Friday, March 29, 2024

Chuyện hiếm: Ũng cử viên Mỹ gốc Việt và Mỹ gốc Phi Châu tranh luận


Thái-Anh



WALNUT CREEK – Rẽ phải vào Locust Street từ Civic Drive, tôi đang ở trung tâm thành phố Walnut Creek, bị trễ 15 phút. Một giọng nói vang lên từ máy dẫn đường: “Ðiểm đến của bạn ở phía trái. Lộ trình hướng dẫn của bạn đến đây đã chấm dứt…” Tôi đảo mắt qua phía bên kia đường Locust, Massimo Ristorante nằm phía giữa dãy phố. Nhịp tim tăng tốc đập khi tôi bẻ lái vội vào tòa đậu xe bên phải.


Ðây là lần đầu tiên tôi tham dự một cuộc tranh luận trực diện của hai ứng cử viên Quốc Hội Hoa Kỳ: Có lẽ hôm nay, Chủ Nhật, 9 Tháng Ba, 2014, cũng là một cuộc thi thố đầu tiên giữa một người Việt Nam và một người di dân Châu Phi. Ðương nhiên cả hai đều là công dân Hoa Kỳ. Một phụ nữ dáng dong dỏng cao, đen, tô điểm cho mình trong một chiếc áo vét màu đỏ, với một chiếc khăn quàng có hoa văn một lá cờ Mỹ quấn theo cổ vạt áo – bà là Virginia Fuller, trước kia đến từ thuộc địa Guiana của Hòa Lan. Bà trạc năm mươi tuổi. Một y tá về nhi khoa. Hơn ba mươi năm trước đây, bà đã từ Hòa Lan nhập cư vào Mỹ. Một người đàn ông thấp hơn, nghiêm trang và lịch sự trong một bộ complet sậm màu là thẩm phán di dân và nhập tịch Hoa Kỳ Phan Quang Tuệ, đã về hưu. Ba mươi chín năm trước, ông rời Việt Nam đến Mỹ với 45 xu trong túi.









Tại buổi tranh luận để được sự hậu thuẫn của đảng. Từ trái: Cựu Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, bà Virginia Fuller, cựu Dân Biểu Bill Baker (đứng). (Hình: Nguyễn Khoa Thái-Anh)


Hiện giờ cả hai đều ngồi ở một bàn trải khăn trắng, đặt sát tường giữa một phòng họp hình chữ nhật nằm bên trái của nhà hàng. Phòng dài khoảng sáu mươi bộ và rộng 25 bộ, đầy ắp khách, có khoảng trên 60 người tham dự. Bàn ghế được bố trí ở phía đối diện bàn hai ứng cử viên dọc theo bức tường dài. Trong khi tôi tìm chỗ ngồi, nhân viên liên tục mang ghế vào và họ đặt chúng vô bất cứ nơi nào có chỗ trống. Mặc dù đây là một cuộc tranh luận kín, chỉ mở cho Ủy ban Trung ương đảng Cộng Hòa hạt Contra Costa, hội viên, và hai ứng cử viên, mỗi bên được mời 5 người, nên vẫn còn nhiều người đứng.


Chụp vài ảnh cuối của hai ứng cử viên, tôi chen mình vào một ghế giữa hai người đàn ông ngồi ở cạnh bàn gần hai ứng cử viên. Một người đàn ông (Mark Meuser, ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa, đơn vị 7, năm 2012) đứng ở góc bàn, nơi hai thí sinh ngồi, nói về tình trạng tổng quát của Ðảng Cộng Hòa trong quận 11 nói riêng và vùng Vịnh nói chung. Ông ta có vẻ lạc quan, mặc dù đôi lúc than thở tình trạng thiểu số của các cử tri đảng Cộng Hòa, những lúc khác hô hào và cổ động đảng viên Cộng Hòa trong phòng để giành lại vai trò của họ trong vùng. Sau khi bà Catharine Baker một ứng cử viên nữ vào Quốc Hội California (hạt 16) phát biểu hùng hồn về cuộc vận động muộn màng của mình nhằm đối đầu với sự xuất hiện đột ngột của ba đảng viên Dân Chủ trong một khu vực mà 40 phần trăm cử tri ghi danh đi bầu thuộc đảng Dân Chủ và 38% thuộc đảng Cộng Hòa, Bill Baker, một cựu dân biểu hai nhiệm kỳ điều hợp cuộc tranh luận; và giới thiệu hai ứng cử viên.


Thể thức cuộc tranh luận như sau: người mở đầu có thêm cơ hội để tái phản biện sau khi tranh luận viên thứ hai nói. Tức là người nào trả lời đầu tiên được nói 2 lần. Mỗi người được nói trong 3 phút.


Virginia Fuller phát biểu đầu tiên, bà cho biết chính cá nhân mình, một người đàn bà thiểu số và da màu đã bị phân biệt đối xử, trong bản thân cũng như trong kinh doanh của mình. Bà đã bị ngăn trở không cho phép được hành nghề mà mình đã được đào tạo. Bà nhận thức rằng đảng Dân Chủ hay nói về cơ hội bình đẳng nhưng mặc nhiên phân biệt đối xử bởi việc thích duy trì một thái độ xòe tay xin. Tiết lộ theo ý tưởng mình, bà cho rằng thông điệp của đảng Dân Chủ “không hề về con người, họ chỉ muốn duy trì cho bạn được thoải mái ở vị trí của mình, không cho phép bạn có thể tự lực cánh sinh, vươn lên và tự lập,” do vậy bà cố gắng thay đổi tâm lý này nếu vào được Quốc Hội.


Trong khi Thẩm Phán Phan Quang Tuệ nói về bối cảnh và lý do tại sao ông ra ứng cử Quốc Hội; ông thuật lại – không phải những câu chuyện từ hàn vi đỗ đạt trở nên giàu có – nhưng có lẽ trái lại, một luật sư trong Tối Cao Pháp Viện Sài Gòn ông đã trở thành người rửa chén và đánh giày ở D.C. và lặt râu bắp ở Iowa. Cho đến khi ông tự vươn lên từ tính quyết tâm và tinh thần tự lực cánh sinh của mình để rốt cuôỳc tốt nghiệp bằng luật tại Ðại Học Drake và trở thành thẩm phán nhập cư liên bang ở San Francisco. Tất cả dựa vào ý chí bất khuất và tinh thần điều gì cũng làm được của Mỹ – chính khát vọng này đã đẩy ông tranh cử Quốc Hội để tìm cách phục hoạt lại một căn bản tài chính, đơn giản hóa chương trình y tế, phục hồi công ăn việc làm cho Hoa Kỳ và chỉnh đốn đạo luật di dân.


Cựu Nghị Sĩ Baker bắt đầu câu hỏi thứ hai bằng cách châm biếm, “Có nhiều cuộc tranh luận về tốn kém không-kham-nổi ACA (đạo luật y tế có-thể-kham-nổi) gần đây, Virginia, bà có thể làm được điều gì cho luật y tế của Obama?” Bà Fuller cực lực phản đối chương trình y tế Obama. Năm 2007, bà đã đến Washington để tham gia vào các cuộc nỗ lực vận động nhằm triệt tiêu chương trình chăm sóc y tế của Obama. Bà than phiền về tiền tài trợ của chính phủ đã được đưa ra để trợ giúp chủ nhân các công ty để trang trải phần bảo hiểm y tế cho công nhân của họ thay vì chính phủ có thể chi trả cho các người đi làm/lao động để họ tự lo toan cho bảo hiểm cá nhân của riêng mình. Bà Fuller phàn nàn về phí tổn khám bác sĩ mà không có nỗ lực của chính phủ để kiềm chế mức tiền quá độ này. Trong khi ông Phan Quang Tuệ nhấn mạnh: “Chắc chắn là chúng ta phải xem xét lại việc thực hiện đạo luật ACA” mà ông thừa nhận là một vấn đề quá rắc rối và phức tạp, cả trong chăm sóc sức khỏe lẫn trong thi hành đạo luật.


Khi nói về vấn đề nhập cư, bà Virginia Fuller thẳng tay báng bổ số lượng quá lớn những người nhập cư không có giấy tờ tại Mỹ (10 đến 13 triệu, con số được ông Tuệ dẫn chứng) mà không cơ quan nào kiểm soát nổi, bà xác định việc yêu cầu thực thi nghiêm phạt trong khi Thẩm Phán Tuệ lấy thí dụ của bức tường Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc mà phi hành gia Neil Armstrong nhìn thấy trên không trung vì ông không muốn nhìn thấy một nước Mỹ với đại dương sáng loáng từ bờ Ðông đến bờ Tây bị vây kín bởi những bức tường ranh giới. Ông nhấn mạnh: “Lính biên phòng có thể tuần tiễu, bức tường thì không!” Ông nói về đạo luật Simpson-Mazzoli (Ðạo luật cải cách và kiểm soát xuất nhập cảnh, 1986) và ủng hộ những cải cách mà những người đã ở Mỹ liên tục trong một thời gian có thể xác định được, chăm chỉ làm lụng và đóng góp hợp pháp có thể nhận được ân xá. Sau đó ông Bill Baker hỏi lại Thẩm Phán Tuệ, “Ông có ủng hộ ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp, những người phạm pháp?” Ông Tuệ với sự điềm tĩnh và ôn tồn sẵn có, cải chính ông này bằng cách đọc lên các quy định đạo luật cải cách và kiểm soát xuất nhập cảnh IRCA.


Các câu hỏi về nền kinh tế, nạn thất nghiệp và mức lương tối thiểu, bà Fuller trả lời trước và than phiền về 17 nghìn tỷ thâm hụt của Mỹ, ngăn cản Mỹ có hành vi độc lập trong giao thương cũng như việc chế tài các quốc gia khác vì mậu dịch không công bằng chỉ vì do mức nợ quốc gia khổng lồ mà người Mỹ phải chịu lép vế. Trong khi bà đoán rằng với hơn 47 chương trình khác nhau của chính phủ để đối phó với tình trạng thất nghiệp, nhưng vẫn không hữu hiệu, ngược lại đã trở thành gánh nặng tài chính cho quốc gia. Ông thẩm phán trích dẫn Adam Smith trong The Wealth of Nations về quan niệm sai lầm rằng các khoản nợ quốc gia là một vốn bổ sung, trái lại chính đó là sự bất lợi cho sự phát triển của Hoa Kỳ. Ông phác họa một hình ảnh bi thảm về tệ thất nghiệp của dân Dựa-Tường ở Algeria, dân nước này la liệt ngồi dựa lưng vào tường nhìn xem thế giới vận chuyển trước mắt họ! Ông nói: tồi tệ hơn nhiều, đây không những chỉ là vấn đề kinh tế hay xã hội, mà nó đã trở thành một sự mục ruỗng về đạo đức.


Về mức lương tối thiểu mà Obama đưa ra, ông Tuệ cho thấy hình ảnh của hai người kiếm việc làm, một người kêu vòi một mức lương tối thiểu và một người muốn có một mức lương theo khả năng và công sức mình, người đòi mức lương tối thiểu sẽ đi từ lương tối thiểu đến mức không có lương! Ông nhận một tràng pháo tay xứng đáng từ đám đông. Trong khi bà Virginia tin rằng đó là một đề xuất thất bại ngay từ đầu của Obama.


Ngoài một định lý hiển nhiên không chối cãi: Người ta phải chịu trách nhiệm về tài chính chi tiêu của mình, ông thẩm phán giữ vững lập trường: “Người ta không thể cứ tiếp tục chi tiêu mãi ngoài mức thu nhập của họ,” và “cần có một quỹ dự trữ cho những ngày mưa,” cả hai dường như không đưa ra bất kỳ giải pháp khả thi nào cho nạn thất nghiệp. Ðiều này có vẻ ăn khớp với các câu hỏi phụ trội Ủy ban Trung ương: “Hai người nghĩ rằng bao nhiêu tiền cần có để vận động một chiến dịch tranh cử?” “Làm thế nào để bạn có kế hoạch gây quỹ cho mình” và “Và hiện giờ mỗi ứng cử viên có bao nhiêu tiền mặt?” Bà Virginia đưa ra con số $200 triệu USD cần có để tranh cử, trong khi ông Tuệ đưa ra một khoản từ $800,000 đến $1,000,000 và tuyên bố rằng ông sẽ có thể kiếm được $400,000 vào Tháng Sáu. Khán thính giả có được một cái nhìn sơ khởi về hai quỹ vận động của họ: Ông Tuệ có $23,000 tiền mặt, trong khi bà Fuller: $15,000.


Ủy Ban Cộng Hòa có vẻ thích câu trả lời của ông Tuệ, xác định việc tiếp tục gây quỹ cho đến năm 2016 và ngay cả sau khi ông được đắc cử và trở thành một dân biểu – nhằm bù đắp cho quỹ tranh cử Ðảng Cộng Hòa hạt Contra Costa đang thiếu hụt.


Những câu hỏi cuối như: “Vấn đề cấp thiết trong Quận 11 hiện nay là gì?” và “Ứng cử viên muốn phục vụ phân khu nào trong Quốc Hội sau khi đắc cử?” “Làm thế nào để đối phó với vấn đề nước (hạn hán) ở California,” “Bạn nghĩ gì về quyết định hành pháp của Obama?” Có vẻ như những câu nhằm xác quyết giúp Ủy Ban Trung Ương Ðảng Cộng Hòa đi đến quyết định cuối cùng để chọn lựa một trong hai người làm đại diện.


Nhìn chung, với một tư cách hiền lành, nhỏ nhẹ, tự nhiên và tư phong hòa hợp, Virginia Fuller phát biểu như thể đang nói chuyện ấm cúng và thân thích với nhóm bạn bè riêng của mình. Bà có vẻ ít trau chuốt, ăn nói với lời lẽ nhẹ nhàng, xuất phát từ tim óc của mình. Bốn lần chuông cảnh báo trước khi bà kết thúc phát biểu của mình. Trong khi ông thẩm phán – mực thước hơn trong việc trình bày ý tưởng của mình, ví dụ trước khi vào đề ông lịch thiệp cảm ơn bà chủ tịch, các thành viên của Ủy Ban Trung Ương, thành viên và đại biểu,… (trong khi bà Virginia bỏ qua các nghi thức). Ông Tuệ nắm vững các dữ kiện của mình – mặc dù ông dựa vào các ghi chú của mình nhiều hơn khi phát biểu – lời nói ông dõng dạc, có trích dẫn đầy đủ các nhân vật lịch sử và sự kiện.


Sau khi cuộc tranh luận chấm dứt, Ủy Ban Cộng Hòa Trung Ương hạt Contra Costa mời tất cả mọi người ra ngoài, ngoại trừ các thành viên của mình – những người dành khoảng một giờ sau cánh cửa đóng kín để thảo luận. Trong khi đó, hai ứng cử viên và những người khác tụ tập tại phạm vi lớn của nhà hàng Massimo Ristoranti, nói chuyện, bắt tay, trao đổi danh thiếp, và nhấm nháp rượu vang. Một bầu không khí náo nhiệt bên ngoài như muốn dấu đi những suy tư của nhiều người trong nhóm đang hồi hộp mong đợi kết quả của cuộc tranh luận.


Vào 7g30 cánh cửa mở. Hai ứng cử viên được mời trở lại phòng họp. Bà Becky Kolberg, chủ tịch UƯy Ban Trung Ương Ðảng Cộng Hòa của Contra Costa tuyên bố quyết định chọn Thẩm Phán Phan Quang Tuệ làm đại diện chính thức cho đảng.


Sau khi chấp nhận và cảm ơn sự ủng hộ của Ủy Ban Trung Ương, Thẩm Phán Tuệ khen ngợi bà Virginia Fuller đã có một cuộc tranh luận vững vàng cũng như ý chí bền bỉ đáng ngưỡng mộ của bà trong hai cuộc vận động tranh cử vừa qua. Sau đó Thẩm Phán Tuệ mời bà Virginia Fuller tham gia nhóm vận động tranh cử của mình trong tư cách cố vấn. Một tràng pháo tay vang dội trong phòng họp. Bà Virginia Fuller từ tốn cho biết bà sẽ cứu xét thêm về đề nghị khả ái này.

MỚI CẬP NHẬT