Thursday, March 28, 2024

‘Kleptocracy’ đã đến Việt Nam rồi chăng?

Bùi Tín
(Blog VOA)

Vấn đề tên gọi một nước rất quan trọng. Mọi người, nhất là các sinh viên ngành chính trị và luật học, biết rõ điều đó.

Ở nước ta năm ngoái, khi bàn luận về Hiến pháp 2013, cũng rộ lên vấn đề nên gọi nước ta là gì? Nước Cộng Hòa Việt Nam? Nước Việt Nam Cộng Hòa? Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa? Cuối cùng Quốc Hội đã quyết định để nguyên tên cũ: nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Nhưng như thế đã ổn chưa? Chính xác chưa?

Các nhà chính trị cộng sản thời Stalin, Mao sáng tạo ra chế độ Dân Chủ Nhân Dân, rồi Chủ Nghĩa Xã Hội theo học thuyết Marx-Lenin. Ở Bắc Âu có những nước được gọi là Nhà Nước Phúc Lợi do có những chính sách chăm lo đến cuộc sống của con người từ khi trong bụng người mẹ, trong nôi, học vỡ lòng, lên trung học, đại học, khi đau ốm, khi thất nghiệp, góa bụa, khi nghỉ hưu, khi từ trần. Có nước tên gọi rất hay, rất đẹp, nhưng không thấy chút vẻ đẹp nào trong thực tế, ngược lại.

Những năm gần đây một số nhà xã hội học quốc tế đã dùng lại một số khái niệm xưa cũ để chỉ một số chế độ chính trị thời hiện tại. Ví dụ như khái niệm Kleptocracy được định nghĩa là chế độ, chính quyền tham nhũng tràn lan, rộng khắp, nặng nề.

Gần đây, từ Kleptocracy được dùng để chỉ các chế độ Saddam Hussein ở Irak, Bel Ali ở Tunisia, Muanmar Gaddafi ở Libya, Hosni Mubarak ở Ai Cập… nơi tệ nạn tham nhũng hoành hành rộng khắp và cực kỳ nghiêm trọng. Một số cơ quan truyền thông Việt ngữ như mạng Dân Làm Báo, hoặc báo Người Việt đã dịch từ này là chế độ “ăn cắp,” “đạo tặc”, hay nhà nước “ăn cắp”, nhà nước “đạo tặc.”

Ở Việt Nam đã có một số nhà bình luận lên tiếng báo động về nạn tham nhũng “tràn lan,” “dữ dội,” “khủng khiếp,” “một quốc nạn nội xâm,” có sức tàn phá đất nước kinh hoàng, làm nhân dân mất niềm tin, và theo lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đang “đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.”

Trên báo Người Cao Tuổi giữa tháng 2, 2014 đã nêu lên nghi vấn về ”tài sản khủng” kèm theo ảnh biệt thự hoành tráng giữa vùng đất rộng của nguyên Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền ở tỉnh Bến Tre, tiếp theo là tin tức trước ngày nghỉ hưu ông Truyền đã vội ký một lèo hàng 30 quyết định thăng cấp và lên chức cho cán bộ cấp cao, vạch trần bộ mặt của một ông lớn ăn cắp quả tang, vì theo mức tiền lương, ông Truyền phải để hơn 40 năm không ăn tiêu gì mới tích lũy được số tiền để dựng lên ngôi nhà như thế.

Cũng báo Người Cao Tuổi trong số ra cuối tháng 2 đã nêu lên trường hợp Ngô Văn Khánh, phó tổng thanh tra chính phủ, cũng ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp cao trước khi nghỉ hưu, kèm theo lời tố cáo ông ta có hàng chục tỷ đồng Việt Nam (tương đương với hàng triệu đô la) gửi trong các ngân hàng. Làm sao mà một viên chức cộng sản lại có nhiều đến thế, nếu không ăn cắp của dân?

Rồi còn vụ thượng tướng quan chức số 2 ngành công an được biết nhận hối lộ nhiều lần, lần thì 20 tỷ đồng, lần thì nửa triệu đôla, lần thì 1 triệu đôla, khiến cho ngay những đảng viên cộng sản cũng phải kêu lên: Ở đâu ra mà nhiều đôla đến thế! Không ăn cắp của ngân sách thì ở đâu?

Hai mươi năm trước nhà thơ Nguyễn Duy đã thét lên, từ gan ruột anh:

Xứ sở từ bi, sao thật lắm thứ ma
Ma quái, ma cô, ma tà, ma mãnh
Quỷ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài!
Xứ sở kỷ cương, sao thật lắm thứ vua
Vua mánh, vua lừa, vua chôm, vua chía
Vua không ngai, vua choai choai, vua nhỏ
Lãnh chúa sứ quân, san sát vùng cát cứ

Ðến nay, số ma, số vua ấy, đội ngũ kẻ cắp, kẻ cướp có quyền lực ấy đã phát triển thành những bầy sâu nhung nhúc khắp nơi, cấu kết để bảo vệ nhau tha hồ bòn rút các nguồn viện trợ và đầu tư ODA và FDI.

Trên báo Pháp Luật online đầu tháng 2, 2014 nhà bình luận Phạm Chí Dũng và nhà kinh tế Phạm Chi Lan đã nêu lên nguyên nhân của tham nhũng lan tràn là thiếu một cơ chế giám sát tài chính, thanh tra các khoản đầu tư và viện trợ, các cơ quan thu nhận, phân phối, điều hành kinh doanh, thanh toán các khoản tiền cực lớn ấy. Tổng thanh tra chính phủ, ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng, Quốc Hội do đảng cộng sản kiểm soát được lệnh không động đến.

Ðây chính là những đặc điểm của các chế độ “đạo tặc,” các nhà nước “ăn cắp.”

Theo phân tích về chế độ Kleptocracy, tâm lý các nhà cai trị loại này là tâm lý của “kẻ cắp, kẻ cướp,” mục tiêu là ăn cắp hay ăn cướp tiền để tiêu xài, hưởng lạc, đua đòi theo kiểu trọc phú, trưởng giả học làm sang, đi tắt để có nhiều tiền, không coi trọng tài kinh bang tế thế, coi khinh người có tài kinh doanh lương thiện biết tôn trọng luật pháp. Họ không chọn trí thức có học thuật, theo nhân cách, khả năng sáng tạo, mà chọn những kẻ theo hình ảnh của chính họ, chuyên mua quan bán chức, mưu ma chước quỷ, mánh mung cửa hậu, tuyển lựa bọn cơ hội, thậm chí hợp tác liên minh với bọn xã hội đen, côn đồ, lưu manh, miễn là có lợi.

Nhiều học giả nêu lên một đặc điểm của chế độ Kleptocracy là nó tàn phá các giá trị văn hóa đạo đức-tôn giáo cố hữu. Theo báo Pháp le Figaro ngày 24 tháng 2, 2014, các nhà báo nước ngoài đã sửng sốt khi vào xem dinh thự hoành tráng của nguyên tổng thống Ukraine Victor Yanukovitch. Ðây là một kiến trúc xa hoa lộng lẫy nhưng cực kỳ phản văn hóa, phô trương một cách lố bịch, tố cáo chủ nhân của nó là một tay trọc phú vô học.

Tâm lý xã hội đòi hỏi công lý, lập luận rằng không có lý gì một tên trộm vặt, một tay móc túi ngoài chợ, một kẻ ăn cắp gà vịt, chó hay trâu bò ở nông thôn thì bị nguyền rủa, săn đuổi, đánh đập không nương tay, trong khi những tên đạo tặc “sang trọng, danh giá” quyền cao chức trọng ăn cắp hàng chục, hàng trăm triệu đô la lại không bị trừng phạt nghiêm khắc tương xứng với mức độ tội ác “ghê gớm, khủng khiếp” gấp trăm ngàn lần của chúng.

Ở Việt Nam ai đã tạo nên cái xã hội đồi trụy bệ rạc đầy kẻ cắp kiểu cleptocracy khá là điển hình như thế này. Xin mời các học giả, anh chị em bloggers tư do và các bạn trẻ sinh viên trường Luật, ngành xã hội nhân văn lên tiếng, góp thêm ý kiến.

MỚI CẬP NHẬT