Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn, hoài niệm qua màn mưa…

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhớ về Sài Gòn xưa, thốt nhiên lại nhớ hình ảnh ông nhà văn ngoại quốc, người đã viết cuốn “Người Mỹ trầm lặng.” Ông ngồi trên sân thượng của khách sạn Continental, nhìn xuống con đường Tự Do, mà lúc đó còn mang tên Catinat.

Tháng Năm, Tháng Sáu này, Sài Gòn chợt đổ những con mưa đầu mùa hối hả. Nước cống rãnh dâng cao, Sài Gòn chìm trong màn mưa…

Chợt tự hỏi, đâu là hình bóng của một Sài Gòn xưa? Những gương mặt xưa của người Sài Gòn?

Hay là chọn Cô Ba – Sài Gòn? Mà là cô ba nào, cô ba Trà hay cô ba biểu tượng trên xà-bông Cô Ba? Hay là tất cả những cô – thứ ba, đã sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn?

Nhớ lại một buổi chiều xưa, khi trời sau cơn mưa, chỉ còn rơi rớt lại ít hạt lất phất. Tới thăm một bác lớn tuổi, đã ngoài 80, dân Sài Gòn gốc. Được bác mời đi ăn hủ tiếu Nam Vang, dù quán hủ tiếu chỉ cách nhà một vài góc phố. Nhưng bác vẫn ngoắc một chiếc xích-lô đầu hẻm. Trên xe, nghe tôi càm ràm là quán đâu có quá xa mà phải đi xích-lô. Người đàn ông trung niên đạp xích-lô cười khùng khục, giải thích: “Chú không hiểu, bác Năm muốn tặng tôi một cuốc xe đó mà!” Lúc xuống xe, bác Năm rút một tờ bạc lớn đưa cho người chạy xe, rồi thong thả bước vô tiệm. Như đã thành thói quen, người đạp xích-lô nói một câu cám ơn, rồi chạy xe đi mà không cần thối tiền.

Chợt hiểu, người Sài Gòn sống chan hòa, tình nghĩa mà không triết lý nhiều về nghĩa tình.

Sài Gòn vẫn mưa, trời mưa không dứt. Dòng người và xe cộ ken dày trong làn mưa xám.

Chợt nghe: “Chiều nay mưa trên xứ Huế…” Mới biết, Sài Gòn không phải là xứ “trầm tư, mặc tưởng” vì Sài Gòn không phải xứ kinh kỳ, để mưa bay trên kinh đô của một hoàng triều đã trăm năm hoang lạnh. Sông Sài Gòn vốn cuồn cuộn chảy, dù ngày nay dòng sông ấy đầy rác rến, lục bình và ô nhiễm nặng. Nhưng đời sống Sài Gòn là đời sống xô bồ, hối hả và vô trật tự như thể bất chấp Cộng Sản, Sài Gòn vẫn cố… tự do.

Khác với Hà Nội và Huế, Sài Gòn vẫn chưa kịp ghi dấu, hiện diện đầy đặn trong văn chương – nghệ thuật. Dù Sài Gòn từng là thủ đô, là trung tâm văn hóa của quốc gia VNCH, nơi sinh sống của nhiều văn nghệ sĩ, nhiều tòa soạn báo, nhiều nhà in, nhà xuất bản…

Hà Nội hiện lên trong văn chương của Tự Lực Văn Đoàn, nhiều nhà văn gốc Bắc di cư đem Hà Nội đến với độc giả Sài Gòn trong nỗi nhớ. Và ghi dấu ấn trong thơ Quang Dũng: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…” Với Huế, chỉ cần một câu hát bâng quơ: “Chiều nay mưa trên xứ Huế…” là đã thấy bâng khuâng gơi lên bao nỗi niềm.

Sao không nghe ai viết, ai hát :”Chiều nay mưa trên Lăng Ông – Tân Định…”?

Một con hẻm Sài Gòn trong cơn mưa. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Nhiều nhà văn-thơ- nhạc sĩ… của Sài Gòn đã di tản, đã vượt biên. Thậm chí, những người ra đi từ thủa 10-13 tuổi. Lớn lên, cầm bút ở hải ngoại mang theo nỗi nhớ Sài Gòn nay tóc đã điểm sương. Nhưng hầu như không mấy ai viết về Sài Gòn đủ để thấy lại hình bóng của một “người xưa.” Có chăng chỉ là lời bài hát :”Sài Gòn ơi, ta đã mất người như người đã mất tên…” Phải chăng nỗi nhớ Sài Gòn, chỉ là nỗi nhớ một cái tên?

Cuộc sống mấy chục năm đã đi qua, di sản lớn nhất là tính cách của người Sài Gòn đã bị đời sống vật chất thời Cộng Sản “gặm mòn.”

Như một nhà văn – dịch giả của Sài Gòn khoe rằng thời ông còn là giáo sư triết, ông ngồi trên lớp vừa giảng bài, vừa dịch sách, vừa chửi từ quận trưởng lên tới… tổng thống, rồi chửi từ tổng thống xuống tới các… tổng trưởng. Vậy mà chẳng ai làm gì. Nhưng một bạn trẻ đã cắc cớ hỏi ông: “Sau 1975, anh thử chửi công an khu vực thôi, coi có tù rục xương không?”

Cũng vị giáo sư nọ cho hay, thời 20 tuổi, ông có đăng một lá thư gởi nhóm Sáng Tạo. Và có người đến hỏi ông: “Có phải anh học ở Sorbonne về không?” Ông đã kiêu hãnh trả lời: “Đâu cần phải học ở Sorbonne.”

Chiều mưa, nhớ tới nhà văn dịch giả là nhớ tới một quán khi mưa thường vắng ở Sài Gòn. Bên những chai bia không mồi, không đối thoại, cũng không hẳn là độc thoại. Khi lâu lâu ông bất chợt trầm ngâm: “Đ.M mày biết không…” Rồi chẳng nói chi thêm, ông xòe đôi bàn tay như bày tỏ nỗi thất vọng, hay muốn diễn đạt ý của một bài thơ, lâu lâu ông vẫn nhớ: “Buồn quá! Chiều nay xem tiểu thuyết…”

Và rồi chiều nay mưa bay trên đất Sài Gòn, lại nhớ tới một nhà thơ gốc Huế. Anh vô Sài Gòn, vì anh kể ngoài quê buồn lắm, cứ phải “ngước mắt trông vời áo tiểu thư.” Vì đất thần kinh (kinh đô) nên tôn ti trật tự đã định rồi, anh vô Sài Gòn để muốn nhìn chi thì nhìn, không phải “ngước mắt, trông vời” nữa.

Thơ anh đẹp và buỗn, nỗi buồn trác tuyệt – ẩn dụ, khi anh ví hoàng hôn và cách mạng đẹp như màu máu.

Anh ngã xuống trên đường Sương Nguyệt Anh của Sài Gòn, sau một chầu cà-phê sáng vì bị đột quỵ tim. Tuổi trẻ yêu thơ tiễn anh như tiễn một biểu tượng – thi sĩ thực thụ của Sài Gòn. Anh đã về với đồng cỏ xanh, với bao ước mộng chưa viên thành, để lại một tiếng thở dài cho những bình minh còn chưa lên.

Tôi đi bên chị trong chiều mưa lạnh, tóc và vai chị đẫm nước mưa. Đôi mắt chị thật to, thoáng buồn.Tôi hỏi, chị nói là đang nhớ Sài Gòn của những ngày xưa cũ. Rồi sợ tôi lây nỗi buồn từ chị, chị chợt cười giòn, nụ cười tươi làm sáng cả đôi mắt, làn môi dù trong làn mưa nhạt nhòa.

Sài Gòn. Chiều mưa. Tôi nhớ chị, nhớ nụ cười trong mưa, của những ngày xưa, rất xưa. (Văn Lang)

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Kết quả ban đầu cuộc bầu cử sơ bộ California”

MỚI CẬP NHẬT