là đặc sản của vùng đất Quảng Trị.

Chúng tôi được thưởng thức bánh canh cá lóc Quảng Trị tại địa chỉ số 9/10 Phạm Văn Hai, phường 1, quận Tân Bình. Biển hiệu của quán bánh canh cá lóc Quảng Trị không mang tên, chỉ ghi món ăn: Bánh Canh Cá Lóc. Những thực khách quen thuộc đều biết quán bánh canh cá lóc này chính gốc Quảng Trị, chủ nhân là người làng Diên Sanh, huyện Hải Lăng, là nơi nổi tiếng với món bánh canh cá lóc đặc sắc.

Ngoài căn nhà nhỏ mang số 9/10, nơi chế biến bánh canh cá lóc và sắp đặt vài bộ bàn ghế phục vụ thực khách, quán bánh canh cá lóc Quảng Trị có khoảng vườn khá rộng đối diện quán, phía bên kia con hẻm. Trong vườn, cây khế cổ thụ cành lá tỏa rộng, trĩu trái, cội hoa giấy rực rỡ sắc màu, thực khách thưởng thức tô bánh canh cá lóc đặc sản Quảng Trị tại đây khá thú vị.

Quán bánh canh cá lóc Quảng Trị. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Tô bánh canh cá lóc trước mặt, khi ăn mới hiểu ra tại sao bánh canh Quảng Trị còn được gọi là “cháo vạt giường.” Đó là những sợi bánh canh có góc cạnh y hệt những thanh tre vạt giường. Bánh canh Quảng Trị ở đây được chế biến từ bột gạo, màu trắng đục. Tại nhiều hàng quán bánh canh khác, kể cả bánh canh Nam Phổ nổi tiếng ở Huế, bánh canh được làm từ bột lọc, sợi trong và dai. Nhiều thực khách ưa bánh canh được chế biến từ bột gạo, ăn có cảm giác bảo đảm yên lành hơn bột lọc, và dễ gắp từng miếng ăn.

Chúng tôi được biết, để chế biến bánh canh từ bột gạo, thì gạo ấy đã được ngâm thật kỹ rồi mới xay thành bột. Sau đó nhào bột càng nhuyễn bao nhiêu, xắt ra từng thanh nhỏ, hình dạng như thanh tre vạt giường, khi luộc chín những sợi bánh canh ấy càng ngon bấy nhiêu. Quán bánh canh cá lóc Quảng Trị chỉ luộc những sợi bánh canh khi có thực khách gọi.

Cá lóc trong tô bánh canh Quảng Trị khác hẳn cá lóc trong bánh canh ở những nơi khác. Khúc cá dày dặn, khi chế biến được lọc riêng phần thịt, xương, và lòng cá. Phần thịt ấy được ướp tẩm gia vị, rồi um tới chín. Cá lóc ở tô bánh canh những nơi khác thường chỉ là những lát mỏng, vị không đậm đà, ăn bị rã rời ngay, không chắc thịt như cá lóc trong bánh canh Quảng Trị.

Vị thực khách sành ăn đề nghị chúng tôi, vào ăn bánh canh cá lóc Quảng Trị, nên gọi một tô “đầu lòng,” tức đầu và lòng cá lóc. Phần đầu và lòng cá lóc này đã được luộc trong nồi nước dùng, lúc thực khách gọi mới lấy ra. Thịt ở đầu cá lóc là ngon nhất. Ruột cá lóc cũng rất ngon. Nhà thơ sành điệu về ẩm thực như Tản Đà đã từng nhận xét: ruột cá lóc là đáng kể nhất của con cá lóc, thiếu ruột cá lóc là hỏng bữa ăn cá lóc.

Ăn bánh canh cá lóc Quảng Trị, luôn luôn dùng song song cả đũa lẫn muỗng. Một tay gắp những sợi bánh canh không bị trơn trợt như sợi bánh canh làm từ bột lọc, tay kia múc những muỗng nước dùng thơm thanh nhẹ nhàng, và nồng cay của ớt xanh miền Trung.

Quán bánh canh cá lóc Quảng Trị mở cửa buổi sáng, buổi chiều, tới 10 giờ tối. Riêng buổi sáng, quán có phục vụ thêm món bún bò Huế. (Nguyễn Đạt)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Canh cà, trứng, và tàu hủ non”

MỚI CẬP NHẬT