Friday, April 19, 2024

Kết quả bầu cử trong khu Little Saigon

 


 


Luật Sư Nguyễn Quốc Lân


 


Phòng Ghi Danh Bầu Cử Quận Cam đã kết thúc cuộc kiểm phiếu và công nhận kết quả bầu cử ngày 21 Tháng Mười Một vừa qua.


Kết quả các cuộc tranh cử trong khu vực Little Saigon có nhiều buồn, vui và không ít phần ngạc nhiên. Kết quả khiêm nhường của các ứng cử viên gốc Việt phản ảnh sự xuống dốc nghiêm trọng về ảnh hưởng chính trị của khối cử tri gốc Việt trong khu vực Little Saigon.


Mặc dầu thành phố Westminster có thêm Nghị Viên Tạ Ðức Trí trở thành thị trưởng gốc Việt đầu tiên được đắc cử tại Hoa Kỳ, nhưng lại mất đi đương kim Nghị Viên Diệp Miên Trường. Tại Garden Grove, cộng đồng Việt Nam có thêm Luật Sư Chris Phan được đắc cử vào Hội Ðồng Thành Phố, nhưng mất đi một cơ hội có được cả hai ứng cử viên gốc Việt được đắc cử chống lại hai đương kim nghị viên. Trong khi đó, Ủy Viên Nguyễn Quốc Bảo đã được đắc cử vào chức vụ Ủy Viên Hội Ðồng Giáo Dục của Học Khu Garden Grove. Ngoài ra, tất cả các ứng cử viên gốc Việt khác đều không thành công.


 


Thị Trưởng Westminster 


Cuộc tranh cử vào chức vụ thị trưởng thành phố Wesminster có tất cả năm ứng cử viên, trong đó có hai ứng cử viên gốc Việt, gồm Nghị Viên Tạ Ðức Trí và ông Hà Mạch. Nghị Viên Tạ Ðức Trí được 11,861 phiếu (44.6%) vượt trên người kế tiếp là Penny Loomer được 7,677 phiếu (28.8%). Ứng cử viên Hà Mạch đứng hạng tư với số phiếu 1,191 phiếu (4.5%), theo sau ứng cử viên đứng hạng ba, Al Hamade, được 4,885 phiếu (18.4%). Ứng cử viên về chót là Tamara Sue Pennington, được 998 phiếu (3.8%).


Trong suốt cuộc tranh cử, ứng cử viên Al Hamade đã liên tục dùng đài phát thanh buổi tối để đánh phá mạ lỵ Nghị Viên Tạ Ðức Trí, nhưng nỗ lực đó hầu như không có ảnh hưởng nào đối với các cử tri gốc Việt, mặc dầu Nghị Viên Tạ Ðức Trí đã không một lần phản công hay trả đũa. Ðây là cuộc tranh cử duy nhất mà ứng cử viên gốc Việt vẫn thành công mặc dầu có hai ứng cử viên gốc Việt tranh cử cùng một chức vụ. Các cử tri gốc Việt đã hậu thuẫn mạnh mẽ để có được một vị thị trưởng gốc Việt được đắc cử đầu tiên tại một thành phố lớn Hoa Kỳ. Trước đây, đã từng có thị trưởng gốc Việt như John Trần tại thành phố Rosemead, nhưng đó là do các nghị viên bầu ra hay theo thủ tục luân phiên giữa các nghị viên.


 


Nghị Viên Westminster 


Trong cuộc tranh cử vào chức vụ nghị viên thành phố, cả hai ứng cử viên Tyler Diệp và Charlie Nguyễn Mạnh Chí đều thất bại. Ứng cử viên Tyler Diệp Miên Trường, đương kim nghị viên, về ba với số phiếu 8,787 (19.4%) theo sau ứng cử viên về nhì, Diana Carey, với số phiếu 8,999 (19.8%), chỉ khác biệt nhau có 212 phiếu. Ứng cử viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí, một khuôn mặt quen thuộc trong các sinh hoạt giới trẻ và được rất nhiều hậu thuẫn trong cộng đồng, đã về hạng tư với 7,723 phiếu (17.0%). Ứng cử viên kế tiếp về hạng 5, Helena Rutkowski, được 2,931 phiếu (6.5%). Một ứng cử viên gốc Việt khác, Khải Ðào, đã về hạng 6 trong số 7 ứng cử viên với số phiếu 2,715 (6.0%).


Theo dõi kết quả kiểm phiếu sau ngày bầu cử cho thấy cả hai ứng cử viên Tyler Diệp và Nguyễn Mạnh Chí được hậu thuẫn rất nhiều từ khối cử tri gốc Việt, nhưng không nhiều đủ để bù lại những thiếu sót về uy tín hay hậu thuẫn cho cá nhân của mình. Thêm vào đó, tình trạng chia phiếu giữa hai ứng cử viên này và cả với ứng cử viên gốc Việt thứ ba là Khải Ðào đã làm cho cả hai ứng cử viên được hậu thuận mạnh mẽ của khối cử tri gốc Việt vẫn bị thất cử ngay trong khu vực có đông cử tri gốc Việt nhất.


Hội Ðồng Thành Phố Westminster hiện chỉ còn hai thành viên gốc Việt, đó là Thị Trưởng Tạ Ðức Trí và Nghị Viên Andy Quách. Tiến trình sắp tới sẽ là quyết định phương thức điền khuyết vào chỗ trống của Nghị Viên Tạ Ðức Trí khi trở thành thị trưởng. Hội Ðồng Thành Phố sẽ quyết định hoặc là bổ nhiệm hoặc tổ chức cuộc bầu cử đặc biệt để tuyển chọn một thành viên mới phục vụ cho nhiệm kỳ hai năm còn lại của Nghị Viên Tạ Ðức Trí.


Hai ứng cử viên được đắc cử trong cuộc tranh cử vào Hội Ðồng TP. Westminster là ứng cử viên Sergio Contreras, hiện là ủy viên giáo dục Học Khu Westminster, được 11,715 phiếu (25.8%) và Diana Carey, được 8,999 phiếu (19.8%). Cả hai ứng cử viên này đã được hậu thuẫn mạnh mẽ của đương kim Thị Trưởng Margie Rice. Riêng ứng cử viên Sergio Contreras còn được thêm hậu thuẫn của Phó Thị Trưởng Tạ Ðức Trí trong cộng đồng Việt Nam.


 


Thành phố Garden Grove 


Trong cuộc tranh cử vào chức vụ nghị viên thành phố, trong số 3 ứng cử viên gốc Việt, chỉ có ứng cử viên Luật Sư Chris Phan được đắc cử, về nhì với số phiếu 13,929 (18.2%). Ứng cử viên Phát Bùi về ba với số phiếu 12,244 (16.0%) và ứng cử viên Jenny Nguyễn, về hạng 6 trong số 8 ứng cử viên, với 6,082 phiếu (8.0%). Luật Sư Chris Phan sẽ cùng với đương kim Nghị Viên Luật Sư Dina Nguyễn là hai nghị viên gốc Việt trong Hội Ðồng Thành Phố Garden Grove cho tới năm 2014 khi Nghị Viên Dina Nguyễn hết nhiệm kỳ và không được tái tranh cử vì luật giới hạn nhiệm kỳ (term limit).


Ứng cử viên đắc cử là đương kim Nghị Viên Steve Jones với số phiếu 18,593 (24.3%). Một đương kim nghị viên khác, Kris Beard, về hạng tư và thất cử với số phiếu 11,144 (14.6%), theo sau hai ứng cử viên gốc Việt là Chris Phan và Phát Bùi. Riêng ứng cử viên gốc Việt Jenny Nguyễn, một nhân vật chưa bao giờ xuất hiện hay sinh hoạt trong cộng đồng và cũng không tích cực vận động tranh cử trong cộng đồng Việt Nam vẫn được đến hơn 6,000 phiếu, một số phiếu đáng kể đối với một ứng cử viên mà hầu như không mấy ai biết đến trước và ngay cả trong suốt mùa bầu cử.


Kết quả bầu cử tại thành phố Garden Grove cho thấy tình trạng chia phiếu đã xảy ra nhưng không nghiêm trọng như tại Westminster. Vì sự hỗ trợ đối với ứng cử viên đương kim Nghị Viên Steve Jones đã quá cao, cho nên cho dầu không có tình trạng chia phiếu, khó có thể cả hai ứng cử viên gốc Việt Chris Phan hay Phát Bùi vượt qua được số phiếu của ứng cử viên Steve Jones. Tuy nhiên, sự tham dự tranh cử của ứng cử viên Jenny Nguyễn có vẻ để chia phiếu các ứng cử viên gốc Việt chứ không phải để thắng cử.


 


Thành phố Fountain Valley 


Trong cuộc tranh cử vào chức vụ nghị viên thành phố Fountain Valley, ứng cử viên gốc Việt Nguyễn T. Duy đã không thành công vì chỉ được 4,050 phiếu và đứng hạng tư. Ứng cử viên Duy Nguyễn đã từng tranh cử vào chức vụ này vào hai năm trước đây.


Hai ứng cử viên về nhất và nhì và được đắc cử là đương kim Nghị Viên Steve A. Nagel và ứng cử viên Cheryl Brothers, một cựu nghị viên kỳ cựu tại thành phố Fountain Valley, là người từng bị một ứng cử viên gốc Việt khác đánh bại trong cuộc tranh cử năm 2010, đó là Nghị Viên Michael Võ Ðức Minh.


Tuy không thành công, nhưng số phiếu của ứng cử viên Nguyễn T. Duy cũng rất là khích lệ vì TP. Fountain Valley chỉ có khoảng 6,500 cử tri gốc Việt.


 


Học Khu Garden Grove


Thêm một ứng cử viên gốc Việt đã được đắc cử vào Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove là Ủy Viên Nguyễn Quốc Bảo, được đắc cử với số phiếu 37,934 (28.8%), theo sau sát nút ông là hai ứng cử viên TS George West, được 39,580 phiếu (28.0%) và Linda Paulsen-Reed, được 39,509 phiếu (27.9%). Cả ba ứng cử viên được đắc cử vào Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove đều là đương kim ủy viên trong hội đồng. Ứng cử viên không được đắc cử là Linda Zamora với số phiếu 24,556 (17.3%).


Học Khu Garden Grove bao gồm một khu vực rộng lớn trong trung tâm Quận Cam, bao gồm phần lớn của hai thành phố Westminster và Garden Grove và một phần của 5 thành phố khác là Santa Ana, Orange, Anaheim, Stanton và Fountain Valley.


 


Nhận định 


Kết quả của các cuộc tranh cử trong khu vực Little Saigon cho chúng ta nhiều bài học để rút kinh nghiệm cho các cuộc bầu cử sắp tới.


Thứ nhất, không có dấu hiện cho thấy các cử tri gốc Việt tham gia bầu cử với tỉ lệ đông hơn các sắc dân khác. Khối cử tri gốc Việt chỉ có ảnh hưởng thực sự nếu tỉ lệ tham bầu cử vượt trội hơn các sắc dân khác trong vùng. Ða số các ứng cử viên gốc Việt khi vận động tranh cử chỉ chú tâm đến việc vận động bầu cho mình mà không quan tâm nhiều đến việc vận động tất cả các cử tri ghi danh hay tham gia đi bầu đông đảo hơn.


Thứ hai, khối cử tri gốc Việt không còn được lợi điểm trong việc sử dụng hình thức bỏ phiếu khiếm diện (voter by mail) như trước đây vì về sau này, các cử tri khác cũng đã sử dụng phương thức bầu cử này với tỉ lệ cao hơn và gần như đã bắt kịp với tỉ lệ của các cử tri gốc Việt.


Thứ ba, tình trạng chia phiếu trong khối cử tri gốc Việt khi có nhiều ứng cử viên gốc Việt tranh cử vào cùng một chức vụ đã làm cho tất cả các ứng cử viên gốc Việt bị thiệt hại hoặc bị thất bại. Tại các đơn vị có đông cư dân gốc Việt, cộng đồng có thể tiến cử nhiều ứng cử viên gốc Việt cùng một lúc với điều kiện các ứng cử viên phải cùng vận động các cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho tất cả ứng cử viên gốc Việt chứ không cho riêng mình. Cho dầu là có đông cử tri gốc Việt, mỗi phiếu bầu cho người khác là một phiếu bầu làm yếu đi ứng cử viên gốc Việt hay khối cử tri gốc Việt. Tuy nhiên, trong thực tế tranh cử, các ứng cử viên chỉ muốn vận động bầu cho cá nhân mình chứ không hẳn là bầu cho sức mạnh chung của cộng đồng.


Thứ tư, các ứng cử viên gốc Việt vẫn phải chia sẻ trách nhiệm của mình vì đã không tạo đủ một uy tín vững chắc, rõ ràng và mạnh mẽ đối với cử tri gốc Việt. Các cử tri gốc Việt đã không nhất thiết tự động bầu cho các ứng cử viên gốc Việt. Kết quả bầu cử cho thấy các cử tri gốc Việt có suy nghĩ và phán xét xem các ứng cử viên này đã làm gì và sẽ làm gì cho cộng đồng trong tương lai. Tỉ lệ tham gia bầu cử một phần không cao cũng vì các ứng cử viên đương nhiệm trong nhiều năm qua đã không chứng tỏ được thành tích phục vụ quyền lợi của cộng đồng một cách rõ ràng hay mạnh mẽ.


Thứ năm, nhiều ứng cử viên gốc Việt đã không có những nhận định chính xác về thực tế của một cuộc tranh cử chính trị hay chuẩn bị kỹ càng trước mùa tranh cử như tham gia tích cực vào sinh hoạt của cộng đồng, gây dựng sự hậu thuẫn chính trị và cộng đồng, tham gia vào các hoạt động tranh cử cho các ứng cử viên khác để học hỏi kinh nghiệm hay chuẩn bị phương tiện tài chánh cần thiết cho một cuộc tranh cử.


Sự tham gia tranh cử khi chưa có những chuẩn bị cần thiết không những không đem lại kết quả cụ thể, mà còn có thể gây chia phiếu đối với các ứng cử viên khác có lợi ích hơn cho cộng đồng hay làm mất đi uy tín hay thế lực chính trị của khối cử tri gốc Việt.


Nếu so với kết quả các cuộc tranh cử trước đây, sức mạnh chính trị của cộng đồng Việt Nam có thể đã bộc phát quá nhanh trong khi chưa kịp chuẩn bị một nền tảng vững chắc hay một chiều hướng bền vững và lâu dài.

MỚI CẬP NHẬT