Thursday, April 18, 2024

Phải xây dựng một hệ thống giáo dục mới!

Gs. Nguyễn Vân Nam (Sài Gòn)



Bỏ thi tốt nghiệp, đổi mới thi cử, thay đổi sách giáo khoa,…không thể làm thay đổi được toàn diện và căn bản nền giáo dục hiện nay vốn không phù hợp, không hiệu quả, mà phải chấp nhận xây dựng một hệ thống giáo dục mới, gần như hoàn toàn khác cái đang có.



Phương án đổi mới thi tốt nghiệp năm nay bằng cách giảm số môn thi, trong mọi trường hợp, ít nhất nó cũng góp phần giúp học sinh giảm được công sức học tập, giảm bới nhiều căng thẳng không đáng có, giúp xã hội tiết kiệm được tiền bạc, thời gian và công sức. Còn đã tối ưu hay chưa? Thì phải xem tối ưu xét theo mục đích gì, mới trả lời được.



Về cơ bản, việc đổi mới thi cử chắc chắn không có ảnh hưởng quyết định nào đến quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay cả. Chúng ta không thể bàn về đổi mới căn bản và toàn diện, nếu trước hết không trả lời được câu hỏi: mục tiêu của nó là gì, để làm cho hệ thống giáo dục với những nền tảng, triết lý, nguyên tắc và mục đích giáo dục như hiện nay hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn; hay là để có một hệ thống giáo dục khác đúng đắn, phù hợp và tốt hơn?








Học sinh bị áp lực trong các kỳ thi cử. Hình minh hoạ. Nguồn: petrotimes



Hệ thống nào thì cho ra sản phẩm đặc trưng nấy. Hiệu quả của một hệ thống nghĩa là tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng đó với chi phí thấp nhất. Hệ thống giáo dục hiện nay với những cơ sở nền tảng, nguyên tắc, triết lý và mục tiêu giáo dục vốn có sẽ chỉ có thể sản sinh những sản phẩm giáo dục không thích hợp cho dân tộc, cho đất nước và cho cá nhân, nếu không muốn nói đó là những sản phẩm góp phần gây nên hiện trạng phát triển đau lòng hiện nay của đất nước. Các biện pháp cải cách giáo dục đang được áp dụng hay được dự kiến áp dụng, có thể làm cho hệ thống giáo dục ấy hoạt động hiệu quả hơn. Nghĩa là càng tạo ra nhiều sản phẩm giáo dục đau lòng hơn mà thôi. 

 

Tuy nhiên, đổi mới giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng của cả xã hội vì giáo dục là nền tảng của sự phát triển kinh tế – xã hội- văn hóa của một dân tộc, quốc gia. Đó cũng là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của dân tộc.



Trong bài viết này, tôi chỉ có thể nói đến vài điểm cơ bản nhất, mà trong đó cũng chỉ là về những gì dễ thấy nhất mà thôi. Một cách tổng quát nhất, chúng ta cần phải xây dựng bằng được một hệ thống giáo dục bình thường, được xây dựng trên những nền tảng, theo những triết lý, nguyên tắc hoạt động với những mục đích, mục tiêu cũng bình thường (không phải như những ngoại lệ) như mọi quốc gia phát triển thành công khác đã và đang có.



Hệ thống giáo dục hiện tại của chung ta về bản chất khác hẳn những nước khác. Hãy lấy mục đích của sự học để so sánh, dù sự học chỉ là một phần của Giáo dục,. Ở Việt Nam hiện nay, „Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại“, tóm lại là học để trở thành công cụ. Điều đó trái với bản tính của con người, xu thế của lịch sử và bản chất của giáo dục. Vì thế, sự dạy và cách truyền đạt kiến thức cho sinh viên cũng chỉ là làm sao để họ trở thành người phục vụ tốt nhất. Theo Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên hiệp quốc: „Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người“. Đó là học cho chính bản thân, vì bản thân mỗi người.



Người thầy phải làm tất cả để truyền đạt cho học sinh: a) tri thức- ít nhất cũng đủ để biết; b) kỹ năng sử dụng tri thức đó-ít nhất cũng đủ để làm việc; c) đạo lý khi sử dụng tri thức và kỹ năng làm việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân-ít nhất cũng đủ để sống được với mọi người; và cuối cùng, d) với tất cả những điều đó-ít nhất cũng biết định hình giá trị chân chính của con người cho mình.








Học để làm việc. Hình minh hoạ. Nguồn: gdtrhdongnai.edu.vn



Theo cách hiểu tương đối thống nhất hiện nay của thế giới, thì giáo dục (Education) là một quá trình phát triển kéo dài cả cuộc đời của con người để mở rộng khả năng hoạt động tinh thần, văn hóa, và kỹ năng sống của mình , đồng thời nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm trong quan hệ xã hội. Đây là một khái niệm vừa để chỉ một quá trình (được học, tự học và định hình nhân cách) vừa để chỉ một hiện trạng (được giáo dục). 



Cụ thể hơn, giáo dục là quá trình thu nhận để tiến tới sở hữu một hệ thống các thiết lập (setting) được mong đợi và mang tính đạo đức đạo đức thông qua việc trung chuyển và cá nhân hóa tri thức . Hệ thống đó cho phép mỗi người lựa chọn thế giới mang tính lịch sử và xã hội của mình, đánh giá và xác định vị trí của mình, hình thành nhân cách và có được định hướng cho hành động và cuộc sống của mình. Nói một cách khác Giáo dục tác động hình thành bản sắc cá nhân.



Hệ thống giáo dục trong các trường học ở Việt Nam hiện tại lại có quan niệm và mục đích đào tạo khác, nên sản phẩm phần nhiều là những công cụ, cơ bản không có và có lẽ cũng không cần tới bản sắc cá nhân, thậm chí trong cả những trường hợp không đảm bảo được chức năng công cụ.



Cơ sở căn bản nhất cho giáo dục chính là khả năng có thể học hỏi và nhu cầu được giáo dục có tính bản năng trong mỗi cá nhân.

Theo vòng đời con người, có thể chia giáo dục thành hai giai đoạn, hai quá trình: được dạy dỗ và cá nhân hóa. Từ lúc ra đời đến tuổi trường thành, đứa trẻ được những người có trách nhiệm (bố mẹ, thầy giáo và những người có khả năng sư phạm khác) dẫn dắt bước dần vào thế giới của người lớn. Trong giai đoạn dạy dỗ này, đứa trẻ học hỏi các nguyên tắc, chuẩn mực, cách ứng xử trong thế giới mà nó sẽ hội nhập và làm quen với tư duy, hành động độc lập. Về bản chất, đây là giai đoạn tiếp nhận thông tin do người khác trung chuyển. Đứa trẻ bắt đầu con đường tự hiểu biết bằng sự hiểu biết của người khác về thế giới xung quanh. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho việc hội nhập thế giới người lớn và giai đoạn cá nhân hóa bắt đầu ngay sau đó. Mục đích tổng quát cho giai đoạn này phải là đưa những sức mạnh, năng lực bản năng trong mỗi cá nhân đạt được trình độ nhận thức phổ quát chung của nhân loại, của xã hội mà họ sẽ hội nhập, làm cơ sở tối thiểu đảm bảo ai cũng có cơ hội hội nhập bình đẳng như một con người.



Nói một cách khác, đó là biến một đứa trẻ thành một con người của xã hội. Giai đoạn này thường kết thúc với việc tốt nghiệp trung học. Nghĩa là, vì ta đang nói đến cải cách Giáo dục, do ai ai cũng có quyền trở thành một con người như thế, họ phải được học tập miễn phí hoàn toàn cho đến hết phổ thông trung học. Nhân tiện, khi đồng ý rằng học tập từ bé cho đến hết trung học là để đứa trẻ đủ trở thành một con người bình đẳng khi bước chân vào xã hội người lớn, chúng ta sẽ thấy cách hiểu và „làm“ xã hội hóa giáo dục ở Việt nam hiện nay, không chỉ là hiểu sai, phản tác dụng, mà còn là sự hạn chế đáng kể quyền sẽ được bình đẳng.



Bằng tốt nghiệp trung học về cơ bản không thể là giấy xác nhận trình độ được giáo dục, hay khả năng hội nhập xã hội, càng không thể là tấm vé bước vào đời, mà chỉ đơn giản là một trong những hình thức xác nhận kết quả học tập và có thể được sử dụng như một trong các điều kiện để tham gia các chương trình, hoạt động khác mà thôi. Kỳ thi tốt nghiệp trung học vì vậy nên tổ chức đơn giản với số lượng ít nhất các môn thi và nội dung thi chỉ là kiểm tra khả năng biết về các kiến thức đủ để hội nhập. Bằng tốt nghiệp được cấp trên cơ sở kết quả quá trình học tập ở những năm cuối và kết quả thi tốt nghiệp. 



Vận dụng, thực hiện và sử dụng năng lực, sức mạnh và kiến thức của mỗi cá nhân trong những hoàn cảnh điển hình như thế nào là nhiệm vụ của đào tạo nghề nghiệp, của các trường cao đẳng, đại học. Tại đây, mỗi cá nhân phải học cách tìm, xử lý thông tin và biến chúng thành của riêng như thế nào. Nghĩa là phải tự tạo cho mình sự khác biệt để cạnh tranh thành công trong xã hội. Tự bản chất, quá trình như vậy đã loại bỏ vai trò như người dạy dỗ của người thầy. Người thầy chỉ còn là người đồng hành đưa ra các ví dụ về cách thức mà mình sẽ làm để giải quyết vấn đề như một gợi ý. Người học phải tự tìm ra cách thức xử lý và biến chúng thành của riêng mình (cá nhân hóa) như thế nào.








Thầy giáo là người đồng hành với học sinh. Hình minh hoạ. Nguồn hình: tuoitre.vn



Tất nhiên, sự khác biệt cơ bản cần thiết như vậy giữa giảng dạy trung học và giảng dạy đại học chỉ có thể có trong một hệ thống giáo dục theo quan niệm chung của thế giới. Không thể tồn tại sự khác biệt này trong một hệ thống giáo dục mà mục tiêu sự học là phục vụ.



Chấp nhận xây dựng một hệ thống giáo dục mới, nhất là lại gần như hoàn toàn khác với cái ta đang có, là việc hết sức khó khăn. Vì vậy có lẽ ta khoan nói đến đổi mới hay cải cách căn bản giáo dục, mà chỉ giản dị là cần làm ngay cái gì liên quan đến giáo dục và vì tương lai đất nước thôi. Hãy bắt đầu từ chỗ nào mà khi thực hiện sẽ có tác dụng rộng nhất, cơ bản nhất và ở chỗ nào có sức ỳ ít nhất, các yếu tố mới dễ thâm nhập nhất.



Theo tôi có hai việc Nhà nước nên làm ngay. Một là, Ban hành luật giáo dục phổ thông miễn phí cho toàn dân (đến hết trung học). Nghiêm cấm các trường thu thêm tiền của người dân dưới bất kỳ hình thức nào. Hai là, Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường đại học với trọng tâm là người thầy trong vai trò người đồng hành cùng sinh viên. Khuyến khích giảng viên đại học đi tu nghiệp ở nước ngoài, tiến tới qui định chỉ những ai đã tu nghiệp ở nước ngoài mới có thể là giảng viên chính thức.


MỚI CẬP NHẬT