Thursday, April 25, 2024

Tình thương của mẹ – tôi biết tìm ở đâu?

Lucia

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Những ngày qua, lúc rảnh tôi lướt facebook để vào đọc các bài dự thi và không dự thi viết về ‘Đấng Sinh Thành” mà các anh chị trong diễn đàn Kết Nối Việt chia sẻ. Tôi thấy trong ấy là bầu trời thương yêu mà các tác giả dành cho cha mẹ của mình, cũng như nghĩa rộng tình sâu mà các đấng sinh thành đã hy sinh vì con. Các anh chị dù sao cũng được sống trong vòng tay thương yêu và che chở của cha mẹ, trong khi điều đó thật sự là quá xa vời với tôi.

Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu để mở đầu cho câu chuyện của mình. Gần 10 năm về trước, tôi cũng đã viết về mẹ và sau khi đăng trên blog cá nhân, tôi nhận không ít “gạch đá,” bởi trong cách nhìn của họ làm gì có cha mẹ như vậy, tôi là người con bất hiếu vì đã dám “nói xấu” mẹ mình. Tôi đắn đo mãi nhưng cuối cùng cũng ngồi xuống để nhớ lại quá khứ một lần nữa.

Mẹ tôi là người con xứ Huế, mẹ rất đẹp, nét đẹp tự nhiên được ví như hoa khôi của vùng đất Phủ Cam ngày ấy.

Tuổi thơ của mẹ tôi cũng đầy bi kịch khi được sinh ra trong một gia đình đông anh em và có cha rất nghiêm khắc, gia trưởng với cái nhìn về phụ nữ không ra gì. Nghe mẹ kể rằng không hiểu sao mẹ bị ông ngoại ghét nhất trong các anh chị em. Ai cũng được cho đi học, chỉ riêng mẹ chỉ được học tới lớp 5 là bắt ở nhà chăm em – đứa em trai kế bị tật nguyền bẩm sinh không nhận thức được gì. Mỗi ngày của mẹ chỉ có quanh quẩn trong nhà và những công việc gắn với em, với bếp, với quần áo, chén bát… Bà ngoại cũng thương mẹ nhưng nhu nhược nên cũng không nói lên được tiếng nói của mình.

Mẹ như cây cỏ dại lớn lên từng ngày với bản năng của một con người vốn có. Có lẽ thế mà mẹ luôn nung nấu ý định ra khỏi ngôi nhà ấy càng sớm càng tốt. Mẹ đố kị với các anh các chị vì thấy họ được sung sướng hơn mẹ. Mẹ tủi hờn oán trách số phận. Mẹ căm phẫn ông ngoại đã thường xuyên chửi mắng, đánh đập mẹ. Và có lẽ thế mẹ tôi đã bị bệnh – một bệnh tâm lý mà sau này khi lớn khôn tôi mới chiêm nghiệm ra để mà tha thứ cho mẹ.

Biến cố lớn và thay đổi cuộc sống như ngục tù của mẹ tôi là từ sau ngày hai cậu ruột tôi bị chôn sống sau giờ tan lễ Mậu Thân năm 1968 bởi Việt Cộng. Sự ra đi, sự mất mát ấy đã khiến bà ngoại tôi hóa điên và trong một ngày khi bà đi bộ qua khúc sông gần chợ Bến Ngự, bà đã như nhìn thấy hai cậu dưới ấy và lao theo dòng nước để rồi chết đuối. Cũng từ ngày ấy mẹ tôi mới được tự do một chút, mới được ra ngoài một chút do ông ngoại tôi đã chán chường và bi lụy bởi cái chết của vợ con mình.

Tôi vẫn không hiểu và mãi mãi không hiểu mối quan hệ giữa mẹ và ông ngoại tôi ra sao, chỉ biết rằng khi ba tôi, một người đàn ông nghèo chẳng có gì trong tay, một người lương giáo xin hỏi cưới mẹ tôi thì ông ngoại đồng ý cái rụp; cũng không hiểu tình cảm của mẹ tôi ra sao mà khi ông ngoại tôi mất, mẹ không khóc và cũng không về đưa tang.

Tôi được sinh ra trong cảnh nghèo. Tuổi thơ của tôi buồn nhiều, vui ít. Những tháng ngày đẹp nhất trong ký ức tôi là khi tôi được sống và sinh hoạt ở giáo xứ Cầu Kho… Mẹ không hiểu vì sao ông ngoại ác với mẹ. Còn tôi, tôi cũng không hiểu tại sao mẹ ác với con cái mình. Mẹ buồn, mẹ giận, mẹ mệt mỏi, mẹ đều trút giận lên chúng tôi bằng những trận đòn nhừ tử, mẹ đánh chúng tôi không lý do. Người ta nói trời đánh tránh bữa ăn nhưng mẹ tôi vẫn dằn lấy chén cơm không cho chúng tôi ăn nữa để mà đánh… Tôi lì lợm nhất trong nhà, nếu chị em tôi bỏ chạy thì tôi lại đứng yên, tôi đứng đó và mặc mẹ tôi muốn làm gì thì làm. Những vết thương cơ thể đã phai nhưng biến chứng thì mãi mãi còn tới giờ khi mỗi lúc trở trời tôi lại đau đầu kinh khủng.

Mẹ không muốn chúng tôi đi học. Mẹ luôn nói con gái học nhiều làm gì. Bà không sắm cho chúng tôi quần áo giày dép hay sách vở nhưng có thể sắm cho chính mẹ cả tủ đồ không thiếu một màu. Chị em tôi mặc đồ của nhau, những ngày Đông, mưa tầm tã chúng tôi chỉ với cái áo mong manh co ro cắn răng bậm môi cho đỡ lạnh…

Năm 1999, trận lụt đại hồng thủy xảy ra ở Huế. B ngày ba đêm sống trong bóng tối không chút gì vào bụng. Sau trận lụt ấy nhà không còn gì để ăn. Mẹ và ba tôi lúc ấy đã ly thân, mẹ đi đường mẹ, ba đi đường ba. Mẹ đã ra khỏi nhà và sống riêng một mình. Mẹ có quầy sạp nhỏ bán ở chợ nên kinh tế cũng khá. Chị em tôi đói nên tôi đành chạy đi tìm mẹ để xin mẹ giúp đỡ, nhưng mẹ tôi xua đuổi tôi về. Lúc ấy tôi sững sờ nhìn bà và tự nhủ rằng từ đây tôi không có mẹ.

Năm 2005, ba mẹ tôi chính thức ly hôn. Mẹ tôi sau thời gian làm ăn thua lỗ cũng hết vốn liếng. Bà đi tìm chúng tôi xin giúp đỡ. Lòng vẫn còn hận, nỗi buồn không vơi nhưng chị em tôi được dạy rằng làm con không được bỏ rơi cha mẹ mình do đó dù có thế nào chúng tôi vẫn lo cho cha mẹ.

Bằng cách nào đó tôi cũng không biết mà chị em tôi cũng lê lết được trong dòng đời để cố vươn lên mà sống, để bước chân vào đại học cho bằng người ta: sự cố gắng nỗ lực của bản thân chắc chắn phải có nhưng sự giúp đỡ của các ân nhân, những con người xa lạ mà tôi có dịp quen biết đã giúp tôi đứng vững giữa đường đời.

Có một chị là chuyên viên tâm lý cộng tác chung trường với tôi đã nói với tôi rằng tôi bị “san chấn tâm lý” và cần phải chữa trị bởi mỗi khi ai nói tôi giống mẹ tôi là tôi giận run người, người ta có thể chửi tôi, nói nặng tôi nhưng đừng nói tôi giống mẹ. Chị nói tôi rằng tôi lo cho mẹ là vì bổn phận chứ trái tim tôi đã chết.

Tôi không muốn hận mẹ tôi, không muốn lặp lại quá khứ như mẹ với ông ngoại nên tôi cố tìm về quá khứ của mẹ để hiểu và thông cảm. Cũng nhờ chị ấy, qua những giờ thôi miên và kinh nghiệm của chị mà tôi đã vơi được phần nào uất ức đè nặng tận sâu thẫm lòng mình.

Mối quan hệ giữa mẹ tôi và chị em tôi cũng cải thiện hơn nhưng thứ tình cảm thương yêu như bao bậc cha mẹ đã và đang dành cho các con họ, tôi mãi mãi biết tìm ở đâu bây giờ? (Lucia)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT