Thursday, March 28, 2024

Nén nhang tâm tưởng gởi tới Má chồng

 

Hậu Phạm

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Thiệt tình là tiếng Má lâu lắm rồi tôi không gọi, nhắc tới tự nhiên nước mắt trào ra, bởi Má ruột tôi thì khuất bóng đã lâu, mà Má chồng thì cũng gần chục năm rồi. Buồn nữa là tiếng Má hình như cứ vắng dần, vắng dần ở xung quanh. Mà chính tui, hồi sinh con, cũng bắt chước kêu Mẹ, rồi con quen mất, giờ tiếc!

***

Tôi thực sự không tiếp xúc nhiều với bà trước ngày cưới, ngoài ba lần gặp mặt bà với những lời hỏi thăm.

Là dâu út trong gia đình 7 anh chị em, ngay sau ngày cưới, chúng tôi sống riêng, kể cả ba ngày làm dâu cũng không có nốt. Lúc đó, tôi đã cảm nhận được sự dễ chịu của bà. Cuối tuần thì ghé thăm bà trong căn nhà gần như lúc nào cũng có người quanh quẩn với hai ông bà, dù tất cả các anh chị chồng đều sống riêng, người đủ ăn đủ mặc, người cũng còn chật vật và cần nhận sự diếm dành của bà.

Tôi chưa làm gì cho bà cả, chưa phải chăm sóc, nấu cho bà một bữa cơm, có lắm thì chỉ là hâm đồ ăn bà đã nấu để ăn thôi. Công việc duy nhất đáng kể tôi làm là rửa chén khi ăn cơm và làm chân sai vặt mỗi dịp giỗ chạp. Và chút trách nhiệm hơn là để chồng tự do với những khoản phụng dưỡng thường kì hay đóng góp cho gia đình những khi có việc. Cuối tuần thong thả thì ghé mua cái gì cho Má ăn, chút trái cây. Thỉnh thoảng có đi đâu xa thì tôi mua cái áo, cái khăn. Giờ ngồi nhớ lại thì hình như số lần như vậy cũng chưa đầy hai bàn tay. Cần nhất là ăn với bà bữa cơm mà lúc nào bà cũng nấu dư vì sợ có đứa nào ghé. Có lúc ghé về thì bà đi vắng, và tám trên mười lần là đi chùa. Bà ăn uống qua loa, chủ yếu ăn chay trường.

Cảm giác dễ chịu mà bà mang lại cho tôi và những người dâu rể khác có lẽ rõ rệt nhất là những ngày giỗ chạp. Nhớ lần đầu tiên về sửa soạn đám giỗ, vừa bước vô nhà, vừa chào bà xong, bà bảo: “thưa chị ba chị hai bây kìa.” Mà thực ra, bà thì thầm, rón rén như sợ mấy chỉ biết là bà nhắc tôi. Thì ra, bà chẳng cần tôi chào mà bà cần tôi chào mấy chị, mà chị cũng chỉ là dâu như tôi, là một nhân viên phục vụ khách sạn. Tôi hiểu ra: bà sợ tôi có học nhất trong nhà, lỡ tỏ ý kinh khi với mấy chị thì mắc tội nhiều, mâu thuẫn lớn lắm.

Du khách Trung Quốc mặc áo hình “lưỡi bò” đến Cam Ranh

Má có người em gái ở nước ngoài, năm về ở mấy tháng, bà cũng chỉ mong tôi và mọi người khác quan tâm dì, chỉ sợ dì phật lòng, vậy đó. Rồi tôi dần hiểu thêm, với bà, sao cũng được, cái gì cũng xong, cũng đơn giản hết, cái quan trọng nhất mà bà sợ đó là nhà con đông, anh em dâu rể khó nghe nhau, rồi xào xáo. Những món quà tôi mua, có lẽ bà cũng không cần, mà là bà chỉ mong tôi có quà cho mấy anh mấy chị kia. Bà nhịn được, vì bà là bà, nhưng người khác thì bà không biết được, kiểu vậy.

Nhà hay có giỗ, mấy năm đầu khi tôi mới về, cứ thấy bà tất tả đi chợ. Bà lo lắm, cả đêm trước giỗ nghe nói thức ngủ không được, rồi tới sáng con cái về thì lại lo nhắc nhở đứa này làm này, đứa kia làm nọ, coi thử đủ món chưa, còn thiếu cái gì. Mà thiếu là bà tất tả ra chợ ngay rồi về thở hổn hển không ra hơi. Tới lúc ăn, thì bà không hề ngồi, cứ coi coi ngó ngó coi còn món gì chưa đem lên, hết đồ bà cũng tự tay múc bưng lên.

Bà dễ lắm, chỉ khó một chuyện thôi. Đó là lúc nào cũng muốn con cái quanh quẩn ở bên. Ba Mươi cúng rước ông bà về ăn Tết phải ráng về cho đủ, bà nhắc trước đó mấy ngày. Tới sát giờ thì biểu ai đó nhắc điện thoại kêu một lượt. Sáng Mồng Một mừng tuổi thắp cho ông bà nén nhang mời bát cơm đầu năm cũng về cho đủ nghen. Rồi Mùng Hai thì đồ ăn làm đầy hết bây về ăn chớ ai ăn. Rồi Mùng Ba, cúng đưa ông bà năm sau mới về, ráng về cho đủ để đưa hen. Đám giỗ sáng rồi thì chiều cũng phải ghé, tụi bây ăn chớ ai ăn giờ. Cứ vậy đó, mình khó chịu lắm. Trời ơi, công ăn chuyện làm vất vả chưa ra ngô khoai, con thì nhỏ, rảnh đâu ghé hoài, ăn hoài. Nhưng rồi cứ thấy bà ngồi nhìn sấp con ăn, đi lấy cái này cái nọ, bắt đầu thấy thương, lòng cũng nguôi dần sự bực bội!

Sau này, bà yếu hơn, giỗ không đi chợ nữa mà giao cho mấy chị, vậy mà Má nào có đỡ tất tả. Trước Tết thì bà xử gói, nấu bánh chưng, làm bánh in, bánh thuẫn, dưa món, để cúng ông bà và để cho mấy đứa con mỗi nhà mỗi ít.

Nhớ nhất lần Má tôi mất ngay sau khi tôi vừa sanh con xong, cả gia đình tôi trong cơn bấn loạn tang thương, và tràn ngập trong đau khổ, vừa lo cho tôi bị hậu sản, tìm mọi cách dấu diếm mà rồi cũng không xong. Bà cũng trong cái guồng dấu diếm đó, mà bà là người dễ lộ nhất, còn hơn cả người trong nhà tôi. Bà tất ta tất tưởi nấu cơm đem lên bệnh viện cho tôi, mỗi lần vậy là thở hổn ha hổn hển như đứt hơi, mà cứ nói “Má không sao” rồi lung ta lung túng vì ráng chặn lại giọt nước mắt sắp chực rơi.

Một lần bà nghe ai rủ rê đi coi bói, ông thầy bói nói: bà sau này mất, không có đứa con nào ở bên. Tất cả anh chị em, ngoại trừ chúng tôi tạm thời lúc đó đang sống xa cách hơn ngàn cây số, đều sống trong một thành phố, nhỏ chưa bằng một quận của Sài Gòn, ngày nào cũng có đứa tạt về nhà, nghe kể lại đều nói: “Trời, cha thầy bói nói kỳ cục, tin làm gì.”

Sau đó, bà kêu tất cả chúng tôi lại, biểu là muốn tất cả ký đồng ý chuyển quyền sở hữu nhà đất cho ông anh thứ ba, cũng đã có nhà cửa, anh sẽ đảm nhận nhiệm vụ thờ cúng sau này. Tất cả chúng tôi đều làm ngay, cũng không nói qua lại tiếng nào. Nhà dù nhỏ, nhưng nhà mặt tiền, cho thuê cũng có tiền nhưng có lẽ, bà đã khiến chúng tôi nghĩ tiền bạc như một lẽ nhỏ nhoi lắm trong gia đình, sự êm ấm thuận hòa mới là điều quan trọng nhất. Rồi bà kêu mấy nhà có con gái tới, phát cho mỗi nhà một đứa con gái là một chỉ vàng. Thì ra tiền mấy ông con trai dành cho ăn quà, bà cắc củm để dành như vậy đây. Trước khi mất, cha chồng cũng cho mấy đứa cháu trai mỗi đứa một chỉ làm vốn. Hai ông bà, ai cũng học chưa hết lớp ba, chuyện để dành tiền thì cũng thường nhưng mà phân công trai gái vậy, thiệt là hay!

Một ngày, chúng tôi ở Hà Nội, thức dậy với cuộc gọi lúc 6 giờ kém 5… Má đã ra đi trước khi chúng tôi nhận được điện thoại vài phút tại bệnh viện, với hai vợ chồng người chị con cậu ở bên.

Sáng đó, bà thức dậy đi bộ ra biển cách đó chưa được 10 phút như mọi ngày. Bà thường hẹn hai anh chị con cậu gặp nhau dưới biển khi họ đi xe máy xuống dưới vì nhà xa hơn, rồi dựng xe đi bộ cùng bà. Hôm đó, hai anh chị vừa xuống tới thì thấy bà thở không ra hơi, ngớp ngớp. Anh lật đật lấy xe đưa Má vô ngay bệnh viện thì chỉ 5 phút sau, lúc 6 giờ kém, bà đã qua đời, không một lời trăn trối, và cũng không được thấy đứa con nào ở bên.

Mọi người nói: Thôi, má ra đi vậy không đau đớn, nhanh vậy là thanh thản rồi, là sướng cho má. Lời thầy bói năm nào, không lẽ lại ứng nhiệm nhường vậy! Nhưng tôi nghĩ, người ngày nào cũng mong nhìn thấy mọi đứa con ở bên, không muốn đứa nào đi xa, giờ phút đó, chắc đã để cho bà may mắn để không biết là mình qua đời, để không một phút chờ mong ai trong đau đớn. Trời không nỡ để má kịp cảm nhận gì cả.

Nếu nói đến những đặc ân mà tôi được hưởng trên cõi đời, có lẽ đó là đặc ân đã có một bà má chồng quá đỗi hiền lành, tốt bụng, nhường nhịn, không xét nét.

Một nén nhang tâm tưởng xin gởi tới Má. Má ở trên cao xanh kia, hãy vui nhìn đàn con nhường nhịn, yêu thương vì học theo lẽ của Má dù không một lời dạy, Má nha. (Hậu Phạm)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, 14 tháng 5 năm 2018

MỚI CẬP NHẬT