Thursday, March 28, 2024

Giới thiệu sách ‘Việt Nam Trong Viễn Tượng Dân Chủ Toàn Cầu’


Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành tại Mỹ vào cuối năm 2011


 


Ðoàn Thanh Liêm


 


Ðây là cuốn biên khảo thứ hai của tác giả Nguyễn Cao Quyền được xuất bản vào cuối năm 2011 vừa mới đây. Cuốn thứ nhất có nhan đề “Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu” cũng do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành tại Mỹ năm 2010.









Bìa sách “Việt Nam Trong Viễn Tượng Dân Chủ Hóa Toàn Cầu.” (Hình: Tủ sách Tiếng Quê Hương)


Với bút pháp thật sáng sủa gẫy gọn mạch lạc, nhà biên khảo Nguyễn Cao Quyền một lần nữa lại cống hiến cho công chúng bạn đọc một tác phẩm đặc sắc, gợi ra một hướng đi thật tươi sáng lạc quan mới mẻ cho dân tộc Việt nam chúng ta theo trào lưu của cuộc cách mạng dân chủ toàn cầu trong thế kỷ XXI hiện nay.


Sách dày 400 trang, khổ chữ 12 in trên giấy trắng phớt vàng được đóng gáy khá chắc chắn với bìa cứng. Trong vòng một tháng nay, tác giả đã có dịp trình bày những nét chính yếu về cuốn sách qua nhiều cuộc phỏng vấn trên các đài phát thanh và truyền hình tại vùng thủ đô Washington DC. Và sắp tới đây, vào ngày Thứ Bảy, 17 Tháng Ba năm 2012, đích thân tác giả sẽ có cuộc tiếp xúc với độc giả trong Buổi Ra Mắt Sách được các thân hữu tại địa phương vùng thủ đô cùng đứng ra tổ chức.


 


I. Vài nét về thân thế tác giả Nguyễn Cao Quyền


Ở vào tuổi 80, tuy sức khỏe thể chất suy kém, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn tinh tường, tác giả Nguyễn Cao Quyền đã dành tất cả thời gian và năng lực cho việc nghiên cứu sưu khảo các tài liệu sách báo và nhất là thông tin trên mạng Internet – để có thể hoàn thành được tác phẩm có tầm vóc lớn lao như hai cuốn sách này. Từ trên hai chục năm nay, ông Quyền là một nhân vật quen thuộc của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại vùng thủ đô Washington qua các chức vụ chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Ðồng và chủ tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại địa phương.


Ông Quyền đã từng tốt nghiệp các văn bằng Cử nhân Luật và Cao học Kinh tế tại Ðại học Luật khoa Saigon. Và đã phục vụ nhiều năm trong ngành Quân pháp với chức vụ cao nhất là Chánh thẩm Tòa án Quân sự Ðặc biệt. Rồi sau khi giải ngũ, thì ông gia nhập ngành Ngoại giao và đã giữ nhiệm vụ Cố vấn Ngoại giao tại nhiệm sở Paris. Sau năm 1975, ông Quyền phải đi ở tù cải tạo 10 năm và từ năm 1990, ông cùng gia đình đã tới định cư tại tiểu bang Maryland sát với thủ đô Washington.


Với tính tình ôn hòa nhã nhặn, ông Quyền được nhiều bà con bạn hữu quý mến và trong nhiều năm nay, ông được một số bằng hữu khích lệ và hỗ trợ cho công việc nghiên cứu sưu tầm rất công phu – để mà có thể trước tác biên soạn được những tác phẩm rất có giá trị, cụ thể như cuốn sách “ Việt Nam trong viễn tượng Dân chủ Toàn cầu” mà chúng tôi có hân hạnh được giới thiệu với quý bạn đọc trong bài viết này.


 


II. Những nét chính yếu của tác phẩm


Trước khi đi vào các chi tiết về nội dung tác phẩm, tôi xin bắt đầu bằng cách ghi tóm lược mấy nét chính yếu của cuốn sách thật quý báu này như sau:


1. Tầm nhìn xuyên suốt về bối cảnh toàn cầu vào thế kỷ XXI.


Với sở học uyên bác vững vàng sẵn có, tác giả lại còn dày công tham khảo cân nhắc trong nhiều năm tháng để có thể trình bày cho chúng ta một bối cảnh toàn cầu của trào lưu dân chủ và nhân quyền đang diễn ra sôi nổi trong thế giới hiện đại. Trong 4 phần của cuốn sách, tác giả đã dành ra 2 phần gồm tổng cộng 11 chương dài đến trên 150 trang với tiêu đề lần lượt là: “Nội dung của Dân chủ” (Phần I) và “Tự do và Nhân quyền” (Phần II).


Trong 2 phần này, đáng chú ý nhất là các chương 8 trình bày về “Chủ nghĩa Tự do Hiến định” (Constitutional Liberalism) và chương 11 trình bày về “Trào lưu Dân chủ Xã hội” (Social Democracy).


Tác giả cảnh giác về tình trạng thiếu tự do tại một số quốc gia như Peru, Pakistan, Belarus, Slovakia… mà theo ngôn từ của Fareed Zakaria nhà báo nổi danh gốc Ấn Ðộ, thì đó là những chế độ “Dân chủ phi Tự do” (Illiberal Democracies) (trang 147-150).


Mặt khác, các quốc gia ở Bắc Âu như Thụy Ðiển, Na Uy… đã xây dựng được một nền nếp Dân chủ Xã hội khá bền vững và hài hòa, trong đó mọi người dân đều được thụ hưởng một chế độ phúc lợi xã hội rất tiến bộ (trang 185-189).


2. Phản bác luận điệu của Trung Quốc về tính chất của “Những giá trị Á Châu thì khác biệt với tiêu chuẩn phổ quát về Nhân quyền của thế giới.”


Tác giả đã dành riêng trong phần III gồm 5 chương dài 80 trang với tiêu đề “Những giá trị Á Châu” để trình bày chi tiết về những chuyển biến trong hệ thống chính trị xã hội của Trung Quốc. Ðáng chú ý nhất là:


*Chương 12 bàn về khía cạnh Nhân quyền tại vùng Ðông Á Châu, điển hình là lập trường ngoan cố và phi lý của Trung Quốc (trang 197-209).


* Và chương 15 trình bày khái quát về “Linh bát Hiến chương” (Charter 08) do các thức giả tiến bộ và can đảm tại Trung Quốc (như Lưu Hiểu Ba người đoạt giải Hòa Bình Nobel năm 2010) cho công bố vào năm 2008, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 60 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948-2008) (trang 241-255).


3. Phần IV là chủ đề chính của tác phẩm nhan đề “Việt Nam trong Viễn tượng Dân chủ Toàn cầu.”


Phần IV và cũng là phần chót này gồm 7 chương trải dài trong gần 130 trang, trong đó có mấy chương đáng chú ý như:


Chương 18 với tiêu đề “Việt Nam : bài học của Ðặng Tiểu Bình và bước quy phục Thành Ðô” phơi bày rõ ràng sự quỵ lụy của lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam trước giới chức Cộng Sản Trung quốc trong cuộc gặp gỡ tại thủ phủ của tỉnh Tứ xuyên vào năm 1990 sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ ở Ðông Âu (trang 299-307).


Và trong chương 22 với tiêu đề “Cộng Sản Việt Nam và vấn đề Ðồng hành với Dân tộc,” tác giả đã xác quyết rằng ngay từ đầu thập niên 1920, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường Xã hội Chủ nghĩa theo mẫu hình Stalinít đầy những sắt máu bạo lực, thay vì con đường độc lập, dân chủ pháp trị và tự do hiến định của dân tộc. Rõ ràng là giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã trung thành với tổ chức Ðệ tam Quốc tế Comintern, chứ không hề phục vụ dân tộc Việt Nam. Và ông kêu gọi những người cộng sản nào mà còn có lương tâm trong sáng, thì phải dứt khoát tìm cách trở về lại với Dân tộc nhằm góp phần vào công cuộc cứu nguy Tổ quốc Việt Nam trước nạn xâm lăng cực kỳ nham hiểm của Trung Quốc hiện nay (trang 351-364).


 


III. Những mục đáng ghi nhớ nhất trong tác phẩm


Nói chung cuốn sách chứa đựng rất nhiều số liệu thông tin chính xác, mới mẻ nhất để minh họa cho các lập luận vững chắc của tác giả. Tài liệu này quả thật rất bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về hướng đi lên của Phong trào Dân chủ và Nhân quyền trong nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới ngày nay. Và rồi từ đó rút kinh nghiệm ứng dụng vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước Việt Nam chúng ta trong thế kỷ XXI.


1. Về tài liệu tham khảo


Với sự thận trọng của một luật gia và nhà ngoại giao kỳ cựu, tác giả đã tham khảo nơi rất nhiều tài liệu sách báo mới mẻ và có giá trị khả tín của các tác giả Việt Nam, cũng như tác giả ngoại quốc – như được liệt kê vào những trang cuối của tác phẩm. Ðiển hình như: Cuốn “Chủ quyền Lãnh thổ và Bành trướng Trung Cộng” của Ủy ban Bảo vệ Sự Vẹn toàn Lãnh thổ, ấn hành năm 2011 – Cuốn “Human Rights and Chinese Values” của Michael C. Davies, xuẩt bản năm 1995 – Cuốn “Realizing Human Rights” của Samantha Power & Graham Allison, xb 2000 – Cuốn “Soft Power” của Joseph S. Nye JR, xb 2004.


Một ưu điểm khác nữa trong cuốn sách là tác giả đã ghi chú thêm bằng chữ đậm phía cuối một số trang về các nhân vật và sự kiện nổi bật để minh họa rõ ràng hơn cho từng vấn đề được nêu ra.


2. Vấn đề “Tách rời Nhà nước khỏi Xã hội Dân sự”


Tác giả chủ trương cần phải “tách rời Nhà nước khỏi Xã hội Dân sự, để Nhà nước không bao trùm và bóp nghẹt toàn bộ đời sống xã hội” (trang 225). Tiếp theo, ông còn ghi rõ: “Nhà nước phải công khai nhìn nhận Nhân quyền để bảo vệ sự độc lập của Xã hội Dân sự và Tự do của Cá nhân. Giáo Sư Tang Tsou, một học giả nổi tiếng gốc Trung Quốc đã đưa ra ý niệm “tái lập Xã hội dân sự – re-establishing Civil Society” và coi đó là bước đi căn bản để các chế độ độc tài có thể giải quyết những vấn đề kém phát triển và thiếu Dân chủ…” (trang 226).


3. Kinh nghiệm thành công của Chủ nghĩa Dân chủ Xã hội ở Âu Châu


Trong mục “Trào lưu Dân chủ Xã hội,” tác giả đã trình bày chi tiết về sự thành công của chủ nghĩa này ở Âu Châu từ thời kỳ sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Xin trích một vài đoạn tiêu biểu như sau: “Bắc Âu từ lâu là thành trì của chủ nghĩa Dân chủ Xã hội và Thụy Ðiển là mẫu hình Dân chủ Xã hội cho thế giới nghiên cứu và noi theo.” (trang 187)


“Cuối thế kỷ XX, phần lớn các chính đảng Dân chủ Xã hội tại Âu Châu đã cầm quyền qua tranh cử. (trang 187)


“Những người Dân chủ Xã hội Âu Châu cho thấy con đường họ triển khai dựa trên bốn kinh nghiệm quý báu của nhân loại, đó là: nền chính trị Dân chủ Nghị viện – nền kinh tế theo chế độ Sở hữu Hỗn hợp – cơ chế Thị trường Xã hội – định chế Phúc lợi Toàn dân. Và họ đã thực hiện thành công sự hòa nhập giữa Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa, tạo dựng nên các xã hội hài hòa của chủ nghĩa Dân chủ Xã hội ở Tây Âu và Bắc Âu.” (trang 188)


 


IV. Ðể tóm lược lại:


Cuốn sách biên khảo này đưa ra rất nhiều luận điểm cũng như kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia tiến bộ trong sứ mệnh kiến tạo cho dân tộc mình một xã hội công bằng tiến bộ và thịnh vượng – trong đó nhân phẩm và nhân quyền của mọi công dân đều được bảo vệ và tôn trọng đúng mức. Lý luận và kinh nghiệm thực tế như thế đó rõ ràng là có sức thuyết phục và khích lệ rất cao đối với những người đang dấn thân vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quốc gia dân tộc Việt nam chúng ta trong thế kỷ XXI hiện nay trước sự đe dọa xâm lăng cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.


Các đề tài do tác giả Nguyễn Cao Quyền trình bày khá chi tiết mạch lạc trong cuốn sách giá trị này thiết tưởng có thể được sử dụng như là một tài liệu nghiên cứu tham khảo cho các khóa huấn luyện đào tạo dành riêng cho lớp người lãnh đạo tương lai của đất nước chúng ta trong các thập niên tới.


Cuốn sách này còn có thể dùng làm tài liệu tham khảo gợi ý cho những cuộc trao đổi thảo luận qua các seminar, các buổi hội thảo của các đoàn thể hiệp hội nhằm nâng cao trình độ kiến thức và lý luận cho các thành viên


Người viết xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc tác phẩm thứ hai thật đặc sắc này của nhà biên khảo Nguyễn Cao Quyền.


Nhân tiện, tôi cũng xin được bày tỏ nơi đây lòng biết ơn chân thành đối với tác giả và ban chủ trương của Tủ sách Tiếng Quê Hương vì sự cống hiến thật quý báu này.








Ghi chú: Bạn đọc nào muốn mua sách này, thì có thể gửi thư về cho


Tủ sách Tiếng Quê Hương


PO Box 4653


Falls Church, VA 22044






MỚI CẬP NHẬT