Thursday, April 25, 2024

Sự dũng cảm của Lý trí

GS-TS Nguyễn Vân Nam



Tấm bằng Thạc sĩ (ThS), Tiến sĩ (TS) chỉ giản dị là sự xác nhận khả năng làm việc độc lập, nghiên cứu khoa học sâu hơn của người được trao bằng so với những người có cùng một trình độ đào tạo cơ bản.



Trình độ đào tạo cơ bản chung ở đây là trình độ đại học hoặc tương đương. Về bản chất, việc trao bằng chứng nhận khả năng làm việc, nghiên cứu độc lập là một quá trình chọn lọc giữa những người đã tốt nghiệp đại học chứ không phải là một quá trình đào tạo, càng không phải đào tạo trên đại học.






Một buổi lễ trao bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ. Hình minh hoạ. Nguồn: gdtd.vn



Vì vậy, đa số các nước phát triển đều không có Chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học của nước mình. Ai có kết quả tốt nghiệp đại học đáp ứng được tiêu chuẩn làm ThS, hoặc TS đều được làm luận án ThS, TS để chứng tỏ khả năng nghiên cứu độc lập của mình.



Tất nhiên, các nước này cũng có Chương trình đào tạo ThS, TS. Nhưng không phải cho sinh viên tốt nghiệp đại học của mình, mà cho những người chưa nắm được kiến thức cơ bản của bậc đại học ở nước họ. Trước hết, đó là những sinh viên tốt nghiệp một trường đại học nước ngoài không được công nhận có chất lượng tương đương. Những sinh viên này phải tham gia Chương trình đào tạo ThS để được chứng nhận đã nắm được những kiến thức cơ bản tối thiểu phải có của bậc đại học, đủ điều kiện – có thể xem là tương đương với sinh viên nước sở tại – để  được làm luận án ThS.



Trường hợp khác cần phải tham gia Chương trình đào tạo ThS, TS là những người mặc dù tốt nghiệp đại học của nước sở tại, nhưng lĩnh vực làm luận án khác hẳn lĩnh vực đã được đào tạo. Chẳng hạn, đào tạo Thạc sĩ Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) ở các nước phát triển cho các kỹ sư chưa học luật ở bậc đại học. Do đặc thù của lĩnh vực này cần khuyến khích kỹ sư các ngành kỹ thuật tham gia vào hoạt động kiểm tra, xét nghiệm, thẩm định các đối tượng SHTT , nên họ được khuyến khích cho phép làm luận án Thạc sĩ Luật SHTT dù không tốt nghiệp đại học luật. Vì thế, họ phải tham gia Chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật SHTT để có chứng chỉ một số môn luật căn bản (Ở Đức là 03 chứng chỉ sơ cấp về Luật Dân sự, Luật Hành chính công và Luật Hình sự), rồi mới được viết luận án.



Ngược với quốc tế, Việt nam có đủ loại Chương trình đào tạo ThS, TS cho sinh viên tốt nghiệp đại học của mình. Ở đây, chưa cần nói đến hàng loạt nghịch lý, cũng dễ thấy một vài hậu quả tiêu cực mà chủ trương này đã góp một phần quan trọng làm nên vấn nạn chất lượng giáo dục đại học rất kém hiện nay:



Do khối lượng kiến thức cần truyền đạt cho sinh viên ở bậc đại học là xác định và có giới hạn, nên để Chương trình đào tạo ThS xứng đáng cao hơn trình độ đại học, người ta phải rút bớt một số kiến thức cần thiết cho bậc đại học, chuyển nó thành kiến thức của Chương trình này. Vì thế, không nên ngạc nhiên khi trình độ sinh viên tốt nghiệp đại học vừa hổng tứ bề,vừa không thích hợp để dùng trong thực tiễn. Trình độ Chương trình đào tạo ThS càng được nâng cao bao nhiêu, trình độ đại học sẽ càng xuống thấp bấy nhiêu. Tại một trường đại học chuyên ngành nổi tiếng cả nước ở Sài Gòn- Đại học Luật- chỉ ai trúng tuyển Chương trình đào tạo ThS, mới được học môn „Phương pháp nghiên cứu khoa học.”



Cũng để cho xứng đáng là chương trình cao học trên đại học, người ta có khuynh hướng luôn đẩy nó lên thành những chương trình đặc biệt, hoặc là qua việc bổ sung các môn học thời thượng trên thế giới nhưng hoàn toàn chưa cần thiết hoặc không phù hợp với Việt nam; hoặc qua các phương pháp đào tạo như giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo án điện tử, mời giảng viên nước ngoài…






Giảng viên nước ngoài tại VN. Hình minh hoạ. Nguồn: gdtd.vn



Các giáo viên giảng dạy chương trình, nếu cũng là giáo viên cùng trường, có khuynh hướng không dạy các kiến thức hay nhất ở lớp mà dành nó cho chương trình ThS, TS mà mình giảng dạy. Những điều này khiến chi phí cho chương trình này ngày càng cao, càng tốn kém và hoàn toàn không cần thiết.



Do không phải quá trình chọn lọc, mà là đào tạo. Nên ai cũng có thể được tuyển, và đã được tuyển thì gần như chắc chắn sẽ tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ, TS. Nhưng họ, do được đào tạo chứ không phải do có khả năng làm việc và nghiên cứu độc lập tốt hơn, sẽ không thể phát huy những khả năng đó trong giảng dạy, nghiên cứu. Với tấm bằng ThS ấy, khi họ lại là những thầy cô giảng dạy, thì sinh viên học hành thụ động, không thích chủ động tự học thêm, không thích đào sâu kiến thức cũng là điều thường tình.



Sao có thể tồn tại điều phi lý đến vậy? Có thể người Việt nam ra nước ngoài làm ThS, TS, trải qua Chương trình đào tạo ThS, TS của họ cho người nước ngoài, cho người ngoài ngành, đinh ninh rằng đó là chương trình đào tạo chung cho mọi đối tượng của nước đó. Rồi về nước, tiếp thu, thực hiện. Nhưng, đi tìm nguyên nhân không quan trọng bằng khắc phục hậu quả. Không nên loay hoay tìm cách nâng cao chất lượng Chương trình đào tạo Ths, TS mà hãy bỏ ngay những chương trình này. Tất nhiên, để làm được điều đó cần sự dũng cảm của lý trí- điều ngày nay đã trở nên rất hiếm thấy ở đất nước này.

MỚI CẬP NHẬT