Thursday, March 28, 2024

Con đường không vui-‘Street without Joy’

Heimfried–Christoph Nonnemann 



Huế, thủ đô cũ của Việt Nam, một trăm kilômét ở phía Nam của vĩ tuyến mười bảy đã trở nên nổi tiếng vì chia cắt đất nước, nhìn theo nhiều phương diện dường như là một cực đối nghịch cổ xưa với thủ đô mới của Nam Việt Nam.








Cố đô Huế. Hình: vi.wikipedia.org



Cuộc sống hàng ngày trong trung tâm cổ xưa của đất nước này vẫn còn là cuộc sống của một thành phố đại học nhỏ, hàn lâm và điềm tỉnh, như nó cứng rắn và vội vã ở Sài Gòn. Trong khi hoàng hôn nhiệt đới đẹp nhất cũng không thể nào che đậy được nét xấu xí của sự suy tàn ở Sài Gòn thì hoàng hôn đã biến thành phố cổ xưa của các hoàng đế trở thành một bức tranh Trung Hoa. Giữa các bờ sông có hoa sen viền cạnh là những chiếc thuyền làm nhà ở, những cái mà người ta có thể mướn cho một đêm gồm cả tình yêu, được chống đi xuôi theo dòng sông Hương cạn nước, ‘Rivière de Parfum’, không bị những chiếc thuyền đổ bộ đang mang hàng tiếp tế lên ngược dòng sông của Thủy quân Lục chiến Mỹ quấy rầy. Những người lính Mỹ, đang đào công sự ở trên bờ sông xung quanh những cái thùng hàng đã được bốc lên, càng nhấn mạnh đến sự thanh bình và hòa hợp của phong cảnh đang được những tia nắng mặt trời cuối cùng nhuộm vàng đó. Tất cả đều là thi ca và đất đẫm lịch sử. 



Năm 1804, Hoàng đế Gia Long xây một thành phố mà đúng là có thể xem như một trong những công trình xây dựng đáng khâm phục nhất của thế giới. Ngọ Môn nổi tiếng, ‘Cổng Giữa Trưa’, chỉ được mở ra cho chính hoàng đế. Khi một người khách muốn vào đến ngai vàng trong điện Thái Hòa, người đó phải đi qua bảy cái sân lộng lẫy giữa một hàng lư hương khổng lồ và có lẽ là qua một giàn chào của những người trong cung đình trong một đường thẳng đến chiếc ngai vàng nằm ở vị trí cao hơn. Ở cuối của bảy cái sân đó, người đó sẽ bị các minh chứng cho uy quyền của hoàng đế áp đảo cho tới mức chỉ còn lại sự thần phục: thật là một sự phô diễn của tâm lý học ứng dụng, know-how châu Á. Xung quanh hoàng thành, các hoàng đế đã xây những lăng mộ đầy ấn tượng đó ngay từ lúc còn sống. Họ kiến lập bên cạnh đó những cái hồ sen và những cái đình xinh xắn mà họ đã lấy ở đó cảm hứng cho những bài thơ hay nhất trong thi ca rất phong phú của Việt Nam. Các lăng của hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định là những thành phố nhỏ và hầu như còn đáng để khâm phục nhiều hơn là chính hoàng thành nữa.



Huế ngày nay vẫn còn được xem là trung tâm về tinh thần của Việt Nam. Vị trí thuận lợi của nó, truyền thống của nó và tinh thần của nó đã khiến cho nó trở thành một địa điểm lý tưởng cho một trường đại học. Năm 1957, một trường đại học cũng được thành lập với sự giúp đỡ của các nước khác, và từ 1961 cũng có một đội ngũ nhỏ của các bác sĩ Đức cố gắng xây dựng khoa Y. Với sự quan tâm lúc nhiều lúc ít từ phía chính phủ Đức và sáng kiến xây dựng lúc nhiều lúc ít của phía Việt Nam, những người Đức đó thường có cảm giác như đang chiến đấu trong một trận đánh đã thất bại. Mưu đồ đủ kiểu và hành động hẹp hòi của những người trưởng khoa đã ngăn cản không cho trường đại học này có được sự ổn định và danh tiếng.



Có lẽ chính là vì tinh thần của họ và tiềm năng mang lại sự bất ổn của họ, như cũng đã xảy ra qua phong trào Phật giáo, mà Huế bị chính phủ trung ương ở Sài Gòn nhìn một cách nghi ngại và hầu như không hề giúp đỡ gì. Nhưng không chỉ như thế: tôi hỏi sếp của một bệnh viện ở Sài Gòn và cũng là thành viên của khoa ở Sài Gòn: “Thật ra là vì lý do gì, khi Huế không tiến lên được, khi ở đây không có gì là thành công thật sự trong việc xây dựng khoa? Tại sao từ Sài Gòn anh lại giúp đỡ Huế ít đến như thế?”



“Điều đó hoàn toàn đơn giản”, ông nói, “chúng tôi không có quan hệ với Huế. Chúng tôi không hiểu được người dân ở đó, họ xa lạ đối với chúng tôi. Tôi biết là chính phủ của các anh đã cố gắng rất nhiều ở Huế. Nhưng trường đại học ở Huế không có tương lai đâu. Chính phủ của các anh tốt hơn là nên tham gia xây dựng trường đại học ở Cần Thơ, đó là một việc thú vị và có ý nghĩa.”

Cần Thơ là một tỉnh lỵ ở đồng bằng sông Cửu Long, ở phía Tây Nam của Sài Gòn, và người nói chuyện với tôi xuất thân từ Cần Thơ. 



Trong mùa Thu 1967, người ta tuyên bố rằng đội ngũ bác sĩ Đức ở Huế sẽ được gọi về nước. Quyết định này của Bộ Hợp tác Kinh tế được giới báo chí quan tâm đúng mức. Rõ ràng là đã phí mất số tiền chi trong sáu năm trời cho dự án này. Nhưng người dân trả thuế nhiều lắm là chỉ bực dọc – có lý do chính đáng – về việc đó vào buổi tối, sâu trong chiếc ghế bành bên cạnh cái lò sưởi trung tâm của mình, ly rượu cognac không vì vậy mà ít ngon hơn. Nhưng công việc làm cực nhọc sáu năm trời của ba bác sĩ dưới những điều kiện sống và làm việc mà không ai trong châu Âu ôn hòa có thể tưởng tượng được, qua đó đã trở thành vô giá trị như một tờ báo lá cải của ngày hôm qua, và điều đó thì nhiều hơn là đáng để bực mình.



Ở bờ Nam của sông Hương, trong khu ‘Pháp’ của thành phố, Tổng thống Diệm đã cho xây một khách sạn rất đẹp, hiện đại. Sau vụ đảo chính ông, nó được quân đội Việt Nam sử dụng cả một thời gian dài như là trại lính. Khi tôi sống trong đó vào tháng 3 năm 1966, nó vừa mới được quân đội trao trả lại. Từ cửa sổ, người ta có một tầm nhìn không thể nào quên được xuống Rivière de Parfum, xuống hòn đảo nhỏ có cây giống như cây liễu, xuống những chiếc thuyền chậm chạp đi qua và những đóa hoa sen ở cạnh bờ, xuống thành phố ở bên kia sông với những ánh sáng nhiều màu của nó và hình bóng những căn nhà nhỏ bé của nó. Ở đây, bất thình lình tôi nhận ra cảnh vật đã làm mẫu cho những người họa sĩ Trung Hoa cổ xưa, và tôi có cảm giác như mình đang ở sâu trong châu Á.



Nhưng cái nhìn qua con sông lúc đó là điều thu hút duy nhất mà khách sạn đó có được. Không có nước chảy ra từ vòi nước, muỗi kêu vo ve tự do qua những cái lổ thủng của màn ngủ, và các con gián tụ họp lại trên sàn nhà dơ bẩn. Nhà vệ sinh bị nghẹt và tỏa ra một mùi thối ghê tởm. Nhưng chẳng bao lâu sau đó tất cả đã được sửa chữa lại, tới mức cuối cùng Việt Cộng xem cái khách sạn đó như là một mục tiêu đáng để phá rối, xuôi dòng xuống trên tàu trong tháng năm năm 1967 và cố cho nổ tung nó lên nhưng chỉ thành công có mức độ. Sau đó, những người Âu sống trong khách sạn mới nhớ lại rằng không còn nhìn thấy một người Việt nào vào lúc sắp bị đột kích.



Ngay bên cạnh sân bay Huế, người ta đã đào công sự cho một khẩu đội trọng pháo Mỹ. Trong những khoảng cách thất thường, các khẩu đại pháo bắn vào những mục tiêu nào đó trên đồng ruộng hay vào trong khu rừng rậm gần đó, hay họ cứ bắn bừa vào một vùng đất trên bản đồ mà họ đã không gây xáo trộn ở đó từ ít lâu nay rồi. Khi chiếc máy bay mà người ta ngồi ở trong đó cất cánh lên khỏi phi đạo, người ta có thể nhìn thấy những toán đi tuần tra của Thủy quân Lục chiến, có nhiệm vụ bảo vệ khu vực sân bay, đang bước đi khó nhọc trên các đụn cát.








Quân Pháp chống lại cuộc phục kích của Việt Minh năm 1952. Nguồn hình: en.wikipedia.org



Có một con đường đi từ Huế theo hướng Tây Bắc ra đến làng Quảng Trị, trước kia là một phần của Quốc lộ 1 và là một liên kết quan trọng lên miền Bắc. Sau những trải nghiệm cay đắng, lính của quân đội Pháp đã đặt tên cho nó là “la rue sans joie”, con đường không vui. Ngay từ trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, vùng này đã nằm chắc trong tay của Việt Minh, những người đã xây dựng một hệ thống địa đạo và chỗ trú ẩn trong lòng đất. Năm 1953, người Pháp trong một chiến dịch có quy mô lớn đã cố gắng giải phóng vùng này khỏi những người Cộng sản, và đã tiến quân vào chỗ không người. Các du kích cơ động đã kịp thời tránh đi nơi khác.



Bernard Fall gọi quyển sách về cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và bắt đầu lần thứ hai của ông là “Street without Joy”. Fall được xem như là người am hiểu tốt nhất lịch sử đương đại của Đông Dương, một nhà văn xuất sắc. Là thành viên của lực lượng kháng chiến trong nước Pháp, anh sau này sang Mỹ và đã xem việc phân tích vấn đề Đông Dương như là nhiệm vụ của cuộc đời mình. Do những ý kiến của anh thường không trùng hợp với các ý kiến chính thức của Mỹ nên anh không được Ngũ Giác Đài ưa thích cho lắm, nhưng lại được coi trọng vì những kiến thức sâu sắc của anh về tình hình ở Việt Nam. Lính Mỹ ở Việt Nam thì khâm phục anh vô biên, vì anh không những có thể nêu ra được toàn bộ các sự kiện quân sự ở Việt Nam với tất cả các đơn vị đã tham gia, mà còn có thể trích dẫn các văn kiện tương ứng để làm bằng chứng.



Bernard Fall, người ta cho là thế, lúc nào cũng có lý trong một cuộc cãi nhau. Tôi quen anh vào một buổi chiều tối trong một nhóm bác sĩ và nhà báo. Với gương mặt Do Thái thông minh của anh, kính đồi mồi sậm màu, tính sống động thuyết phục của anh, anh trông trẻ hơn là số tuổi 40 mà anh thật sự có. Trung thành với tiếng tăm của mình, tại câu chuyện của chúng tôi, lý lẽ của anh về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào trong Việt Nam là rõ ràng và mang nhiều tính thuyết phục. Anh cực lực chống lại luận điểm, rằng với Việt Nam, toàn bộ Đông Nam Á sẽ rơi vào tay Cộng sản khi người Mỹ rút lui.



Hai ngày sau câu chuyện của chúng tôi, Bernard Fall tham gia một cuộc tuần tra của Thủy quân Lục chiến, giống như số ít những nhà báo quan tâm đến những gì diễn ra thật sự. Một phần của đội tuần tra dẫm phải mìn, trong số những người chết là Fall. Đội tuần tra đó ở trong một vùng nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1, ‘Street without Joy’.



(còn tiếp)



Phan Ba trích dịch từ “Chúng tôi không hỏi họ đến từ đâu”. Tựa do Người Việt Online đặt


MỚI CẬP NHẬT