Thursday, March 28, 2024

Canh bồi của người Ba Na

K’Sim




Về xã Ia Phí, huyện Chư pả (Gia Lai), do quen biết lâu rồi nên Rơ Chăm Pay hỏi tôi:”Trưa nay thích ăn gì?”. Tôi nói ngay:”Món nào đích thực dân dã mang tính dân tộc thì cho ăn”. Anh gật đầu:”Nấu canh bồi vừa uống rượu, vừa chan cơm đều được.”



Nói đúng ra tôi đã ăn canh bồi (hay còn gọi là canh sộn) là canh có cá hay cua nấu lẫn với nhiều loại rau rừng mà nhiều dân tộc bản địa Tây nguyên đã từng nấu, song nghe nói canh bồi của người Ba na ngon có tiếng, nên muốn được nếm thử.



Anh bảo chị phóng xe máy vô rừng, còn anh đạp xe đi chợ mua một mớ cá mè suối, anh bảo:”Cá chép, cá trắm nuôi cả vài ba ký lô thiếu gì, nhưng phải là cá này nấu canh bồi mới hợp với rau rừng. Tiếng là cá suối nhưng người ta bắt ở sông Ia Krông Bơ lan đấy.”








Ra suối bắt cá. Hình minh hoạ. Nguồn: thanhnien.com.vn



Tôi giúp anh làm sạch cá xong thì nồi nước cũng vừa sôi, anh đổ cả nửa rổ cá vào nấu thêm chặp nữa thì vớt ra cái thau nhôm. Hai chúng tôi hì hụi bỏ da, bỏ đầu, xương sống, xương dăm, chỉ còn mỗi thịt cũng được đầy một cái tô ước chừng cả ký.



Vừa lúc chị về hái được khá nhiều loại lá, rau rừng, nào là bồ ngót, đọt bồm bộp (lạc tiên), đọt me vóc (mây), đọt đát, rau má, cải thơm, lá xoài rừng non cùng một mớ cà đắng. Còn một số lá nữa tôi không biết tên, chị vợ giới thiệu:”Đọt và lá thuốc cả đấy, người Kinh gọi là sâm đất, hoài sơn, đinh lăng…” Ngay lúc ấy Rơ Chăm Pay bảo tôi lên nhà, phần việc còn lại của bà xã nấu mới ngon, nhưng tôi muốn ‘mục sở thị’ công thức nấu thế nào nên nán lại.



Chị nhặt cà đắng để nguyên trái rửa sạch và gạn lấy tới 2 tô nước trong từ cái soong luộc cá ban nãy đổ vào cái soong khác rồi cho cà vào bắc lên bếp, chị giải thích:”Nấu nguyên trái lâu một chút nhưng chất đắng thanh thao vẫn còn nằm trong ruột trái cà ăn ngon hơn.”



Nói rồi chị đi rửa các loại lá gộp lại thái nhỏ như sợi thuốc, đợi thêm khoảng 10 phút, thử cà đã mềm thì cho tô thịt cá vào nấu sôi vài chặp mới bỏ rau, nêm muối, bột ngọt, ớt xanh giã nát…, đảo qua và nhắc xuống.



Mâm dọn ra, nồi canh để giữa, trong nồi có chiếc vá (muỗm lớn), chị vợ múc một vá toàn nước canh tới hơn nửa chén đưa chồng, anh chồng đổ vô 2 ly rượu nhỏ rồi chia đôi đưa tôi 1 chén. Vừa thổi vừa húp hết trong chén, anh bảo:”Canh bồi đổ rượu vô uống gọi là suôn, dùng hết cho ra mồ hôi thì uống rượu tiếp nó mới khoẻ.” Đúng vậy, sau đó tôi với Rơ Chăm Pay uống hết nửa lít nữa vẫn mới chỉ vừa say, trong khi đó tửu lượng tôi chưa bao giờ được nửa xị (250 ml)..








Canh bồi. Hình do tác giả cung cấp.



Canh bồi của người Ba na quả tình có mùi, vị đặc trưng khác nhiều so với canh của nhiều dân tộc khác; cá mè suối kho hay làm các món khác đều phát hiện ra mùi tanh, song nấu canh bồi chỉ thấy mùi thơm của thịt cá chứ chẳng nghe tanh do có nhiều loại lá đã ‘khử’ được mùi. Đặc biệt ăn một gắp rau mới cảm nhận được nhiều vị ngon, bùi, đắng, chua, ngọt, chát… lẫn lộn. Cà đắng có lẽ là món chủ đạo trong canh, trong vị đắng ấy nó có vị ngon khó tả, ăn rồi vẫn còn giữ vị ngòn ngọt thanh thao ở cổ. Thịt cá hầu như đã nát ra với thứ nước sền sệt gần như dạng cháo bột loãng tiềm ẩn mùi thơm thảo của núi rừng, của thiên nhiên thật khó viết thành lời.



Rơ Chăm Pay bảo:”Mùa này không có cua, cua đá bắt từ suối lên dã nát lọc lấy nước nấu canh bồi còn thú vị hơn. Mà chẳng cá, chẳng cua dân Ba na nhiều đời nay đã sống và có sức khoẻ tuyệt vời cũng nhờ canh bồi đấy, nó toàn là rau rừng có nhiều vị thuốc chữa trị được nhiều bệnh, tốt lắm!”


MỚI CẬP NHẬT