Thursday, March 28, 2024

Ấm áp tình người

Tony Tran



Lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác thân thương, gần gũi, ấm tình đồng hương ở một nơi cách xa quê hương nửa vòng trái đất.



Đó là vào sáng thứ Bảy, ngày 12 tháng Mười, tại Trung tâm Y tế Á châu, nơi tổ chức khám bệnh tổng quát miễn phí cho cộng đồng người Việt ở quận Cam.



“Tin đăng trên báo Người Việt nên mọi người đi đông quá. Ngày mai ở chùa gần nhà tôi cũng có tổ chức khám bệnh miễn phí, nhưng tôi đi hôm nay vì nghĩ ở đây sẽ chuyên nghiệp hơn.”, một chị đứng xếp hàng để chích ngừa flu vừa mượn tôi cây viết để điền application, vừa nói với tôi như vậy. Vui chuyện, chị nói thêm những năm trước có thể Trung tâm Y tế Á châu không tổ chức khám bệnh miễn phí, có thể chị không biết, nhưng đây là lần đầu tiên chị đến để khám bệnh. “Họ tổ chức vào ngày cuối tuần, nên cũng tiện cho mọi người đang đi làm sẽ được nghỉ, hoặc đưa cha mẹ, vợ, chồng con cái đi khám luôn”, chị nói.






Xếp hàng chờ khám bệnh. Hình: Tony Tran.



Gia đình tôi ở Oregon chuyển xuống đây sinh sống được hơn một năm. Thời gian đầu khi mới chuyển xuống cũng vui vì đi đến đâu cũng gặp người Việt Nam mình. Thậm chí có ngày chúng tôi chẳng dùng đến một câu tiếng Anh khi ra đường, dù đang sống trên đất Mỹ. Tuy nhiên, các cháu nhà tôi gặp trở ngại đôi chút, vì chúng không rành tiếng Việt để có thể nói chuyện thành thạo như người Việt, dù cháu là người Việt. Và quan trọng hơn, dù đã có nhiều tháng hoà nhập với cộng đồng người Việt nơi đây, nhưng chúng tôi ngại tiếp xúc, vì nghe nói cộng đồng nơi đây cũng hay ganh ghét, săm soi, đả kích lẫn nhau. Và tôi vẫn thấy có điều gì đó chưa thật sự thân thương của một cộng đồng những người cùng chung màu da, tiếng nói. Cho đến ngày thứ Bảy vừa qua…



Có rất nhiều tình nguyện viên trong ngày khám bệnh từ thiện này. Người Việt có, người Mỹ có, nhưng tất cả đều rất vui vẻ, niềm nở, và phục vụ tận tâm. Chúng tôi được đưa các application để điền thông tin, vì là bệnh nhân lần đầu tiên. Những người không biết cách điền thông tin, đều được chỉ dẫn chu đáo.






Xếp hàng chờ làm “Flu shot”. Hình Tony Tran.



Mọi người xếp hàng rất trật tự, không tranh giành, thậm chí tôi còn thấy có cậu thanh niên nhường chỗ cho hai bác lớn tuổi khám trước. “Cháu có thể chờ được mà, trong khi hai bác đứng lâu sẽ mỏi chân đấy”, cậu nói vậy. Thật là dễ thương. Tôi nghĩ bụng. 






Người nước ngoài cũng đến khám bệnh, chích ngừa. Hình: Tony Tran.



Đa số người lớn tuổi muốn khám tổng quát để được đo áp huyết, đo lượng đường trong máu, khám mắt,…Phụ nữ thì quan tâm nhiều đến các bệnh về gynaecology, nên những nhân viên ở phòng khám này cũng khá bận rộn. Tuy vậy, tôi không thấy một lời gắt gỏng nào, thay vào đó là những nụ cười rất vui, và luôn sẵn sàng câu nói:”Em giúp được gì cho chị?”; “Cháu giúp được gì cho cô?”…



Ở một góc khác, các bác sỹ gặp gỡ người đến khám bệnh, nói chuyện và giải thích về các bệnh phổ biến của người lớn tuổi, cách sử dụng thuốc, giải thích, thông tin thêm về chương trình Obamacare,…






Nghe Bác sỹ nói chuyện. Hình: Tony Tran



Chẳng khác nào một…ngày hội. Những người tôi gặp sáng hôm ấy rất vui. Không phải vui vì được khám bệnh mà không phải trả tiền, (thậm chí còn được quà khi ra về), nhưng vì được gặp nhau, chia sẻ, nói chuyện với nhau, dù chỉ là những câu chuyện về bệnh tật. Vì nếu không lo ngại về sức khoẻ của mình, sẽ chẳng có ai muốn đi để được y bác sỹ kiểm tra xem “cỗ máy” của cơ thể mình có “trục trặc” chỗ nào không sau nhiều năm hoạt động không ngưng nghỉ. Có sức khoẻ thì làm gì cũng được. Đúng như câu của Trung tâm Y tế Á châu in trên tờ thông tin:”Một cộng đồng khoẻ mạnh là một cộng đồng vững mạnh.”






Khám bệnh miễn phí còn được nhận quà. Hình: Tony Tran.



Qua tìm hiểu, tôi biết Trung tâm Y tế Á châu thuộc Hội Cộng đồng Người Việt Quận Cam-một cơ quan bất vụ lợi phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt từ năm 1979. Ngoài Trung tâm Y tế Á châu còn có Trung tâm phát triển ấu nhi Phù Đổng-là “một thế giới nhỏ nhưng kỳ diệu…” nhận dưỡng dục các cháu trước tuổi đi học, nhân viên thông thạo cả hai ngôn ngữ và văn hoá Mỹ, Việt nên có khả năng chăm sóc cho trẻ với tiêu chuẩn và phẩm chất cao. Trung tâm kinh tế, văn hoá, & xã hội Little Saigon cũng thuộc Hội Cộng đồng Người Việt quận Cam, có nhiều chương trình khác nhau giúp đỡ hữu hiệu cho cộng đồng người Việt như Chương trình bảo lãnh thân nhân di trú, các lớp Anh văn, luyện thi nhập tịch, chương trình sức khoẻ tâm thần,…



Tôi không có ý định quảng cáo cho Trung tâm Y tế Á châu, hay Hội cộng đồng Người Việt quận Cam khi viết bài này gửi đến báo Người Việt-một tờ báo lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Mà dù có PR cho những cơ quan bất vụ lợi này thì cũng là điều tốt, bởi những nhân viên ở đây đang làm những điều rất tốt cho cộng đồng.



Mong sao ngày càng có thêm nhiều hoạt động tương tự cho cộng đồng người Việt tại đây, để những người tha hương vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương. Tình người rộng mở, cùng với nắng ấm California, tôi tin gia đình tôi sẽ chọn nơi đây là “nhà” cho tương lai sắp tới.

MỚI CẬP NHẬT