Friday, March 29, 2024

Tài hoa gửi lại cho đời

Bài & Hình: Vũ Tất Tiến



Hoạ sỹ-Điêu khắc gia Mai Lân (San Jose, California) ra đi đã gần tròn 10 năm, nhưng tài hoa ông để lại cho đời vẫn còn đó…



Cố Họa sỹ-Điêu khắc gia (HS-ĐKG) Mai Lân, tên đầy đủ là Đặng Trần Mai Lân, tuổi Đinh Mão (1927), sinh tại Hà Nội, lập nghiệp ở Sài Gòn. Năm 1989 theo diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình (ODP), ông cùng vợ con được sang Hoa kỳ định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng gần vịnh Cựu Kim Sơn ở thành phố San Jose bang California.






Cố hoạ sỹ-điều khắc gia Mai Lân



Trong 15 năm sinh sống tại hải ngoại, mặc dù tuổi cao, ông vẫn cần mẫn vẽ tranh, tạc tượng, viết sách…và nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử văn hóa Việt Nam và thủ đô Hà Nội. Những năm cuối đời, ông lâm trọng bệnh. Mặc dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình và gia đình chăm sóc chu đáo, ông vẫn không qua khỏi và từ trần ngày 7 tháng 11 năm Giáp Thân (tức 18-12-2004) tại tư gia ở San Jose, hưởng thọ 78 tuổi.



Cố HS-ĐKG Mai Lân từng nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam và khi sinh sống ở hải ngoại, tên tuổi ông cũng được nhiều người biết đến. Bởi trong hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và đào tạo được nhiều thế hệ họa sỹ-điêu khắc trẻ.



Ngay khi mới khởi nghiệp, năm 1947 HS-ĐKG Mai Lân đã sáng lập Phòng Mỹ Thuật Mai Lân tại Hà Nội để sáng tác hội họa. Và chỉ sau 5 năm (khoảng 1952-1953) ông đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm các tác phẩm tranh vẽ của mình tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, được nhiều người biết đến và giới nghệ thuật ngưỡng mộ.





Trong cả cuộc đời, ông sống và lập nghiệp ở Sài Gòn lâu nhất, hơn 30 năm, từ 1956 đến 1989. Thời gian đầu, ông dành nhiều công sức cho việc mở lớp đào tạo các họa sỹ-điêu khắc trẻ tại Trung tâm Hội họa-Điêu khắc Thế Hệ do ông sáng lập. Sau đó, ông vừa dạy học, vừa sáng tác nghệ thuật. Là một điêu khắc gia tài hoa, ông đã có những tác phẩm để đời như bức tượng đồng Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) đặt ở Ngã 6 Sài Gòn (nay là Hàng Xanh), tượng Lê Lợi ở gần Chợ Lớn, tượng Quách Thị Trang (nữ sinh 15 tuổi bị bắn chết ngày 25-8-1963 trong cuộc biểu tình chống chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm) tại bùng binh trước cửa chính chợ Bến Thành. Ông còn làm tượng Phật cung tiến chùa Phước Hải đường 3 tháng 2 Sài Gòn, tượng Phật ngự trên quả Địa cầu đặt tại thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang…



Theo lời kể của bà quả phụ Mai Lân và tư liệu gia đình bà còn lưu giữ thì trong 20 năm cuối đời(1984-2004), trong đó có 15 năm định cư ở Hoa Kỳ (1989-2004) HS-ĐKG Mai Lân vẫn lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Ông dành nhiều tâm huyết, tài năng và trí tuệ của mình cho công việc bảo tồn và quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước và con người Việt Nam tại hải ngoại. Ông đã hoàn thành một công trình nghệ thuật để đời, độc nhất vô nhị, là minh họa bằng tranh màu 6 tác phẩm lớn của thơ cổ điển Việt Nam, tổng cộng ông đã vẽ 656 bức tranh màu để minh họa cho Truyện Kiều (240 tranh), Cung oán ngâm khúc (40 tranh), Chinh phụ ngâm (71 tranh), Bích Câu kỳ ngộ (54 tranh), Lục Vân Tiên (124 tranh), Thạch Sanh (127 tranh). Trong số này mới chỉ có một cuốn cổ thi Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã được GS Nguyễn Ngọc Bích dịch sang tiếng Anh và được Tổ hợp xuất bản miền đông Hoa Kỳ in song ngữ Anh-Việt, phát hành năm 2006. 40 bức tranh minh họa ăn khớp với 40 câu thơ đôi trong tác phẩm. Như vậy HS Mai Lân vẽ được 656 bức tranh minh họa ăn khớp với 656 câu thơ đôi trong 6 tác phẩm thơ cổ điển với một sự tỉ mỉ, công phu quả là một sự kỳ công của ông, đáng để cho người đời thán phục!











Hình chụp lại từ tranh của cố hoạ sỹ Mai Lân



Bà quả phụ Mai Lân cho biết, cuốn cổ thi Chinh phụ ngâm cũng đang được dự định in ấn với bản dịch song ngữ Anh-Việt và 71 bức tranh minh họa của cố HS Mai Lân. Tiếc rằng, Truyện Kiều và Lục Vân Tiên có thể do số tranh minh họa quá lớn (240 và 124 tranh), do chưa chuyển ngữ sang tiếng Anh được, hoặc do khó khăn về tài chính nên hai thi phẩm cổ điển nổi tiếng này vẫn chưa thể in ấn được để giới thiệu với bạn bè quốc tế.






Cố hoạ sỹ Mai Lân vẽ tranh minh hoạ cho tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”. Hình chụp lại từ sách.



Những năm định cư ở Hoa Kỳ, HS-ĐKG Mai Lân còn dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu các di tích lịch sử và khu phố cổ 36 phố phường Hà Nội để viết bài giới thiệu trên một số ấn phẩm báo chí của người Việt Nam ở hải ngoại như Giai phẩm Xuân, Thời báo, Tin Việt News. Đồng thời ông còn biên soạn một bộ Từ điển tên phố Hà Nội (2 tập lớn) với hàng ngàn trang bản thảo đánh vi tính và có hình ảnh minh họa…



HS-ĐKG Mai Lân còn tham gia các hoạt động xã hội hướng về cội nguồn như cùng một số người Việt tâm huyết đứng ra thành lập Hội Truyền Thống Việt (Viet Heritage Society-viết tắt là VHS) mà ông là cố vấn của Hội, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người Việt Cao Niên vùng Cựu Kim Sơn, Hội Đền Hùng Hải Ngoại.



Khi chính quyền thành phố San Jose giao cho VHS vận động gây quỹ và làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng Công Viên Văn Hóa Việt (sau được đổi tên thành Vườn Việt) tại khu Kelley Park tọa lạc trên đường Roberts thành phố San Jose, HS-ĐKG Mai Lân rất vui mừng và đã tạc được 3 tượng Anh hùng dân tộc là tượng đức Trần Triều Hiển Thánh Hưng Đạo Đại Vương, đức vua Quang Trung Nguyễn Huệ và đức Bình Định Vương Lê Lợi, dự định để hiến tặng Công Viên Văn Hóa Việt. Tuy nhiên, trong lúc Công Viên chưa được hình thành và tài năng của ông vẫn đang thăng hoa thì căn bệnh nghiệt ngã đã cướp đi cuộc sống của người HS-ĐKG tài hoa này vào cuối năm 2004.






Năm 2006 bà quả phụ Mai Lân theo tâm nguyện của phu quân lúc sinh thời, đã hiến tặng 3 bức tượng nói trên cho Hội Người Việt Cao Niên với hy vọng khi hình thành Công Viên, tượng sẽ được chuyển ra đó an vị. Đáng tiếc là đến nay, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, khu Vườn Việt vẫn chưa ra đời. Phải chăng vì vắng bóng cố HS-ĐKG Mai Lân, một người rất say mê công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, một cố vấn nhiệt thành của VHS, một nhân tố quan trọng để thực thi dự án xây dựng Vườn Việt như một số người tâm huyết đã suy nghĩ?



HS-ĐKG Mai Lân ra đi đã gần tròn 10 năm. Tài hoa ông để lại cho đời vẫn còn đó: nào tượng, nào tranh, nào sách…Những người có trách nhiệm và những ai tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dù ở trong nước hay hải ngoại, chắc phải trăn trở suy nghĩ: làm sao và bằng cách nào để nguồn tư liệu quý báu về văn hóa-nghệ thuật Việt Nam của cố HS-ĐKG Mai Lân mà gia đình ông còn lưu giữ hiện nay sẽ không bị quên lãng?!

MỚI CẬP NHẬT