Thursday, March 28, 2024

Tâm bệnh của người Mỹ. Bài 3: Hậu quả của một kế hoạch sai lầm

Tác giả: Bác sỹ E. Fuller Torrey

Phỏng dịch: GS. Alexander Lê Trung Cang



Sự hành hạ và bạc đãi những bệnh nhân tâm thần tại các trại dưỡng lão được sự chú ý của quần chúng qua một phiên tòa xử của hội đồng cao niên (The Senate Committee on Aging) vào năm 1974.



Các trại dưỡng lão chỉ muốn chọn người già để dễ quản lý, nên đã thương lượng để được thưởng $100 mỗi khi bệnh viện tâm thần gởi một bệnh nhân đến trại của họ. Từ đó, các trại dưỡng lão đã thu được món tiền khổng lồ.  Năm 1987, sau những phiên xử và một vài nghiên cứu do cơ quan y học (Institute of Medicine) thực hiện, quốc hội đã ban ra điều luật đòi hỏi tất cả trại dưỡng lão nhận tiền Medicaid phải sàng lọc lựa ra những thành phần bệnh nhân nào không cần sự chăm sóc của y tá chuyên nghiệp.  Những nghiên cứu sau đó cho thấy sự sàng lọc này không có hiệu quả gì.



Tệ trạng bạc đãi bệnh nhân tâm thần tại các trại chăm sóc gia cư cũng lộ trong giai đoạn này:



1982: “Chín người lớn tuổi trong tình trạng quần áo tả tơi và bị bỏ đói khi đang đau nặng” đã được phát giác tại một căn nhà chưa có giấy phép nuôi những cá nhân mắc tâm bệnh, khu Jackson, tiểu bang Mississipi.  Những người này phải sống trong một căn nhà vuông 10×10 foot, không nhà cầu vệ sinh và nước tắm, chỉ có một chậu nước bằng nhựa trên sàn gạch, và một cái giường xếp trong phòng.”  và  “hai con chó hung dữ buộc ở ngoài căn phòng.”



1984: Bảy “cựu bệnh nhân” chết nằm trong “khoảng giữa của hai căn phòng” bị cháy, khu Worcester, Massachusetts.  “Báo cáo cho biết nhân viên của bệnh viện Worcester State Hospital, người đã giới thiệu những bệnh nhân này đến căn nhà ở khu Worcester đã được cán sự viên của cơ quan sức khỏe cảnh báo rằng căn nhà đó không an toàn.”






Worcester State Hospital. Nguồn: en.wikipedia.org



Khó khăn của những người sống trong trại dưỡng lão và tư gia chăm sóc rất ít khi được giới truyền thông chú ý trong năm 1980. Trong khi số người vô gia cư, sống ngoài đường, kể cả những người mắc tâm bệnh, trở thành những tin tức nổi bật nhất.  Trong khu Washington, Ông Mitch Snyder và khối tranh đấu cho giới vô gia cư (National Coalition for the Homeless) đã tổ chức những cuộc đấu tranh tuyệt thực và ngủ ở vỉa hè.  Họ đưa ra thông điệp rằng những người không nhà cần phải có một căn nhà và công ăn việc làm.  Ông Snyder thách thức tổng thống Reagan, lên án ông ta là nguyên do chánh yếu gây ra nạn vô gia cư. Khối truyền thông báo chí thông báo đầy chi tiết và rộng rãi dư luận này. Cho đến năm 1990, sau khi ông Snyder tự sát, đề tài về những người vô gia cư càng được đề cập nhiều hơn trong nước.  



Giới truyền thông tập trung nhiều vào những người sống ngoài đường, và nói nhiều về tình trạng người mắc tâm bệnh trầm trọng và vô gia cư.  Trong năm 1981, tập chí Life magazine đăng bài tựa đề  “Dẹp cho trống khu nhà điên (Emptying the Madhouse): Bệnh tâm thần đã biến thành phố chúng ta trở thành nơi thất lạc linh hồn.”



Năm 1982, cô Rebecca Smith bị chết lạnh cóng trong một thùng carton trên con đường của thành phố New York.  Truyền thông báo chí khai thác nhiều về cái chết này, nhất là chi tiết Rebecca đã đạt bằng danh dự sinh viên xuất sắc nhất trong khóa đại học (college valedictorian) trước khi cô ta mắc bệnh tâm thần.



Năm 1983, báo chí đăng một câu chuyện nói về đời của ông Lionel Aldridge, một cựu cầu thủ chuyên gia dẫn đầu môn football của đội banh “the Green Bay Packer. Sau khi mắc bệnh rối loạn tâm trí (schizophrenia), ông trở thành người vô gia cư, sống vài năm trên những đường phố của thành phố Milwaukee.  Trong năm 1984, một khảo nghiệm của thành phố Boston báo cáo cho biết có 38% người không nhà mắc bệnh tâm thần trầm trọng.  Báo cáo có tựa đề “Phải chăng vô gia cư là vấn nạn của sức khỏe tâm thần?” (Is Homelessness a Mental Health Problem?). Điều này làm tăng sự nghi ngờ rằng rất nhiều người vô gia cư từng là bệnh nhân tại những bệnh viện tâm thần của tiểu bang.



Đến giữa năm 1980, số người vô gia cư tiếp tục gia tăng. Sự thất bại của cơ quan sức khỏe tâm thần (the Mental Health System) là đề tài được đem ra bàn thảo mọi nơi trong nước.  Một báo cáo năm 1985 của quận Los Angeles, ước định có từ 30% đến 50% thành phần vô gia cư mắc bệnh tâm thần trầm trọng và “những con số nầy đang tiếp tục gia tăng.” và kết luận “một phần nguyên do của sự gia tang là vì việc giải tán bệnh nhân tại các bệnh viện tâm thần.” Đường phố đã trở thành những “trại nuôi” của người điên (The Asylum) trong những năm 1980. 



Đến cuối những năm 1980, nguyên do làm gia tăng số người mắc tâm bệnh không nhà cửa đã được xác định rõ hơn.  Một nghiên cho thấy có 27% trong số 187 bệnh nhân xuất viện từ bệnh viện Metropolitan State Hospital, Massachusett đã trở thành “kẻ không nhà.”  Một nghiên cứu khác theo dõi 132 bệnh nhân xuất viện từ Columbus State Hospital, Ohio, kết quả cho thấy có tới 36% số bệnh nhân này thành người vô gia cư.  Trong năm 1989, khi đài truyền hình của San Francisco quảng cáo một chương trình đề tài vô gia cư, họ treo nhiều bảng lớn trong thành phố, tuyên bố “Quý vị đang bước vào trung tâm tâm thần mới nhất của nước Mỹ.”  



Cùng trong thời điểm những người mang tâm bệnh vô gia cư trở thành một trong những vấn đề quan tâm trong nước vào năm 1980, con số những người mắc tâm bệnh bị nhốt vào những tù quận và tù tiểu bang vẫn gia tăng.  Một tài liệu năm 1989 kết luận: “mức độ gia tăng đáng kể, không ngừng gia tăng trong 20 năm vừa qua, và có lẽ sẽ tiếp tục gia tăng.”  Nhiều cuộc kiểm tra khác báo cáo mức độ gia tăng người bị bệnh tâm thần vô gia cư từ 6% (Virginia), 8% (New York), 10% (Oklahoma và California), và 11% (Michigan và Pennsylvania).  Cho đến năm 1990, cơ quan kiểm kê toàn quốc (national survey) kết luận:



Dựa trên những dữ kiện và tài liệu ghi chép, có thể kết luận rằng có khoảng 10% tù nhân trong trại tù quận và tiểu bang, hoặc khoảng 100,000 người trong tình trạng rối loạn tâm thần (schizophrenia) hoặc tâm bệnh trầm cảm trầm trọng (manic-drepressive psychosis [bipolar disorder]).







Người mắc bệnh rối loạn tâm thần. Hình minh hoạ. Nguồn: sciencenewstoyou.blogspot.com



Qua những cuộc nghiên cứu và kiểm tra, khuynh hướng đáng lo ngại đã được chứng minh rõ rệt.  Trong 132 bệnh nhân xuất viện từ Columbus State Hospital, tiểu bang Ohio, 17% đã bị bắt giam trong thời gian 6 tháng sau khi xuất viện. Tại California, những người mắc tâm bệnh nghiêm trọng và có tiền án gây ra những vụ hung tợn bạo hình, bao gồm sử dụng vũ khí để cướp và sát hại, là những bệnh nhân đã được xuất viện từ bệnh viện tâm thần nhưng thiếu chương trình chăm sóc nối tiếp. Tại Colorado năm 1984, ông George Woodton đã mắc tình trạng rối loạn tâm thần (schizophrenia), đã bị giam vào trại tù của quận Denver cả trăm lần, được gọi là “khách hàng thường xuyên” của trại tù. 



Tại một vài tiểu bang, những “hành động và thái độ quái lạ” của tù nhân gây nhiều khó khăn cho nhân viên của trại tù. Tại Montana có một người đàn ông “tự nhấn chìm và bị ngộp nước trong cầu tiêu” của trại tù quận. Nhiều tù nhân California tìm cách thoát ngục bằng cách bôi trét phân của chính mình lên khắp người, và nhấn nước cho mình trôi xuống hầm cầu.” Vào năm 1985, tại phiên tòa xử ở Wisconsin, một luật sư nhà nước tranh cãi rằng chủ nhân mắc tâm bệnh của ông đã tự ăn phân của mình, vì vậy cần thả tù nhân này ra. Quan tòa đã chấp thuận.



Trước tình trạng số người mắc tâm bệnh gia tăng, cơ quan cảnh sát khu vực thành phố và quận cũng phải tăng lực lượng và cách đáp ứng hiệu nghiệm.  Tại thành phố New York, những cú điện thoại gọi liên quan đến người có tâm trạng bất bình thường “emotionally distured person – EDP” đã gia tăng từ 20,843 cuộc gọi trong năm 1980, lên đến 46,846 cuộc gọi vào năm 1988. Có rất nhiều những cú gọi khẩn cấp đòi hỏi phải huy động toàn thể lực lượng cảnh sát.  Ví dụ như, để giải cứu một cá nhân tâm bệnh đang đứng trên đỉnh ngọn tháp tại Staten Island, cơ quan cảnh sát đã phải huy động 20 nhân viên cảnh sát và vị chỉ huy, 6 xe cấp cứu, vài nhân viên cảnh sát xa lộ, và một phi cơ trực thăng.”  Để đáp ứng trường hợp khẩn cấp liên quan đến bệnh tâm thần, cơ quan cảnh sát thành phố Memphis, Tennesse, năm 1988 đã thành lập lực lượng cảnh sách đặc biệt (Crisis Intervention Team – CIT). Sau này, CIT cũng được thành lập ở các thành phố khác.



Những năm 1980 đã xảy ra nhiều vụ bạo tàn, trong đó có những vụ giết người mà kẻ sát nhân chính là nhưng người mắc tâm bệnh nhưng không được điều trị. Ba trường hợp bắn người nổi tiếng giữa tháng Ba năm 1980 và tháng Ba năm 1981: Cựu nghị viên quốc hội Allard Lowenstein đã bị bắn bởi Dennis Sweeney. John Lennon đã bị giết bởi Mark David Chapman, và cựu tổng thống Ronald Reagan đã bị bắn bởi John Hinckley.  Cả ba hung thủ đã mắc tâm bệnh rối loạn tâm thần (schizophrnia) nhưng không hề được điều trị. 






Hình minh hoạ. Nguồn: telegraph.co.uk



Sau đó, các vụ sát nhân gây ra bởi người mắc bệnh tâm thần diễn ra thường xuyên hơn. Đáng kể là các vụ:



Năm 1985: Sylvia Seegrist, đã được xác định mắc tâm bệnh schizophrenia và đã vào bệnh viện 12 lần, đã giết chết ba người và gây tổn thương bảy người trong shopping mall thành phố Pennsylvania.



Bryan Stanley, đã được xác định tâm bệnh schizophrenia, đã vào bệnh viện 7 lần, từng giết chết một vị linh mục và hai người khác tại nhà thờ Wisconson.



Lois lang, mắc tâm bệnh schizophrenia, xuất viện nhà thương tâm thần, đã giết chết tổng quản lý công ty thương vụ quốc tế và cô thư ký tại tiểu bang New York.



Năm 1986: Juan Gonzalez, được chẩn đoán mắc bệnh schizophrenia và được kiểm chứng tâm lý, đã giết chết hai người, gây tổn thương chín người khác bằng cây gươm dài trên chiếc phà của Staten Island, New York.



Năm 1987: David Hassan, xuất viện từ một bệnh viện tâm thần, đã giết chết bốn người bằng cách cán lên họ bằng xe hơi của hắn tại California.



Năm 1988: Laurie Dann, là người mà nhân viên cảnh sát và FBI biết là mắc bệnh tâm thần nặng, đã giết chết một nam sinh và làm tổn thương năm người bạn học của cậu này tại một trường tiểu học ở Illinois.



Dorothy Montalva, được xác định với tâm bệnh schizophrenia, bị tình nghi đã giết chết ít nhất bảy vị cao niên và đã chôn họ phía sau căn nhà tại tiểu bang California.



Aaron Lindh, được biết là bị bệnh tâm thần, đã giết chết điều tra viên của quận Madison, tiểu bang Wisconson. 



Năm 1989: Joseph Wesbecker, được xác định bệnh phân tán tâm thần (bipolar disorder), đã giết chết 7 người và gây tổn thương 13 người tại một khu in ấn, tiểu bang Kentucky.



Một tài liệu khảo nhiệm xuất bản trong năm 1988 đã cung cấp những số liệu như sau: tại quận Conta Costa, tiểu bang California, trong 71 vụ án mạng xảy ra trong giữa năm 1978 và 1980 thì có 7 vụ gây ra bởi người mắc tâm bệnh hỗn loạn tâm thần (schizophrenia), từng vào bệnh viện tâm thần trước khi gây án mạng.  Tỷ lệ 10% người bệnh tâm thần gây án mạng là kết quả của cuộc khảo nghiệm khác tại quận Albany, tiểu bang New York. Do vậy, người mắc tâm bệnh không được điều trị là một trong những hậu quả của kế hoạch giải tán bệnh nhân và bệnh viện tâm thần của tiểu bang (deinstitutionalization).





Về quyển sách “American Psychosis” và tác giả:






Trong năm 1963, cựu tổng thống John F. Kennedy có một bài diễn văn nổi tiếng trong lịch sử về nạn tâm bệnh và trì hoãn phát triển. Ông đã trình bày nhiều chương trình mới  để thay thế cho những “chương trình điều trị tồi tệ cho hàng triệu tâm bệnh tại các cơ quan bệnh viện”, và đổi thành những trung tâm điều trị sức khỏe tâm thần trong cộng đồng. Phong trào sau này được gọi là “giải tỏa trung tâm điều trị – deinstitutionalization,” vẫn tiếp tục ảnh hưởng những trung tâm chăm sóc tâm thần.  



Năm mươi năm sau bản thuyết trình của cựu tổng thống Kennedy, quyển sách của bác sỹ E. Fuller Torrey cung cấp những cái nhìn từ bên trong chương trình sức khỏe tâm thần của chính phủ liên bang. Bác sỹ E. Fuller Torrey từng là cộng tác viên tại trung tâm điều trị tâm thần quốc gia (National Institue of Mental Health) từ khi chương trình đang được khai triển và thi hành. Ông đã kỳ công nghiên cứu, trực tiếp phỏng vấn từng cá nhân liên hệ, và gần đây đã tìm thấy một số cuộc ghi âm những cuộc phỏng vấn với những nhân vật liên quan trong quốc hội.  



Quyển sách tài liệu này cung cấp những giai đoạn lịch sử chưa từng được công khai.  Bác sỹ Torrey kiểm duyệt những sự liên quan đến quy chế trong thời cựu tổng thống Kennedy, vai trò, trách nhiệm của chính phủ tiểu bang so với liên bang về chương trình chăm sóc cho tâm bệnh, những luồn lách cần thiết trong hệ thống chính trị nhằm đạt sự chấp thuận từ quốc hội, và vì sao sự đóng cửa các bệnh viện tiểu bang đã không đưa đến điều trị khá hơn – như đã dự định – nhưng lại bị thiếu hụt ngân quỹ, bỏ lơ, và gia tăng bạo hình trong cộng đồng.



Rất nhiều người thắc mắc tại sao cho đến ngày nay dịch vụ cho bệnh nhân tâm thần vẫn quá kém hữu hiệu. Ít nhất một phần ba giới vô gia cư mắc tâm bệnh, trại giam quận và tù tiểu bang thì quá chật chội. Đó là do những người mang tâm bệnh nặng đã chiếm 20% số tù nhân, và tại những khu vực dân cư còn rất nhiều người mắc bệnh tâm thần không được chữa trị.  Bác sỹ Torrey khẳng định điều quan trọng và nhất thiết là hiểu thấu cốt lõi của vấn đề, và xúc tiến tạo dựng ngay những khoa điều trị và chăm sóc hữu hiệu hơn cho những người mắc bệnh tâm thần, thân cô thế cô, vô gia cư.


MỚI CẬP NHẬT