Thursday, April 18, 2024

Chuyện đời riêng tư của người trên chuyến bay MH370


Y Vi Lưỡng Khả  (Melbourne, Úc)



Khi chuyến bay MH370 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Việt Nam, thì 239 người cũng biệt tăm. Lẽ ra chuyến bay này phải đáp xuống Bắc Kinh vào sáng sớm hôm sau. Nhưng một tuần lễ trôi qua, càng tìm kiếm người ta càng không biết máy bay ở đâu.


Trong bốn ngày đầu tiên, Việt Nam nhiều lần báo tin thấy “vật thể” này nọ, rồi có người đồ đoán là cánh cửa hay vết dầu, hay phao cấp cứu từ máy bay yểu mệnh. Những hô hoán đó làm bừng lên hy vọng; nhưng nhanh chóng bị coi là… “ẩu tả.” Suốt bảy ngày qua, ngày nào giới chức tại Mã Lai cũng họp báo ba bốn bận. Lần họp báo sau cải chính tin từ họp báo trước và ấm ớ loan thêm tin vịt khác. Khi viết bài này, Y Vi Lưỡng Khả đọc tin thấy người ta cho rằng máy bay của Malaysia Airlines có thể nằm trong Vịnh Thái Lan, có thể ở eo biển Malacca, có thể ở biển Andaman ngoài khơi Miến Ðiện và mới nhất là Ấn Ðộ Dương hay trong rừng rậm Ấn Ðộ!


Có lẽ tấm hình đăng trên Facebook vẽ hình ba em bé chờ máy bay Boeing 777-200ER của Mã Lai trở về với lời chú thích “MH370 ơi. Bạn rong chơi mệt chưa? Thôi về nhà nhé. Chúng tôi đang chờ bạn” là câu trả lời cho ngàn thân nhân của 239 người mất tích. Bài này xin kể chuyện đời riêng tư của vài ba người mất tích ấy.









Một bức tranh trên Facebook mong chờ máy bay Boeing 777-200ER. (Hình: Facebook)


Chờ tin… (tin gì?)


Khi tai họa xảy ra, thân nhân của hành khách chuyến bay MH370 được Malaysia Airlines trả tiền khách sạn tại Kuala Lumpur và Bắc kinh để theo dõi tin tức.


Ở tại hai nơi này, thân nhân tập trung trong phòng lớn có kê chiếc TV vĩ đại. TV bật ngày đêm. Thỉnh thoảng, nhân viên hãng hàng không hay giới chức chính phủ đến mở… họp báo.


Khi tai họa xảy ra, bắt đầu người ta không chấp nhận. Văn phòng Malaysia Airlines tại Bắc Kinh gởi cho thân nhân mỗi hành khách mất tích số tiền 31 ngàn Quan Nhân Tệ gọi là “chút gì giúp đỡ” thì có gia đình nổi giận “Chúng tôi không cần tiền. Chúng tôi cần người thân trở về.” Cho tới hôm đó, đây là điều không thể. Ðến cuối tuần thì xem chừng thân nhân tỉnh trí chút. Họ chấp nhận có chuyện gì đó xảy ra cho máy bay. Ðành nhận là thế. Nhưng máy bay có bị nạn thì ít nhất người thân của họ thoát thân. Anh Su, 20 tuổi ở Bắc Kinh, nói: “Tôi hy vọng máy bay chỉ bị không tặc và người em họ của tôi bình an.”


Vì thân nhân mòn mỏi chờ tin nên khi có chút tin nho nhỏ thì cả khách sạn xôn xao. Một thân nhân họ Lui, trạc 20 tuổi, quê tại Tianjin, ngày đêm chờ tin đã nói, “Cứ như bị tra tấn liên tục.” Ðúng là tra tấn, vì thân nhân bị đòn đau mà không muốn dứt cơn đau. Họ chờ tin mà thật sự không muốn nhận được tin bởi… chắc là không có tin lành đâu. Ai cũng biết thế mà không ai dám chấp nhận. Họ bám víu vào nỗi chờ.


Trong lúc không có tin tức gì xác thực thì bọn người “dựa hơi nỗi chết” tung hoành. Một anh bạn văn của Y Vi Lưỡng Khả nói thế. Họ tung tin đồn. Tin đồn tràn lan trong vòng các thân nhân đau khổ. Có người rú lên “nhận được SMS của người trên chuyến bay.” Có người cầm chiếc điện thoại di động lên bấm số người thân trên chuyến bay MH370. Ðiện thoại rung.



Chuyện đời riêng tư


Trong số 227 hành khách có hai người dùng thông hành bị đánh cắp. Cả hai bị dư luận chụp cho cái mũ “khủng bố.” Quan thuế Mã Lai đánh bóng họ thành da đen, vạm vỡ như cầu thủ Mario Balotelli của đội tuyển Ý. Người ta thêm chắc là từ Trung Ðông hay Uighur. Nhưng không phải. Họ là hai chàng trai người Iran. Một trong hai là Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 18 tuổi, bay từ Kuala Lumpur ghé Bắc Kinh rồi nhắm tới Frankfurt, Ðức. Ở đây, mẹ của anh đang chờ tin con. Anh chỉ là người tìm đất sống trên hành tinh màu xanh xinh đẹp này. Ai sẽ nhỏ nước mắt cho người tầm trú biệt tăm trên vịnh Thái Lan… Chắc là chỉ có bà mẹ già của anh ta?


Lá vàng Iran ở Ðức khóc lá xanh; lá vàng tại Hoa Kỳ cũng thế. Khi hay tin con trai Philip Wood, 50 tuổi, kỹ sư hãng IBM, có tên trong số hành khách của chuyến bay yểu mệnh, cha già của anh nghẹn ngào hỏi lại, “Mình có thể làm gì? Mình có thể nói gì bây giờ?” Trong danh sách chỉ có ba người là công dân Hoa Kỳ. Nhưng nếu tính nhân viên của công ty sản xuất điện tử cao cấp dùng trong kỹ thuật quân sự thì con số này lên đến 26 người. Ðặc biệt công ty Freescale chuyên cung cấp kỹ thuật quân sự cho Hoa Kỳ bị mất 20 nhân viên. Khoảng trống này khó lấp đầy. Vì khoảng trống này khiến cho có người “dựa hơi nỗi chết” cho rằng máy bay Malaysia Airlines mở đầu cho cuộc chiến tranh cân não giữa các công ty điện tử lớn trên thế giới.



Hai phần ba là người Trung Hoa


Trong số hành khách, hai phần ba (153) là người Trung Hoa. Trong số người Trung Hoa 24 là họa sĩ chuyên về thư pháp. Họ vừa triển lãm thư pháp tại Kuala Lumpur và chữ rồng bay phượng múa đã thành mây khói.

Trong số họa sĩ thư pháp này có danh tính Lou Baotang. Nếu bạn đọc tra tự điển về văn hóa xuất bản tại Anh, Mỹ và Trung Quốc thì danh tính lão trượng Lou Baotang, 79 tuổi, có ở trỏng. Giới học thuật văn vẻ nho nhe đang nhỏ nước mắt cho đồng nghiệp.


Trong số người Trung Hoa còn có Yuchen Li mới lãnh bằng tiến sĩ từ Ðại Học Cambridge, Anh Quốc. Tiến sĩ Yuchen Li trên đường về Bắc Kinh. Ở đây, vợ mới cưới có lẽ đã dọn sẵn mâm cơm chờ chồng. Vợ ông tiến sĩ khóc và báo chí tiếc thương. Nhưng danh tính một người Trung Hoa khác lại bị bôi nhòa khi Malaysia Airlines chính thức công bố tên hành khách mất tích. Hành khách này ở số 84 trong 227 danh tính. Người ta nói rằng người này thuộc sắc dân Uighur! Vậy là hành khách số 84 bị mất tích hai lần: một lần trên MH370 và lần thứ nhì khi không ai muốn thấy tên người đó trong cõi đời.



Nước mắt bên trong mái ấm gia đình


Vào sáng sớm Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014, chờ tại Bắc Kinh là hai người con trai nhỏ của cặp vợ chồng người Canada Muktesh Mukherjee, 42, và Bai Xiaomo, 37 tuổi. Sau khi nghỉ mát tại Việt Nam, vợ chồng này qua Mã Lai mua vé về nhà. Nhưng hết tuần lễ rồi, họ vẫn biệt tăm. Ông Muktesh Mukherjee đang làm cho hãng Xcoal của Mỹ, người gốc Ấn Ðộ có cha làm bộ trưởng và cha anh từng tử nạn máy bay ở New Delhi. Bây giờ đến phiên anh… (cầu xin chuyện này đừng xảy ra).


Gia đình Muktesh Mukherjee hai đời tử nạn máy bay; còn gia đình Paul Weeks bị nạn liên miên. Paul Weeks và vợ cùng với hai con nhỏ tan nát nhà cửa khi Christchurch, New Zealand, động đất. Ông dọn nhà tuốt sang Perth, Tây Úc. Qua Perth, gia đình ông bị tai nạn xe hơi. Sau đó, bắt được gióp thơm khai thác quặng mỏ tại Mông Cổ, Paul Weeks bay qua Mã Lai rồi đi Bắc Kinh để tới sở làm. Trước khi lên đường, ông tháo nhẫn cưới và đồng hồ đeo tay trao cho vợ và nói (gở), “Nếu có chuyện gì thì em dành nhẫn cưới cho thằng Hai khi nó cưới vợ; còn đồng hồ thì cho thằng Ba.” Bây giờ hai con nhỏ luôn miệng hỏi mẹ, “Chừng nào thì ba lên Skype nói chuyện với mẹ con mình?” Câu hỏi của con làm cho bà Diana Weeks chảy nước mắt.


Từ Queensland, hai cặp vợ chồng già người Úc rủ nhau cùng du lịch cho qua tuổi hạc. Rod và Mary Burrows, Robert và Catherine Lawton sải cánh hạc biệt tăm. Cho đến nay, trước cửa nhà ở Queensland của cặp vợ chồng Úc vẫn còn đó tấm biển, “Grandkids welcome anytime – Con cháu muốn tới khi nào thì tới.” Suốt tuần lễ qua, con cháu đã tới mà ông bà biệt tăm…


Cũng là người Úc nhưng báo chí Úc ít nhắc tới là Gu Naijun và Li Yuan. Cặp vợ chồng này quen nhau tại Ðại Học Sydney. Họ có hai “công chúa” gởi cho ông bà bên Bắc Kinh vì cả hai bận làm ăn tại Úc. Họ mua cây xăng. Cây xăng thua lỗ. Ho bị phá sản và lên máy bay về Bắc kinh tìm cơ hội mới. Cơ hội vẫn mãi mãi xa tầm tay.



Ai khóc cho phi hành đoàn?


Lái máy bay Boeing 777-200ER đi Bắc Kinh vào tối Thứ Sáu rạng Thứ Bảy tuần qua là phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, có hơn 18 ngàn giờ bay. Người ta đặt dấu hỏi dám phi công lao máy bay xuống biển tự tử đa. Thế là cảnh sát đã tìm tới tận nhà điều tra vợ con… Trong nhà của phi công, cảnh sát tìm thấy phòng lái máy bay Boeing 777-200ER do chính ông Zaharie Ahmad Shah chế ra để luyện thêm tay nghề.


Bên cạnh phi công trưởng lành nghề là phi công phụ Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi. Danh tính của anh lên trang nhất báo chí vì tấm hình chụp chung với hai cô gái Úc trong phòng lái máy bay. Xem tấm hình này, Malaysia Airlines phải ra thông cáo xin bà con bớt thụi cho người đau khổ thêm nước mắt.


Trong nhóm 12 nhân viên phi hành đoàn mất tích (mà ít người nhớ tới) còn có anh Andrew Nari. Andrew Nari bay lần đầu tiên trên đường bay quốc tế và hứa gởi tiền cho mẹ khi máy bay hạ cánh. Mẹ anh còn chờ con tại Kuching, Mã Lai.


Và mẹ anh khóc.


MỚI CẬP NHẬT