Friday, March 29, 2024

Cha – ngọn nguồn muôn nẻo con đi

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Nguyễn Hương Sen

Ngày đó hai cha con phi trên chiếc 67 từ sáng sớm, với mấy trăm ngàn khăn gói cho con vào đại học, rời trường làng, xa trường tỉnh thân quen.

Ngày đó ở một góc khuôn viên chen chúc ghi danh vào chuyên ngữ, rất rành rọt cha bảo rằng, “Con hãy đi và cố tìm cơ hội ở con đường còn ít dấu chân.” Những lời nói đã thành kim chỉ nam cho cả cuộc đời con tiếp bước.

Gần 20 năm sau khi con vào đại học.

Và sau gần 15 năm con tập tành đứng thẳng trên bục giảng, gieo lại những điều cha đã nói cho lớp đàn em.

Hỏi: Tại sao em đã chọn tiếng Hàn?

Đáp: Là vì cha em đã hướng cho em điều đó.

Hỏi: Nguyên nhân nào để cô học tiếng Hàn?

Đáp: Đó là cha của cô đã khuyên.

Hỏi: Lý do, mục đích, cơ duyên, cơ hội… học ngành Hàn Quốc Học.

Đáp: Cha bảo…., cha nói…, cha… cha… cha…

Chỉ một buổi trước lúc con lại khăn gói ra đi học tiếp, cha nói cha cũng muốn học những con chữ mới từ con, cha nói cha sẽ chào và cảm ơn các giáo sư của con khi nào con tốt nghiệp. Con mở vội sách, ngồi cùng cha đánh vật những con chữ còn lạ lẫm, cha lúng túng đọc theo “Ga-Na-Đa-Ra-Ma-Ba-Sa…”

Chỉ một giờ sau lúc “cấp tốc” bảng chữ cái từ “đồng nghiệp trẻ mang chức danh Con Gái,” đôi bàn tay thô ráp chai sần của ông giáo ngày xưa lóng ngóng viết trên cái bảng đen từng con chữ hiền từ. Cái bảng ngày xưa cha thức đêm tự học từng “vỏ cá bự lại rẻ” (vocabulary) để nắn nón viết lên dạy lại khi anh và con vừa lên 10 lên 8. Cái bảng đen đã bao lần mòn mỏi tróc sơn vì chi chít những khoản tiền mẹ xoay sở cho con học phí vào đại học. Chỉ một giây khi những con chữ đập vào trong mắt, mọi thứ trong con chợt vỡ òa….

Có những con chữ xoay ngược hướng.

Có những con chữ đảo lộn đầu.

Những con chữ bập bẹ để cha đang bắt đầu một cuộc chinh phục mới ở cái tuổi lục tuần còn ham học.

Rồi một ngày, trong điện thoại con nói nhanh “Cha, cha, cha! Con gửi về cho cha hai quyển sách, có viết bằng tiếng Việt, cha đọc sẽ dễ học hơn.”

Mẹ cười nói với theo “Ngày nào cha con cũng lầm bầm chào ‘An nyeong ha sê yô’ cha con lượm đậu với lượm mè.”

Cha thì lúng túng “Gam-sa-ham-ni-ta con gái” (cảm ơn con gái) Và như sợ chợt quên, cha nhanh nhảu tiếp “còn nữa nè cô giáo nhỏ”: “Jo-nưn-Bê-tư-nam-sa-ram-im-ni-ta”; “Jo-nưn-son-seng-nim-im-ni-ta” (tôi là người Việt Nam, tôi là thầy giáo). Mọi thứ xung quanh dường như im lặng. Mọi thứ trước mặt đều như nhòe đi.

Học xong, con chọn đi tiếp ngành sư phạm nối nghiệp cha. Con chọn quay về, cha trầm ngâm. Không nỡ nói “con đi đi,” cha ngập ngừng, “Con khoan về cũng được.”

Cha vui vì con về lại đất nước mình, nhưng thấy con quần quật dù chức sắc chẳng bao nhiêu, thấy con quay quắt vì những điều bất công mà cha-không-giúp-cho-con-tránh-được. Cha giấu tiếng thở dài.

Cho đến ngày con cưới, biết con sẽ đi xa lắm, cha vẫn cương quyết bảo “con đã từng quay về, cha đã không cản để cho con nhìn thật kỹ. Giờ con đã rõ. Cánh cửa này đóng, cánh cửa khác sẽ mở. Con của cha đã đủ sức để đi chuyến xa hơn. Con đừng lo, cha sẽ bắt đầu tìm học lại tiếng Anh.”

Trong đầu con vẫn còn in rõ hình ảnh con bé nằm dài trên chiếc khăn cha lót ở sườn xe mái đầm, con loai choai nhấp nhấp tập đạp những vòng chưa trọn vẹn trên pedal chiếc xe màu lông két, cha chạy theo sau kềm-kéo và sẵn sàng lao ra làm lá chắn khi con lệch đường đi. Để cho con bay đến nhiều nơi, nói những thứ tiếng con không được học từ bụng mẹ. Để trên nhiều phố xá xứ người dập dìu xe cộ, con đã biết ôm vô-lăng xe, tự tìm lối cho mình.

Nếu ai đó hỏi “lý do, mục đích… cho những bước chân con đang bước,” câu trả lời muôn thuở vẫn là “Cha.”

2018- con gái viết tặng thầy giáo Sách. (Nguyễn Hương Sen)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT