Friday, April 19, 2024

Đi Mỹ

Vũ Nam (Germany)



Hai câu thơ của một tác giả nào đó đã lưu chuyển trên Internet đọc thấy thật là hay:



Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương.



Tôi lại đến Mỹ, lại chuyển tiếp ở một phi trường lớn gần nhất nước Mỹ, Atlanta, khi từ Âu Châu qua. Giã từ phi trường Stuttgart Đức bầu trời vẩn đục, màu lam, những hạt mưa, giọt mưa đầu mùa thu lún phún. Mùa thu nơi đây bao giờ cũng vậy. Nắng hanh, thời tiết lạnh, lá vàng rơi, khung cảnh đẹp ở những sườn đồi vách núi. Khi mưa, những ‘giọt buồn không tên’ rơi trên mái nhà, đầu lá, khí hậu ẩm, mặt trời mất, làm lòng người hiu hắt.






Phi trường Stuttgart. Hình minh hoạ. Nguồn hình: stuttagart-airport.com



Phi cơ vòng quanh vào nơi đường phi đạo ở Atlanta để đáp, nhìn qua màng kiếng phi cơ thấy bên dưới những áng mây mù, sương còn đọng. Những nhánh cây vẫn còn màu xanh, nhưng đã điểm sắc vàng, sắc của mùa thu đã đến nơi đây. Trời phía đông nước Mỹ, hơi giống Âu Châu. Không như phía Tây nước Mỹ rất khác xa. Mỗi lần phi cơ quanh vào vùng Atlanta tôi như trở về nhà, với những người bạn VN đang sống trong dãi đất miền đông này.



Bạn đã từng sống trong những ngày bão thổi từ Đại Tây Dương vào đất liền, vào bạn. Bạn đã từng sống trong những mùa tuyết phủ, như miền đông bắc, hay mưa phùn lất phất bay của miền trung nam nước Mỹ, hay nắng thật ấm ở tận Florida. Tôi thấy như đang đến gần các bạn. Những người bạn thời học sinh, những bạn lính. 



“Trời ở đây mưa và mây mù quanh năm!” Câu nói của một người bạn như lời an ủi vỗ về cho một cuộc sống, nhịp độ sống, nơi vùng đất trung nam Hoa Kỳ này. Nhưng bạn vẫn còn ở đây đó. Vẫn cười, và vẫn thành công trong hiện tại, như đã cười vui với cuộc đời từ ngày bước chân lên định cư trên đất Mỹ. 



Tôi đổi phi cơ để di chuyển tiếp qua miền tây nước Mỹ, ở Cali, nơi tôi phải đến để dự buỏi họp mặt “Một ngày vui, Một ngày buồn, Một ngày tưởng nhớ Người Thầy”, như đã hẹn.



Bao giờ đi Mỹ, trong tôi cũng có hai tâm trạng, một hưng phấn, một không an tâm. Vì đường xa quá nên cũng có những bất an, mà bịnh cảm cũng không phải là hiếm, vì thay đổi giờ giấc ngủ, thời tiết…Hưng phấn trong lòng vì gặp lại những người bạn thân, những người bạn từ những ngày còn ở quê nhà, trên những con đường chiều vắng trong một ngôi làng, một thành phố yên tỉnh, trong một mái trường, hay những người bạn đã từng chịu thử thách trong một quân trường nơi miền thùy dương cát trắng. Sau nhiều năm đổi đời, xa cách, cuộc sống mới đã làm vật vã con người thì sự thay đổi không phải là không có.



Khi phi cơ đáp ở phi trường LAX, Los Angeles, trời đã là 6 giờ 30 chiều giờ địa phương. Buổi chiều miền tây nước Mỹ ấm áp, như vậy Stuttgart giờ này đã là 3 giờ 30 sáng. Qua gần một đêm không ngủ. Qua gần một đêm hầu như chỉ ngồi, đi lại trên phi cơ, không ngủ, chỉ để xem phim, những cuốn phim rất hay như NoteBook, Notting Hill… từ ngành điện ảnh Hoa Kỳ, từ Hollywood, ngoại trừ hơn 2 tiếng đồng hồ đổi phi cơ ở Atlanta. Nhưng trong mùa thu, trong thời tiết của tháng mười này, Hollywood còn có những cuốn phim tình cảm rất hay, rất ‘ướt át’ khác như Sweet November, Autumn in New York… lồng trong khung cảnh tháng mười, mùa thu.






Phi trường quốc tế Los Angeles về đêm. Nguồn hình: Wikipedia



Một thành viên trong ban tổ chức cho Ngày Tri Ân, chị Nguyễn Thị Lý, đã đến phi trường LAX từ buổi chiều để đón ba chuyến bay từ ba vùng đất ở xa đến. Tôi từ xa nhất, đến sau cùng. Dù phi cơ đến thật đúng giờ, như giờ tôi báo qua email khi sửa soạn vào phi trường Stuttgart, nhưng các anh chị đi đón cũng nóng lòng. Xin cám ơn của một lần chờ đợi, nôn nao.



Chuyến xe 9, 10 chỗ ngồi đưa người từ phi trường LAX về Westminster chạy trong một rừng xe ‘trùng trùng điệp điệp’ trên xa lộ. Đường phố đã lên đèn. Đèn xe chiếu sáng nối đuôi. Trên xe chuyện trò râm ran, của những người bạn đã học chung nhau, hoặc biết nhau của từng mấy mười năm về trước từ ở quê nhà. Tôi yên lặng, góp ý ít, vì trong xe không có lấy một người bạn học cùng lớp để có chuyện để nói. Nhưng không sao, các anh chị cũng từng học Sĩ Tải, Bà Rịa. Chuyện của các anh chị kể cũng là chuyện tôi ít nhiều biết đến. Cũng về các thầy, các cô. Tính tình mỗi người. Cách đánh đòn, hình phạt, la rầy… thước kẻ chocola.



Cách thương của mỗi thầy mỗi cô, rất khác biệt, và những cây ăn trái trong sân trường, quanh trường ngày ấy: cây me, vú sữa, hoặc cây khế ngoài ranh rào, cây phượng… Hình như mỗi cây đều để lại những lần kỷ niệm. Như Diệp Phước Ngà (nk 65-69) kể lại vụ cây phượng, qua email, đọc thấy rất vui: Ngà vào xin phép ông Năm (giám học) chặt vài nhánh phượng của trường để trang trí ‘sân khấu’ cho buổi trình diễn văn nghệ Tân Niên. Ông Năm dặn dó kỹ là chỉ cho vài nhánh, nhưng… những nhát rựa quá mạnh sau đó đã làm cây phượng chỉ còn… nửa cây! Hay cây khế, cạnh hàng rào trường, đã là nơi để cho một cô học trò leo trèo. Tôi đọc được điều này từ một bài viết của anh Trương Minh Ẩn trong Đặc San Sĩ Tải, như đọc được vài chuyện vui buồn trong tập sách này. Và còn nhiều hình ảnh lạ, những bài viết hay trong Đặc San.



Buổi ăn chiều ‘của ít lòng nhiều’ của gia chủ Nguyễn Thị Lý cũng phải qua đi vội vàng vì trời đã tối rồi. Vài anh chị phải trở về khách sạn nghỉ ngơi sau một ngày đường mệt mỏi. Lại sáng mai phải dậy sớm để chuẩn bị cho những gì cần chuẩn bị và cho buổi ăn trưa cũng tại tư gia chị Lý do chính chị khoản đãi, nhưng công sức là chung từ chị và những chị ở xa đến, hoặc đồng hương người Việt tại vùng Nam Cali này.



Buổi sáng hôm sau trời Westminster có cái lạnh dễ chịu. Lạnh của mùa thu trên Cali, xứ Mỹ. Không như cái lạnh ra riết của Âu châu. Ở Westminster một cái áo khoát mỏng nếu ai thích, muốn, còn không thì áo sơ mi, áo T-shirt cũng được, khi ra trước sân nhà. Còn ở Âu châu chắc là một cái áo ấm mùa thu, không ấm quá, nhưng cũng không mỏng quá để người có thể bị cảm lạnh.








Buổi sáng, ở Little Saigon, California. Hình minh hoạ. Nguồn: Wikipedia



Sau khi cà phê ăn sáng xong, tôi, anh Hiệp ra trước sân nhà, nơi cạnh garage của nhà anh Liêu – chị Lý để phụ anh Liêu anh Ẩn làm những chuyện lặt vặt để chuẩn bị cho công việc trang trí cho Ngày Tri Ân vào ngày mai. Làm công việc này tôi thấy giống y như những ngày còn đi học, đến cuối năm nhà trường, lớp nào cũng nào cũng ồn ào vì chuyện chuẩn bị văn nghệ cuối năm. Hồi học ở tiểu học Phước Hải cũng thấy các thầy cô, các anh chị lớp lớn làm. Hồi học ở Sĩ Tải Bà Rịa, chúng tôi cũng tham gia tích cựa vào việc làm văn nghệ Tân Niên. Hồi học ở Sài Gòn, ngày làm văn nghệ Tân Niên tôi là một trong những người lo trang trí chính cho sân khấu của lớp, vậy mà hôm nay thấy thua xa anh Ẩn! Sau đó mới nghe nói anh giúp xây dựng các chùa nơi Texas, chuyên trang trí, vẽ kiểu những bàn hương án, nơi thờ tự, lễ lạc dễ như chuyện thường ngày.



Mùa thu nơi đây, Nam Cali ấm áp như mùa xuân ở Âu Châu. Nắng đã lên. Những căn nhà thấp thấp rộng lớn, mỗi nhà đều có một sân rộng lớn, đường xá thênh thang. Đất Mỹ rộng nên cái gì họ cũng làm lớn và rộng. Không như Âu châu, nhỏ, nên cái gì họ cũng làm nho nhỏ, vừa vừa. Nhưng được là, ở Đức, mọi nơi đều rất sạch. Sạch đến cả những con đường nhỏ trong làng. Trước mỗi nhà nơi đây, Nam Cali, đều có hàng rào và vài cây ăn trái. Trong khuôn viên nhà chị Lý có trồng một cây nhãn. Cây chỉ cao quá đầu một chút. Nhưng trái quằng những nhánh cây. Trái màu xanh đậm, da không trơn như nhãn vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng lại có vị rất ngọt. Vị ngọt này cũng khác vị nhãn ở VN. Chắc vì tại đất và nước… Hoa Kỳ. Nhìn nhãn lại nhớ những ngày thơ ấu, lớp nhì lớp nhất, đã biết chui qua hàng rào kẽm gai với các thằng bạn để bẻ trộm những trái nhãn đang được chủ vườn bao bọc trong những bao bằng lá cẩn thận. Nhãn chưa chín hẳn nhưng ăn của ăn cắp ăn trộm bao giờ cũng thích thú, vừa ăn những thằng con nít vừa cười đắc chí.



Khi buổi trưa đến gần thì nhà chị Lý cũng từ từ trở nên đông khách. Các bạn từ xa đến, từ Nam và bắc Cali, nhộn nhịp, vui vẻ tay bắt mặt mừng. Mọi nơi, mọi chỗ, quanh nhà. Tôi cũng vẫn ‘lẻ loi’ một mình, vì không có bạn học nào trong niên khoá 67-69 của trường Sĩ Tải. May mà có anh Đào Kim Sơn, cùng quê ở Phước Hải với tôi, đồng môn với chị Lý, đã đến nhà chị Lý từ buổi sáng để phụ chị, khi hai đứa rảnh tay là tụi tôi nói chuyện riêng. Tôi hỏi thăm về gia đình anh Sơn, má và các em anh trong gia đình. Nhờ anh tôi đã có chương trình trong một hai ngày tới, thăm vài gia đình đồng hương đã cư ngụ nơi miền Nam Cali nắng ấm này trên dưới ba mươi năm.










MỚI CẬP NHẬT