Friday, March 29, 2024

Đầu tư Asiad 2019: Lấy tiền đâu trả nợ?

Phung Duong



Ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội VN đặt câu hỏi như vậy khi vẫn có ý kiến cho rằng không nên rút lui vai trò nước chủ nhà đăng cai Á Vận Hội (Asiad) 18 sẽ diễn ra vào năm 2019.








Biểu tượng của Asian Games. Hình: Wikipedia



Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch VN, ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định kinh phí 150 triệu USD chi cho Asiad 18 là…khả thi vì có thể thu được một khoản tiền nhất đinh từ lệ phí đóng của các đoàn, khai thác bản quyền truyền hình và các thương quyền marketing khác của đại hội. Thực ra không phải 150 triệu USD, mà là 300 triệu USD, thậm chí gấp nhiều lần như thế. Cụ thể, riêng dự án xây sân xe đạp lòng chảo cho Asiad 18 lên tới 10,000 tỷ đồng (500 triệu USD) ! Do đó, 300 triệu USD để đăng cai tổ chức Asiad là chuyện…viễn vông. Asiad 2014 được tổ chức tại Incheon – Nam Hàn, ban đầu dự tính chỉ là hơn 1 tỷ USD nhưng cách đây hai năm, số tiền đầu tư đã vượt trên 110%. Còn tính đến thời điểm này, có thể số tiền đội lên không dưới 200%, có nghĩa là 200 tỷ USD. 






Biểu tượng Asiad 17, do Nam Hàn đăng cai. Nguồn hình: Wikipedia



Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục- Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng:”Đăng cai Asiad 18 là cơ hội để tôn vinh VN, khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế.” Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn thể thao VN dự các giải quốc tế cho rằng VN có rất ít những vận động viên (VĐV) đạt đẳng cấp châu lục, trong khi để đào tạo ra những VĐV như thế phải mất quy trình 8-10 năm và ngay cả những VĐV trẻ xuất sắc cũng phải mất 4-6 năm. “Ai cũng mong muốn nếu giải đấu diễn ra ở nước ta thì thành tích phải ở mức khá, nhưng nằm trong top 10 Asiad là bài toán rất khó với thể thao Việt Nam hiện tại.”, ông Minh trả lời báo chí trong nước như vậy. 



Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, ở Asiad 18 có khoảng 10-12 môn Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức nên phải thuê người nước ngoài đến hướng dẫn hoặc do họ trực tiếp điều hành. Việc này không những tốn tiền bạc mà cả thời gian. 



Một vài ý kiến khác cho rằng rút lui là ‘hạ sách’, bởi nó ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, vị thế của đất nước. Thay vào đó, “Asian Games giúp huy động tiềm năng đất nước một cách tổng lực, nâng cao vị thế của đất nước, giúp phát triển, thu hút đầu tư, du lịch, quảng bá về nhiều mặt như kinh tế, du lịch giúp Việt Nam được nổi tiếng hơn về đất nước con người.” Thực tế, với những lý do trên, VN đã nhiều lầntổ chức các sự kiện như 1,000 năm Thăng Long, SEA Games 23, …nhưng đất nước chẳng phát triển them được gì, thu hút đầu tư không thấy, du lịch ngày càng xuống cấp, dân thì đói vẫn cứ đói, nghèo vẫn cứ nghèo, mà quan tham thì ngày càng nhiều, ngày càng giàu. Ai cũng biết, nếu cứ tiếp tục đăng cai Asiad, thì một số đông là quan chức sẽ ‘ấm bụng”, thậm chí giàu lên nhờ vào các dự án xây dựng, các dự án đào tạo, và cả những khoản ‘xin thêm’ do kinh phí bị đội lên. Nếu rút lui, làm gì có được các khoản chia chác từ trên trời rớt xuống? 



Cũng có ý kiến quan ngại về việc nếu VN rút lui đăng cai tổ chức Asiad thì sẽ bị kiện, hoặc bị phạt. Thực tế cho thấy nếu định đăng cai Asiad mà rút lui thì không bị kiện, cũng chẳng bị phạt. Năm 1970, Nam Hàn định đăng cai Asiad nhưng rút lui. Thái Lan nhận làm thay. Khi đó Nam Hàn hỗ trợ Thái Lan tiền để nước này tổ chức. Số tiền đó không tốn kém bằng số tiền Nam Hàn Quốc phải bỏ ra nếu tổ chức Asiad. 






Hàng loạt công trình như sân bóng chày, nơi đua thuyền hay nhà thi đấu bóng chuyền bãi biển bị bỏ phế sau khi kết thúc Olympic Bắc Kinh. Ở VN cũng không thiếu những công trình như thế. Hình minh hoạ. Nguồn hình: Reuters



Trước tình hình kinh tế đất nước đang eo hẹp, nợ nần chồng chất, ngay cả đứa con nít cũng đang phải gánh khoản nợ 20 triệu đồng cho nhà nước, việc bỏ ra hàng trăm triệu, có khi lên đến hàng tỷ USD vào việc khác, sẽ có ích hơn nhiều cho dân. Mà khoản tiền ấy, chẳng phải do dân đóng góp mà ra! 



Nếu Chính phủ CSVN vẫn cứ khăng khăng đứng ra đăng cai Asiad 18, thì chẳng biết lấy tiền đâu ra để trả nợ, thậm chí đời cháu, đời chắt chúng ta tiếp tục nai lưng ra làm, đóng thuế và vẫn không thể trả nổi.



Một đại biểu Quốc hội VN yêu cầu đưa ra trưng cầu dân ý.  Nhưng đến chiều 2 tháng Tư, người ta vẫn chỉ đọc được những bản tin “Thủ tướng chưa được nghe báo cáo việc đăng cai Asiad”, “Chờ ý kiến Thủ tướng”,…Trong khi đó, kết quả khảo sát do báo điện tử VnExpress đưa ra, trong số 10,499 ý kiến trả lời, có đến 9,208 phiếu chọn ‘rút đăng cai’, chiếm 88%, thay vì ‘vẫn tổ chức’.



Rất nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước, mà nếu sáng suốt, VN sẽ phải nhanh chóng rút lui việc đăng cai Asiad 18. Hãng CNN mới đây đã liệt kê những thành phố từng ngậm “trái đắng” do đăng cai Thế vận hội. Theo CNN, trước khi nhận quyết định đăng cai, các chính trị gia thường tin rằng số tiền thu được từ bán vé, công ăn việc làm tạo ra trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng và sự tăng trưởng của ngành du lịch sẽ bù đắp mọi chi phí bỏ ra. Thực tế thì ngược lại.



Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Kinh doanh Said Oxford, chi phí cho Olympic của Athens đã vượt quá khả năng chi trả tới 60%. Chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu hoang phí và kết quả là thua lỗ hàng tỷ USD do xây dựng quá nhiều khách sạn với niềm tin vào một viễn cảnh sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch sau khi Olympic kết thúc, để rồi sau đó bị vỡ mộng. Đó là còn chưa kể rất nhiều sân vận động được xây dựng để phục vụ cho Olympic hiện nay cũng không sử dụng đến. 






Sân bóng chày, một trong những sân vận động phục vụ Olympic Athens 2004 không được tiếp tục sử dụng. Hình chụp tháng 6 năm 2012. Nguồn: Olympic.times.com



Trước khi Thế vận hội Montreal 1976 diễn ra, Thị trưởng thành phố Jean Drapeau tuyên bố hùng hồn rằng “Olympic không thể lỗ, cũng như một người đàn ông không thể sinh con”. Nhưng ông thị trưởng đã sai. Sự quản lý yếu kém và chi phí phụ trội so với dự toán đã để lại cho thành phố này khoản nợ 1,5 tỷ USD và phải mất đúng ba thập kỷ sau (năm 2006) món nợ cuối cùng mới được trả hết. Vào thời điểm đó, người dân thành phố này đã mỉa mai gọi trại tên sân vận động Olympic, vốn bị bỏ hoang và chuyển đổi thành một nơi tập bóng chày, từ “Big O” (chữ O lớn) thành “Big Owe” (món nợ lớn).



Các nhà tổ chức Thế vận hội Mùa đông Nagano  (Nhật Bản)1998 đã đưa ra lời hứa rất chắc rằng lượng khách du lịch tới thành phố này sẽ tăng mạnh nhờ việc đăng cai. Tuy nhiên, sau khi Thế vận hội hạ màn, không mấy khách du lịch đến thăm nơi này.

Tệ hơn, cũng theo nghiên cứu của Said Oxford, thành phố Nagano đã bị bội chi 56% so với dự toán ban đầu. Chưa kể, còn có các cáo buộc về tình trạng tham nhũng và toàn bộ các hộp chứng từ tài chính thì bị cháy. Và vì vậy “cái giá” của việc “kéo” Thế vận hội về Nagano vẫn chưa được làm rõ.



Thị trấn Lake Placid thuộc bang New York, Mỹ, là nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 1980. Thời điểm đó, ngân sách chi cho Olympic còn rất khiêm tốn so với hiện nay nhưng không vì thế mà thị trấn này thoát khỏi tình trạng chi phí vượt trội so với dự toán. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Said Oxford, khi sự kiện thể thao kết thúc là lúc tổng chi phí đã vượt 320% so với dự toán ban đầu. Cân đối thu chi bị âm 8 triệu USD, một khoản tiền rất lớn đối với một thị trấn tại thời điểm đó. Vì vậy, họ đã phải cần đến khoản cứu trợ của chính quyền bang New York.



Còn ở Pháp, thị trấn Albertville tươi đẹp của Pháp là nơi tổ chức Thế vận hội Mùa đông 1992 và cũng bị rơi vào tình trạng “thu không đủ chi”, dẫn đến khoản thâm hụt ngân sách 57 triệu USD. Chính phủ Pháp sau đó đã phải đứng ra thanh toán một phần của khoản nợ.



Những bài học nhãn tiền trên không biết có làm sáng mắt các nhà lãnh đạo CSVN được được không.




MỚI CẬP NHẬT