Thursday, March 28, 2024

42 năm, nhìn lại chế độ Cộng Sản hiện nay

Văn Lang

Bài học lịch sử

Trên trang mạng Internet có nhắc tới cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Sau 1975, nhà văn bị Cộng Sản cầm tù, sau khi ở tù được ba năm, nhà văn tuyên bố Cộng Sản phải thả ông ra (có lẽ căn cứ trên Hiệp Ðịnh Paris). Không được đáp ứng, nhà văn đã tuyệt thực cho đến chết.

Ðiều đáng nói là, phần ý kiến của độc giả bên dưới trang mạng trên. Có một độc giả đã bình luận, đại ý: “Nguyễn Mạnh Côn được xem là lý thuyết gia chống Cộng ‘số 1’ của miền Nam, vậy mà cũng chẳng hiểu gì về Cộng Sản.”

Sự thật, Nguyễn Mạnh Côn là người gốc Bắc, từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau bỏ về thành trước khi di cư vô Nam. Theo như một bài viết của ông, đăng trên tạp chí Văn (trước 1975), thì Nguyễn Mạnh Côn bị “nghiện” phép biện chứng kiểu Cộng Sản, dù sau khi rời bỏ Cộng Sản, ông đã cố tình “cai nghiện” mất 10 năm. Nhưng ông “tự thú” là vẫn chưa hết tàn tích của “phép biện chứng…”

Nhưng khi nhắc lại câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm!” thì mọi người dễ đồng tình và vấn đề cũng trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn.

Không ít người thắc mắc, tại sao ông Thiệu lại phát biểu về Cộng Sản “trúng phóc” như vậy?

Không phải ai cũng biết, ông Thiệu từng từ chối làm việc cho Pháp vì bị kỳ thị, trả lương thấp hơn người Pháp cùng chức vụ. Do đó, khi Việt Minh ở quê ông Thiệu nổi dậy cướp chính quyền, họ mời ông Thiệu ra làm thơ ký cho ủy ban xã. Trong mấy tháng làm việc, ông thấy người Cộng Sản nói một đàng làm một nẻo và bằng mọi thủ đoạn để đẩy những người nhân sĩ, trí thức yêu nước không Cộng Sản ra rìa, để chiếm lấy ghế chủ tịch xã, trưởng công an xã… Ông Thiệu bỏ quê vô Sài Gòn, bắt đầu một cuộc đời khác.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi đài phát thanh Hà Nội tuyên bố đã “giải phóng” hoàn toàn miền Nam, một nhà văn và là sĩ quan quân đội nhân dân (Bắc Việt) đã rời bỏ hàng ngũ từ lâu, vì liên đới trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm ngậm ngùi, tuyên bố: “Kể từ nay, nhân dân miền Nam sẽ phải sống trong ‘bàn tay thép bọc nhung’ của chế độ Cộng Sản!”

Chưa đầy một năm sau, Tổng Bí Thư Lê Duẩn giải tán “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” sáp nhập lãnh thổ miền Nam về dưới ngọn cờ XHCN, đồng thời tung ra khẩu hiệu: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH.” Mấy ông cán bộ miền Nam tập kết, nay được trở về quê hương, ngao ngán lắc đầu: “Tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH để… đuổi kịp cái đói của miền Bắc.”

Cộng Sản từ đổi mới đến nay

Sau khi ông Lê Duẩn mất, và cũng nhận thấy Liên Xô cũng như Ðông Âu vừa đổi mới về chính trị, vừa đang khủng hoảng về kinh tế, ban lãnh đạo mới do Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng cho “đổi mới” để tự cứu lấy đảng. Thời điểm được tính vào khoảng từ năm 1986.

Vì toàn bộ luận thuyết Cộng Sản của Kark Marx tập trung vào quyền công hữu về tư liệu sản xuất, nhằm xóa bỏ chế độ “người bóc lột người,” nên nhà nước Cộng Sản quốc hữu hóa ruộng đất, công hữu hóa toàn bộ cơ sở kinh doanh sản xuất. Thực tế, nhà nước Cộng Sản vừa đóng vai nhà tư bản độc quyền, vừa đóng vai đại địa chủ duy nhất. Toàn bộ dân chúng (lực lượng sản xuất) thực chất chỉ là… tá điền, bị các chính ủy và công an cai trị. Cuối cùng, nền sản xuất Cộng Sản thuộc diện “cha chung không ai khóc,” biến miền Nam từ một vùng đất thanh bình, trù phú trở nên tiêu điều, hoang hóa.

Ðổi mới kinh tế của Cộng Sản là giải tán hết các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp, trả lại ruộng đất cho nông dân (như truyền thống từ ngàn xưa).

Về mặt thương mại, bãi bỏ việc ngăn sông cấm chợ, để hàng hóa được tự do lưu thông.

Cho phép tư nhân trong nước lập doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Từ hình thức công ty liên doanh, đến công ty sở hữu vốn nước ngoài 100%.

Việt Nam từ một nước Cộng Sản chuyên chính kiểu trại lính, trại tù, chuyển sang nền kinh tế thị trường (kiểu tư bản) nhưng vẫn giữ “cái đuôi” định hướng XHCN.

Chính vì cái đuôi “định hướng” này của chế độ hiện nay, mà có người đã gọi chủ nghĩa duy vật của Karl Marx là chủ nghĩa duy cái…con vật.

Là vì, khi vẫn còn định hướng XHCN, nhà nước duy ý chí kiểu Cộng Sản vẫn tiếp tục duy trì một số giáo điều Cộng Sản. Những giáo điều này ngăn cản, không cho dân Việt Nam được thành… người.

Ðiển hình là trong luật đất đai, Cộng Sản vẫn duy trì “luật Cộng Sản,” khi hiến định: “Ðất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý.” Với điều luật này, nhà cầm quyền Cộng Sản đã “mở sẵn cửa” cho chính quyền và đám quan tham mặc sức mà cướp đất của dân.

Do vậy, sau 30 năm đổi mới kinh tế, Việt Nam có những tòa nhà thương mại cao tầng, ra đời giai cấp tư bàn đỏ – tư bản thân hữu (thân Cộng), giàu có thuộc loại “phú gia địch quốc.” Nhưng đổi lại, toàn bộ các dòng sông ở Việt Nam đều bị ô nhiễm nặng nề, đồng thời ra đời một giai tầng nghèo hèn mới, đó là “dân oan,” những người bị mất ruộng đất vào tay bọn cá mập tư bản đỏ, đến nỗi thủ tướng đương nhiệm cũng phải phát biểu: “Tham nhũng trong lãnh vực đất đai hiện nay là gay gắt nhất.”

Kết luận

Một trí thức, từng du học Trung Quốc, con của một cựu ủy viên trung ương đảng, tổng kết về chế độ Cộng Sản như sau: “Thời của Lê Duẩn, Cộng Sản không biết họ sai, và họ nghĩ là dân chúng cũng không biết họ sai. Qua thời đổi mới của Nguyễn Văn Linh, Cộng Sản biết là họ sai, nhưng họ nghĩ là dân chúng vẫn chưa biết họ sai. Cho đến hiện nay, Cộng Sản biết là họ sai, mà họ cũng biết là dân chúng biết họ sai. Nhưng Cộng Sản vẫn nghĩ là họ mạnh hơn dân, nên họ vẫn tiếp tục cai trị theo kiểu trước đây mà không thèm quan tâm gì tới tâm tư, nguyện vọng của dân.”

Về vấn đề ruộng đất ngày nay, khi tiếng kêu của dân oan đã “thấu tận trời xanh,” nhà cầm quyền phải nghiên cứu sửa đổi lại luật theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân (trong nền kinh tế thị trường). Nếu không ngăn chặn được lòng tham của cả một hệ thống quan lại như hiện nay, vấn đề ruộng đất chắc chắn sẽ là “tử huyệt” của chế độ.

Một giáo điều mà nhà cầm quyền nên bỏ ngay, đó là thái độ từ ngấm ngầm tới công khai thù địch với tôn giáo. Bởi vì trước hết, tôn giáo không phải là “mê tín dị đoan” như Cộng Sản nghĩ. Thứ hai, chưa có bất kỳ đế chế nào trên thế giới (dù hùng mạnh tới đâu) mà chiến thắng được đức tin của tôn giáo. Thứ ba, Hoa Kỳ không bao giờ làm bạn với những quốc gia có thái độ thù địch với tôn giáo. Và chống lại tôn giáo là chống lại văn minh nhân loại, tự đưa chế độ vào chỗ diệt vong.

Cuối cùng, phải xây dựng một nhà nước pháp quyền (do dân bầu), thay cho nhà nước được đảng trị và công an trị điều hành.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT