Tuesday, April 23, 2024

Bộ trưởng Nông Nghiệp Việt Nam: thiếu cả ‘tâm’ lẫn ‘tầm’

Tô Văn Trường



Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN Cao Đức Phát không đủ tâm và tầm, luôn lãnh đạo bằng uy quyền, làm hỏng cả ngành nông nghiệp. Mỗi lần ra Quốc hội điều trần đều lúng túng, loanh quanh. 



Cuối năm 1996, khi về nước nhận nhiệm vụ mới, nhiều lần tôi đã phát biểu, và viết góp ý với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) về chiến lược phát triển nông nghiệp của nước nhà. Trong đó, đáng chú ý nhất là: Bộ ta xưa nay chỉ mới chú trọng phát triển nông nghiệp vì vế đầu của Bộ là ‘nông nghiệp’ nên không có gì lạ. Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn, cái gốc là phải ‘phát triển nông thôn’, vì liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng (thủy lợi,  giao thông), giáo dục, khoa học công nghệ…sẽ là nền tảng để phát triển nông nghiệp.



Thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ tuy chưa phải như ý nhưng để lại nhiều dấu ấn, kể cả phát triển thủy lợi. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người “đỡ đầu” cho Bộ trưởng Cao Đức Phát nhưng có lần ông cũng phải phát biểu:”Thử hỏi chục năm nay lĩnh vực nông nghiệp đã làm gì cho đất nước”? 








Nông dân Việt Nam. Hình minh hoạ. Nguồn: vi.wikipedia.org



Chia sẻ với bức xúc của ông Tạn, tôi tự đi tìm câu trả lời, có thể tóm tắt về lĩnh vực nông nghiệp VN như sau: 



Tăng trưởng nhưng không bền vững: Dựa vào tăng diện tích, tăng sử dụng đầu vào. Sử dụng phân bón của Việt Nam tăng từ 7,2 triệu tấn năm 2005 lên khoảng 11 triệu tấn hiện tại. 



Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp suy giảm: (năm 2011 là 4,0%, năm 2012 là 2,68%, năm 2013 khoảng 2,67%) trong khi cầu và giá nhiều nông sản giảm mạnh như giá gạo giảm 18,7%, cà phê giảm 26,6%, cao su giảm 11,7%. 



Không hiệu quả: Năng suất lao động nông nghiệp quá thấp, tổn thất sau thu hoạch quá lớn,… sản xuất không theo định hướng thị trường; Năng suất cây trồng vật nuôi thấp, một số cây trồng vật nuôi không thay đổi nhiều năm nay như mía đường, đậu tương, bông vải?



Khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng, nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác (gạo của Thái, Ấn Độ, Pakistan,…), tham gia phân khúc thấp của thị trường do vấn đề chất lượng, tổ chức sản xuất, tỷ lệ trả về của nông sản xuất khẩu cao so với các nước xuất khẩu khác,…








Vị thế của hạt gạo Việt nam trên trường quốc tế còn khiêm tốn. Hình minh hoạ. Nguồn hình: danviet.vn



Ngành chế biến nông sản kém phát triển, giá trị gia tăng thấp; ít thương hiệu được thừa nhận.



Tổ chức quản lý nhà nước yếu kém: Hiệu suất, hiệu quả hoạt động kém (ví dụ tổ chức ngành chăn nuôi; ngành kiểm lâm,…). Vấn đề chất lượng của cả đầu vào và đầu ra không kiểm soát được. An toàn thực phẩm ở mức báo động. Thị trường phân bón, thuốc trừ sâu bát nháo, chất lượng kém. Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan không được kiểm soát, gây thiệt hại cho nông dân và xã hội. 

Quá chú trọng vào an ninh lương thực quốc gia mà quên đi an sinh của nông dân. Nông dân không có tiếng nói trong sản xuất nông nghiệp, trở thành người phải chịu trách nhiệm về an ninh lương thực cho cả nước và thế giới.



Lần đầu tiên cơ cấu chuyển dịch ngược (giá trị sản lượng chăn nuôi giảm)



Nghị quyết 26 của Đảng CSVN đề ra mục tiêu về hiện đại hóa ngành nông nghiệp nhưng hiện tại sau 5 năm nghị quyết ra đời và 3 năm chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực hiện, chưa thấy có dấu hiệu ngành nông nghiệp hiện đại hóa.



Gần như tất cả các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đều trong cảnh nợ nần và trên bờ phá sản, (Chè, cà phê, mía đường, công  ty chăn nuôi…) .Khách quan đánh giá lỗi này có cả của Đảng và Nhà nước.  

 

Khuyến nông không hiệu quả, chủ yếu làm công tác trình diễn, giới thiệu sản phẩm cho các công ty.



Thị trường giống (cây và con) rơi vào tay các công ty nước ngoài ⇒ nguy cơ mất an ninh giống.



Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp không có đổi mới, kinh tế tập thể như hợp tác xã tiếp tục yếu kém.



Không thực hiện được Quy hoạch sản xuất với nhiều ngành (ví dụ tiêu, hay cao su vượt hàng 100 ngàn ha, sản lượng lúa tăng trong khi thị trường khó khăn, hô hào chuyển đổi cây trồng cũng không có tác dụng là bao). Không có dự báo phân tích thị trường.



Chảy máu chất xám ngành nông nghiêp: Nhiều lĩnh vực không còn chuyên gia giỏi như đất đai, phân bón. Không có những nghiên cứu cơ bản (ví dụ trong lĩnh vực tài nguyên đất, phân bón kể cả thủy lợi)



Yếu kém ngành nông nghiệp trước hết thuộc về ‘tư lệnh ngành’- Bộ trưởng.








Bộ trưởng Cao Đức Phát. Hình: vi.wikipedia.org



Thử giải thích những yếu kém này có nguyên nhân từ đâu:



Hãy xem một số Sản phẩm có thương hiệu “con vịt béo”



-Tầm nhìn (Vision) của Bộ Nông nghiệp, tên rất…Tây, nhưng đọc chẳng ai hiểu ,và ký xong năm 2009 đến nay: không ai nhớ! 



-GMO câu nói nổi tiếng của bộ trưởng Cao Đức Phát “Người ta sợ ma vì không biết ma thế nào” và lập luận theo kiểu 1+1 = 2: thiếu ngô để chăn nuôi phải tăng sản lượng ⇒ tăng năng suất ⇒ dùng giống biến đổi gen; hay lập luận: giá lúa thấp vì sản lượng nhiều thì phải giảm sản lượng lúa và vì vậy phải chuyển đổi một phần đất lúa sang đất ngô, đậu tương,…) Tuy nhiên,  lập luận này không tính đến quyền lợi của người nông dân và điều kiện thực tế ở địa phương, đó là sự phù hợp của cây ngô (bắp)/ngô biến đổi gen/đậu tương đối với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, kinh tế, văn hóa, tập quán canh tác của địa phương, khả năng cạnh tranh của các cây này trên địa bàn, thị trường đầu ra cho sản phẩm. 



-Ai có thể đảm bảo rằng nếu chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang đất ngô hay đậu tương thì giá lúa sẽ tăng lên và người dân sẽ có lãi? đồng thời ai có thể đảm bảo những người nông dân phải chuyển đổi đất lúa sang cây khác có thể bán được sản phẩm và có thu nhập cao hơn trồng lúa? Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Khi nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển sang trồng ngô và đậu tương họ đã không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, chưa kể đất lúa ở ĐBSCL vốn chỉ có cây lúa là phù hợp nhất, nay chuyển đổi sang cây trồng khác thì chẳng phải là đi ngược qui luật kinh tế, chuyển từ cây có lợi thế sang cây yếu thế hay sao? 



-Chương trình kho chứa 4 triệu tấn gạo và tạm trữ nông sản: Mãi vẫn là giải pháp tình thế!?.



-Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ra đời rất “đúng lúc”, ngay sau khi Chính phủ có tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng ai đã từng đọc thì thấy rất khó hiểu, và còn quá sớm để nói về kết quả.



-Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, kể cả đấu thầu công khai minh bạch đã qua hội đồng khoa học tuyển chọn, nhưng khi trình lên, Bộ trưởng tự ý xóa bỏ chỗ này, cho chỗ khác theo cảm tính của riêng mình…



-Cho thuê rừng đầu nguồn, tuy là địa phương thực hiện ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng, vậy vai trò trách nhiệm của Bộ ở đâu?



-Quy hoạch kiểm soát lũ ở ĐBSCL được Thủ tướng phê duyệt năm 1999 hạn chế phát triển vụ 3 nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phá vỡ quy hoạch đưa vụ 3 thành chính vụ, gây bất cập cả về đê bao, bờ bao và đầu ra của thị trường.  



Riêng đối với tội làm suy yếu ngành thủy lợi, lòng người ly tán, tôi sẽ nói trong dịp khác. 



Nhớ lại, thời gian tôi còn làm Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam có lần phát biểu công khai, phản ứng với cách điều hành của Bộ trưởng, đại ý như sau: Ở cuộc họp này anh Phát là lãnh đạo cao nhất. Đề nghị Bộ trưởng không nên cắt ngang ý kiến của người khác. Cần nói rõ mỗi người được phát biểu bao nhiêu phút, trọng tâm là gì, lãnh đạo không lắng nghe thì làm sao nắm bắt được tình hình thực tế và nguyện vọng của cấp dưới! Mặc dù, anh Phát phật lòng ra mặt nhưng tất nhiên không dám cắt ngang khi tôi phát biểu. Tiếc rằng căn bệnh ‘gia trưởng’ của anh Phát ngày càng phát triển, đã thành ‘trọng bệnh’ như hiện nay. 



Tiến sĩ Phạm Gia Minh tâm sự với tôi, nguyên văn như sau:“Tôi là người ngoại đạo đối với ngành nông nghiệp nhưng vốn có truyền thống gia đình làm khoa học trong lĩnh vực này, nên chúng tôi không bàng quan trước sự tụt hậu của nông nghiệp nước nhà. Giống lúa thì phải phụ thuộc Trung Quốc, mía đường thì không cạnh tranh nổi nước ngoài, thương lái TQ tung hoành mua đỉa, rễ cây , lá cây , khoai lang… để phá hoại sản xuất. Nông dân phải bán thóc cho Hiệp hội lương thực để bị ép giá, trong khi giá phân bón phải mua vào cao hơn Indonesia mấy lần! Phải vẽ nên bức phông đủ gam mầu tối của nông nghiệp nước nhà mới thấy được hình ảnh Bộ trưởng Cao Đức Phát. Thêm một ý nữa là nông dân giờ đây bị mất đất khắp nơi tất nhiên do cơ chế chung, nhưng Bộ NN&PTNN không hề có ý kiến tích cực trong các vụ như Anh Vươn. Tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng rồi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn bây giờ rất phổ biến. Nông sản VN liệu có mấy thương hiệu? Hơn 80% thị trường thức ăn gia súc hiện do nước ngoài nắm giữ… Tội của ông Phát còn gấp mấy lần bà Tiến (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến-TS), và ông Luận (Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận-TS). 

 

Để khách quan, tôi đang nghiên cứu tài liệu của World Bank, và các tổ chức quốc tế đánh giá một cách hệ thống về nền nông nghiệp nước ta và đối chiếu với thực tế. 



Tôi cũng đã nghe rất nhiều người kể không có bộ trưởng nào cư xử tệ, luôn hách dịch với cán bộ dưới quyền ngay cả trong các cuộc họp như anh Phát. Thứ trưởng giáo sư Đào Xuân Học bị ‘đì’ công khai sát ván, nhưng nhiều người khác cũng bị “vạ lây”. Vụ trưởng Bình chỉ còn 1 năm nghỉ hưu, có đứa con trai duy nhất bị bệnh down cũng bị chuyển sang làm Trưởng ban “ngồi chơi xơi nước” vì lý do rất ‘vớ vẩn’! Anh Phiệt-Vụ trưởng vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế không chịu nổi cách hành xử của anh Phát, đã phản ứng công khai và bỏ việc. Gần đây nhất, Bộ trưởng lấy danh nghĩa Ban cán sự ra chủ trương điều giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sang làm Tổng cục phó Tổng cục thủy lợi phía Nam, trong khi anh này chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa là nghỉ hưu, đang là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước, và hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh của Viện. 



Như vậy, tôi có thể kết luận: Bộ trưởng Cao Đức Phát không đủ tâm và tầm, luôn lãnh đạo bằng uy quyền, làm hỏng cả ngành nông nghiệp. Mỗi lần ra Quốc hội điều trần cũng lúng túng, loanh quanh, thua xa người tiền nhiệm. 



Viết đến đây, tôi lại nhớ đến tâm sự của chuyên gia Nguyễn Đăng Lương: “Nhiều lắm bạn Trường ơi, những chuyện “giận cá chém thớt” ở lớp trung cao chưa thấm gì với những trường hợp “giận cá ‘băm’ thớt” ở những cấp dưới đầu sóng ngọn gió đâu!” 



Cóc kêu dưới vũng tre ngâm,

Cóc kêu mặc cóc, tre dầm mặc tre,

Thương thay thân phận con rùa,

Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia” !!! 

 


MỚI CẬP NHẬT