Friday, March 29, 2024

Con đường không vui-Bài 2: Tourane

Heimfried–Christoph Nonnemann 



Quốc lộ 1 đi từ Huế khoảng 100 kilômét về hướng Đông Nam vào Đà Nẵng. Hiếm còn có người nào dám đi trên đoạn đường này. Điều đó ít có liên quan đến lòng can đảm và tính trung lập, nhiều hơn là với tính cẩn thận hay khinh suất. Mìn không phân biệt giữa bạn và thù.



Năm 1858, quân đội thuộc địa Pháp đổ bộ xuống ở đây và xây dựng Tourane. Cho tới khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chấm dứt, đó là một tỉnh lỵ nhỏ và phát đạt với 100.000 người dân. Người Pháp thích sống ở đây, và nhiều người Việt cho tới ngày nay vẫn còn gọi nó là Tourane. Nhưng hiện giờ thì nó đã trở thành Đà Nẵng, và là Đà Nẵng, nó ngày càng có tầm quan trọng nhiều hơn, không chỉ là trọng điểm để người Mỹ tiến hành chiến tranh ở miền Trung Việt Nam, mà cũng vì các chương trình xây dựng phần nhiều là sáng kiến của người Mỹ. Dự định sẽ có một trung tâm công nghiệp trong và xung quanh Đà Nẵng. Con số dân cư đã tăng lên 250,000 vì người tỵ nạn và người đi tìm việc làm, tức là gấp hai lần rưỡi. Sài Gòn ngược lại đã tăng lên gấp tám lần. Vì thế mà Đà Nẵng tạo ấn tượng của một ngôi làng bị xáo trộn lên nhiều hơn, nhưng không bị vỡ tung ra như thủ đô.



Sự suy tàn ở đây không được che đậy bởi số lượng người đông đảo như ở Sài Gòn. Tất cả đều trống trải hơn, có ít cây hơn. Những cái lỗ trên vữa tường, vôi bong ra, những hàng hiên gỗ đã đổ sập xuống của các căn nhà thuộc địa nhỏ. Trong khi người ta không tiến lên được trong giao thông của Sài Gòn, vì tất cả các đường phố đều kẹt cứng, thì đường ở Đà Nẵng bắt buộc người ta phải chạy chữ chi chậm chạp quanh các ổ gà. Chỉ những căn nhà bằng đá hai tầng, tất cả hầu như đều là công sở, mới dấu mình ở sau những hàng rào lưới và tường bằng bao cát. Các cửa hàng ít ỏi trong trung tâm trông có vẻ nghèo nàn, có lẽ vì chúng với con số ít ỏi của chúng dễ bị kiểm soát hơn và hầu như không bán hàng chợ đen. Những chiếc Honda không chạy ầm ầm thành từng đoàn lớn xuyên qua thành phố. Nhưng trước hết là thiếu một cái, cái thuộc vào hình ảnh của thành phố Sài Gòn: vô số các quán rượu. Khu vực thành phố của Đà Nẵng là ‘out of bounds’ cho lính Mỹ.








Đà Nẵng, năm 1965. Nguồn: my.opera.com



Về phía Nam của trung tâm có một cây cầu dẫn qua sông đến khu phía Đông của thành phố. Có hàng chục lính Mỹ đứng gác ở cả hai bên giữa những nhịp cầu bằng sắt và bắn vào tất cả những gì trôi tới cây cầu. Đó là một mưu mẹo đã được tiến hành nhiều lần của Việt Cộng, dùng lá dừa ngụy trang cho chất nổ và để cho trôi theo dòng nước đến các trụ cầu. Trên những con sông này, mà thủy triều của biển Đông vào sâu trong đất liền nhiều kilômét, lúc nào cũng có thân cây và cây cỏ lớn nhỏ bị dòng nước cuốn trôi đi.



Ở đầu bên kia của cây cầu là bắt đầu vương quốc của Thủy Quân Lục Chiến, bắt đầu những nơi đóng quân lớn, kho hàng, sân bay quân sự, bờ biển nghỉ mát. Khi gió nổi lên, cát được thổi bay đi như những đám mây qua sự phô diễn dự trữ vật chất của Mỹ này, phủ đầy các chòi gác được bảo vệ bằng những bao cát, và những người lính Mỹ ngồi xuống trên cát. Những cái cần cẩu khổng lồ, xe ủi, xe tăng lội nước biến mất ở đằng sau một tấm màn cát. Mặc dù ít nhìn thấy quân nhân ngay chính trong thành phố, Đà Nẵng bị thống trị hoàn toàn bởi quân đội. Mỗi một cân bánh mì, mỗi một kí lô thịt, mỗi một con ốc vặn, mỗi một lít xăng đều do quân đội mang lại, dỡ xuống và vận chuyển đi. Trong tòa “Voi Trắng” ở cạnh con đường dọc theo bờ biển – một khu nhà vững chắc, được sơn trắng và là trụ sở của bộ tổng chỉ huy – công lý được thi hành, tất cả các chương trình dân sự được lên kế hoạch, được cầm quyền.



Các kế hoạch xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm công nghiệp cho miền Trung Việt Nam cũng được chi tiết hóa ở đây. Cần phải tạo việc làm cho nhiều lao động trong phần đất này của đất nước. Người Mỹ đã cùng với chính phủ ở Sài Gòn phát triển ý tưởng này, việc làm rất đúng và tốt. Có nhiều quốc gia tham gia xây dựng. Rất đáng tiếc là đã có thể thấy được ở Đà Nẵng, rằng các dự án giúp đỡ thường không chỉ được quyết định bởi việc có phù hợp với mục đích hay không, mà bản thân nó đã là rất quan trọng rồi, vì từ những lý do về thanh thế mà người ta muốn có mặt ở đó trong bất cứ trường hợp nào. Vì thế mà người Mỹ đã xây lại một phần, làm mới và trước hết là đã mở rộng rất hào phóng bệnh viện tỉnh. Giám mục Đà Nẵng xây một bệnh viện lớn thứ hai trong phần phía Đông của thành phố. Cuối cùng, rất đáng tiếc là trong lúc lên kế hoạch cho bệnh viện Đức, cái có nhiệm vụ thay thế cho chiếc tàu bệnh viện vào một ngày nào đó, người ta cũng đã quyết định cho Đà Nẵng.



Hội từ thiện Công giáo Malterser Hilfsdienst cũng đã tự đặt ra cho mình nhiệm vụ chăm sóc các làng tỵ nạn ở xung quanh Đà Nẵng. Những người thợ mộc, thợ nguội, y tá và bác sĩ trẻ tuổi sống và làm việc nhiều tháng trời dưới những điều kiện hết sức đơn sơ, lập những trạm y tế nhỏ trong các trại, cố gắng xây nhà bệnh viện và kiến lập những điều kiện vệ sinh trong các ngôi làng tỵ nạn với lòng kiên nhẫn đáng khâm phục. Đó là một cuộc chiến đấu chống lại những cái cối xay gió, nếu như người ta nhìn đến nhiệm vụ thật to lớn đó, cái mà bây giờ họ cố gắng thực hiện nó từ ‘bộ tổng chỉ huy’ do họ tự xây lên ở Hội An.



Bệnh viện tỉnh bây giờ hiện đang có trên bốn trăm năm mươi giường vào đầu 1967. Kể cả vùng lân cận được tính toán hơi hào phóng một chút với một triệu rưỡi tới hai triệu rưỡi dân cư thì con số giường bệnh đó còn xa mới đủ. Các bệnh viện lớn của Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến ở gần đó tuy cũng hay tiếp nhận thường dân người Việt, nhưng điều đó hẳn không thể làm thay đổi một cách cơ bản tỷ lệ đó. Con số giường bệnh được sử dụng trung bình cũng tương ứng như thế: 700 bệnh nhân cho bốn trăm năm mươi giường. Điều đó có nghĩa là hầu như tất cả các giường bệnh đều có hai bệnh nhân. Vào đầu 1967 có mười bác sĩ Mỹ và hai bác sĩ Việt Nam làm việc trong bệnh viện này: mỗi ngày bên cạnh tất cả mọi việc khác có mười lăm ca mổ lớn được tiến hành.



Cách các tòa nhà với những khoa quá tải như thế một vài bước chân là một căn lều cho bệnh nhân tư của năm bác sĩ hành nghề trong thành phố với nhiều giường trống. Ban hành chính của bệnh viện, cũng như phần lớn các ban hành chính bệnh viện trên thế giới, đều buộc phải tiếp nhận bệnh nhân trả tiền càng nhiều càng tốt, và những người mà chia sẻ hai người một giường bệnh thì không có tiền. Họ thường được chở bằng máy bay từ vùng lân cận đến đây, vì chỉ có thể đến được với phần lớn làng mạc trong tỉnh qua đường không. Ở phía bên kia của những doanh trại quân đội to lớn là vùng có chiến sự. Vì thế mà các phi đội trực thăng chở bệnh nhân và người bị thương trong những chiếc ‘chopper’ của họ và mang những người đó về Đà Nẵng.



Sân bay ‘dân sự’ ở phía Tây Nam của thành phố, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn, tranh giành với Kennedy Airport tại New York về tần số cất cánh và hạ cánh lớn nhất thế giới. Từ một ngôi nhà bằng gỗ ván có diện tích mười mét nhân mười mét, cái đóng vai trò của một tòa nhà cảng hàng không cho giao thông dân sự với một vẻ nghiêm trang thật buồn cười, người ta nhìn những chiếc máy bay đủ các cỡ và các kiểu có thể nghĩ ra được đang hạ cánh, cất cánh, hạ cánh xuống hai đường băng.



Thỉnh thoảng, một trong số các phi công đang đáp xuống phải cất cánh lên ngay tức khắc, để đừng đâm sầm vào chiếc máy bay ở phía trước mình. Ở giữa đó có những chiếc trực thăng bay lơ lững cách mặt đất vài mét. Máy bay tiêm kích Phantom hạ xuống nhẹ nhàng như không có trọng lượng với một cái ấn nhẹ cuối cùng xuống cây điều khiển, đuôi khói nhỏ màu xanh bám nhiều giây liền ở phía sau bánh xe, khi cao su chạm xuống bê tông. Những chiếc dù hãm nhiều màu được thổi căng ra nhảy múa trên đường băng, máy bay chậm dần đi cho tới đầu kia của phi đạo; hơi thổi của tuốc bin đẩy những chiếc dù đã được tháo ra vào một cái lưới thu, và những chiếc máy bay tiêm kích chậm chạp lăn ngang qua ngôi nhà gỗ đến nhà chứa máy bay, kính buồng lái được đẩy cao lên, phi công vẫy tay qua phía bên này, trông có vẻ thoải mái, vui vẻ. Họ đã ở trên Bắc Việt Nam với những cỗ máy giết người đó, cái chỉ phục vụ cho sự tàn phá và hủy diệt, họ đã ném những trái bom của họ xuống ‘những nơi tụ tập của Việt Cộng’ đúng ở cực điểm của cái hình parabôn nhìn từ xa trông rất đẹp của chiếc máy bay đang lao xuống của họ? Người ta vẫy tay chào họ với một ít sự ghê sợ. Nhưng có ‘đứa bé’ nào của thế kỷ này mà lại không bị thu hút bởi màn trình diễn kỹ thuật đó trên sân bay Đà Nẵng?



Dẫn đến Hội An – một giờ ô tô về phía Nam của Đà Nẵng – là một con đường xuyên qua những cánh đồng ruộng bao la, và chỉ trong mùa khô thì mới có thể đi lại được trên con đường này một cách không có khó nhọc cho lắm. Rải rác đó đây có những mô đất nhô cao lên khỏi những cánh đồng ngập nước, cao như người, với một lớp đất có cỏ ở rìa trên, giống như một cái đầu cạo trọc ở đỉnh của các tu sĩ: những ngôi mộ.








Phố cổ Hội An. Nguồn: en.wikipedia.org



Người Việt Nam thờ ông bà phải chôn cất người chết của họ trên ruộng đất riêng của họ, nếu không thì linh hồn của người chết không thể an nghỉ được mà phải chịu kiếp thang lang mãi mãi. Lúa được trồng quanh những ngôi mộ, và trên một vài cánh đồng, chúng đã chiếm hơn nửa diện tích trồng. Một ngày nào đó, khi có một cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện ở đây với những biện pháp dân chủ, các ngôi mộ đó sẽ là một vật cản nghiêm trọng. Có người nông dân nào mà lại muốn đưa ra đất đai có chôn cất tổ tiên của họ ở trên đó?



Làng Hội An là một căn cứ quân sự chủ yếu của quân đội Việt Nam. Trước trụ sở của viên chỉ huy, cái tất nhiên được bảo vệ bằng hàng rào lưới và bao cát như thường lệ, có một người đàn ông đã xuất hiện cạnh người lính gác vào một ngày nào đó, người ta kể lại cho tôi nghe như thế, và đã hỏi thăm thật chính xác về các lối vào, lối ra và số lượng người của từng căn nhà một. Người lính gác giải thích cho ông mọi điều mà không hề ngờ vực gì. Vài ngày sau đó, người đàn ông đã trở lại vào lúc đêm khuya với một đơn vị Việt Cộng mà ông trực thuộc. Vào buổi sáng hôm sau, căn cứ đó chỉ còn là một đống đổ nát,



Chiếc trực thăng có nhiệm vụ mang chúng tôi từ Hội An sang An Hòa, cũng thuộc trong vùng hoạt động của hội Malteser, đã bay đi sớm hơn dự định. Nhưng trên cái sân bay dã chiến nhỏ đó còn có hai chiếc trực thăng Sikorsky cũ không có huy hiệu. Rồi sau đó người ta mới biết rằng chúng thuộc Không quân Việt Nam. Các phi công thân thiện sẵn sàng chở chúng tôi đến An Hòa, mặc dù đó không phải là mục tiêu của họ. Những chiếc Sikorsky lắc lư một vài mét trên đường băng, giống như những con chim nước nặng nề phải dùng chân phụ thêm một chút vào lúc cất cánh, trước khi chúng bay lên và rồi đi về phía Đông Bắc trên những ngọn đồi núi thấp xanh tươi. Thật là một niềm an ủi, khi từ phía sau nhìn ngắm những chiếc giày ủng của các viên phi công đang ngồi trên ghế ở vị trí cao hơn trong những chiếc máy bay loại này, những người đang nhẹ nhàng điều khiển các cần đạp của họ như những người chơi đàn ống. Vì cái cửa đẩy để đi ra ngoài không đóng lại được, dây an toàn ở ghế ngồi rõ ràng là thứ xa xỉ đối với Không quân Việt Nam, chỗ gắn bình cứu hỏa trống rỗng và có nhiều dây điện đu đưa, bị giật đứt, mất đi trong luồng gió bay.



Chúng tôi đáp xuống trên một ngọn núi bên cạnh một cứ điểm quân sự, tức là các phi công giữ cho chiếc máy bay gần chạm đất, và chúng tôi nhảy ra; tí nữa thì đã trúng phần tản nhiệt của một chiếc Jeep đóng đầy bùn đất, vừa được một người Mỹ chỉ mặc mỗi cái quần, đỏ au vì ánh nắng mặt trời, vất vả dừng lại trong đám bụi.  

“Các anh muốn gì ở đây chứ, mẹ kiếp”, ông quát chúng tôi, “các anh phải báo trước chứ, mẹ kiếp. Tí nữa thì tôi đã bắn hạ mấy con chim khốn kiếp này rồi. Các anh phải báo trước.”



Vùng An Hòa rất đẹp, đồi núi có rừng bao phủ nằm xung quanh một thung lũng xinh đẹp, giữa núi đồi có những hồ nước nhỏ, xanh trong.



Nhưng khắp nơi là các pháo đài bằng bao cát của Thủy quân Lục chiến, thường xuyên có giao tranh ở gần đây. Máy bay trực thăng và những chiếc máy bay nhỏ một động cơ bay tuần tra qua những vùng đất xanh tươi của rừng rậm, bay vòng tròn, rồi tiếp tục bay đi: nơi thơ mộng đã trở thành địa ngục.



Một người Mỹ khác, cũng chỉ mặc quần và mang ủng, chở chúng tôi bằng chiếc xe Jeep đến nơi chúng tôi muốn tới. “Chạy cẩn thận đấy, không phải là xe tăng đâu”, người thứ nhất gọi ông thật to và rồi nói với chúng tôi: “Ông ấy chỉ huy xe tăng.”

Chúng tôi đi ngang qua một trung đội lính Mỹ, đang mệt mỏi đi bộ thành hàng dài ở hai bên đường để trở về trại của họ. “Họ vừa mới chạm địch. Có hai thương vong.”, viên chỉ huy xe tăng của chúng tôi nói qua tiếng ồn của động cơ chiếc Jeep. Người ta nhìn những người lính đó thêm một lần nữa, họ vừa mới thoát chết. 








John, một trong những người lính Mỹ đóng tại Đồi 42 gần An Hoà năm 1966.  Nguồn: jmlavelle.com



Trong thung lũng của ngôi làng An Hòa nhỏ bé đang thành hình một ‘khu liên hợp’, một phần của kế hoạch công nghiệp hóa miền Trung Việt Nam, được xây dựng với tiền của nước Đức và nước Pháp và được người Việt tiến hành. Từ khi Thủy quân Lục chiến đóng quân ở An Hòa và bảo đảm về an ninh, sản xuất cũng bắt đầu khởi động chậm chạp. Đến một ngày nào đó, hóa chất và xi măng dự định sẽ được sản xuất ở đây. Cho tới nay, máy móc đang rỉ sét ở Sài Gòn, vì không ai có thể mang chúng đến An Hòa. Lực lượng Thủy quân Lục chiến bây giờ muốn đảm nhận việc đó, bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ và có đủ năng lực.



Trở về đến Đà Nẵng là hai mươi phút máy bay trực thăng, thế nhưng viên phi công đảo vòng một lúc lâu ở gần một mỏ than, nơi người ta khai thác lộ thiên than nâu, và quan sát một chiếc máy bay trực thăng thứ hai hay hoạt động xa tít phía dưới chúng tôi. Phong cảnh đồi núi thấp xanh tươi đó nghiên về phía chúng tôi trong những đường bay nghiên, trở lại ngang bằng khi bay thẳng, với những đám mây nhỏ của những quả đạn đại bác, hỏa tiễn và bom đang nổ tung ra, bông gòn trong màu xanh đều đặn.



Thỉnh thoảng người ta bay với một chiếc máy bay hành khách của Air Vietnam, ví dụ như từ Sài Gòn ra Huế, và uống, bị kẹp cứng trong chiếc ghế chật chội, một ly nước cam hay Coca-Cola, vì chiếc máy bay ở Tân Sơn Nhứt phải chờ trước đường băng trên một giờ đồng hồ và người ta đổ mồ hôi thành dòng trong cái lồng bằng kim loại đó. Bất thình lình, hành khách chộn rộn, ai cũng cố nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay. Ở bên ngoài, mặt trời buổi chiều chiếu xuống phong cảnh rừng rậm đồi núi xanh tươi. Cho tới tận chân trời chẳng có gì ngoài rừng cây. Nhưng rồi ở ngang phía bên trái, xa tít phía dưới như món đồ chơi, có thể nhận thấy được hai chiếc máy bay óng ánh bạc, đang lao theo một đường dốc, như chơi đùa và dường như không có trọng lượng, xuống cái diện tích có màu xanh đó, quay lên bầu trời trong một đường cong rộng, lại lướt xuống đất một cách chính xác. 



Và ở mỗi lần như thế, khi họ đã qua được điểm thấp nhất trong đường bay của họ, có một tia chớp lóe lên trong màu xanh của rừng, và một đám mây nhỏ màu trắng phủ lên đó vài giây sau đó. Một màn trình diễn khủng khiếp, cái mà người ta theo dõi như khán giả trong sự an toàn dễ chịu từ trên cao. Tôi nhớ lại lúc còn bé mình đã vài lần đứng ở đầu bên kia như thế nào, trên sân khấu, cái mà phi công của những cỗ máy bây giờ trông giống như những món đồ chơi kia đang nhắm đến. Ở bên cạnh của một cây cầu xa lộ, tôi đã ép mình vào lớp cỏ của một cái hào nước, trong khi những chiếc máy bay cường kích óng ánh bạc giống thế, Jabo như [người Đức] chúng ta thường gọi, từ trên trời lao xuống. Tiếng nổ tung của những quả bom của họ, những tiếng nổ đó đã đào sâu vào trong ký ức của tôi cả đời người, và những con người tít ở phía dưới chúng tôi cũng sẽ không cảm giác khác gì hơn. 



(còn tiếp)



Phan Ba trích dịch từ “Chúng tôi không hỏi họ đến từ đâu”. Tựa do Người Việt Online đặt.


MỚI CẬP NHẬT