Thursday, March 28, 2024

Một thoáng Huế thơ

Vũ Tất Tiến



20 năm Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1993-2013) 



Chúng tôi đến Huế vào một ngày giữa trưa, trời nắng như đổ lửa. Cái nắng và gió Lào hầm hập dường như vần không làm cho du khách khó chịu bởi sự háo hức của lần đầu đến Huế.



Có lẽ bất kỳ người Việt Nam nào từ Bắc chí Nam và cả nhiều người nước ngoài nữa, ai ai cũng mong muốn đến Huế. Bởi cho dù thời gian có phôi pha, Huế vẫn phần nào giữ được vẻ mộng mơ của một thành phố vốn là chốn kinh kỳ xa xưa. Không ồn ào, hối hả, xô bồ như ở một số thành phố khác. Vẻ nên thơ của Huế hiếm nơi nào có được. Nó bắt nguồn từ màu xanh của cây cỏ, từ màu biếc của sông nước, từ giọng nói dịu dàng của người dân xứ Huế, từ những cung điện cổ kính gợi niềm u hoài nhớ về quá vãng xa xưa…



Nói bao nhiêu cũng không lột tả hết được vẻ đẹp của Huế, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh vào bậc nhất đất nước. Dòng họ Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử nước ta, với 13 đời vua đã để lại trên 1000 công trình kiến trúc đặc sắc, tạo dựng cho Huế một bản sắc riêng, một đặc thù riêng mà nơi khác không có. Chính vì vậy mà năm 1981, trong lời kêu gọi bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ văn hóa Huế, ông Tổng giám đốc UNESCO lúc đó là Amadou Mata M’bow, đã viết: “Nằm giữa khúc ruột miền Trung Việt Nam, trong một thời gian dài, Huế là kinh đô lịch sử. Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tựơc sum xuê, có hệ thống sông ngòi bao quanh như chạm khắc thêu ren…Thành phố Huế là một bài thơ về kiến trúc đô thị.”






“Có sông Hương ru vỗ du dương…” Nguồn vn.wikipedia.org



Và hơn 10 năm sau, vào giữa tháng 12-1993, quần thể di tích Huế là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam và là di sản thứ 410 của thế giới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đến nay sự vinh danh này  vừa tròn 20 năm.Đó là niềm tự hào chung của nhân dân Việt Nam chúng ta.



Nhân dịp này, chúng tôi đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt, đến với Huế mông mơ! Sau 2 ngày vượt chặng đường dài 658 cây số từ Hà Nội vào Huế, sự mệt mỏi của chúng tôi tan biến ngay bởi được đi thưởng ngoạn những di tích văn hóa, lịch sử của Cố đô Huế…



Chúng tôi thăm chùa Bảo Quốc, là một trong những chùa lớn ở Huế được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, là một trong những nơi đào tạo các tăng ni, hòa thượng ở Việt Nam nên còn được gọi là Viện Phật học Bảo Quốc. Thăm chùa Thiên Mụ, nơi lưu giữ chiếc xe hơi mà ngày 11-6-1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức đã dùng chiếc xe này đi từ chùa Ấn Quang đến ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn, rồi tẩm xăng tự thiêu để phản đối chính quyền đương thời kỳ thị Phật giáo và đàn áp tự do tín ngưỡng. Không hiểu vì một sự thần kỳ, bí ẩn nào mà thân thể Hòa Thượng bị cháy, nhưng trái tim vẫn còn nguyên vẹn. Được biết trái tim này hiện vẫn đang được trân trọng giữ gìn…



Một kỳ lạ khác là cả triều đại nhà Nguyễn với 13 đời vua trị vì (từ Gia Long đến Bảo Đại) kéo dài 143 năm(1802-1945) đều ở trong điện Cần Chánh (sau điện Thái Hòa), trông ra hướng Nam có sông Hương, phía sau điện trông ra hướng Bắc có núi Ngự Bình. Các vua triều Nguyễn không chọn hướng nhà hợp với tuổi, mà chọn hướng Nam theo vận khí của thuật phong thủy, sao cho người sống trong nhà đó tiếp nhận được nguồn sinh khí tốt nhất: Núi sau làm bình phong che chở khí lạnh từ phương Bắc thổi tới; sông trước hấp thụ nhiệt, làm không khí mát mẻ cộng thêm gió mát phương Nam thổi về…Quả là một địa thế đẹp đối với các bậc đế vương!








Bá quan Văn-Võ bái lạy ở điện Cần Chánh. Hình Tư liệu. Nguồn: kenhdulichhue.com



Về các công trình kiến trúc thì hiện nay Huế còn bảo tồn được 7 lăng tẩm các nhà vua. Lăng Khải Định được xây dựng công phu nhất, mất 11 năm, trong khi nhà vua trị vì chỉ có 9 năm (1916-1925), như vậy lăng được xây dựng trước khi nhà vua lên ngôi báu 2 năm. Kiến trúc lăng mang dáng dấp phương Tây, kết hợp hài hòa với những đường nét kiến trúc Á Đông. Còn lăng Tự Đức xây chỉ trong 4 năm ở khu vực làng Vạn Niên, trong lúc nhà vua trị vì được 35 năm (1848-1883). Vật liệu xây lăng chủ yếu là đá và gỗ quý được chạm trổ công phu. Ở thời đại khoa học kỹ thuật chưa phát triển, việc xây dựng những cung điện, đền đài và lăng tẩm nguy nga như vậy chắc chắn phải tốn kém nhiều công sức, tiền bạc và cả xương máu của nhân dân. Vì thế thời đó trong dân gian mới có câu:



Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây xương máu, hào đào máu dân.



Cung Đại Nội rộng hơn 500ha nằm ở bờ bắc sông Hương, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 và hoàn thành vào năm 1833, với hơn 100 công trình kiến trúc đẹp và mấy chục cung điện vàng son lộng lẫy là hệ thống  Hoàng cung duy nhất còn lại ở Việt Nam cho đến ngày nay, thể hiện được tài năng sáng tạo của các nghệ nhân miền sông Hương, núi Ngự nửa đầu thế kỷ 19 và phản ánh khá sinh động một số sinh hoạt ở các cung điện của các triều vua nhà Nguyễn.



Trước Đại Nội là một bãi cỏ rộng, có Tháp cột cờ, là nơi thường diễn ra các sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân xứ Huế. Chiều thứ bảy hôm đó, chúng tôi được xem cảnh thả diều của các vận động viên CLB thả diều thành phố Huế. Thật là đẹp mắt khi được thấy hàng chục cánh diều nhiều màu sắc, kích cỡ bay phấp phới trên nền trời xanh bao la. Lớp lớp người đứng xem đông nghịt quanh sân…






Hoàng Thành Huế. Nguồn: vi.wikipedia.org



Du khách đến Huế, thường ban ngày đi thăm danh lam thắng cảnh, ban đêm thưởng thức thú đi thuyền trên sông Hương. Biết nguyện vọng của chúng tôi, anh giám đốc Nhà văn hóa của thành phố Huế đã… “chiều” ngay, đưa chúng tôi ra bến Văn Lâu. Đứng trên bờ, phóng tầm mắt nhìn ra xa, thấy dòng Hương Giang về đêm lấp lánh những điểm sáng di động, lúc tỏ lúc mờ như trong huyền thoại cổ tích…



Đó là những ngọn đèn thắp trên những con thuyền nan mà sau đó chúng tôi được lên thuyền, du ngoạn trên sông Hương, hưởng làn gió mát và được thả hồn vào những cung bậc trầm bổng để phần nào hiểu được đời sống tinh thần của người dân xứ Huế…Trong kho tàng văn nghệ cổ truyền, ca Huế luôn giữ một vị trí trang trọng bởi phong cách biểu hiện đặc thù , nhất quán trong sự kết hợp  nhuần nhị giữa tư duy cung đình bác học với nét dân gian khoáng đạt, tạo nên một bản sắc nổi trội. Bản sắc ấy in đậm trong những điệu hò khỏe khoắn mà trữ tình, những điệu lý mềm mại phóng khoáng mà sâu lắng, những bản hòa tấu cổ thấm đậm chất trí tuệ và màu sắc tâm linh mà chúng tôi đã cảm nhận được trong đêm du thuyền hôm ấy qua tiếng hát, tiếng đàn của các ca nương, nhạc công xứ Huế…



Ôi, ngọt đằm làm sao tiếng đàn, giọng hát và cả tiếng nói dịu êm mà chỉ người dân xứ Huế có được!



Một thoáng Huế thơ, một lần đến Huế đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhiều kỷ niệm khó quên! Và ngoài tình yêu Hà Nội, giờ đây và mãi sau này, tôi lại có thêm một tình yêu với Huế. Không chỉ riêng người dân Huế, tôi tin rằng, tình yêu xứ Huế luôn ngự trị trong tâm hồn mọi người dân Việt Nam chúng ta, ở trong nước cũng như ngoài nước. Có lãng mạn chăng khi nói “Tạm biệt Huế, tôi vẫn mang theo trong lòng một điệu nhớ, điệu thương”






Vẻ đẹp xứ Huế. Hình minh hoạ. Nguồn: kenh14.vn



Và tôi mong ước một ngày nào đó lại có dịp đến với Huế mộng mơ, như lời một bài hát về Huế mà tôi yêu thích:



“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ

Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt

Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được

Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”

MỚI CẬP NHẬT