Thursday, March 28, 2024

“Tại Sao Không Mở Mắt Vãng Sinh Khi Ðang Hiện Sống”


Ðọc sách của Thích Nữ Chân Thiền


 


 


Toàn Diệu


 


Liên tiếp trong nhiều năm, như một thông lệ vào dịp Tết, Thiền Viện Sùng Nghiêm thường biếu tặng sách đến quí đồng hương Phật tử, cũng như những người đến viếng chùa và lễ Phật.










Hình bìa “Tại Sao Không Mở Mắt Vãng Sinh Khi Ðang Hiện Sống”. (Hình: Tác giả cung cấp)


Năm nay, theo thông báo của Thiền Viện, quyển sách “Tại sao không mở mắt vãng sinh khi đang hiện sống” của Sư Thanh Tịnh Liên Thích Nữ Chân Thiền cũng sẽ được Thiền Viện gởi đến quí đồng hương như một món quà Xuân vào những ngày đầu năm Nhâm Thìn.


Qua 265 trang giấy và 42 bài viết, quyển sách “Tại sao không mở mắt vãng sinh khi đang hiện sống” không những đẹp về hình thức, mà lại còn rất đẹp về nội dung. Các bài viết độc lập nhưng bổ túc lẫn nhau. Ðọc bài nào trước, bài nào sau cũng được mà không cần phải theo thứ tự trước sau, vì mỗi bài mang một chủ đề riêng. Có những bài viết nghe rất thực tế, rất gần gũi như Ðón Xuân, Chúc Xuân, Ði Hành Hương, Thọ Bát Quan Trai, Công Quả, Bố Thí Cúng Dường, Nghề Nghiệp, Tụng Kinh, Niệm Phật, Trì Chú… Và cũng có những bài viết nghe rất Ðạo vị, rất cao siêu như Vượt Nhị Biên, Ðạo Ðời Chẳng Hai, Con Người và Vũ Trụ, Vạn Vật ở Ðâu Ra?, Tam Thân Phật, Ta Là… Nhưng dù bài viết thuộc loại nào, Ðạo Vị hay Thực Tế, cao siêu hay gần gũi, tất cả đều mang một thông điệp duy nhất mà tác giả muốn gửi gấm, đó là Tính Chân Thật, Bình Ðẳng và Nhất Thể của vạn pháp.


Bằng cái nhìn thông suốt qua các bài viết, Sư Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền đã hướng cái nhìn của người đọc đến việc làm sao để nhận chân được cái tính như như của muôn sự muôn vật, mà từ đó nhìn ra được cái gì nó là cái ấy. Nó không làm mê mờ ai. Nó không làm đau khổ ai. Nó bình đẳng, không cao không thấp. Và tất cả muôn sự muôn vật ấy chúng liên hệ chằng chịt, mật thiết với nhau, cũng như không thể tách rời nhau, bởi “Một là tất cả, tất cả là một” (trích trang 241).


Thông thường, ít người viết nào đặt tên cho quyển sách của mình bằng một câu nghi vấn. Vậy mà Sư Chân Thiền đã chọn câu hỏi “Tại sao không mở mắt vãng sinh khi đang hiện sống?” để làm đề tựa!… “Tại sao không mở mắt vãng sinh?…” Câu hỏi có lẽ đã được ôm ấp, đã được hỏi đi hỏi lại nhiều lần trong đời của một người luôn khát khao cho việc giải quyết vấn đề sinh tử. Câu hỏi rõ ràng như một lời khẳng định. Câu hỏi mạnh mẽ như một cách thôi thúc. Câu hỏi thân tình như lời khuyên êm ái bên tai… và cuối cùng, câu hỏi đã được trả lời cũng như đã được chỉ rõ trong 42 bài viết mà người đọc nào; nếu nhận được, sẽ sống thường lạc, tự tại ngay trong hiện đời. Hãy vãng sinh đi khi còn mở mắt. Hãy vãng sinh đi khi mang thân xác này. Hãy vãng sinh đi khi đang hiện hữu tại cõi đời này. Và hãy vãng sinh ngay bây giờ đi, đừng đợi đến lúc nhắm mắt xuôi tay.


Có nhiều người cho rằng phải đến lúc chết mới được vãng sinh, mới được về nơi cõi Phật, là nơi tuyệt đối sung sướng, hạnh phúc, không có những đớn đau buộc ràng. Cũng có nhiều người cho rằng cõi đời này là ô trược, là đầy khổ đau và phiền não, nên mong đến lúc thở hắt một hơi cuối cùng, từ bỏ thân xác này đi để được hưởng sự an lạc vĩnh cửu nơi cõi Niết Ba2Ưn… vì chỉ có Niết Bàn là thật, là hằng hữu.


Theo Sư Thanh Tịnh Liên, nếu nghĩ như thế thì chúng ta chỉ chấp có một chiều, là còn thiếu sót. Vì qua những Kinh Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa và Duy Ma Cật, thì Thân Tâm chúng ta không thể rời nhau, bởi “…nếu chấp mặt Ðời phải tiêu diệt đi, rồi vứt bỏ đi, để đi kiếm cái Vô tướng là Cực Lạc, là Niết Bàn thì chúng ta sẽ đi vào cái ‘Có Trí mà không có Thân’ là hoàn toàn đi ngược lại với Chân Lý…” (trích trang 15) vì “…như Ðức Phật đã nói: Phật Pháp không rời Thế Gian Pháp…” (trích trang 16).


Xưa nay do thói quen, chúng ta lúc nào cũng chấp mọi thứ là thật. Từ cái chấp thật mà sinh ra phân biệt. Rồi từ sự phân biệt đó mà sinh ra so đo, lấy bỏ, yêu ghét… để phát sinh nhiều tập khí như tham, sân, si, phiền não… Do đó đã tạo ra Nhân Quả và Nghiệp Báo để đi vào sáu nẻo luân hồi. Theo Sư Thanh Tịnh Liên, chúng ta không có an lạc thực sự chỉ vì sự chấp thật đó. Bằng một cách xác định chắc chắn, ngay trong bài viết đầu tiên, cũng là bài tựa cho toàn quyền sách, Sư Chân Thiền đã xác định: “Nếu muốn Vãng Sinh ngay khi còn sống thì chỉ cần hiểu rốt ráo về ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ (trích trang 11)”.


Vì thế, xuyên suốt 265 trang sách, Sư Chân Thiền đã cố gắng dẫn dắt người đọc đến chỗ làm sao hiểu để vượt qua được ngưỡng cửa “Sắc/Không”. Làm sao ra khỏi cái nhìn của Ý Thức; là cái nhìn một bên, tức cái nhìn chấp thật muôn sự muôn vật là “thật có” hay là “thật không”, để hiển bày cái trí tuệ Bát Nhã là cái nhìn trung đạo, là cái nhìn vượt qua được cả “có” lẫn “không”.


Cái “Bất Lập Văn Tự, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Trực Chỉ Nhân Tâm” này đòi hỏi phải có công phu tu tập, chỉ có thể trực nhận bằng chính mình chứ không bằng những khái niệm nào khác. Bát Nhã không th3ề dùng lời mà nói, không thể dùng trí óc để suy lường, lại càng không thể đóng khung trong cái “hiểu thường tình của Thế Gian” khi nói về Bát Nhã. Chỗ này, dù có lý luận cách mấy cũng không tới được. Vì cốt lõi của Bát Nhã là cái Thực Tướng-Vô Tướng thì làm sao mà diễn tả? Làm sao mà giãi bày?


Ôi, quả là khó. Sư Chân Thiền, bằng 42 bài viết đã phương tiện mà tạm nói, nhằm đưa người đọc đến chỗ công phu, đến chỗ phải đạt được ý mà bỏ đi những lời nói, những danh từ; để lìa sự phân biệt đối đãi hầu nhận ra được chính mình và hiểu chính xác:


… “Sắc” chẳng phải ‘Sắc” mới thật là “Sắc”


“Không” chẳng phải “Không” mới thật là “Không”


Chẳng nói phủ định cũng chẳng nói thừa nhận mà vượt ra ngoài cả phủ định lẫn thừa nhận (trích trang 17).


Cũng bằng nhiều cách, Sư Thanh Tịnh Liên đã dành phần lớn những bài viết để giải thích cặn kẽ về Sắc, Không của Bát Nhã Tâm Kinh, đưa người đọc từng bước đi lần đến trung đạo, để đang nơi tướng mà không chấp tướng (Không chấp có), đang nơi không mà không chấp không (Không chấp không). Rồi từ đó hiểu được rằng tất cả các Pháp không có thật ngã, bởi tất cả các khổ đau đều phát khởi từ lòng tham ái, từ sự chấp ngã để rồi giác tỉnh mà nhận ra được cái “Ngũ Uẩn Giai Không” nơi Thân mình, mà thể nhập vào cái “Chân Không” nhưng diệu hữu nơi Tâm mình. Cái “Không” ấy không có nghĩa là không có gì, không phải cái “Không” đối với cái “Có” , mà là cái “Không” không có ngần mé, nó bao trùm toàn vũ trụ vạn vật.


Thật vậy, nếu lấy cái Thức nông cạn mà nhìn thì thấy tất cả mọi sự, mọi vật đều “Có”, nên chấp mọi thứ là thật. Nhưng nếu nhìn bằng cái Trí Bát Nhã sâu xa thì sẽ thấy tất cả đều “Không”, nên lìa được sự chấp thật (“Không” ở đây không phải là “Không” đối với “Có”, cũng không phải là Vô Ký Không tức Không có gì; mà “Không” ở đây có nghĩa là Không tự tính, là cái “Không” trống rỗng, bao la, không giới hạn, cái “Không” không nơi, không chỗ). Mà theo Sư Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền thì “…Không ở đây là Chân Không, là Tính Không, là cái vốn Vô Vi. Nó là Tính Thấy, Tính Nghe, Tính Hay Biết; các Tính này đều chỉ là Một Tính. Nó còn được gọi là Tâm Trí Bát Nhã trường tồn bất biến…” (trích trang 17).


Vậy thì ngay nơi “Sắc” mà thấy Sắc đó cũng là “Không” tức là thấy thấu suốt, thì không bị mê mờ, không bị cảnh vật làm chướng ngại. Khi nhận ra được mọi sự, mọi vật là “Không” thì ta và người cùng muôn cảnh vật có gì là khác? Do đó mà khi Thấy chỉ là Thấy, không có ý phân biệt đẹp xấu thì phiền não làm sao có? Khi nghe chỉ là nghe, không có ý hay dở khen chê thì đau khổ làm sao sinh? Khi Biết chỉ là Biết, không có ý so đo, tính toán thì chán nản làm sao khởi? Mọi cái Thấy, Nghe, Hay Biết đó không có tác ý. Nó nguyên vẹn là nó, là đã vượt qua được “Sắc/Không” Bát Nhã. Là đã ngay đó vãng sinh, đâu có cần chờ đến sau khi chết.


Ðọc hết quyển sách, gấp sách lại, rồi mở sách ra. Bao giờ tôi cũng thích ngắm nhìn bìa sách, lật từng trang, dở từng tờ, rồi dở đến trang mục lục, đọc lại từng đề mục… biết bao là công trình, biết bao là sự chia sẻ. Tôi thấy biết ơn người viết vô hạn. Trọn quyển sách với 42 bài viết, bài nào cũng mang lại ít nhiều lợi ích cho người đọc. Không bài nào cao, cũng không bài nào thấp. Tùy căn cơ và trình độ người đọc để cho là có cao có thấp mà thôi.


Nghiền ngẫm hết những bài viết trong quyển sách này, chắc chắn chúng ta sẽ có đủ tư lương để hạ thủ công phu, để vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn chấp và không chấp, tác ý hay không tác ý, để không quá vui khi sum họp, không quá buồn lúc chia ly, và để có sự thường lạc giải thoát ngay trong hiện đời. Vì khi “…đã hiểu rốt ráo về Thân Tâm và Vũ Trụ Vạn Vật cùng một Chân Lý như thế, thì phải chăng chúng ta đã và đang Vãng Sinh khi đang hiện Sống, nghĩa là Vãng Sinh Khi Ðang Mở Mắt, thật là vô cùng vi diệu!…” (trích trang 17).


Quí độc giả muốn thỉnh sách, liên lạc về Thiền Viện Sùng Nghiêm, 11561 Magnolia Street,Garden Grove, CA 92841. Ðiện thoại (714) 636-0118. Email:[email protected], Website: www.thienviensungnghiem.com.

MỚI CẬP NHẬT