Thursday, March 28, 2024

Có một mô hình Trung Quốc không?

Wolfgang Hirn



Không còn có thể nghi ngờ được nữa:  Trung Quốc đặc biệt thành công về kinh tế. Tròn 30 năm trời – từ khi bắt đầu cải cách năm 1978 – đất nước này đạt những tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là mười phần trăm.



Từ một vài năm nay, tỷ lệ này chỉ còn là bảy, tám phần trăm. Nhưng ít ra là: ai lại không thích một sự tăng trưởng như vậy?

Nhiều người đứng đầu nhà nước và chính phủ vì vậy mà nhìn nửa ghen tỵ nửa khâm phục thành công này và trong lúc đó tự đặt cho mình hai câu hỏi: Người Trung Quốc làm thế nào mà được như vậy? Và tôi có thể làm điều đó trong đất nước của chúng tôi hay không?



Câu hỏi lớn ở phía sau những câu hỏi này: Có một mô hình Trung Quốc hay không? Câu trả lời rất khác nhau. Điều thú vị là nhiều nhà quan sát ở Phương Tây tin vào sự tồn tại của một mô hình như vậy, trong khi nhiều chuyên gia Trung Quốc phủ nhận hay ít nhất là hoài nghi một mô hình như vậy.



Ngay lúc đặt tên là đã khác nhau rồi. Những người này thì nói về The Beijing Consensus, những người khác đơn giản là về China Model (tiếng Trung: Trung Quốc mô thức). Khái niệm Beijing Consensus đã lảng vảng ngay từ 2004 qua cuộc thảo luận. Nó do người Mỹ Joshua Ramo sáng tạo ra, như là mô hình đối nghịch với cái được gọi là Washington Consensus mà mô hình tự do Phương Tây được hiểu ở dưới đó.








“The Beijing consensus is to keep quiet”. Hình minh họa của tờ The Economist.



Cuộc thảo luận về mô hình Trung Quốc bắt đầu vào khoảng 2008 với lần bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính. Một trong số những người giữ vai trò chủ đạo cho khái niệm này là Phan Vĩ ở Bắc Đại, người năm 2009 đã phát hành một quyển sách với tựa đề The China Model. Từ đó, ngày càng có nhiều tiếng nói tự tin ở Trung Quốc. David Li, nhà kinh tế học và cố vấn cho Ngân hàng Trung ương, là một trong số đó. Ông nói: “Chúng tôi tạo can đảm cho nhiều người nghèo trên thế giới”. Với lần trỗi dậy của Trung Quốc, “một mô hình xã hội và kinh tế mang tính lựa chọn khác” đã được đưa ra.



Cho tới nay, chính phủ Trung Quốc không tham gia vào trong cuộc thảo luận. Người ta lo ngại cuộc thảo luận về một mối đe dọa Trung Quốc sẽ được khơi lại ở nước ngoài. Thế nào đi chăng nữa thì những từ ngữ của Trịnh Tất Kiên, người đã từng đưa ra khái niệm Peaceful Rising (trỗi dậy hòa bình), cũng được diễn giải như vậy. Trịnh nói, Trung Quốc không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh ý thức hệ với Phương Tây. Trung Quốc muốn xuất khẩu máy tính, không xuất khẩu ý thức hệ, hay cách mạng.



Thật sự thì đã có một cuộc thảo luận ở nước ngoài về mô hình Trung Quốc, nhưng không có những dấu hiệu tiêu cực như Bắc Kinh lo ngại. Heinrich Kreft, người am hiểu về châu Á trong Bộ Ngoại giao, nói: “Trong cạnh tranh với Phương Tây, họ (Trung Quốc) có thể phát triển một mô hình trật tự chính trị cho các quốc gia khác. Rõ ràng là mô hình Trung Quốc có một sự hấp dẫn nhất định trong một vài nước đang phát triển.”



Ví dụ như nhiều nước Phi châu nhìn về Trung Quốc, liệu họ có học được gì từ đó hay không. Nhưng không chỉ các nước đang phát triển, mà cả những thế lực khu vực nào đó như Indonesia, Việt Nam, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Pakistan, Venezuela, Brazil, Nam Phi, Ukraine và Ai Cập dường như cũng bắt chước những nguyên tố của mô hình thành công Trung Quốc.



Nhà báo người Anh Gideon Rachman đã nhìn thấy một trục của những người chuyên quyền. Trung Quốc và Nga là những phần quan trọng của một trục như vậy. Và cả Iran cũng thuộc vào trong đó. Trung Quốc, Iran và Nga cùng chia sẻ một lịch sử tương tự. Nước nào cũng đã từng là một đế quốc với một nền văn hóa lớn. Tất cả ba nước đều muốn giành lấy lại địa vị này, ít nhất là gần như vậy. Trung Quốc đã được rồi. Moscow và Teheran liếc nhìn ganh tỵ tới Bắc Kinh, để có thể bắt chước điều gì đó ở đấy.



Nhưng cũng có những lời nói cảnh báo nói rằng: không dễ dàng truyền mô hình Trung Quốc đi. Nhiều nước không có chất lượng và truyền thống quan liêu của Trung Quốc. Đó là một lý lẽ rất quan trọng. Đất nước đang phát triển hay sắp trở thành công nghiệp nào có được một giới tinh hoa chính trị và kinh tế được đào tạo tốt như Trung Quốc?



Và rồi còn có những phái quả quyết một cách đơn giản rằng mô hình Trung Quốc nói chung là không thể sao chép lại được. Lý lẽ chính của họ: Trung Quốc nhiều hơn là một nhà nước quốc gia, Trung Quốc là một lục địa, một nền văn minh. Nhà báo và là khoa học gia người Anh Martin Jacquest là một trong số những người đầu tiên đã gọi Trung Quốc là nhà nước văn hiến trong quyển sách When China Rules the World của ông.



Khái niệm nhà nước văn hiến này được Trương Duy Vị, giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Phục Đán, nắm lấy. Trong quyển sách bán chạy The China Wave – Rise of a Civilizational State của ông, Trương, người đã từng thông dịch cho Đặng Tiểu Bình và các lãnh tụ khác, giải thích rằng đối với ông, Trung Quốc không phải là một nước bình thường mà một đất nước sui generis (riêng biệt) với những truyền thống và văn hóa mạnh. Trung Quốc không sao chép mô hình nào nhưng cũng không thể được sao chép một cách đơn giản.








Tác giả quyển sách bán chạy ‘The China Wave – Rise of a Civilizational State’. Nguồn hình: english.cntv.cn



Việc thế giới biết quá ít về nhà nước văn hiến này và nền văn hóa của nó không làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc hài lòng. Vì vậy mà họ chuyển sang thế công – về truyền thông.



Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” (“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”)


MỚI CẬP NHẬT