Thursday, March 28, 2024

Vinh dự được làm con của Bố

 

Eve Tkh

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Má hay nói tôi thương bố nhiều hơn má. Chuyện đó hình như dễ hiểu bởi tôi luôn nghe má nhắc nhở kể hoài về bố con thế này, bố con thế kia trong suốt nhiều năm chúng tôi xa bố.

Bố tôi là con út. Khi di cư vào Nam ông vừa tròn 16 tuổi, nên khi tôi còn nhỏ ông luôn hát hoài bài “Tôi xa Hà Nội năm lên 18, khi vừa biết yêu”… dù tôi biết chắc lúc đó ông chưa yêu ai và Hà Nội chỉ là nơi ông trọ học.

Bố tôi học rất giỏi. Hai mươi tuổi ông đã là giáo sư dạy toán. Má nói lương bố lúc đó cao hơn cả lương thiếu tá. Tôi không biết nhiều hay ít nhưng má nói vậy chắc nhiều. Vì vậy má lấy bố thì có một cuộc sống sung túc đầy đủ, êm ấm. Trừ lúc bố phải nhập ngũ hai năm ngành pháo binh, má phải ở nhà với bà nội.

Bố người Bắc nhưng tính tình phóng thoáng, hào sảng lắm. Nhà có bao nhiêu con cháu bên vợ lên trọ học, ông chả bao giờ càm ràm gì với má. Các anh chị họ tôi đến giờ vẫn nhắc dượng út với nhiều câu chuyện vui và đầy tình yêu mến.

Ngày xưa mỗi cuối tuần là bố dẫn cả nhà về quê chơi trên xe Mazda Capella bốn cửa. Còn chiếc xe truck Toyota thì anh Nhi lái theo vì nhà đông anh chị họ đi hai xe mới đủ. Má kể có lần trên đường về thấy nguời ta đón xe đi Cần Thơ mà trời buổi chiều không có xe, bố dừng lại cho họ quá giang trên xe truck mấy người. Về kể cho bác tôi như một câu chuyện cầu vui nhưng bị bác tôi la cho một trận. Bác nói: “Nuôi cho mày ăn học mà giờ mày làm tài xế, vợ làm lơ xe hả?” Viết thế để biết bố tôi rất bình dân. Về quê chơi ông vẫn có thể ngồi xếp bằng trên chiếu đất trong buổi nhậu với dượng ba tôi và mấy ông hàng xóm, chuyện vãn toàn là chuyện tiếu lâm, mà cách ông kể ai cũng ưa hết. Trong xóm ai cần giúp gì ông không ngại chia sẻ với họ từ vật chất đến những điều ông hiểu biết nên trong xóm nhỏ luôn miệng một điều ông giáo, hai điều “đợi ông giáo về tao hỏi coi có đúng không.”

Bố tôi mở trường dạy bổ túc toán thi tú tài một, hai bảo đảm không đậu không lấy tiền. Lớp học rất đông học sinh vì bố tôi giảng bài rất dễ hiểu và ông hay tếu nên bài giảng ít khô khan, buồn ngủ. Học sinh đậu khá cao vì bài thi toàn trúng bài tủ của ông khá nhiều. Má nói mỗi năm đi dự thi toán để bộ giáo dục chọn đề thi, thì bài của bố con luôn đuợc chọn vào đề thi năm đó, vì thế ai học với bố cũng đậu. Tiếng tăm ông khá rộng lớn trong thập niên 70 ở Cần Thơ. Nhắc đến giáo sư Hà Ngọc Quang là hầu như các anh chị học trường Phan Thanh Giảng – Đoàn Thị Điểm thời ấy cũng biết ít nhiều đến tên ông.

“Tôi luôn thầm cảm tạ ơn Chúa đã cho tôi được vinh dự làm con của bố.” (Hình: Eve TKH)

Ngày 25 Tháng Tư năm 1975, ông đi Sài Gòn chấm thi rồi khi bác tôi chở cả gia đình xuống tàu di tản, bà nội bắt ông phải đi theo. Tàu tới đảo Phú Quốc thì ông và một số người nhất định lấy tàu nhỏ quay về lại vì ông không thể bỏ vợ con, mặc cho bà nội tôi khóc lóc. Trong khi đó má tôi ở nhà không dám đi đâu vì không biết ông đi chưa? Đến lúc ông về má tôi đòi đi thì bố tôi không chịu đi. Ông ngây thơ nghĩ rằng hòa bình rồi, giấc mơ trở về Hà Nội của ông thành hiện thực để cuối cùng ông bị lừa đi tù hết mấy năm trời.

Bố tôi đi tù mấy năm và chuyện trong tù tôi không bao giờ nghe ông kể về nó. Nỗi nhục nhã cùng cực đó hình như ông không muốn nhớ đến. Tôi chỉ có thể hiểu được ít nhiều khi đọc Đại Học Máu của tác giả Hà Thúc Sinh.

Qua lời khuyên ra đi của bố, má tôi một mình dẫn bầy con năm đứa vượt biên sang Mỹ. Mấy năm sau bố ra tù, ông cũng vượt biên.

Ngày ông sắp sửa sang đoàn tụ tôi nao nức không ngủ được. Tôi với má đi mua sắm cho ông đủ mọi thứ. Tôi mua cho bố nào áo ấm Mùa Thu tới áo ấm Mùa Đông dù bố tôi qua khi sắp vào Mùa Hè và ngày đón ông ở phi trường là một ngày khó quên trong đời tôi. Lúc đó hình như chỉ có mình tôi và em Tường là nhớ ông nhìn ra sao, trong khi các em chẳng đứa nào nhớ được gì nhiều, nhất là em út Lan được sinh sau ngày mất nước. Dù vậy cả bọn đều không lạ vì má tôi luôn đọc thư bố gởi qua nên khi ông bước ra từ cửa, cả năm đứa chúng tôi ùa đến ôm ông, đứa tay trái đứa tay phải, ông quỳ xuống bồng út Lan lên, má tôi đứng nhìn mắt đỏ queo.

Những ngày sau đó, bố tôi ngày ngày dắt tay em Lan đi học mỗi sáng và đón em về từ trường trong suốt nhiều năm.

Khi bố tôi sang Mỹ, ông đã ở tuổi gần 50. Tuổi khó có thể nghĩ đến việc trở lại trường lớp. Vậy mà ông vẫn xách cặp đến trường college gần nhà để xin đi học lại. Lúc đó tôi đã học năm thứ nhứt đại học. Mùa Hè về, tôi với bố lấy cùng mấy lớp toán để ông có thể kèm cho tôi và cả em Tường. Có lần tôi ghé lớp toán, thấy bố tôi đứng giảng bài còn ông thầy thì đang ngồi đọc báo. Hỏi ra bố kể vô lớp ngồi học ông cứ thở dài vì cách dạy quá lượm thuộm của ông thầy, nhiều lần thấy vẻ bất mãn của bố, ông thầy hỏi thì bố tôi nói rằng thầy giảng dài dòng quá trong khi bài toán tìm ra kết quả quá ngắn gọn. Nghe thế ông thầy kêu bố tôi lên bảng giảng bài theo cách của ông. Bố lên giảng, học sinh gật gù thấy quá dễ hiểu. Thế là từ đó vô lớp ông thầy ngồi đọc báo, bố tôi đứng giảng bài.

Ngoài giờ học bố còn dạy kèm cho các anh chị nào kém toán trong trường học. Ông yêu nghề giáo nên rất mê dạy và đi học. Bố tôi vẫn đi học và dạy kèm cho đến ngày ông mất.

Bố ra trường đúng 4 năm học ngành kỹ sư điện toán (Electronic Engineering) với hàng danh dự top ten của trường UTD. Rồi bố đi làm nhưng có giờ ông vẫn trở lại trường học đủ thứ. Và niềm vui của ông không phải cái nghề làm 8 tiếng một ngày ở hãng mà là được đi học và dạy kèm không lấy tiền cho các bạn sinh viên trong khung trường đại học UTD. Bố tôi thường nói: “Ở Mỹ sướng, đi học được trả tiền, dại gì không đi học chứ” mỗi khi má tui hỏi “Sao học hoài vậy?”

Tôi giống bố tôi nhiều nhứt. Ai nhìn vào cũng bảo có đi lạc cũng nhận ra là bố con. Tôi giống ông từ giọng nói lớn tiếng đến tính nóng nảy. Mỗi sáng Thứ Bảy nghe ông nói chuyện phone là biết ông đang nói chuyện với ai, vì ông nói lớn vang cả nhà. Tuy nóng tính nhưng ông là người dễ nguội. Chỉ cần má ngọt ngào là ông cái gì cũng ok hết.

Bố dạy toán nhưng ông lại là người rất văn thơ. Ông viết thư rất mượt mà, và làm nhiều bài thơ tình quê hương rất đầm thấm. Bố tôi là một người sống đầy tình cảm. Ông ít la rầy chúng tôi, cũng như má, ông không bao giờ bắt chúng tôi phải học giỏi, học cao như nhiều cha mẹ bạn bè cùng thời của ông. Ông có tiền thì thích cho người này người kia và đặc biệt bố tôi rất có hiếu. Tôi nhớ khi bà nội đến tuổi già thì chỉ vì thấy bà khóc trong nhà dưỡng lão vì không ăn được đồ Mỹ là bố về bàn với má đem bà về chăm. Dù rất khó khăn vì bà đã nằm liệt giường. Mỗi ngày đi làm về bố tôi thay người y tá chăm bà cho đến khi bà mất…

Nỗi mất mát lớn lao nhất trong đời tôi là cho đến ngày bố tôi mất, mà tôi chưa có thời gian thực hiện lời hứa cùng ông một lần về thăm Hà Nội, dẫu biết rằng đó không còn là Hà Nội của ngày bố tôi rời xa.

Bố tôi mất sớm nên có nhiều điều tôi chưa làm, chưa nói hết cùng ông. An ủi cho tôi là một năm trước ngày mất, ông lên New York City ở cùng tôi với các con sáu tháng. Trong sáu tháng đó, tôi và bố có nhiều niềm vui cùng nhau. Nhớ nhiều nhất những sáng hai bố con ngồi uống cafe nhìn khu rừng sau nhà và nói chuyện thời sự. Chiều đến ông dắt con Cosmo đi bộ ra đầu đường đón hai con gái tôi đi học về. Buổi tối, cả nhà ngồi ăn cơm cùng nhau. Tối đến ông ngồi xem các cháu làm bài.

Năm sau ông mất vì bịnh ung thư bao tử vào một tuần trước ngày lễ Tạ Ơn. Khi tôi về thăm ông trong nhà thương sau cuộc mổ, ông vẫn nhìn hồng hào và tươi tỉnh. Tôi ngồi kế bên đọc báo thời sự cho ông nghe. Trong một sáng tôi hỏi bố có sợ chết không? Ông trả lời “không! Về nhà với Chúa có gì mà phải lo”.

Sáng tuần sau đó má tôi gọi báo tin bố mất. Tôi lặng lẽ cùng các con về dự tang lễ. Tôi không khóc được vì lúc nhìn ông nằm trong hòm, gương mặt tươi sáng, tôi nghĩ như ông đang ngủ. Mãi đến mấy ngày sau tôi bị chìm trong nhiều cơn khủng hoảng.

Tang lễ của bố được nhiều người đến dự, nhiều học trò từ xa gởi hoa đến chia sẻ cùng gia đình và nhiều quà đến nỗi má tôi phải giãn ra thêm một ngày nữa để mọi người có thể đến thăm viếng. Lúc đó tôi mới thấy tiếng tăm của bố mình thật lớn và tôi hãnh diện vì bố có được sự yêu mến của nhiều người.

Bố mất nên bây giờ tình yêu của chúng tôi đều dồn về hết cho má, một hạnh phúc mà tôi cầu mong sẽ dài thêm ít nhất 15 năm nữa.

Nhiều lúc ngoái mặt nhìn lại cuộc đời, tôi luôn thầm cảm tạ ơn Chúa đã cho tôi được vinh dự làm con của bố. Một hạnh phúc biết viết sao cho hết lời. (Eve Tkh)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT