Saturday, April 20, 2024

Không có lãnh tụ nào tại Miền Nam Việt Nam thay thế được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

 

Vann Phan

Mặc dù lịch sử luôn chứng minh minh rằng không có ai là người không thể thay thế được trên cõi đời này, và câu nói “nghĩa địa đầy những kẻ không thể thay thế được” (1) là một câu nói bất hủ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn là lãnh tụ không ai có thể thay thế được trong tình hình khó khăn của Việt Nam Cộng Hòa kể từ sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Sản – tức là lúc, nghe theo lời nhà báo huyền thoại Walter Cronkite, Hoa Kỳ bắt đầu bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa – cho tới khi Miền Nam Việt Nam đành chấp nhận buông súng đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Những người không thể thay thế được

Dĩ nhiên, sau khi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Ðình Diệm bị Mỹ và các tướng lãnh Miền Nam Việt Nam ham đảo chánh hạ sát ngày 2 Tháng Mười Một năm 1963, vị tổng thống mà mới trước đó vài hôm ai cũng tưởng là không có ai khác có thể thay thế được – kể cả một nhân vật của thời cuộc mà báo chí Mỹ vẫn cho là rất tài ba và đức độ như Thượng Tọa Thích Trí Quang – đã được thay thế ngay bằng Trung Tướng Dương Văn Minh, chủ tịch Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng, trong niềm hân hoan, phơi phới của toàn dân Miền Nam Việt Nam (2) sau khi mọi người – phe tướng lãnh Miền Nam làm đảo chánh, phía Mỹ và quân cộng sản – đã trừ khử được một trong những chế độ “phong kiến, quan liêu và gia đình trị” được đánh giá là tệ hại vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. (3) Và sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy bị ám sát bên Mỹ ba tuần lễ sau ngày Tổng Thống Diệm và bào đệ Ngô Ðình Nhu bị giết bên Việt Nam, mây vẫn bay và gió vẫn thổi trên bầu trời Hoa Thịnh Ðốn như bình thường, bởi vì Phó Tổng Thống Lyndon Baines Johnson, một cách hợp hiến và hợp pháp, đã tức thời thay thế ông Kennedy trong chức vụ tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Thay thế một ai đó hoặc một cái gì đó bằng một người nào đó hoặc một vật gì đó là một việc làm không có gì là khó khăn cả. Nhưng hậu quả của sự mất mát và thay thế đó mới là điều quan trọng, nhất là đối với dân chúng Miền Nam Việt Nam – và sau này, khi cộng sản đã lên nắm quyền cai trị rồi, mới biết là luôn cả toàn dân Việt Nam từ Nam chí Bắc nữa.

Việc giết ông Diệm và thanh toán tận gốc rễ cả một chế độ đang đem lại thái bình, thịnh trị cho Miền Nam tự do lúc bấy giờ đã làm cho mầm sống của Miền Nam Việt Nam bị nhiễm độc tố và cuộc chiến đấu chống quân cộng sản xâm lược từ Miền Bắc vào của Miền Nam bị mất hướng rồi mất luôn cả chính nghĩa nữa (4).

Những người thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi ông từ chức và ra đi dưới áp lực trong và ngoài nước, từ Phó Tổng Thống Trần Văn Hương cho tới Ðại Tướng Dương Văn Minh, đã không làm được gì dù trước đó ông Minh và cái gọi là “thành phần thứ ba” vẫn nghĩ rằng mình thừa sức thay thế ông Thiệu để làm cho Miền Nam Việt Nam mạnh hơn về quân sự và tự do, dân chủ hơn về chính trị cũng như trong sạch hơn về đạo đức cầm quyền. Kết quả tức thời cho thấy Việt Nam Cộng Hòa đã mau lẹ ngã quỵ dưới gót sắt của đoàn quân xâm lược từ phương Bắc kéo vào Miền Nam Việt Nam.

Sự nghiệp chống Cộng và xây dựng đất nước của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Ðến đây, thiết tưởng cũng nên xác định lại, một lần nữa, công trạng cùng thành tích phục vụ đất nước và chống quân cộng sản xâm lược của vị tổng thống Ðệ Nhị Cộng Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu:

1. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là nhà lãnh đạo duy nhất của Việt Nam sau Hoàng Ðế Quang Trung dám đương đầu với kẻ thù truyền kiếp Trung Quốc khi ông ra lệnh cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa chận đánh các tàu chiến của Trung Cộng trong trận Hoàng Sa lịch sử hồi năm 1974, bất chấp sự kiện cán cân quân sự lúc bấy giờ nghiêng hẳn về phía các lực lượng Trung Cộng mà từ lâu đã là một cường quốc nguyên tử của thế giới. Hoa Kỳ, kẻ tự xưng là đồng minh thân thiết của Việt Nam Cộng Hòa, với Hạm Ðội 7 tại Thái Bình Dương mạnh ít nhất cũng gấp 100 lần hải lực Trung Cộng trong thời điểm đó, đã đứng ngoài cuộc chiến tại Ðảo Hoàng Sa, thậm chí còn không chịu cứu vớt các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị chìm tàu hoặc bị thương sau trận đánh chỉ vì người Mỹ quá sợ phải mất đi cái thị trường béo bở tại Hoa Lục mà họ vừa mới giành được.

2. Chính nhờ khả năng lãnh đạo khéo léo về chính trị và tài ba về quân sự của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu – cũng là một tướng lãnh lỗi lạc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – mà quân đội Miền Nam Việt Nam đã bẻ gãy hầu hết mọi cuộc tấn công lớn có, nhỏ có của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập và lực lượng du kích địa phương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam qua các chiến dịch lừng danh và trận đánh nổi tiếng như cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, cuộc Hành Quân Toàn Thắng 43 tại Cambodia năm 1970, cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, mặt trận An Lộc và chiến dịch tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972,… Quân và dân Miền Nam Việt Nam làm sao mà không nức lòng chiến đấu khi thấy, ngay sau khi khói lửa vừa mới ngớt tại các chiến trường đẫm máu trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật, vị tổng tư lệnh quân đội của họ đã có mặt để ủy lạo thương binh và tưởng thưởng những chiến sĩ đã mang về chiến công vang dội trên các chiến trường gai lửa, cỡ Kon Tum, An Lộc, và Quảng Trị?

3. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là nhà lãnh đạo duy nhất thành công trong lãnh vực cải cách ruộng đất tại Việt Nam, với nền kinh tế đặt trên căn bản nông nghiệp. Trong khi cuộc cải cách ruộng đất tại Miền Bắc hồi cuối thập niên 1950 đã trở thành một cuộc giết chóc và cướp đất dã man và kế hoạch Dinh Ðiền và Khu Trù Mật của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tại Miền Nam Việt Nam chỉ là một thành công có giới hạn và trên quy mô nhỏ, kế hoạch “Người Cày Có Ruộng” của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hồi đầu thập niên 1970 đã là một thành công vang dội và rất được lòng đại đa số nông dân tại Việt Nam Cộng Hòa, đến nỗi vị Tổng Thống của Miền Nam Việt Nam từ đây được nông dân các nơi trìu mến gọi là “anh Tám Thiệu.”

4. Trước khi Hiệp Ðịnh Ba Lê được ký kết vào ngày 27 Tháng Giêng năm 1973, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã hành động như một người anh hùng thời chiến của Miền Nam Việt Nam khi ông cương quyết chống lại các áp lực từ phía đồng minh Hoa Kỳ chỉ muốn Việt Nam Cộng Hòa ký ngay Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973, một hiệp ước để họ có cơ sở mà “rút lui trong danh dự” quân đội của họ ra khỏi một chiến trường mà gần hai thập niên trước các nhà lãnh đạo của họ đã quyết định dấn thân vào, thậm chí còn sát hại cả các nhà lãnh đạo Miền Nam Việt Nam -tức là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cùng các bào đệ Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Cẩn – để thực hiện cho bằng được việc trực tiếp can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam. (5)

5. Ngoài khả năng quân sự của một vị tướng lãnh vừa tài ba vừa đầy đảm lược, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu còn là một người “làm chính trị” xuất sắc đúng nghĩa của nó mà không có chính khách đương thời nào có thể so sánh được. Lúc cần phải ứng khẩu, ông ăn nói giản dị nhưng có mạch lạc và đi thẳng vào vấn đề chứ không dùng ngôn ngữ dông dài có tính cách phô trương. Hầu hết những câu nói nổi tiếng liên quan tới nỗ lực chống Cộng của quân và dân Miền Nam Việt Nam đều do ông nghĩ ra chứ không phải do các phụ tá hoặc người viết diễn văn riêng của Tổng Thống khởi xướng, trong đó có các nhóm từ ngữ “Bình Long Anh Dũng, Kon Tum Kiêu Hùng, Trị Thiên Vùng Dậy, Bình Ðịnh Quyết Chiến Quyết Thắng” hoặc các câu nói để đời như “Ðất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả” và câu nói nổi tiếng mọi thời “Ðừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.” Với tài sử dụng ngôn ngữ bình dị và dễ đi vào lòng người như thế, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rất xứng đáng là “anh Tám Thiệu” của các nông dân không những chỉ ở miệt Ðồng Bằng Sông Cửu Long thôi mà còn tại các vùng nông thôn trên toàn quốc nữa.

6. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm hết khả năng của mình để cứu vãn Miền Nam Việt Nam khỏi sụp đổ trước cuộc xâm lược bạo tàn của Cộng Sản Bắc Việt, luôn được sự đồng lõa của đa số thế giới lầm mê thời bấy giờ. Những lập luận nhằm trách cứ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Ðại Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sao không sớm “tái phối trí” các đơn vị quân đội – chính yếu là rút bỏ các lực lượng trấn giữ cao nguyên cùng những vùng lãnh thổ kém phí nhiêu tại Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật để lui về bảo vệ miền duyên hải Trung Phần cùng miền Ðông Nam Phần và Ðồng Bằng Sông Cửu Long tại Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật – đều chỉ là không tưởng.

Trên các chiến trường với vũ khí tầm xa và các lực lượng cơ giới di động nhanh của thế kỷ thứ 20, không một chiến lược gia lỗi lạc nào của Pháp, của Nhật, của Mỹ, của Việt Nam – và thậm chí của Israel nữa – dám liều lĩnh bỏ cao nguyên với hy vọng giữ vững vùng duyên hải Trung Phần. Co cụm thật ra là chỉ để mất dần, mà chuyện phải bỏ rơi Miền Nam tự do vào tay Cộng Sản Bắc Việt là chuyện không thể đảo ngược lại được trên bàn cờ thế giới giữa lúc các nước lớn luôn có quyền quyết định số phận của các nước nhỏ hơn, chưa nói tới chuyện cả hai phe Việt Nam lâm chiến vào thời đó đều hoàn toàn tùy thuộc vào phương tiện chiến tranh do những người bạn đồng minh của họ cung cấp.


Không ai thay thế được Tổng Thống Thiệu

Vậy thì, những ai tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ có khả năng thay thế được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến tranh chống Cộng? Có hai nhóm lãnh tụ thường được dư luận trong và ngoài nước lúc bấy giờ đề cập tới và coi là những kẻ có khả năng thay thế – và còn làm hay hơn, tốt đẹp hơn – Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đó là nhóm các chính khách dân sự và nhóm các tướng lãnh làm chính trị tại Miền Nam Việt Nam.

Thời điểm thuận lợi nhất tại Miền Nam Việt Nam mà người ta, dù là người Mỹ hay người Quốc Gia Việt Nam, có thể thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bằng một nhà lãnh đạo khác – mà họ tin là giỏi hơn, hay hơn, hiệu quả hơn, và nhất là trong sạch hơn – là từ sau tết Mậu Thân 1968 cho tới trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Có thể kể tới các chính khách như Vũ Văn Mẫu, Phan Quang Ðán, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Ngọc Huy, Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Oánh, Lý Chánh Trung,… là các nhân vật nổi bật nhất. Nhưng hầu hết các vị này đều thuộc lại “cờ đã đến tay” một vài lần rồi nhưng không ai có khả năng “phất” nổi, thậm chí như chính quyền dân sự dưới thời nhị vị lãnh đạo họ Phan là Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát (hồi 1965) mà còn phải long trọng trao trả lại quyền điều hành quốc gia và lãnh đạo chiến tranh cho “Hội Ðồng Quân Ðội Cách Mạng” nữa thì đủ biết công cuộc kháng chiến chống Cộng tại Miền Nam Việt Nam giữa lúc dầu sôi lửa bỏng và Cộng Sản đánh phá lung tung như lúc bấy giờ ngó vậy chứ không phải dễ thành công khiến ai cũng có thể làm được.

Riêng về trường hợp của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, tổng thư ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, có thể ông là một trong các chính khách lỗi lạc nhất và đức độ nhất mà Việt Nam Cộng Hòa từng chứng kiến thời đó, nhưng ông lại thiếu sự hậu thuẫn và tin tưởng của quân đội, vì dẫu sao tố quốc lúc đó cũng đang “lâm nguy” (6) với cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản đang diễn ra hàng giờ, hàng phút, và vị Tổng Thống của một đất nước như vậy rất cần thiết phải là một vị tổng tư lệnh quân đội trong ý nghĩa cụ thể nhất.

Về nhóm các tướng lãnh làm chính trị lúc nào cũng chờ thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa mà đánh lại Cộng Sản Bắc Việt phải kể tới các vị như Ðại Tướng Dương Văn Minh, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Trần Văn Ðôn,… Trung Tướng Ðôn là thượng nghị sĩ thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, dù có muốn làm tổng thống đi nữa cũng không thể được, vì dân chúng Miền Nam Việt Nam ai cũng biết rằng dường như sở trường của hai vị này nằm ở lãnh vực khác hơn là làm chính trị. Còn Ðại Tướng Dương Văn Minh thì đã vài, ba lần “thử lửa” trên chính trường Việt Nam Cộng Hòa nhưng lần nào ông cũng làm hư sự cả, mặc dù trên cương vị là nhà lãnh đạo sáng giá nhất của cái gọi là “thành phần thứ ba” tại Miền Nam Việt Nam, ông là lá bài được ưa chuộng nhất, trước hết là của Pháp và Cộng Sản Bắc Việt (cộng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) cũng như là của các thành phần phản chiến tại Miền Nam Việt Nam và sau đó là của Hoa Kỳ và không chừng còn là của Trung Cộng nữa.

Dẫu sao, vai trò nổi bật nhất của Tướng Minh vẫn là thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (qua sự chuyển tiếp của Tổng Thống Trần Văn Hương) đặng đầu hàng quân Cộng Sản Bắc Việt vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tránh cho thủ đô Sài Gòn khỏi trở thành biển máu, bởi vì Cộng Sản Bắc Việt, đang say mê chiến thắng, đã thề quyết không tha mạng bất cứ một ai dám cản chân họ, dù đó là các chính khách thơ ngây hoặc dân lành vô tội.

Còn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ? Vị tướng Không Quân này nói nhiều hơn làm, bởi vì ông ít có cơ hội để làm chuyện lớn, hoặc là do đối thủ chính trị của ông là Tổng Thống Thiệu sắc sảo quá hoặc là do người Mỹ chưa đủ niềm tin ở ông. Dẫu sao, nếu một vài hôm trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975 mà ông thành công trong ý định đảo chánh lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để cùng toàn quân, toàn dân Miền Nam quyết chiến đến cùng thì có rất ít người tin là ông sẽ thành công, tức là cản được bước tiến của đoàn quân xâm lược Cộng Sản từ Miền Bắc đang tiến vào như vũ bão. Là người chủ trương Miền Nam phải đánh cho tới (trái bom và) viên đạn cuối cùng, chắc chắn ông Kỳ phải bị phe phản chiến và “thành phần thứ ba” tại Miền Nam Việt Nam lúc đó chống đối còn dữ dội và quyết liệt hơn là đối với Tổng Thống Thiệu nữa, vì họ luôn hy vọng sẽ được cộng sản nhân nhượng trong hòa bình, dù chuyện đó, sau cùng, hóa ra chỉ là ảo tưởng.

Trước khi vị tướng lãnh ưa làm chính trị này về quy phục chính quyền Cộng Sản Việt Nam rồi tuyên bố những lời sao đó cho vừa lòng kẻ đang có quyền và có tiền tại Hà Nội, nhiều người tại Miền Nam Việt Nam vẫn tiếc là phải chi cứ để ông thay thế ông Thiệu mà cầm quyền một phen, vì ông ứng đối – tức là nói – hay hơn ông Thiệu. Nhưng từ khi ông không có vẻ gì là giữ được phẩm cách “can trường trong chiến bại” lúc có dịp đối thoại với các vị chủ nhân “Bắc bộ phủ” bây giờ thì coi như ông không thể nào so sánh được với ông Thiệu cả.

Lời kết

Khi lá cờ vàng ba sọc đỏ chiến thắng phất phới tung bay trên nóc Cổ Thành Quảng Trị ngày 15 Tháng Chín năm 1972, sáu tháng sau khi cuộc Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972, tức Mùa Hè Ðỏ Lửa, của Cộng Sản Bắc Việt khởi sự, thì thời điểm ấy cũng chính là lúc Miền Nam Việt Nam có thêm một vị anh hùng nữa trong chiến tranh, đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Người anh hùng Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi vị, nối gót các bậc anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, kẻ còn sống, người đã chết bấy, từng đem thân giữ vững Miền Nam tự do trước cuộc xâm lược mà Cọng Sản Bắc Việt và khối Cộng Sản Quốc Tế đã khởi sự từ năm 1959 nhằm thôn tính Việt Nam Cộng Hòa, như Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí, Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, Trung Tá Phạm Phú Quốc, Trung Tá Lê Hằng Minh, Ðại Úy Bùi Thụ, Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương và hằng trăm, hằng nghìn các anh hùng không tên tuổi khác, trong đó phải kể tới những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Ðộng Quân, Bộ Binh, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân,… đã bỏ mình trong trận chiến tái chiếm Quảng Trị khỏi tay Cộng quân.

Dù Việt Nam Cộng Hòa, sau cùng, đã bị Cộng Sản Bắc Việt thôn tính vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không phải là người để mất Miền Nam tự do vào tay cộng sản, mà kẻ đó chính là người bạn đồng minh Hoa Kỳ và các chính trị gia thiên tả thuộc cái gọi là “thành phần thứ ba” tại Miền Nam Việt Nam từng nuôi mộng hòa hợp, hòa giải với cộng sản. Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là lẽ sống của Miền Nam tự do thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại là cột trụ chính của cuộc chiến tranh chống Cộng để bảo vệ tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam, bằng chứng là chỉ hơn một tuần sau khi Tổng Thống Thiệu rời bỏ chức vụ và ra đi, Miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào nanh vuốt cộng sản trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Nghĩ cho cùng, chẳng có lãnh tụ nào tại Miền Nam Việt Nam thay thế được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò lãnh đạo chính phủ và nhân dân Miền Nam Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh phá hoại và thôn tính Miền Nam tự do của những người Cộng Sản từ Miền Bắc. (7) Nếu người dân Miền Nam Việt Nam – cũng như người bạn đồng minh Hoa Kỳ – lúc đó và những người Việt hải ngoại bây giờ biết chấp nhận cái tương đối và bỏ đi cái tật “đứng núi này, trông núi nọ” thì, sau Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chính là nhà lãnh đạo tài ba và đức độ nhất tại Miền Nam Việt Nam, mặc dù cái tài ba và đức độ đó đã không thể nào cứu vãn được Miền Nam Việt Nam hồi năm 1975, dẫn tới thảm họa của cả một đất nước và một dân tộc hiện giờ.

Chú thích:

(1) “Les cimetières sont remplis des hommes irremplacables.”

(2) “Nhưng hôm nay tưng bừng, non sông đang vui mừng… đâu bóng hình em giữa trời quê hương?” là lời ca trong một nhạc phẩm được viết sau ngày đảo chánh Tổng Thống Diệm thành công tại Miền Nam Việt Nam, tỏ ý thương tiếc nữ sinh Quách Thị Trang, người bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống chính quyền Ngô Ðình Diệm tại bùng binh Sài Gòn. Sau khi thanh toán xong chế độ Ngô Ðình Diệm, việc làm đầu tiên của chính quyền mới là tổ chức liên hoan và nhảy đầm, bởi vì chuyện nhảy nhót, vui chơi trước đó đã bị chế độ “phong kiến, thối nát” của ông Diệm cấm chỉ, viện cớ “tổ quốc lâm nguy” trước gót dép râu của quân xâm lược Bắc phương.

(3) Cả Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng, Ðại Sứ Mỹ Henry Cabot Lodge và Việt Cộng trong cuộc chiến vừa qua đều đánh giá chế độ Ngô Ðình Diệm tại Miền Nam Việt Nam như vậy. Một số tướng lãnh Miền Nam Việt Nam – ngoại trừ Tướng Cao Văn Viên, có lẽ thế – lẫn chính quyền Kennedy của Mỹ và những người cộng sản từ Nam chí Bắc đều hết sức phấn khởi sau khi chế độ Ngô Ðình Diệm tại Miền Nam Việt Nam bị thanh toán tận gốc rễ.

(4) Mất hướng vì chế độ quân nhân cai trị Miền Nam Việt Nam đã nghe theo lời các cố vấn Mỹ mà bỏ đi quốc sách Ấp Chiến Lược do Cố Vấn Ngô Ðình Nhu soạn thảo, mặc dù các chuyên gia chống du kích Cộng Sản từ Mã Lai Á và Úc Ðại Lợi đã hết lời khuyên can là không nên hủy bỏ mà trái lại nên tăng cường kế hoạch Ấp Chiến Lược mới mong thắng cuộc chiến tranh du kích tại Miền Nam Việt Nam. Mất chính nghĩa vì sau đó lại thấy quân đội Mỹ nhảy vào chiến trường Việt Nam làm cho Cộng Sản Bắc Việt có cớ để đem câu “Ðế Quốc Mỹ, xâm lược đất nước ta, là kẻ thù của nhân dân ta…” ra nhồi sọ quân và dân tại Miền Bắc để kích thích họ tiếp tục “lấy thân chèn pháo” và “liều mình lấp lỗ châu mai,” hy sinh hạnh phúc riêng tư và cả mạng sống của mình đặng đánh chiếm cho kỳ được Miền Nam Việt Nam.

(5) Các ngón đòn dùng để áp lực Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải chấp nhận một Hiệp Ðịnh Ba Lê thất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa không phải chỉ là lời hăm dọa suông. Ngoài việc từ từ giảm bớt viện trợ kinh tế và quân sự để Miền Nam Việt Nam sợ mà phải chấp nhận một nền hòa bình giả hiệu qua Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973, các tài liệu đã bạch hóa hồi gần đây nhất cho thấy Tổng Thống Nixon (trong cuộc điện đàm với Ngoại Trưởng Henry Kissinger mấy tiếng đồng hồ trước khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống nhiệm kỳ 2 vào ngày 20 Tháng Giêng năm 1973) từng nghĩ tới biện pháp “cắt đầu” (“cut off his head”) Tổng Thống Thiệu – có lẽ là thực hiện một cuộc đảo chánh theo kiểu Mỹ từng làm hồi năm 1963 mà hậu quả là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị hạ sát hơn là thi hành một vụ giết chóc có tính cách tội phạm hình sự – nếu vị tổng thống của Miền Nam Việt Nam không chịu ký vào Hiệp Ðịnh Ba Lê để Mỹ có thể lấy lại hết các tù binh chiến tranh đang bị Cộng Sản Bắc Việt giam giữ và rút quân êm xuôi về nước hầu giữ thể diện của một đại cường. Riêng về chuyện Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa cùng những tác hại ghê gớm của nó dẫn tới việc Miền Nam Việt Nam bại trận, xin đọc “Viện Trợ Quân Sự cho Việt Nam” của Trọng Ðạt, một tài liệu được phổ biến hồi Tháng Chín năm 2009 trên báo Người Việt ở Orange County, Miền Nam California.

(6) Từ năm 1962, dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Ðình Thuần đã từng tuyên bố “la patrie est en danger,” tức là tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa đang lâm nguy trước những cuộc đánh phá dữ dội của quân du kích thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, được thành lập từ năm 1960 và được bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt đẩy ra tuyến đầu trong những cuộc tấn công để che giấu “bàn tay vấy máu anh em” của người Cộng Sản Miền Bắc.

(7) Cái “bệnh tuyệt đối” cộng với cái tật “đứng núi nầy, trông núi nọ” của người Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc xưa nay vẫn là lý do chính yếu tạo nên cảnh người mình thường đem bỏ đi một cách oan uổng những gì tốt đẹp đang có trong tay để rồi đành phải chấp nhận những cái xấu xa hơn mà trước đó mình vẫn tưởng là tốt đẹp, như chủ nghĩa Cộng Sản chẳng hạn. Kết quả của thái độ sống khôn lanh một cách thiển cận này là sự thể chế độ Cộng Sản tồi tệ gấp trăm, nghìn lần chế độ tự do, dân chủ vẫn được dân tộc Việt Nam rước từ nước ngoài về cai trị đất nước, để rồi ngày nay, từ Nam chí Bắc, dân tộc Việt Nam chỉ còn biết ngồi thở than, rên xiết và khóc lóc với nhau về chế độ Cộng Sản bạo tàn đang dày xéo quê hương, một chế độ đã đành đoạn nhường đất, dâng biển của tổ quốc cho ngoại bang. Riêng dân chúng Miền Nam Việt Nam, trước đó, vì cứ tưởng chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là vô cùng độc tài, gia đình trị cho nên mới ra sức vận động người Mỹ loại bỏ và ám sát ông đi cho khuất mắt. Rồi khi đã có được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong cương vị nhà lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống cộng sản xâm lược rồi, người dân Miền Nam Việt Nam hiền hòa lại tưởng chỉ có Ðại Tướng Dương Văn Minh hoặc các chính trị gia khác thuộc “thành phần thứ ba” mới cứu vãn được đất nước mà thôi. (V.P.)

MỚI CẬP NHẬT