Friday, April 19, 2024

Sự thật về Thác Bản Giốc (kỳ cuối)

 


Mai Thái Lĩnh (gởi cho Người Việt)


 


2) Việc Trung Quốc chiếm cồn Pò Thoong và Thác Bản Giốc không phải là hành động ngẫu nhiên, cũng không phải là chủ trương của một cá nhân hay một phe phái nào trong Ðảng cộng sản Trung Quốc.


Kế hoạch này đã được chuẩn bị ngay từ những năm 1955-56, nghĩa là vào lúc quan hệ Việt-Trung được coi là “hữu hảo,” và được thực hiện từng bước qua từng giai đoạn như đã trình bày ở phần trên. Ðiều này cho thấy đây là chủ trương chung của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ lãnh đạo.


Nhưng Thác Bản Giốc không phải là trường hợp duy nhất. Căn cứ vào bản sơ đồ in ở trang 8 cuốn bị vong lục (giác thư) năm 1979, chúng ta được biết Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan chỉ là 2 trong số 12 trường hợp lấn chiếm điển hình. Nếu tính tất cả các vi phạm lớn nhỏ, tính từ 1949 đến 1979 phía Trung Quốc (tức Trung Hoa cộng sản) đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung (24). Như vậy không thể nói là quan hệ Việt-Trung chỉ xấu đi trong giai đoạn 1979-1989. Ngay từ giữa thập niên 1950, nghĩa là giữa lúc tình cảm cộng sản Việt-Trung còn nồng thắm, đã bắt đầu hình thành những mầm mống xấu, những âm mưu đen tối. Tương tự như thế, trong vấn đề lãnh hải, ngay khi công bố “hải phận 12 hải lý” vào năm 1958, Ðảng cộng sản Trung Quốc đã nuôi dưỡng những mưu đồ quỷ quyệt. Ngay tại điều 4 của Bản tuyên bố, họ đã ghi rõ “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “Nam Sa” (tức Trường Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ðó chính là sự chuẩn bị cho việc hải quân Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và chiếm đảo Ðá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988.


Vấn đề đặt ra là: trước một chính sách xâm lược nhất quán như thế, tại sao Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn thừa nhận quan hệ “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và tinh thần “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt), coi đó như những nguyên tắc căn bản chi phối toàn bộ đường lối ngoại giao giữa hai quốc gia?


Có thể nói khi chấp nhận một chính sách đối ngoại như thế, Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã đặt quyền lợi của đảng cao hơn quyền lợi của tổ quốc, đã hy sinh quyền lợi của quốc gia – dân tộc để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Thử hỏi: với tình hình thực tế đó, làm sao nhân dân có thể tiếp tục tin tưởng vào “sự lãnh đạo của đảng” trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền ở Biển Ðông – nơi mà hàng ngày hàng giờ các thế lực dân tộc chủ nghĩa của Trung Hoa cộng sản đang lăm le tiếp tục thực hiện kế hoạch xâm lược mà họ đã chuẩn bị công phu từ hơn nửa thế kỷ?


3) Quá trình xâm lấn đường biên giới Việt-Trung đã diễn ra từ rất lâu, nhưng mãi đến ngày 15 tháng 3, 1979, nghĩa là gần một tháng sau khi Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, người dân mới biết được phần nào sự thật thông qua bản “bị vong lục” do Bộ Ngoại Giao công bố. Từ thời điểm đó cho đến nay, ngoài những chi tiết được công bố trong cuốn sách, nhân dân không được biết thêm điều gì khác. Không có công trình nghiên cứu mang tính độc lập nào để người dân có thể có thể so sánh, đối chiếu.


Thật ra, có một số công trình nghiên cứu có thể giúp người dân tìm hiểu vấn đề, nhưng những công trình này thường bị xếp vào ngăn kéo, không được công bố rộng rãi. Vào năm 1996, khi cộng tác với nhà xuất bản Thuận Hóa để tái bản cuốn Ðất nước Việt Nam qua các đời của học giả Ðào Duy Anh, Viện Sử học đã viết trong Lời dẫn như sau: “Năm 1975 tác giả có bổ sung và sửa chữa bản in lần thứ nhất, với ý định tái bản ở miền Nam. Sau khi xem lại tác giả đã bỏ chương nói về biên giới Việt Nam qua các đời vì thấy tài liệu chưa được đầy đủ. (…)Trong lần tái bản này, chúng tôi đã thực hiện theo di cảo của tác giả lưu lại sau khi qua đời.” (sđd, tr. 15). Việc lược bỏ chương về biên giới ấy là ý muốn thật của tác giả hay vì một áp lực nào khác? Ðối chiếu với “sự quên lãng” được dành cho những trận chiến đẫm máu trong suốt thập niên 1980 như trận chiến tại dải đồi Núi Ðất (Lão Sơn) ở Hà Giang năm 1984, cuộc xâm chiếm đảo Ðá Gạc-Ma ở Trường Sa năm 1988, v.v… chúng ta có quyền hoài nghi tính chất tự nguyện của việc lược bỏ này.



 Bản đồ xã Ðàm Thủy do Ủy ban Biên giới Quốc gia công bố. (Hình: Tác giả cung cấp)


Mãi cho đến ngày nay, hơn một thập niên sau ngày “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa” được ký kết (30 tháng 12, 1999), thông tin về đường biên giới Việt-Trung vẫn là cái gì rất mờ mịt. Mặc dù người dân có thể truy cập vào Internet để xem hình ảnh vệ tinh của khu vực giáp giới giữa hai quốc gia, nhưng vẫn không thể nào xác định được đường biên giới mới một cách chính xác. Ngay cả khi truy cập vào cổng thông tin điện tử của chính phủ hay trang mạng của Ủy ban Biên giới Quốc gia, người ta cũng chỉ có thể tìm ra một thứ “bản đồ” mù mờ và kém chính xác như tấm “sơ đồ” xã Ðàm Thủy đăng kèm theo đây (ảnh 31) (25).


Trong khi nhiều vị trí hiểm yếu ở vùng biên giới Việt-Trung đã trở thành “chợ trời biên giới” (vd: cửa khẩu Tân Thanh), trong khi hai bên đang tích cực thúc đẩy sự ra đời của các “khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới” thì bản đồ chi tiết về vùng biên giới Việt-Trung vẫn còn là “bí mật quốc gia,” thông tin về vùng này vẫn là thông tin một chiều, mù mờ và không có giá trị khoa học. Người ta có cảm tưởng các cấp có thẩm quyền vẫn tìm cách che giấu, không muốn cho người dân hiểu biết rõ ràng, cụ thể về tình hình đường biên giới mới. Việc vội vã nhổ bỏ các cột mốc cũ để đưa vào “viện bảo tàng” lại càng làm tăng thêm sự nghi ngờ đó.


Câu hỏi đặt ra là: trong tình trạng bưng bít, che giấu thông tin như thế, giới trí thức – nhất là các nhà khoa học nhân văn, phải làm gì để có thể bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia? Trông chờ Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam thành tâm thiện ý “nhìn thẳng vào sự thật” để thực hiện một đường lối cởi mở hơn? Tha thiết “cầu xin” nhà cầm quyền gia ân ban phát một “không gian tự do có giới hạn” để trí thức có thể góp ý hay phản biện? Hay trí thức phải noi gương cụ Phan Châu Trinh và các sĩ phu của phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ trước bằng cách tự mình vạch đường đi, nghĩa là mạnh dạn đảm nhận vai trò tiên phong trong công cuộc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí bằng cách phá vỡ ách nô lệ tinh thần đã bao trùm đời sống tinh thần của cả nước ta từ gần nửa thế kỷ nay?


Có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ lịch sử: tự do có được bằng sự gia ân chỉ có thể là một thứ tự do bị kiểm soát, chân lý có được bằng sự thỏa hiệp chỉ là chân lý nửa vời hay một nửa của sự thật. Mà trong lĩnh vực khoa học thì tự do bị khống chế hay một nửa – sự thật chỉ có thể đem lại một thứ khoa học giả hiệu, một thứ khoa học hào nhoáng nhưng phù phiếm với những huy chương và phẩm hàm tuy bề ngoài rất “hoành tráng” và hấp dẫn, nhưng không thể trường tồn qua thời gian và hoàn toàn vô nghĩa nếu xét trên bình diện lợi ích của toàn dân tộc. Bài học của học thuyết Lysenko (Lysenkoism) đã từng ngự trị trong ngành sinh học Liên Xô từ cuối thập niên 1920 cho đến tận năm 1964 trước khi bị vứt vào thùng rác của lịch sử, là một ví dụ cực kỳ sinh động của thứ khoa học thừa nhận sự lãnh đạo của một đảng chính trị trong một chế độ độc tài toàn trị.


Ðà Lạt, mùa xuân năm Nhâm Thìn, 9 tháng 2, 2012


Mai Thái Lĩnh


 


Chú thích:


(1) Bản Giốc chờ ngày cất cánh, Thanh Niên 23/10/2011:


http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111023/ban-gioc-cho-ngay-cat-canh.aspx


(2) Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội 1977, tr. 43-44.


(3) VASC Orient chính là tiền thân của trang mạng VietNamNet hiện nay.


(4) “Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn của VASC Orient chiều 28 tháng 1, 2002.” Mặc dù đã bị bóc gỡ, bài phỏng vấn này vẫn được lưu truyền trên mạng Internet trong suốt một thập niên qua.


(5) Nguyễn Trường Giang, “Hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam và Trung Quốc,” Tạp chí cộng sản, 27/2/2009:


http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=9072… print=true


(6) Nguyễn Hồng Thao, “Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị,” Vietnam Net 02/01/2009: http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/821775/


Ông phó giáo sư tiến sĩ này về sau thăng chức phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại Giao và gần đây, được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam tại Malaysia.


(7) Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894, Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895. Ảnh chụp lại hai trang 12 và 13 đã được công bố trong “Thư ngỏ của nhà khoa học Thái Văn Cầu gửi PGS TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam”: Bauxite Vietnam, 07/01/2011: http://www.boxitvn.net/bai/15750.


(8) Người Pháp thành lập ở vùng thượng du Bắc Việt 4 khu quân sự (territoires militaires): (1) Móng Cái, (2) Cao Bằng, (3) Hà Giang và (4) Lai Châu. Về sau, còn thành lập thêm khu thứ 5 ở Phong Saly (Lào). Ðào Duy Anh gọi là đạo quân sự thứ hai (Xem Ðào Duy Anh, Ðất nước Việt Nam qua các đời, Viện Sử học VN – Nxb Thuận Hóa, 1996,tr. 219).


(9) Trương Nhân Tuấn, “Biên Giới Việt Nam: vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Tây,” phần I, 29-08-2009: http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=95… fid=-1


(10) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Ðại Nam Nhất Thống Chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa 1997, tr. 403.


(11) Hàn Vĩnh Diệp, “Tấc đất tấc vàng.” Bài này được đăng trên Mạng Ý kiến (ykien.net) vào năm 2005, nhưng đến nay trang mạng này không còn tồn tại vì bị tin tặc đánh phá. Có thể tham khảo bản đăng lại tại địa chỉ: http://www.freewebs.com/tinvn/TacDatTacVang.htm


(12) Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr. 11-12. Cuốn sách này chính là toàn văn của bản “bị vong lục” (giác thư, memorandum) của Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố ngày 15 tháng 3,1979.


(13) Trương Nhân Tuấn, “Tìm hiểu chủ quyền thác Bản Giốc,” 1 tháng 11, 2011:


http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=815


(14) Trung Khanh Phu (topographic) Sheet 6354-4, 1:50,000 U.S. Army Map Service 1964 (10.1MB) [GeoPDF]:


http://www.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/trung_khanh_phu-6354-4.pdf


(15) AMS 1:50000 Maps in Vietnam Archive Map Collection:


http://www.vietnam.ttu.edu/resources/maps/maps1-50000.pdf


(16) Những địa danh in nghiêng là địa danh ghi trên bản đồ.


(17) Do không có trong tay bản sao nhật ký của Détrie cho nên đoạn văn này hoàn toàn dựa vào nguyên văn do ông Trương Nhân Tuấn công bố. Trong bản văn này, dòng sông Quây Sơn được ghi là Qui-Xuan chứ không phải là Qui-Thuan như trong cuốn sách của Thiếu tá Famin. Nếu quả thật Détrie ghi là Qui-Xuan thì tên sông này đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 chứ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây.


(18) Vấn đề biên giới…, sđd, tr. 14.


(19) Tấm bản đồ về đường biên giới mới đã được công bố trong bài viết của nhà văn Trần Nhương nhan đề “Bên cột mốc biên giới Bản Giốc,” Blog Trần Nhương 1 tháng 11, 2011:


http://trannhuong.com/news_detail/11528/B%C3%8AN-C%E1%BB%98T M%E1%BB%90C-BI%C3%8AN-GI%E1%BB%9AI-B%E1%BA%A2N-GI%E1%BB%90C


(20) Ông Lê Công Phụng sau khi hoàn thành sứ mạng “đàm phán” đã được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ một thời gian trước khi về hưu.


(21) Theo thống kê năm 2010, mặc dù tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Quảng Tây xếp thứ 18, nhưng nếu tính GDP trên đầu người, thì Quảng Tây đứng thứ 27 trong tổng số 31 thành phố, tỉnh và khu tự trị, chỉ đứng trên Tây Tạng, Cam Túc, Vân Nam và Quý Châu.


(22) Người Choang (壯 âm Hán-Việt đọc là Tráng) là dân tộc thiểu số đông nhất Trung Quốc với dân số 18 triệu. Người Choang có cùng nguồn gốc với người Tày và người Nùng ở Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Quảng Tây. Tên gọi chính thức của tỉnh Quảng Tây là Khu tự trị dân tộc Choang (Guangxi Zhuang Autonomous Region).


(23) Trong các trang quảng cáo du lịch của Trung Quốc, chiều cao của thác nước được ghi là 60m, thậm chí 70m, trong khi những người Pháp đầu tiên viết về thác nước chỉ phỏng đoán đến mức 40-50m, và các sách địa lý của nước ta xác định con số 34m.


(24) Vấn đề biên giới…., sđd, tr.8.


(25) Bản đồ này là bản đồ được cung cấp bởi địa chỉ www.gis.chinhphu.vn.

MỚI CẬP NHẬT