Saturday, April 20, 2024

“Cửa sổ tâm hồn”

Thanh Tùng 



Người phương Tây coi đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, còn người phương Đông lại thâm thúy hơn khi nói “Nhân vi tâm chi ngoại bộ, quan kỳ vật ngoại tri kỳ nội”, tạm dịch “Đôi mắt là cửa ngoài của tâm hồn, nhìn bề ngoài biết được bên trong”.



Có người lại cho rằng “Con mắt biết nói, biết cười” bởi nó phản ánh được tâm tư, tình cảm của con người. Tình yêu của phụ nữ thường được bộc lộ qua đôi mắt. Vì thế đôi mắt phụ nữ từ cổ chí kim từng là nguồn cảm hứng và là đề tài để các nhà văn, nhà thơ sáng tác ra nhiều áng văn thơ bất hủ. Trong bài thơ “Liếc nhìn” của thi sĩ người Thụy Điển Klockhoff (1840-1867) có đoạn:

                                          

“Lúc em đưa mắt dịu tươi

 Liếc nhìn quanh quất sáng ngời hào quang

 Thì trong khắp cõi nhân gian

 Ánh chi kỳ diệu ngời lên trước mình.”



Nhà thơ Bùi Minh Quốc trong bài thơ “Mắt em” lại viết:

                                          

“Lạ kỳ đôi mắt của em

 Ngước nhìn như thể mắt chim dịu dàng

 Mà sao trút lửa nồng nàn

 Phút đầu tiên ấy bàng hoàng lòng anh

 Ôi em đôi mắt trong lành

 Mở cho anh thấy cao xanh tâm hồn

 Như trời xuân nắng tươi non

 Thoáng nhìn nhau đã vẹn tròn tin yêu.”

 

Cũng tả đôi mắt phụ nữ, nhà thơ không chuyên Bùi Văn Khang lại viết:

                                           

“Cùng đi chung chuyến đò ngang

Mắt em gieo cả mùa vàng tim anh 

Mắt nhìn đò cũng chòng chành

Mắt ơi say quá, thôi đành mộng mơ.”



Chính vì khả năng biểu cảm của đôi mắt  phong phú như vậy, nên các nhà văn lớn thường miêu tả nội tâm nhân vật qua đôi mắt. Đại văn hào Nga Lev Tolstoi từng 13 lần tả ánh mắt của cô Natasa trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Nhà văn Nguyễn Đình Thi 5 lần tả đôi mắt của Phượng trong tiểu thuyết “Vỡ bờ”.                



Không những tả tâm trạng con người qua đôi mắt, mà qua hình dáng và màu sắc con mắt, người ta còn đoán biết được nhân thân, tính cách của con người. Người trung thực, lương thiện hay gian tà, độc ác đều thể hiện ở con mắt hoặc ánh mắt nhìn.






Hình minh hoạ. Nguồn: ulmerderm.com   



Từ kinh nghiệm cuộc sống, nhân dân ta đã biết cách đánh giá tính cách con người qua đôi mắt bằng những câu ca dao như:



Những người con mắt lá răm

Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền

Những người ti hí mắt lươn

Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

                  

Hoặc:



Lợn kia trắng mắt thì nuôi

Người kia trắng mắt là người bất nhân.



Hay:

                                               

Người khôn con mắt đen sì

Người dại con mắt nửa chì, nửa thau.



Nói về người phụ nữ ác nghiệt, dữ dằn dân gian lại có câu:

                                               

Voi chéo ngà, đàn bà chéo (ché) mắt.

                   

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng có những tổ hợp từ nói về tính cách con người thể hiện qua đôi mắt như: “mắt cú, da lươn” (chỉ người lươn lẹo, hay xoi mói chuyện người khác), “mắt la mày lét”-“mắt như mắt rắn ráo” (chỉ người gian tà, xảo quyệt), “mắt trắng dã, môi thâm sì” (chỉ người vô ơn, bạc nghĩa),…

                    

Qua trạng thái, màu sắc con mắt, các thầy thuốc đông y, tây y còn chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của con người. Người bị mất ngủ lâu ngày mắt thường lờ đờ, thâm quầng; người bị bệnh gan mắt có sắc vàng; người có đôi mắt đờ đẫn, dại dại là dấu hiệu của bệnh tâm thần; người mắt lồi thường là biểu hiện của bệnh bazơđô…

                    

Cuối cùng, đôi mắt còn thể hiện hình hài con người. Chỉ cần che đôi mắt đi thì không thể nhận nhận ra người đó là ai. Chính nhờ đặc tính này, báo chí và truyền hình vì lý do tế nhị hoặc nhân đạo đã bôi đen, che khuất hoặc làm nhòa đôi mắt những người phạm lỗi để người thân không nhận ra họ.


MỚI CẬP NHẬT