Thursday, March 28, 2024

Không quay được chút gì

Trương Bảo Châu

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Nhiều bữa ngồi trong một góc nhà nhìn ông ba gầy gò đi lại, tôi cứ muốn rút iPad ra quay hay chí ít cũng thu âm lại giọng nói của ba để dành, mai mốt chia ly rồi mình tìm đâu cho thấy, nhưng suy nghĩ bao lần rồi tôi vẫn cứ ngồi im. Làm cái việc khiến ba “hiểu cho chắc luôn” mình sắp lìa xa cõi đời, tôi nghĩ mình cắt đứt ruột ba mà cũng cắt đứt ruột mình, nên hai mươi hai tháng trôi qua kể từ lúc số phận tuyên án ông ba mắc bệnh, tôi vẫn không thể quay hay thu lại bất cứ phút giây nào…

Khi ba mất đi tôi khóc đêm ngày, nước mắt rỉ rả đong được vô chai, buổi nào không phải đi làm tôi chỉ có một việc là đau đớn. Lên chỗ làm lúc rảnh rỗi khóc ở tầng trống, trong hội trường hay cầu thang bộ gì đó. Tôi nhận ra mình khóc bù cho hai năm mình phải luôn kiên định, phải tỉnh táo từng ngày. Gia đình đông chăm một người bệnh nặng đã là khó, là con duy nhứt trong nhà lúc nghe tin sét đánh cuộc sống của tôi giờ đây rất bận rộn, chuyện chồng con, đi làm và phải tìm đủ cách để cứu một con người. Một người quá quan trọng với niềm vui hay hy vọng của tôi.

Với nền y tế Việt Nam, việc cứu ai đó lại tùy thuộc nhiều vào sức mạnh của người thân. Nếu tôi sáng suốt thì con đường đi có tí lạc quan, mà nếu tôi sai lầm thì cuộc chia tay sẽ ập tới nhanh hơn mong muốn rất nhiều. Ước muốn cứu cha nhiều lúc muốn đốt cháy cả tế bào mình. Ai mà kêu thôi chấp nhận đi là tôi “thù” ghê gớm. Ngày nào tôi cũng tìm tài liệu, nghĩ cách hay cầu xin ơn trên và những người có thể giúp. Phải nói là không có thời gian để khóc trước mặt ba.

Mà ba tôi lạ thay lại luôn tin bệnh mình sẽ khỏi, ông ấy nói Cuộc sống kỳ diệu lắm Bé, mình sống tới đâu mình vui với tin tới đó chứ mình buồn coi như mình chết trước rồi, nếu mà ba có sao thì ba bay vút lên một cái là tan hết. Tôi dù yếu mềm ở đâu cũng không làm cho một con người yêu đời như vậy ý thức về bất hạnh của họ. Làm như vậy tàn nhẫn lắm nên cứ gặp mặt ba là tôi mang gương mặt của một ngày bình thường giống như ngày hôm qua, không lo sợ về ngày phía trước.

Nhưng cuộc chiến đấu nào mà không cam go, có ngày thầy thuốc này nói bó tay, thầy thuốc kia nói đành chịu, có bệnh viện từ chối vô hóa chất, rồi cả khoa cấp cứu từ chối vì nan y mà cấp cứu cái gì, nhiều lúc tôi không biết mình đúng hay sai khi phải làm thay nhiều việc bác sĩ phải làm, phải quyết định cả cách chữa trị, “nếu mày sai mai mốt mày có cả nửa cuộc đời để hối hận Châu đẹp ơi”… Tôi chỉ biết khóc ở dưới sân bệnh viện, nhìn trời than trời ơi trời bỏ rơi con rồi, rồi tôi lại tìm cách khác…

Một người quá quan trọng với niềm vui hay hy vọng của mình là một người có thể giúp bạn bước vào một cuộc đời khác so với hoàn cảnh. Cha mẹ đều làm giáo viên từ trước 1975 “sót’ lại qua thời bao cấp, tôi lớn lên ở thôn quê quanh năm trong vườn trồng chuối với dừa, nghèo lắm chẳng đủ ăn đủ mặc. Nhưng bằng niềm tin nào đó, cha mẹ dạy tôi học, cho tôi thi thố, ai thi cấp huyện thì tôi “chơi” luôn tới cấp tỉnh, ai thi cấp tỉnh tôi vươn tới cấp quốc gia, bốn lần thi quốc gia ba lần đoạt giải (kể ra để tỏ lòng biết ơn cha mẹ xin đừng nghĩ Châu khoe khoang nhen).

Ông ấy nhịn ăn cho tôi đọc sách, học tới cấp nào ở đâu cũng sẵn lòng dắt tôi đi, nhưng nhớ mãi là ông ba dặn phải sống vui, cười nhiều, đến những thành phố lớn ngoài đường đông người cách mấy thì cũng có chỗ cho con. Ông ấy quan trọng vì đã truyền cho tôi niềm vui sống từ trong tim mà không phải ai cũng có. Và tôi vui vẻ tiến về Sài Gòn, lo lập nghiệp, cưới chồng sinh con, ít thời gian quay về, và chưa lần nào nghĩ ra chuyện sẽ dùng máy ảnh hay iPad iPhone quay lại khung cảnh êm đềm của gia đình đủ cha đủ mẹ để mai sau mình xem lại những ngày có ba trong hạnh phúc.

Năm 20, 30 tuổi chúng ta thường sống chủ quan. Tưởng như cả vũ trụ bao gồm cha mẹ sẽ mãi quay xung quanh mình. Nhưng không phải vậy. Những vì sao rồi cũng tắt. Và khi chúng lịm dần chúng ta sẽ đau khổ vì đã quên quay lại lúc chúng sáng lung linh. Lúc ba chúng ta còn mập mạp, hồng hào, ba cười to, nói to, hắt xì cũng to, và ba đã đủ sức chở che mình như thế, chúng ta chỉ lo cho tuổi trẻ của mình, đến khi ba chỉ còn thân gầy, nếu mình cầm máy ghi lại hình ảnh của ba sao lòng cứ vang lên hai tiếng bất nhẫn, nên tôi đã ngồi im.

Và vì thế trong suốt phần đời còn lại tôi không còn được nghe giọng nói của ba mình, hỏi có tiếc không, tiếc nhiều lắm, dẫu an ủi mình vẫn còn tiếng nói đó trong tim. Vì bao tiếc nuối mà tôi đã khóc rất nhiều, tôi khóc nhiều đến nỗi ba tôi về trong mơ hằng đêm, hàng tháng liền. Ai cũng ngạc nhiên vì sao tôi vẫn được gặp ba sau khi ba mất như cuộc đời mới vẫn cứ tiếp diễn, nhưng tôi hiểu là ba muốn an ủi tôi cho tới lúc nguôi ngoai dần, mình tự tha thứ dần cho mình, cho tới khi tôi cười trở lại thì ông ấy cũng lặng lẽ đi xa…

Câu chuyện của tôi có chút u buồn, nhưng xin kể ra nỗi lòng để các bạn trẻ còn may mắn có thêm kinh nghiệm, chúng ta hãy quay những thước phim khi cuộc đời ta vui vầy, nhưng quan trọng hơn cả, là ta hãy sống bên gia đình một cách ân tình, vì gia đình chính là duyên phận biết có lặp lại ở kiếp sau không…. (Trương Bảo Châu)

Sài Gòn 21-4 -2018
Con Yêu

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT