Friday, March 29, 2024

Anh Vũ Ánh và tôi


Nguyễn Văn Khanh


Tôi gặp anh lần đầu cách đây cũng hơn chục năm. Lúc đó tôi còn là thông tín viên ở Washington D.C. của Nhật Báo Người Việt, vài tháng lại được anh Đỗ Ngọc Yến hay anh Lê Đình Điều gọi về California họp hành, bàn chuyện. Trong một lần về tòa soạn, một trong hai anh giới thiệu tôi với anh Vũ Ánh, bảo “đây là người mới nhất của mình”, ý muốn bảo anh là “lính mới” của tờ báo.

Tôi nhớ như in anh cười rất tươi, vừa bắt tay tôi vừa bảo “mới từ DC xuống hả”, nói thêm “tôi có nhiều người bạn thân trên đó lắm”, nói xong anh kể một dọc những tên tuổi của làng báo Việt Nam ngày xưa, trong số đó có ông vẫn theo nghề cũ như anh Phạm Trần làm việc ở Đài VOA, cũng có những ông buông bút từ ngày lên đường vượt biển. Anh cũng bảo với tôi là từng có lúc sống ở Virginia, “bên đó lạnh quá, tôi chạy sang bên này thời tiết ấm hơn”.


Là “lính mới” nhưng tay nghề anh thì quá siêu. Từng làm việc với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc mới hơn 20 tuổi, từng làm tới trưởng phòng bình luận của Đài Phát Thanh Sài Gòn, từng được Phủ Đầu Rồng gọi vào nhờ xem lại, thêm thắt cho một số bài diễn văn Tổng Thổng Nguyễn Văn Thiệu đọc… là những gì tôi được nghe về anh. Một trong những người hết lòng ca ngợi anh là anh Lê Thiệp, bằng chứng có lần anh Thiệp bảo tôi khi tôi chập chững vào nghề: “làm phát thanh mà sắc nước được như thằng Ánh không phải là dễ”.  Sau đó, cũng vẫn anh Lê Thiệp bảo tôi khi tôi vừa bắt đầu làm việc với Đài Á Châu Tự Do (RFA) “nếu chú giỏi thì kéo thằng Ánh về D.C. Kéo nó về chú học hỏi được nhiều lắm, mà tôi lại có thêm thằng bạn ở gần”.


Những gì anh Lê Thiệp nói cộng với những lời giới thiệu của anh Yến, anh Điểu, của cả anh Nguyễn Đức Quang khiến tôi phải chú ý đến ông “lính mới” của tờ báo Người Việt. Điều khiến tôi chú ý nhất là hình ảnh một ông nhà báo trung niên không lúc nào rời khỏi bàn viết, ăn cơm xong bao giờ miệng cũng ngậm cây tăm, tay cầm ly nước trà còn bốc khói. Phải kể thêm ở đây là thời đó anh Yến, anh Điểu chiều tôi lắm, mười lần như một, lần nào tôi xuống California hai anh cũng gọi tất cả mọi người trong tòa soạn cùng đi uống cà phê, ăn sáng chung với nhau. Cả tòa soạn lũ lượt dẫn nhau đến một quán nào đó ngồi tán gẫu, chỉ một người từ chối không đi, lấy cớ “các ông đi đi, tôi ở nhà trông chừng cho”. Người đó là anh Vũ Ánh.


Phải mất ít nhất gần một năm sau khi hai anh em bắt đầu thân nhau, anh mới bảo với tôi “cậu xuống đây bao nhiêu lần mà tôi không bỏ việc đi uống cà phê với cậu được, thôi hôm nay cậu làm hộ tôi 2 cái tin để tôi về sớm, tôi với cậu đi kiếm cái gì ăn”. Trong bữa ăn đầu tiên và khá vội vàng đó -vì anh còn phải về nhà- tôi mới biết một điều: mỗi ngày anh được tòa soạn giao viết 5 cái tin, viết chưa xong anh không rời chỗ đi đâu cả. Chuyện này tôi có kể cho một số đàn anh nghe, còn nhớ anh Phạm Trần bảo “thằng đó xưa nay vẫn thế”, anh Thiệp thì cười thật to bảo “chú phải biết bạn tôi toàn những người làm việc chăm chỉ như ông Vũ Ánh thôi”, ngay cả anh Thiên Ân của đài VOA cũng cười, hãnh diện nói đùa “thằng Ánh nó lòe chú mày đấy, đừng có tin nó”. 


Thân với anh, nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh kể về thời còn quyền còn chức, chỉ thấy anh nói về chuyện sau 1975, từ chuyện lần mò tìm đường kháng chiến đến chuyện ngồi tù “tưởng mọt gông” chỉ vì ở trong trại giam vẫn tính những chuyện lấp bể vá trời. Nếu có hỏi thêm nữa, anh chỉ trả lời “vận nước mình nổi trôi nên tôi với cậu cũng nổi trôi”, chưa hề nghe anh chỉ trích, than phiền một ai. Đã có lần tôi hỏi anh điều này, thắc mắc tại sao không nghe anh phê bình những người đã để cho mất nước, cũng chẳng bao giờ thấy anh kể lại những phút cuối cùng khi anh gặp ông Dương Văn Minh hôm 30 tháng Tư 1975, anh trả lời “con người ai cũng có chỗ hay, chỗ xấu. Mình là nhà báo, mình phải nhìn ra cả cái hay của họ, chứ không phải chỉ nhìn thấy cái xấu”. Anh bảo tiếp “nếu cậu muốn tôi phê bình họ thì tôi sẵn sàng phê bình: họ đã cố gắng lắm, đã chịu đựng nhiều lắm, tôi gần họ nên tôi biết rõ điều đó. Chỉ tiếc là cố gắng, chịu đựng đến mấy vẫn không làm được điều họ muốn làm”. Nghe anh nói như vậy, tôi biết mình nên chấm dứt câu chuyện ở đó, dù đến giờ tôi vẫn còn ấm ức với câu trả lời của anh.


Nhưng cũng qua câu trả lời đó, tôi mới thấy hình ảnh của một “ông bụt” trong con người của anh. Tất cả những bài anh viết đều không chứa đựng sự chua chát, đều không có nét căm hờn, mà chỉ là những con chữ biểu hiện của sự thật, của con người tôn trọng sự thật và lúc nào cũng ước mơ sẽ nói được sự thật. Điều đó được anh thể hiện rất rõ trong bài nói chuyện anh đọc tháng Sáu năm ngoái nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Tuần Báo Sống, trong đó anh nói ở tuổi đã trên 70, ước mơ của anh vẫn là ước mơ của một nhà báo với cái nhìn trong sáng, mong mỏi đóng góp điều đó cho cộng đồng, “xin quý vị giúp chúng tôi làm tròn công việc của một người cầm bút chỉ mong được nói sự thật”. Nói rõ hơn: anh luôn luôn xem mình là một thành viên của cộng đồng và là một thành viên có trách nhiệm phải xây dựng một cộng đồng biết lắng nghe tiếng nói của nhau hơn, như có lần anh bảo với tôi “cộng đồng này đâu phải chỉ có đời mình rồi hết”, nhắc lại cho tôi nghe lời một nhà báo đàn anh của anh đã bảo từ lúc chưa mất nước “làm gì thì làm, đừng để thế hệ sau này trách mình đã không làm hoặc làm sai”.


Chính vì anh yêu cộng đồng mà tôi không có cơ hội học hỏi trực tiếp ở anh. Mười sáu (16) năm trước đây khi Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do bắt đầu phát triển, Anh Giám Đốc Nguyễn Ngọc Bích gọi tôi vào văn phòng bàn chuyện “kiếm thêm người”. Không ai bảo ai cả anh Bích lẫn tôi đều nghĩ đến anh Vũ Ánh, đặc biệt Anh Bích còn nghĩ đến cả vai trò tổng biên tập mà anh Vũ Ánh sẽ nắm giữ nếu anh nhận lời về lại Washington D.C. Tôi 2 lần xuống tận Orange County thưa chuyện với anh, và cả 2 lần anh đều từ chối bằng câu “cậu cứ về đi, tôi sẽ trả lời sau”. Tôi còn nhớ khi về báo tin cho sếp Bích biết, sếp bảo ngay “như thế là anh em mình hỏng rồi”. Sau này có một lần tôi hỏi thẳng anh sau không lên D.C. để có anh có em, anh trả lời “tôi mê cái cộng đồng ở đây quá nên không đi được”, ngay cả lúc có những người nặng lời chỉ trích anh, anh cũng vẫn bảo với tôi “đi nhiều nơi rồi, chẳng có cộng đồng nào hay cho bằng cộng đồng Nam California”.


Tối thứ Sáu, bè bạn ở California đua nhau gọi điện thoại báo cho tôi tin anh Vũ Ánh mất. Bạn bè kể lại khi gọi điện thoại nhắc anh đến giờ gặp nhau ăn cơm trưa thứ Sáu hàng tuần anh còn bảo “cứ ăn trước đi, tôi bận việc phải đến trễ”, sau đó -tôi đoán- anh ngồi cắm cúi gõ những chữ cuối cùng gửi cho tờ Người Việt. Gửi xong anh nằm gục ngay trên bàn viết và ra đi thật thanh thản. Anh sống với tấm lòng thanh thản và cho đến lúc phải chia tay với mọi người anh cũng thanh thản như thế. Anh vẫn không rời khỏi được cộng đồng mà anh yêu, bài viết cuối cùng cũng là bài viết cho cộng đồng đọc, và tôi tin rằng anh hãnh diện vì đã làm được điều anh mơ ước: kể cả khi phải chết, anh cũng chẳng từ bỏ cộng đồng, nhất định chọn vùng đất Nam California là nơi anh gửi nắm tro tàn.


Tôi không quên lần cuối cùng làm tài xế cho anh lúc anh lên D.C. dự đám tang anh Lệ Thiệp. Hôm đó, nghe anh Phạm Trần hỏi “sức khỏe mày thế nào?” và nghe anh trả lời “tim tiếc tao hơn lủng củng nhưng chắc không sao đâu, chẳng có gì phải lo cả”. Tôi cũng nhớ đến người đàn ông trung niên tôi gặp lần đầu ở tòa soạn Người Việt cách đây đã bao nhiêu năm, nhớ đến người ăn cơm xong miệng ngậm cái tăm tay cầm ly nước trà nóng. Nhớ đến lần duy nhất anh gọi điện thoại cho tôi lúc tờ Người Việt gặp “biến cố báo Xuân” chỉ để hỏi câu “nếu là tôi thì cậu sẽ làm gì?” Nhớ trưa hôm đó tôi bảo với anh “nếu là em, em sẽ xin từ chức và nhận lãnh mọi trách nhiệm”. Không bao giờ tôi quên câu trả lời của anh “tôi cũng nghĩ như thế, gọi hỏi cậu để biết mình làm đúng”. Chiều hôm đó anh em đồng nghiệp báo tin cho tôi biết anh từ chức, chỉ xách chiếc túi nhỏ rời khỏi tòa soạn. 


Tôi cũng không bao giờ quên bài học duy nhất trong nghề anh dạy tôi: “Mình là nhà báo, mình phải nhìn ra cả cái hay chứ không phải chỉ nhìn thấy cái xấu”. Tôi biết mình không có đủ cả tâm lẫn sức để trở thành một “ông bụt cầm bút” như anh, nhưng ít nhất ngay trong giờ phút này tôi học được một điều: biết đâu chừng trong cái mất mát không còn anh Vũ Ánh ở với mình, lại có điều hay hơn mà mình không biết. 


Điều hay hơn đó là gì? 


Thử tưởng tượng ở một nơi chốn nào đó, anh Yến, anh Điểu, anh Nguyễn Đức Quang và anh Lê Thiệp đang ngồi nói chuyện với nhau thì bỗng dưng anh Vũ Ánh lù lù bước đến. Các anh gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau đó thế nào anh Yến cũng bảo “mình có nhau ở đây phải làm một cái gì đi chứ”. Lúc đó, tôi tin anh Lê Thiệp sẽ la toáng lên “bây giờ có thêm thằng Vũ Ánh, mình làm báo lại đi các ông ạ”. Chỉ như thế thôi, một tờ báo mới sẽ ra đời, và tôi tin chắc tờ báo đó sẽ mang tên “Tờ Báo Cộng Đồng” vì đó là ước mơ của anh Vũ Ánh. 


Và với tôi, người xứng đáng nhất để giữ vai trò chủ bút vẫn phải là anh Vũ Ánh. 

MỚI CẬP NHẬT