Wednesday, April 24, 2024

Trí thức, đảng viên cộng sản đòi dân chủ và quyền ‘dân sự chính trị’

 

Võ Long Triều

Tháng 9 năm nay 2013, xẩy ra ba vấn đề làm rung chuyển chính quyền Hà Nội và xôn xao dư luận.

Ngày 4 tháng 9, công an, quân đội đàn áp giáo dân Công Giáo địa phận Vinh tại Mỹ Yên làm hơn 30 người mang thương tích trầm trọng. Sau đó chính quyền xuyên tạc sự thật, vu cáo Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, bịp Vatican cũng như đã từng bịp Tòa Thánh về chuyện của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội. Vấn đề còn chưa chấm dứt, do Vatican yêu cầu điều tra tường tận, cùng lúc tám vị giám mục của những địa phận gần xa, gởi thư “Hiệp Thông” ủng hộ. Hiện tại giáo dân còn tiếp tục tổ chức cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Trong khi đó, nhà nước tích cực vận động với Hội Ðồng Giám Mục và giáo phận tại Sài Gòn, xin để cho chính quyền giải quyết thỏa đáng. Nhưng nhiều vị giám mục ở miền Nam như Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Ðà Nẵng… gởi thơ hiệp thông với địa phận Vinh, đồng thời tuyên bố Công Giáo Việt Nam là một, không có Nam hay Bắc. Sự kiện chính quyền tỉnh Nghệ An quyết định truy tố hình sự hai giáo dân Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải ra tòa, chưa biết chủ trương triệt tiêu tôn giáo của Hà Nội sẽ dẫn đến kết quả như thế nào?

Ngày 11 tháng 9, dân oan Ðặng Ngọc Viết nổ súng bắn chết phó giám đốc Trung Tâm Phát Triển Ðất và 4 người bị thương, bởi vì gia đình ông Viết bị cưỡng chế đất bất công. Sau đó ông đến chùa Dục Dương tự tử dưới chân Phật Bà Quan Âm. Một cái chết có tính khuyến khích nông dân nổi loạn đòi quyền sống.

Ngày 23 tháng 9, một trăm ba mươi trí thức và đảng viên cao cấp cộng sản đưa ra bản “Tuyên Bố về Thực Thi Quyền Dân Sự và Chính Trị.” Ðây là lần đầu tiên có một bản tuyên bố cứng rắn, đòi hỏi dân chủ và quyền dân sự chính rị của nhân dân. Trước tiên bản tuyên bố trích dẫn điều 69 Hiến Pháp cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Và các điều khoản 19, 21, 22 của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố ngày 10 tháng 12, 1948 mà Việt Nam có ký kết ngày 24 tháng 9, 1982 chấp nhận tôn trọng và thực thi.

Bản tuyên bố này thành lập một “Diễn Ðàn Xã Hội Dân Sự” có trang thông tin điện tử để cho các nhóm, các tổ chức hay cá nhân trong và ngoài nước góp ý và yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân và thẳng thắn tranh luận, đối thoại.

Nhà nước phản ứng do ông Dương Văn Lợi, trưởng ban Tuyên Giáo Hà Nội, chủ trương phải kịp thời ngăn chận kẻ xấu kích động nhân dân, phải đối thoại trong các vấn đề liên quan đến tư tưởng, đường lối, không để cho họ đối đầu với chính quyền. Ông Lợi sẽ tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet.

Bản tuyên bố phân tích rõ ràng và chính xác những sai trái của nhà cầm quyền và đưa ra những đề nghị hợp tình hợp lý.

Thí dụ như các tệ nạn tham nhũng, lạm quyền, bất công, cướp đất, v.v… Những điều mà chính Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Nếu đảng viên không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà mua chức vụ? Và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói: Kỷ luật đảng viên sai trái sinh ra thù oán. Lời tuyên bố của hai nhà lãnh đạo cao cấp nói trên đủ chứng minh sự “thối nát” của đảng Cộng Sản đang nắm toàn quyền cai trị đất nước.

Người ta tự hỏi bản tuyên bố đó sẽ bị bỏ quên trong ngăn kéo hay trong sọt rác như thường lệ? Cho nên các nhà trí thức có khuyến cáo: “Nếu Hiến Pháp sửa đổi vẫn duy trì thể chế toàn trị được Quốc Hội thông qua và ban hành chính thức, thì các thách thức mà đất nước và dân tộc đang đối mặt càng thêm nghiêm trọng dẫn tới hệ quả không thể lường được”!

Con đường Hà Nội phải lựa chọn, là nhân cơ hội này mượn ý kiến và đề nghị của 130 đảng viên và trí thức, tự động chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ để tồn tại lâu dài hay giao lại quyền hành cho nhóm đảng viên tiến bộ nào đó, họ sẽ bao che cho một cuộc rút lui với sự bảo đảm “hạ cánh” an toàn. Nhược bằng Hà Nội bất chấp lẽ phải, dùng bạo lực thách thức toàn dân thì sẽ nhận hậu quả không thể lường như 130 trí thức và đảng viên tiên đoán.

Trước đó bốn ngày, 19 tháng 9, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang tuyên bố trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Ðan Mạch: “Hà Nội đang nỗ lực cải tổ hệ thống chính trị, Việt Nam đang cố gắng tạo ra một môi trường tốt hơn cho đời sống chính trị của người dân.” Ông Sang còn khẳng định, mỗi hệ thống chính trị cần phải cải tổ để phát triển. Lời tuyên bố của ông Sang được báo Thanh Niên trích dẫn nhưng bị cắt bỏ ngay sau khi phổ biến trên mạng Internet. Như vậy có nghĩa là Hà Nội không chủ trương cải tổ? Vấn đề đặt ra là phe nhóm của ông Sang đã có thông đồng thỏa thuận trước với 130 trí thức đảng viên hay không mà những lời tuyên bố đưa ra khá nhịp nhàng như vậy? Sự cải tổ mà ông Sang tuyên bố ở Ðan Mạch và sự đòi quyền thực thi dân sự chính trị của nhóm trí thức 72 nới rộng không phù hợp với Bộ Chính Trị đang cầm quyền. Ðiều này cho thấy còn nhiều lủng củng nội bộ trong đảng Cộng Sản như đã từng thể hiện qua nhiều sự kiện trong quá khứ.

Mặt khác, số người ký tên không cao, chưa đủ làm áp lực để Hà Nội thay đổi lập trường cho dù có sự ủng hộ hay đồng tình của những đảng viên tên tuổi như Luật Sư Trần Quốc Thuận, 44 tuổi đảng, 14 năm làm phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội. Ông nói với đài BBC: “Tôi ký tên vào bản tuyên bố đó vì nó có ý nghĩa quan trọng.”

Phải khách quan công nhận nội dung bản tuyên bố này không phải là một kiến nghị mà là một khẳng định lập trường, một cung cách mới đối kháng với nhà cầm quyền của số đảng viên và trí thức cộng sản.

Mục đích của bản tuyên bố là “Trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.”

Ðiều này làm tôi liên tưởng đến bài viết của ông Lê Hiếu Ðằng trên giường bệnh như sau: “Tôi nghĩ trong một thời gian dài đảng Cộng Sản sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được.” Các đảng đối lập chỉ làm nhiệm vụ kháng thể cho đảng lành mạnh hơn. Chung quy những trí thức và đảng viên Cộng Sản như ông Lê Hiếu Ðằng chỉ mong muốn có một sự chuyển đổi ôn hòa thành một chế độ tốt hơn cũng do đảng Cộng Sản lãnh đạo. Nhưng họ quên rằng một đảng viên lão thành được nuôi dưỡng trong “cái nôi” của cộng sản Liên Sô, hiểu biết nhiều về sự gian ác, tàn nhẫn của chế độ, đảng viên đó chính là Boris Yeltsin, cựu bí thư thành ủy Moscow, sau trở thành tổng thống nước Nga, ông tuyên bố: “Cộng sản không thể nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó.”

Cho nên bản tuyên bố đòi thực thi quyền dân sự và chính trị, là một sự kiện mới tạm thời làm cho quần chúng phấn khởi ít lâu. Nhưng kết cuộc cũng là một hình thức làm cho đảng lột xác sống đời, nếu họ biết lợi dụng cơ hội bằng cách từ bỏ độc quyền cai trị, sửa đổi luật đất đai, biết nghe nguyện vọng của toàn dân. Ðặc biệt hơn nữa là phải tháo gỡ vòng “kim cô” của Trung Quốc đã và đang siết chặt đầu các ủy viên Bộ Chính Trị mà dư luận quần chúng gọi những vị đó là quan “Thái Thú” của Tàu đặt để.

Dù sao thì bản tuyên bố đó cũng vạch cho nhân dân thấy rõ sự gian trá bất công và thúc đẩy những người chủ trương dân chủ thật sự tìm mọi cách kêu gọi quần chúng hành động nhằm mục đích đào thải chế độ độc tài như ông Boris Yeltsin khẳng định.

Dân oan bị cướp đất không thể cúi đầu cam chịu đói khổ với cảnh màn trời chiếu đất, tôn giáo không thể trường kỳ chấp nhận bị tiêu diệt lần hồi, công nhân không cam bán sức lao động với đồng tiền không đủ nuôi sống bản thân, trong khi đảng viên trở thành tư bản đỏ.

Vận nước đến hồi sẽ có một Yeltsin Việt Nam nào đó đứng lên hô hào đuổi giặc Tàu, đào thải chế độ, cứu dân cứu nước. Hay là một vị anh hùng nào đó xuất thân từ nhân dân như trong quá khứ Lê Lợi đánh đuổi quân Minh.

MỚI CẬP NHẬT