Thursday, April 25, 2024

Người con chí hiếu, người cha chí tình

 

Thanh Thảo

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Ba tôi sống côi cút từ nhỏ với ông bà, chú thím vì mẹ qua đời sớm, cha bỏ đi tu. Ông tôi đi tu khi ba tôi được vài tuổi sau khi bà nội qua đời. Chuyện của người lớn vì sao như vậy tôi không rõ, chỉ biết ba tôi có tuổi thơ rất cơ cực và ba đã phấn đấu rất nhiều để học hành thành thầy giáo làng dạy trẻ tại quê rồi thành người bước vào ngành luật và mở văn phòng luật tại Đà Nẵng, xây nhà biệt thự trong khu tướng tá ngày xưa. Vì ông nội tôi đi tu tại miền Nam (Cai Lậy), gia đình tôi thì sống ở quê nhà miền Trung (Đà Nẵng) nên thỉnh thoảng khi ông đi hành đạo đây đó ngang qua Đà Nẵng, cha con mới có dịp gặp nhau.

Sau biến cố 1975, gia đình tôi chạy vào miền Nam, sống ở Sài Gòn nhưng điều kiện sống không còn như xưa nữa. Tuy vậy, ba tôi luôn tìm dịp để đi từ Saigon xuống Cai Lậy thăm ông nội của tôi.

Tôi nhớ khoảng chừng năm lớp 5 hay lớp 6 gì đó, lần đầu tiên sau vài năm của biến cố 75, tôi mới được cùng đi với ba về Cai Lậy thăm ông nội. Lý do đơn giản là vì kinh tế khó khăn quá, tiền đi xe không có, quà cáp cũng không nhiều, nên khi về thăm ông nội, ba chỉ dẫn theo được một đứa con cùng đi xe đò xuống đó.

Tôi còn nhớ như in khi còn nhỏ ở tại Đà Nẵng, mỗi lần trong quê có giỗ đám gì đó, ba tôi dẫn cả nhà về, “xênh xang áo mão”, quà cáp rủng rỉnh, có tài xế riêng. Giờ thì đi lại khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ khi ba tôi về quê thăm ông nội và dự đám giỗ.

Từ bến xe Miền Tây xuống Cai Lậy thế nào, đến nơi đám giỗ ra sao… tôi đều quên hết chi tiết, chỉ nhớ một điều là mọi thứ đều rất khác với cái cảm giác về quê đám giỗ ngày xưa: mọi thứ đều nhọc nhằn, thiếu thốn, đơn giản và buồn bã… nhưng ba tôi luôn vui vẻ, ân cần, trấn an ông nội để ông yên tâm về cuộc sống của gia đình tôi tại Sài Gòn.

Tuy vậy, có một kỷ niệm mà tôi nhớ rất rõ đến tận bây giờ. Sau đám giỗ, ba tôi xin phép ông để về lại Sài Gòn cho kịp xe. Ông nội chẳng có gì để làm quà cho các cháu ở Sài Gòn ngoài vài trái cam, vài trái chuối và vài cái bánh ú. Ba tôi nhận, cám ơn, rồi bỏ chúng vào một cái giỏ lác nho nhỏ. Hai cha con tôi lên xe đò về lại bến xe Miền Tây, từ xe đò bước xuống thì chuẩn bị lên một chiếc xe bus để về nhà ở Phú Nhuận.

“Ba tôi, người con chí hiếu, người cha chí tình.” (Hình: Thanh Thảo cung cấp)

Đang khi tôi và ba tôi đứng chờ xe bus, bất chợt tôi thấy ông bước đến chỗ cô bán tủ thuốc lá nhỏ nhỏ gần đó, móc hết cam, chuối, bánh ú ra để trên đầu tủ thuốc và nói, “Cô lấy dùm ít bánh trái này để ăn và cho tôi ít tiền để hai cha con về xe.” Cô bán thuốc hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng nhìn thấy dáng vẻ lịch sự, đạo đức của ba tôi, cô chắc hiểu ra nên cúi xuống kệ tủ lấy đưa cho ba tôi ít tiền. Ba tôi quay lại và hai cha con tôi bước lên chiếc xe bus vừa tới. Ông chẳng nói gì hay giải thích gì với tôi, chỉ thấy gương mặt ông buồn buồn, hơi lúng túng một chút.

Là một cô bé chừng 11, 12 tuổi lúc đó, đứng nép vào lòng cha khi ông đứng vịn tay nơi chắn song xe bus, chập chùng chao đảo tới lui theo nhịp thắng của xe, lòng tôi cũng chao đảo và rớt nước mắt thương ba khi nghĩ đến hình ảnh của một ông luật sư phong độ ngày xưa với một người cha nghèo nhưng chí hiếu với ông nội và chí tình với đứa con gái vì muốn cho nó được theo cha về quê đám giỗ.

Sau sự việc đó, tôi trở thành một đứa trẻ thích suy tư, nhìn người lớn, đoán tâm trạng của họ và luôn thương cảm, biết ơn nỗi khổ và công khó của cha mẹ mình đã phải chịu đựng với những thăng trầm của cuộc sống để nuôi dạy tôi.

Ngày nay, tôi hiếm khi đi xe bus, nhưng thỉnh thoảng cũng đi vì một lý do nào đó. Những lúc như vậy, nhìn dòng người leo lên leo xuống xe với những giỏ xách trên tay, tôi luôn nhớ lại hình ảnh của ba tôi dẫn tôi về quê thăm nội, nụ cười của ba cố trấn an nội, nét buồn của ba khi bán đi mớ quà nhỏ của nội cho các cháu ở Sài Gòn, nước mắt tôi lại chợt muốn rớt.

Ngày nay, nội tôi đã qua đời, ba tôi đã ngoài 80, ông luôn thể hiện đức hiếu thuận với những người trên kẻ cả còn lại trong gia tộc, luôn ân cần thương yêu con cháu. Tôi cám ơn Thượng Đế đã cho tôi có được một người cha tốt như vậy. Ông luôn là tấm gương cho tôi về hình ảnh một người con chí hiếu và một người cha chí tình, điều mà tôi luôn cố gắng noi theo trong vai trò làm con, làm mẹ của mình. (Thanh Thảo)

MỚI CẬP NHẬT