Friday, March 29, 2024

Có mẹ tốt là phước báu ở đời

Tina Nguyễn

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Thương tặng những người mẹ sinh toàn con gái và những ai không có ba lời chúc luôn An Nhiên và Hạnh Phúc

Ngày tôi sinh ra đời cũng là ngày tôi không có ba.

Và mẹ tôi mất đi người đàn ông của cuộc đời mẹ. Bởi vì, tính luôn cả những người chị, như những vì sao rơi, thì tôi là đứa con gái thứ năm!

Trong suốt cuộc hành trình mà tôi có mẹ, tôi may mắn có người mẹ dịu dàng và vô cùng nhân hậu, mẹ chưa bao giờ dạy tôi bằng lời nói, “Con hãy như thế này… Con gái phải sống như thế kia…” mà mẹ dạy tôi bằng cách cư xử hằng ngày của mẹ!

Xóm tôi thuở ấy có sáu căn nhà cách nhau bởi những hàng rào gỗ. Con nít hồn nhiên và thân thiện, cùng lứa tuổi của tôi chỉ có ba tên con trai và một nhỏ gái, thêm tôi nữa là năm. Tuy tụi bạn đầy đủ cha mẹ, nhưng những năm khoai độn thay cơm, ai cũng phải vì mưu sinh lăn lộn tứ bề, nên đàn con của họ lếch thếch, lôi thôi.

(Hình: Tina Nguyễn cung cấp)

Trong khi tôi như cô công chúa của riêng mẹ, vì mẹ là cô giáo dạy đan áo len, thêu tại nhà, căn nhà “không có đàn ông” nên mọi ghen tuông, gây gỗ, muộn phiền đứng ở ngoài cánh cửa. Thay vào đó là sự ấm áp, thanh nhã của một nếp nhà. Vì vậy nên mấy đứa trẻ hay thích vào cái khoảnh sân nho nhỏ trước nhà để chơi cùng tôi. Khoảnh sân ấy chẳng biết có giống cái sân ngoài đình làng trong truyện kể ở nơi xa xôi nào trên đất nước hay không, nhưng mà chúng tôi có thể chơi nhảy lò cò, banh chuyền, đá banh, kéo co, búng thun và nấu cơm chơi đồ hàng tất tần tật. Bên cạnh tường trái có sàn nước nhỏ dùng để rửa chân trước khi vô nhà.

Sau khi nô đùa, mẹ tôi thường rửa tay chân cho từng đứa. Đôi khi mẹ đem con bé quần áo luộm thuộm, người đầy cáu ghét, là nhỏ bạn tôi, ra tắm, rồi thay cho bộ đầm của tôi. Nhỏ sung sướng lắm, cứ luôn hỏi: “Cô cho con luôn hả cô?” Mẹ tôi cười hiền: “Áo đầm của bạn Na, tặng cho bé Mén đó.”

Các bạn tôi khi về luôn được mẹ tôi cho quà, khi bánh, khi kẹo… Cư xử của mẹ tôi với những đứa trẻ ấy chính là những bài học dạy cho tôi sự chia sẻ chân thành về tình bạn.

Tôi nghe nói nửa đêm người phụ nữ làm mẹ đơn thân thường hay ôm con buồn khóc cho thân phận. Nhưng trong nhiều nửa đêm về sáng, tôi chỉ bắt gặp đôi mắt của mẹ tôi, đẹp và rạng rỡ niềm hạnh phúc khi ngắm nhìn tôi. Phải chăng chính điều này giúp cho suốt tháng năm tuổi thơ của tôi không gặp những cơn mộng dữ?

Ở đời, ai làm người mà không sai, nhất là khi còn thơ bé, lúc thì chạy nhảy rách áo rách quần, khi thì thành tích học hành đứng lưng lửng chỉ vì vui chơi… kể sao cho hết. Nhưng giữa những bề bộn mà đa phần ăn đòn hay bị mắng, thì mẹ tôi cứ từ tốn, nhẹ nhàng. Mẹ nói: “Na không thích ăn trứng mà hôm nay Na tặng mẹ trứng là sao nhỉ?” (tôi từ bé vốn ghét ăn trứng luộc). Phải chăng vì vậy mà sau này tôi không bao giờ căng thẳng trong chuyện học hay thi cử của các con? Tôi nghiệm ra rằng, nếu tuổi thơ của bạn không bao giờ nghe tiếng la hét, giận dữ, oán than, buồn phiền thì chắc chắn đó là niềm hạnh phúc luôn theo bạn cho đến cuối đời.

Rồi có một ngày người đàn ông ấy, người đàn ông đã xa và xưa cũ, từng là phi công ưu tú, sao lấp lánh cầu vai của một phi đoàn lẫy lừng chiến trận, người đã buông nghĩa phu thê, chối bỏ bổn phận phụ tử, từ Mỹ trở về moi tìm dĩ vãng, muốn đem cái đứa trẻ ngày xưa vừa sinh ra đời, vì là con gái, nên ông đã dập gót quay lưng, nay đã thành cô thiếu nữ yêu kiều, da trắng, tóc dài, giống ông như… hai giọt lệ , để ông bảo lãnh đem qua Mỹ (nhưng chỉ một mình tôi).

Mẹ vui mừng và muốn tôi có ba, có tương lai tươi sáng. Nhưng tôi từ chối.

Sau này tôi hỏi mẹ: “Sao mẹ không bao giờ nghĩ cho mẹ?” Mẹ tôi trả lời: “Trên đời, với mẹ, không có hai từ phản bội mà chỉ có thương và hết thương! Cho nên đừng bao giờ lấy hoàn cảnh, hay nước mắt của mình để cầu xin sự thương hại. Và một khi con thương yêu là do chính con chọn lựa thì con phải mong người ấy hạnh phúc và bình yên!” Đó là bài học về tình yêu mẹ dạy tôi từ chính con tim chỉ chứa đựng yêu thương của mẹ.

Có những khi bão tố bay ngang qua đời tôi, nhớ mẹ, giữa khuya tôi tuột về cuối chân giường và khóc nức nở như một đứa trẻ lên năm của ngày xưa. Tôi nhớ lời mẹ khuyên: “Con gái cưng, con hãy nhẹ nhàng ngay cả khi có những lời không tốt dành cho con. Đó cũng là cách con muốn người khác tốt với con hơn.”

Mẹ ơi, giờ mẹ ở nơi xa ấy, ngồi trên những vầng mây, sẽ mỉm cười dõi theo con gái của mẹ, cô công chúa bé bỏng của mẹ. Con luôn nhớ lời mẹ dạy: “Khi tâm của con không nuôi giữ sự oán hận, ganh ghét, con luôn nhịn nhường và kiềm được sự nóng giận rồi cho tan theo gió! An Nhiên chính là hạnh phúc hoàn hảo nhất mà con có. Nước mắt nếu có rơi , hãy rơi khi trái tim của con rung động, xót thương cho một ai đó.”

Không cần phải có một người Mẹ Vĩ Đại, mà chỉ cần được sinh ra từ một người mẹ tốt thì đó chính là phước báu của đời làm người!

Mẹ ơi! Na nhớ mẹ.

19/4/2018 (Tina Nguyễn)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giải quyết vấn đề của các em bằng sự đồng thuận”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT