Tuesday, April 16, 2024

Viết cho sinh nhật anh


Ngô Mai Hương


 


LTS – Nhật báo Người Việt nhận được bài viết sau đây của bà Ngô Mai Hương, vợ của Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, đảng viên đảng Việt Tân, đang bị tạm giam tại Việt Nam, nhân ngày sinh nhật của ông. Bài viết được gởi ra ngày 23 Tháng Mười Một.


 


Bây giờ là bốn giờ sáng, căn nhà vắng lạnh và buồn. Không có một tiếng động nào ngoài tiếng nức nở của trái tim tôi mà tôi cố dùng lý trí của mình để không nghe thấy nó.










Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân. (Hình: Vietnam News Agency/AFP/GettyImages)


Tôi đã làm như vậy rất nhiều lần, có những lúc tôi đã thua cuộc như cái hôm nhận tin về bản án của anh Ðiếu Cày, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ. Lúc ấy chỉ một mình tôi với khung cửa sổ và bầu trời bên ngoài, chắc đất trời cũng cảm thương cho sự yếu đuối tầm thường của tôi. Hôm nay là ngày sinh nhật của anh, cũng là ngày anh bắt đầu tuyệt thực. Cái tin anh tuyệt thực từ mười đến mười lăm ngày làm tôi xót xa. Tôi cố vững vàng như lời anh dặn qua Tổng Lãnh Sự Mỹ, “H nhớ luôn lạc quan, đừng lo lắng buồn khổ.”


Tôi nghĩ đến một bài viết của Hòa Thượng Tinh Vân “khoảnh khắc và một đời” để cảm thấy tỉnh táo hơn. Khoảnh khắc mình đang sống, những lo lắng, buồn khổ, những gian nan rồi sẽ qua đi. Nhưng những điều tốt đẹp sẽ ở lại mãi với chính mình. Không phải đó là điều tôi cũng mong muốn hay sao, huống chi đó là công việc anh đã theo đuổi từ lâu, là điều anh mong muốn được làm. Anh bảo, “Làm thế nào khi mình nhắm mắt, mình biết rằng mình đã đóng góp cái phần của mình trong giai đoạn đen tối nhất của đất nước.”


Tính anh nguyên tắc và khi đã quyết định làm điều gì anh sẽ theo đuổi đến cùng. Những khi gặp chuyện gì đó không lay chuyển được anh, điều tôi có thể làm là giận và buồn. Chỉ khi nhận thấy tôi bị tổn thương anh mới hối hận, tôi nhớ mình đã viết câu xin lỗi của anh trong một bài thơ: “Hãy yêu anh vì em cần thiết/anh kẻ lữ hành sương gió nhiều ước mơ/ kẻ bướng bỉnh nguyên tắc rất dại khờ.” Tôi đã cãi lời cha mẹ để đi theo “kẻ bướng bỉnh nguyên tắc” đó hơn hai mươi năm. Chạy vòng quanh anh, để tìm cách bù đắp những thiếu sót của anh cho các con và gia đình.


Trong chuyến viếng thăm của đại diện Tổng Lãnh Sự Mỹ ngày 15 Tháng Mười Một vừa qua, anh đã làm đơn yêu cầu Luật Sư Nguyễn Thị Ánh Hương cũng như hai luật sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Quốc Quân đứng ra nhận bào chữa cho mình. Như đã nói, tính anh trọng nguyên tắc, tôi biết anh đang đòi hỏi tòa án phải tôn trọng điều luật số 56, 1B gì đó… được quy định ngay trong chính Hiến Pháp Việt Nam. Ðiều luật này cho phép người không có giấy phép hành nghề luật sư, được đứng ra bào chữa dưới tên gọi là Bào Chữa Viên Nhân Dân. Không biết điều anh đòi hỏi có được chấp nhận hay không, nhưng cách hành xử của anh là vậy. Tôi nhớ đã được nghe anh kể lại câu chuyện khi anh đang dạy học tại trường Kiên Thành, Rạch Giá, sau năm 1975.


Lúc ấy, ban giám hiệu của trường gọi là “tổ chức bầu chọn” người tổ trưởng công đoàn. Ai cũng biết bầu cử chỉ là chiếu lệ, vì chức vụ chắc chắn đã thuộc về người giáo viên đang là đoàn viên Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản. Tuy nhiên, vì người hiệu trưởng vẫn rêu rao đây là một cuộc bầu cử công bằng. Anh Quân liền hỏi, “Nếu đây là một cuộc bầu cử công bằng thì tôi ứng cử có được không?” Hơi khựng lại trước câu hỏi của anh, nhưng viên hiệu trưởng cũng đành nói cho xuôi, “Ðược chứ.” Vậy là anh giáo viên “ngụy” liền ứng cử vào chức vụ tổ trưởng công đoàn, và vì số giáo viên “ngụy” ở trong trường đông, vậy là anh đắc cử. Anh cười bảo tôi rằng anh còn được an toàn đến ngày hôm nay có lẽ cũng do Trời Phật chở che.


Tôi không bao giờ nghĩ bài hát về cô gái người Nga mang tên Masa, mong chờ người yêu là một chiến sĩ trong đội cảm tử lại trở thành bài hát của chúng tôi. Bài hát mang tên “Ðôi Bờ” anh Quân đã viết cho tôi sau mấy lá thư đầu làm quen, bài hát có đoạn:


“Ðêm dần buông, dưới mưa rơi em mong chờ anh tới.


Cây cỏ hoa như nói nên lời ‘Em hạnh phúc nhất đời!’


Lòng em riêng thắm thiết yêu anh, với tình đôi lứa ta


Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…”


Cả hai chúng tôi đều sống trong nước nhiều năm sau 1975. Có lẽ đây là bài nhạc tình hay nhất vào giai đoạn đó. Có điều lạ sau này tôi mới biết. Năm 2007, khi anh đang ngồi tù, cả anh và tôi đều nhớ đến bài hát này. Do “thần giao cách cảm chăng” tôi cũng chẳng biết nữa.


Tôi vừa nhận ra ngày sinh nhật của anh cũng là ngày Hiến Chương Nhà Giáo, ngày 20 Tháng Mười Một. Ðây có phải là định mệnh chăng, mà anh đã là một nhà giáo và luôn luôn mong muốn được trở lại làm nhà giáo. Anh rất quan tâm đến giáo dục và những suy tư của những người trẻ. Tôi còn nhớ khoảng bảy tám năm trước, trong nước chưa có nhiều người dám phát biểu trên các đài truyền thanh nước ngoài. Một hôm anh nghe đài RFA, cô Trà Mi phỏng vấn những người trẻ về tự do dân chủ. Anh đã rất xúc động và bảo với tôi rằng, “Với những người trẻ như vậy, mình phải về làm viên gạch lót đường cho họ được sống, phải không Hương?”


Thật ra, chẳng phải riêng gì anh. Trong lịch sử nước mình có biết bao nhiêu nhà giáo khi không bằng lòng với kẻ cầm quyền đã cáo quan về làng dạy học. Và một người thầy giáo đã nổi tiếng thế giới là cụ Chu Văn An, người đã dâng sớ xin chém đầu bảy quan nịnh thần rồi bỏ kinh đô về làng quê dạy học. Bỗng nhiên, tôi cảm động đến ứa nước mắt khi nhớ đến câu nói của nhà văn Aldous Huxley: “Thứ đáng giá nhất của mọi sự giáo dục, là khiến bản thân bạn làm điều mình làm, khi đến lúc cần làm, dù bạn có thích hay không.” Tôi bỗng muốn cám ơn những người thầy Việt Nam vô cùng, những người đã cho dân tộc tôi những Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Công Ðịnh, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Phương Uyên…


Hôm qua, cháu Khoa con trai lớn nói với tôi, “Ðiều duy nhất con mong muốn bây giờ là bố được trở về với mình, mà tại sao bố lại chống lại họ trong lúc này, tại sao lại quyết định tuyệt thực hả mẹ?” Tôi trả lời cháu rằng, “Bố đang đấu tranh cho quyền hạn của một người tù. Không chỉ cho bố mà cho những người tù khác nữa. Theo chính luật pháp Việt Nam khi chấm dứt điều tra trong vòng ba ngày bố phải được gặp luật sư. Con nghĩ xem, nếu không phải một mình bố mà tất cả tù nhân, hoặc tám chục triệu người cùng đòi hỏi nhà nước phải làm những điều đúng theo luật pháp Việt Nam đã quy định, có lẽ mọi việc đã khác nhiều.” Tôi biết Khoa chưa hiểu nhiều về những việc bố làm, có lẽ cháu cũng đang đi tìm cái vỏ trứng của mình.


Bên ngoài, bầu trời đã sáng hẳn. Tôi nhớ đến điều anh Quân nhắn qua đại diện Tổng Lãnh Sự Mỹ – dù xa cách, anh lúc nào cũng ở bên cạnh vợ con. Tôi mở lại lá thư cũ anh gởi cho tôi có bài hát “Ðôi Bờ” và đọc lại cho mình nghe. Hôm nay ngày sinh nhật của anh, nếu thật sự có “thần giao cách cảm” tôi mong anh nghe được lời nhắn của mình:


“Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với niềm tin thiết tha!


Một dòng sông sóng nước long lanh đôi bờ đâu cách xa…”

MỚI CẬP NHẬT