Thursday, March 28, 2024

Ðọc Nguyễn Du, nhớ Nguyễn Khuyến


Nguyễn Hưng Quốc


(Nguồn: VOA)


 


Ðọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thấy tâm trạng buồn rầu và cảm giác bế tắc của ông khi nghĩ về chuyện văn chương, tự dưng tôi nhớ đến Nguyễn Khuyến.










Từ Ðường nhà thi hào Nguyễn Khuyến. (Hình: baodatviet.vn)


Nguyễn Khuyến (1835-1909) ra đời sau khi Nguyễn Du đã mất được 15 năm. Cả hai đều trải qua những thời loạn lạc: với Nguyễn Du, loạn lạc xảy ra lúc còn trẻ; với Nguyễn Khuyến, lúc đã về già. Mức độ của cái gọi là loạn lạc ấy cũng khác: thời Nguyễn Du, đất nước thay chủ, từ Lê-Trịnh sang Nguyễn Tây Sơn và cuối cùng, Nguyễn Gia Miêu (quê gốc của các chúa và sau đó, của các vua Nguyễn, thuộc Tống Sơn, Thanh Hóa); thời Nguyễn Khuyến, không phải là chuyện thay đổi triều đại, mà là chuyện đánh mất chủ quyền: cả nước lọt vào tay thực dân Pháp. Cuối cùng, phạm vi của khái niệm loạn lạc cũng khác: thời Nguyễn Du, chỉ là loạn lạc về chính trị và xã hội; thời Nguyễn Khuyến, loạn lạc một cách toàn diện: không những chỉ trong lãnh vực chính trị hay xã hội mà còn cả trong lãnh vực văn hóa với sự thất thế của chữ Hán và sự lên ngôi của chữ quốc ngữ, từ đó, sự thay đổi trong hệ thống học đường và khoa cử, sự đảo lộn trong bảng giá trị đạo đức cũng như thẩm mỹ.


Cả hai, lúc còn trẻ, chắc chắn có rất nhiều tham vọng. Nguyễn Du thì sinh ra trong gia đình thế gia vọng tộc, lại nổi tiếng tài hoa về văn chương. Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình khiêm tốn hơn: cha chỉ đỗ tú tài, làm nghề dạy học và khá nghèo. Nhưng về khoa cử, ông lại hơn hẳn Nguyễn Du: Trong khi Nguyễn Du chỉ đỗ tam trường (tú tài), Nguyễn Khuyến lại thi đỗ cả ba kỳ thi Hương (1864), thi Hội (1871) và thi Ðình (1871); hơn nữa, ở cả ba cuộc thi, ông đều đỗ đầu; nổi tiếng cả nước với danh hiệu “Tam nguyên Yên Ðỗ.” Ðó là điều Nguyễn Khuyến rất tự hào. Trong bài “Di chúc,” có đoạn ông viết:


… Ðức thầy đã mỏng mòng mong


Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.


Học chẳng có rằng hay chi cả;


Cưỡi đầu người kể đã ba phen…


Mà tự hào kể cũng phải. Nên nhớ trong cả lịch sử khoa cử bằng chữ Hán tại Việt Nam, kể từ khoa thi đầu tiên vào năm 1075 đến khoa thi cuối cùng vào năm 1918, tức hơn 800 năm, chỉ có cả thảy năm người đoạt được danh hiệu “tam nguyên” như thế: Ðào Sư Tích (đời Trần), Lê Quý Ðôn (1726-1784), Trần Bích San (1838-1877), Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm (1864-1910).


Nhờ đỗ đạt cao, con đường làm quan của Nguyễn Khuyến khá thuận lợi, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Hai năm sau khi đỗ khoa thi Hội và thi Ðình, ông được bổ làm Ðốc Học ở Thanh Hóa; năm sau, làm Án Sát Nghệ An, rồi mấy năm sau, được thăng làm Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau đó, hoạn lộ của ông bắt đầu bị trắc trở. Năm 1879, vì chuyện gì đó, ông bị đàn hặc và bị điều về Huế, làm Toản tu Quốc Tử Giám, không còn quyền lực gì cả. Năm năm sau, ông cáo quan, lúc mới 50 tuổi ta. Tổng cộng ông làm quan chỉ được 11 năm.


Có cảm tưởng phần lớn những bài thơ còn lại đến bây giờ của Nguyễn Khuyến đều được sáng tác sau khi ông về hưu. Khung cảnh là khung cảnh làng quê. Một số nhân vật xuất hiện trong thơ ông cũng là những người dân dã. Tâm trạng là tâm trạng của một người đứng ngoài công danh. Tuy nhiên, chính ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt sâu sắc giữa Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Nguyễn Du hầu như lúc nào cũng phấp phỏng lo sợ, lúc nào cũng cô đơn và cô độc, lúc nào cũng thu mình lại, kín kẽ, giữ gìn, thậm chí có lúc phải đóng kịch: “Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục / Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân” (Ở đất khách, giả vụng về để phòng thói tục / gặp đời loạn vì muốn giữ thân nên luôn sợ người ta). Nguyễn Khuyến thì khác. Ông sống chan hòa với mọi người. Ông xem những người dân quê chung quanh như là bạn bè: “Chú Ðáo làng bên lên với tớ / Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.” Ðiểm chung giữa Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến là tâm trạng của họ khi nói đến chuyện văn chương: Nhìn đâu cả hai cũng đều thấy bế tắc.


Nguyễn Khuyến xem thời mình sống là một thời “mạt học”: “Mạt học văn chương nhập hạ tằng” (Văn chương trong buổi học vấn suy tàn, đã rơi xuống bậc dưới). Rơi xuống bậc dưới là bậc gì? Nó chỉ trên bậc ăn mày một chút: “Hạnh nhân nho đẳng vi tiên cái” (Cũng may nhà nho còn được xếp trên hạng ăn mày). Thì cũng chẳng có gì lạ. Ngày xưa, ngay một nhà thơ lớn như Ðào Tiềm cũng từng có lúc làm thơ xin ăn cơ mà: “Cổ nhân khất thực dĩ thành thi” Người xưa từng đã có thơ “xin ăn”). Biết thế, nhưng Nguyễn Khuyến không thể không trằn trọc tự hỏi: “Sách vở ích gì cho buổi ấy?” và có lúc ứa nước mắt: “Bút nghiễn trầm tư ưng hữu lệ” (Ngẫm nghĩ đến bút nghiên đáng tràn nước mắt).


Bây giờ chúng ta quen nhìn Nguyễn Khuyến như một trong những nhà thơ cổ điển lớn nhất của Việt Nam. Nhưng thuở sinh thời, không chắc Nguyễn Khuyến đã có được mấy tri kỷ. Không đăng trên báo và cũng không in thành sách, thơ ông chủ yếu được truyền tụng trong bạn bè và một số người quen. Nhiều lần, ông nói là ông không cần có nhiều người đọc: “Tạp cú bất tu nhân cộng hưởng” (Câu thơ vặt không cần mọi người thưởng thức) hoặc “Phóng ngâm hà tất vạn nhân truyền” (Thơ ngâm tràn, cần gì phải vạn người truyền tụng). Nhưng có nhắc đến là có ảm ảnh. Mà ám ảnh ấy chắc chắn là buồn.


Một điểm đáng chú ý là khi nhắc đến thơ, ít khi Nguyễn Khuyến nhắc đến đơn vị bài. Mà chỉ dừng lại ở đơn vị câu.


Lúc hứng uống thêm dăm chén rượu


Khi buồn ngâm láo một câu thơ.


(Ðại lão)


Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén


Bút mới xô tay thử một hàng.


(Khai bút)


Câu thơ nghĩ, đắn đo không viết


Viết đưa ai, ai biết mà đưa?


(Khóc Dương Khuê)


Ngoài những câu quen thuộc ở trên, Nguyễn Khuyến còn có câu thơ này tôi rất thích và cứ đọc đi đọc lại hoài trong đêm giao thừa vừa qua:


Trầm ngâm tọa đối hàn đăng chước


Nhất cú liên niên, hứng vị cùng.


(Ngồi lặng lẽ dưới bóng đèn, rót rượu uống


Ngâm một câu thơ kéo dài hai năm liền, hứng vẫn chưa cạn).


Ngâm thơ, ở ngay thời điểm giao thừa, từ phút trước sang phút sau đã là hai năm. Hình ảnh thật đẹp.


Một điểm nữa cũng cần lưu ý: Trước hình ảnh “ông đồ” trong thơ của Vũ Ðình Liên, Nguyễn Khuyến đã từng là người viết thuê câu đối để sống trong những ngày tết. Chắc chắn là ông viết rất nhiều. Bây giờ chỉ còn lại vài chục câu. Câu nào cũng hay. Với chúng, Nguyễn Khuyến được giới phê bình và nghiên cứu xem là người viết câu đối nhiều, mẫn tiệp, và thú vị nhất trong lịch sử văn học cổ điển Việt Nam, một lịch sử, ở đó, hầu như bất cứ người đi học nào cũng phải viết câu đối.


Trong bài thơ “Ðối trướng phát khách” (Bán hàng đối trướng), Nguyễn Khuyến kể về việc bán câu đối của mình như sau:


 


Sinh thục văn tự cách


Tân xuân hựu phát khách.


Nhất nguyên chí thập nguyên


Ða thiểu giá bình địch


Hữu khách lai mãi chi


Chỉ dĩ can lang bách


Ngã văn tuy bất giai


Khởi bất xứng tam mạch


Khách mãi giá hà liêm


Bất xứng ngã bất dịch


Trì lang khách thả quy


Bất thụ ngã bất thích


Khách khứ độc tư ta


Văn tự hà nhất ách.


 


(Một lối văn tự dở sống dở chín


Cứ đến năm mới lại đem ra bán.


Từ một đồng đến mười đồng,


Nhiều ít giá phải chăng.


Có một người khách đến mua,


Chỉ đưa có một trăm miếng cau khô.


Văn ta tuy chẳng hay


Há không đáng ba tiền?


Khách sao mua rẻ thế?


Không đáng giá thì ta không bán.


Thôi khách hãy mang cau về.


Không đắt hàng ta cũng không ngại!


Khách đi rồi ta than thở một mình:


“Văn tự mà cũng gặp khó khan đến thế!”)


 


Ðọc bài thơ trên, không thể không nhớ đến Tản Ðà (1888-1939). Là một nhà thơ nổi tiếng và tài hoa nhất của Việt Nam trong suốt mấy thập niên đầu của thế kỷ 20, kể từ sau cái chết của Tú Xương (1907) và Nguyễn Khuyến (1909) đến lúc phong trào Thơ Mới ra đời (1932), có lúc, do túng quẫn, Tản Ðà phải sống bằng nghề bói toán. Lời quảng cáo đăng báo cũng là một bài thơ:


Còn như đặt quẻ


Nhiều năm (5 đồng) ít có ba (3 đồng)


Nhiều ít tùy ở khách


Hậu bạc kể chi mà.


Từ Nguyễn Khuyến đến Tản Ðà, ngoài những thay đổi về văn hóa, bao gồm cả văn tự, khoa cử, ý thức hệ và cách sống, còn có hai thay đổi lớn khác ít được nhắc đến: xu hướng chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa văn chương.


Khi nào có hứng sẽ bàn tiếp chuyện ấy.

MỚI CẬP NHẬT