Friday, April 19, 2024

Bộ đồ dầu của ba

Nguyễn Mai

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Một buổi sáng như mọi khi, cứ ba bốn ngày thì con bé 17 tuổi lại ôm thau đồ đầy nghệu của cả gia đình sáu người ra giếng giặt. Đó là nhiệm vụ thường xuyên và cũng không phải là duy nhất của nó, vì ngoài giặt đồ nó còn phải gánh nước, dọn nhà, phụ nấu cơm, chăm em và cả phụ bán chuối nướng vào buổi tối với mẹ nữa. Nhưng ngày nào giặt đồ thì cực hơn cả, vì gánh nước nhiều hơn, vì cái giếng nước nhà nó là giếng nước mặn và phèn, chỉ có thể xả hai lần vào lúc giặt xong xà phòng thôi, sau là phải gánh nước ngọt về xả tiếp kẻo lại mục và bạc màu hết quần áo.

Rồi trong đống quần áo ấy vất vả hơn cả là bộ đồ dầu của ba nó. Gọi là bộ đồ dầu vì nó dính đầy dầu nhớt đen kịt, nhớp nhúa và cứng ngắt từ chỗ làm sửa xe của ba. Con bé thường mất nhiều thời gian và sức lực để chà cho kỳ hết những vết đen đó mà chưa một lần được toại nguyện. Mỗi lần như thế, mồ hôi túa ra nhễ nhại, còn tay chân thì mỏi nhừ, nhưng mà nó vui, vui là vì cứ giặt xong bộ đồ dầu là nó được ba thưởng cho tiền.

Tiền thưởng là những tờ tiền lẻ dôi ra mỗi khi ba thu được tiền sửa xe của khách ở xa về. Hồi ấy mỗi khi thưởng cũng được mười mấy nghìn lận, nếu mà để mua gạo thì cũng được khoảng ba, bốn ký. Nói là khách ở xa là vì thời đó trong vùng có mình ba là thợ sửa xe hơi, lại có tiếng là sửa rất kỹ và giỏi, trong huyện thì đếm mãi trên đầu ngón tay được hai chiếc xe hơi xịn, một là của ông chủ kinh doanh vật liệu xây dựng, hai là của ông chủ có nguyên cửa hàng buôn bán đồ nhôm, sắt, thép là khách của ba nó. Còn vài chiếc xe khách, xe toyota, xe đa-su họ vào hợp tác xã thì Ba nó không ưa, vì sửa xong họ kêu nhậu là xong, đã không có lương còn bị mẹ nó cằn nhằn. Ngoài ra chỉ thấy xe đạp, khá hơn thì được vài nhà có chiếc xe Honda cánh én đèn tròn, lúc ấy cả quan chức cũng còn chưa có xe hơi, cả huyện có mỗi hai chiếc xe ấy đến bao giờ mới hư cho ba nó sửa?

Vì thế ba nó toàn đi tận Nha Trang hoặc Sài Gòn để sửa xe. Nó đã nhiều phen hỉnh mũi tự hào vì thỉnh thoảng có một chiếc xe thật đẹp, thật sang chạy thẳng vào nhà để mời ba nó leo lên chiếc xe bóng loáng kia để đến tận Sài Gòn – một nơi nó nghe kể rất xa hoa mà nó chưa lần nào đến, rồi khi về ba nó có nhiều tiền hơn, chị em nó có quà và nó được thưởng tiền giặt bộ đồ dầu. Thực ra, với tuổi ấy nó hiểu rằng ba muốn cho nó có ít tiền chi tiêu riêng cho đứa con gái 17 tuổi và biết phụ giúp mẹ lo lắng nhiều việc, nhưng ba nó cứ bảo là: tiền thưởng giặt đồ dầu cực khổ nè con. Thế là ký ức về bộ đồ dầu cứ theo nó mãi.

Rồi buổi sáng đó, nó cũng ngồi cặm cụi giặt thau đồ có bộ đồ dầu, tuy nhiên lần này ba nó không đi làm xa. Chiều qua ba vẫn còn làm món cà chua xào cho mấy chị em nó ăn, có điều là ăn cơm tối xong ba nó đi vô nhà bạn trong huyện mà đêm không về, khiến nó cả đêm chập chờn không ngủ yên được. Trước đây ba dạy nó là trước khi đi ngủ phải kiểm tra coi ba đứa em đã chui vô mùng chưa, thiếu đứa nào là phải đi kiếm cho bằng được. Điều đó tạo thành thói quen và khiến nó bồn chồn vì biết ba nó không đi xa mà đêm lại không có ở nhà!

Vừa giặt đồ vừa ngẫm nghĩ thì nó thấy có hai người đàn ông mặc sắc phục chạy vào sân nhà nó hỏi: Đây có phải nhà ông Thị không? Nghe có người hỏi tên ba mình thì nó vụt đứng dậy chạy vô nhà. Mẹ nó cũng vừa từ sau nhà đi ra khi nghe tiếng xe. Một trong hai người kia nói: Chị ra nhận chồng chị kìa, ổng bị tai nạn đêm qua mà giờ tui mới kiếm được nhà.

Con bé chỉ kịp nghe được tiếng hét thất thanh của mẹ nó, rồi thôi.

Kể từ ngày đó, nó không còn phải giặt bất kỳ bộ đồ dầu nào nữa!

Đó là một buổi sáng của những ngày đầu năm 1996. (Nguyễn Mai)

MỚI CẬP NHẬT