Thursday, March 28, 2024

Chị Ba tôi, lá me non trộn muối đường

 

Tiên Nguyễn

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Tháng Năm, khi miền Tây đón những cơn mưa đầu mùa cũng là lúc bọn trẻ nhà quê được dịp thưởng thức món lá me non trộn muối đường đầy hấp dẫn, món ăn dân dã gợi lại bao kí ức về người chị thương yêu của tôi: chị Ba.

Chị Ba giờ đã 50 tuổi chẵn. Hằng ngày chị vẫn miệt mài với cái bàn máy may cũ kỹ. Ngồi nhiều nên chị hay bị đau lưng, tối tối chị kêu thằng cu tí đấm lưng cho đỡ mỏi. Tôi thương cảm nhớ lại những ngày xưa cũ, tấm lưng tròn của chị đã vất vả cõng tôi suốt cả quãng đời bé bỏng.

Những năm sau “giải phóng,” ba tôi nằm trong diện “theo dõi quản lý” của chính quyền vì cái mác “ngụy.” Ông bất mãn nên suốt ngày bù khú với thần men, phó mặc gia đình vào đôi tay gầy yếu của mẹ tôi.

Kể từ đây, mẹ lao vào cuộc mưu sinh để nuôi một ông chồng thất nghiệp và đàn con năm đứa. Khi đó, chị Ba lên 10, chị Hai thì theo mẹ buôn bán kiếm ăn. Em út nhà cửa giao hẳn cho chị Ba “quản lý”. Với một cô bé mới lên 10 mà phải gánh trách nhiệm chăm sóc ba đứa em nhỏ dại, cộng thêm một ông cha luôn say xỉn thì thật không đơn giản.

Tuổi thơ tôi gắn liền với tấm lưng vất vả đầy xót xa, chịu đựng của chị. Nhưng chưa bao giờ chị của tôi buồn giận bất kì ai. Chị hiền như khoai như lúa. Ba lâu lâu trở chứng (vì quá buồn và quá nghèo) lại lôi chị ra quất tơi tả, dù chị không có lỗi gì. Những lúc đó tôi giận ba lắm, còn chị tôi chỉ lẳng lặng gạt nước mắt lấy muối hột trộn dầu lửa xoa bóp những lằn roi, tuyệt nhiên không nữa lời oán thán.

Đêm đêm, mấy chị em nằm ôm nhau trên bộ ván gỗ, lóng tay nghe tiếng máy ghe “xỳnh xuỵt” ngoài Sông Cái mà nhớ mẹ khôn nguôi. Chị Ba xoa lưng dỗ tôi ngủ. Vắng mẹ, tôi quẩn quanh bên chị bữa rau bữa cháo. Chị hay hái lá me non trộn muối đường đãi ba đứa em. Cái món lá me non trộn muối đường đã trở thành món ăn tuyệt hảo nhất trong kí ức tuổi thơ tôi.

Thời đó, ăn cơm trộn là bình thường. Mỗi lần nấu cơm chị lại gọt mì nấu chung. Tới khi ăn thì chị gợt hết cơm vào chén cho tôi, còn chị chỉ lót bụng bằng mấy lát khoai mì. Chị Tư, chị Năm phân bì, chị nhỏ nhẹ: “Mấy cưng lớn hơn em, ăn khoai mì được, em nó còn nhỏ mà mấy cưng phân bì phân lê cái gì.” Tôi lớn dần với những bữa cơm trộn khoai, trộn chuối. Tình thương tôi dành cho chị là tuyệt đối.

Mười bảy tuổi, chị vẫn đèo đẹt vì thiếu ăn. Nhưng tóc chị dài mượt hơn và đôi mắt lấp lánh hiền từ. Mẹ tôi nghe lời người bà con gả chị về xóm trong. Chị âm thầm gạt nước mắt rời xa tôi để theo chồng xem đó là bổn phận. Tôi cảm thấy mất mát đau buồn vô hạn khi biết chị sẽ không còn ở chung nhà với mình nữa. Tôi hờn trách ba mẹ và khóc lóc với chị. Nhưng những giọt nước mắt một đứa con nít không đủ sức ngăn quyết định của ba mẹ tôi.

Nghĩ lại, cũng vì nghèo, ba mẹ muốn gả chị về nhà đó vì mong muốn chị tôi thoát khỏi cảnh nghèo hèn. Chẳng ai để ý đến sự tổn thương của đứa con nít là tôi.

Bắt đầu từ lúc đó, tôi quấn riết lấy chị. Ngoài giờ đi học về tới nhà là tôi đeo sát chị. Chị biết tôi sợ mất chị nên chị càng yêu chìu vỗ về em nhiều hơn. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc và đau đớn nhất của tuổi thơ tôi.

Trước ngày cưới, chị khóc sưng mọng hết hai mắt. Chị gọi chị Tư, chị Năm vào buồng cho hết quần áo của chị, vì bên nhà chồng may cho chị mấy bộ đồ mới. Đầu mùa mưa năm ấy, khi cây me trước sân nhà bắt đầu ra lá nõn, chị tôi theo chồng. Cả nhà ai cũng khóc vì thương và xa chị.

Cả xóm tôi đến mừng cưới. Chị tôi mặc áo dài hồng phấn, mắt sưng húp bước thấp bước cao theo đoàn người đón dâu đi trên bờ ruộng lúa… Tôi không được theo vì mẹ sợ tôi khóc lóc. Nhìn bóng chị dần xa mà lòng tôi tê tái, bần thần. Cảm giác mất mát thật đau khổ biết bao. Mãi cho đến tận bây giờ, cảm giác buồn thương, tiếc nuối chị vẫn ủ kín trong lòng tôi, lâu lâu có điều kiện lại bộc phát.

Nhiều năm sau, tôi đã viết cho chị bài thơ mà chị chưa bao giờ được đọc.

Một chiều

Chị khoác áo bước sang sông

Cho em gái ngây thơ buồn ngơ ngác

Hàng dâm bụt trước hiên nhà lác đác

Những đọt hồng chờ chị hái giả làm râu…

Em gái mong thuyền hoa trôi lâu lâu

Cho em đứng trên bờ còn thấy chị

Chị muốn nói với em những điều gì?

Sao ngày vui mắt chị mờ lệ thắm?

Có phải chăng từ trong sâu thẳm

Chị vẫn thương cái đêm hội trăng rằm

Những buổi chiều bên đồng lúa mênh mông

Chị vẫn nhớ những câu hò ngộ nghĩnh

Tía má mình cứ giả đò bình tĩnh

Cũng cười tươi đưa chị xuống thuyền hoa

Mé hiên sau tía lặng ngắm bóng chiều tà

Má thờ thẫn kéo khăn lau nước mắt

Ngày cưới chị áo bay đầy màu sắc

Nhiều hương hoa nhiều bánh kẹo, ngọc ngà

Trong lòng em thầm nhớ chị em ta

Từng kết lá giả làm vòng vương miện

“Người ấy” đến

Con chim buồn

Im tiếng

Hoa me vàng

Cũng xơ xác

Rơi nhanh….

Chỉ riêng “người ấy” có màu xanh

Còn em chị

Xa tiếng cười từ đấy

Thuyền hoa trôi

Làm sao chị thấy

Bên rặng dừa

Em gái đứng

Trông theo…

Hai năm sau, chồng mất. Chị của tôi vác bụng chửa trở về với tôi, với gia đình. Dù không nói ra nhưng tôi biết cả nhà đều mừng vui vì chị.

Giờ thì tóc chị đã nhiều sợi bạc. 26 năm chị thay chồng nuôi con và chăm sóc ba mẹ tôi. Con gái chị giờ cũng đã là nhân viên y tế. Chị lại song hành bên tôi, chia sẻ, dắt dìu như thời còn thơ bé.

Mỗi ngày sau giờ lên lớp, tôi trở về bên chị uống tợp cà phê chị pha và tỉ tê kể chuyện học trò. Nhìn đôi tay tần mần nhổ tóc bạc và nụ cười hiền hậu của chị, tôi quên hết mọi buồn phiền. Đối với tôi, vậy là đủ. (Tiên Nguyễn)
Con Yêu

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT