Thursday, March 28, 2024

Bắt gà ở Sài Gòn và bắt người ở Đức

Văn Lang

Thời gian vừa qua ở Sài Gòn có hai chuyện giới truyền thông đưa tin mà được dân chúng xôn xao, hào hứng bàn luận.

Vụ thứ nhất, là vụ mấy ông thi hành công vụ thuộc một phường tại một quận cũng “ven ven” Sài Gòn. Tự ý phá khóa cổng “giữa ban ngày ban mặt,” xông vào nhà dân, khi gia chủ đi vắng, để bắt chín “chú” gà Đông Tảo (giá thị trường khoảng 10 triệu đồng), để mang đi tiêu hủy.

Vụ thứ hai, là “cá mập” Trịnh Xuân Thanh, sau khi chuồn ra ngoại quốc chữa bệnh đâu hơn cả tháng, thì truyền thông trong nước mới ồn ào lên là Thanh là một “mắt xích” quan trọng của một vụ án đại tham nhũng lên đến nhiều… ngàn tỷ. Riêng Thanh bị “quy kết” là làm thất thoát đâu có hơn 3,000 tỷ đồng. Lệnh truy nã cho một người đã… chạy mất. Nhưng Tổng Trọng hứa chắc với cử tri là Thanh có chạy đằng giời cũng… không thoát. Dân chúng cười ngất, vì lâu nay toàn nghe “cụ Tổng”… chém gió.

Ai dè, truyền hình trong nước đưa tin, Thanh về Bộ Công An đầu thú.

Cả nước chưng hửng, “đâu phải chuyện cá Tháng Tư,” mà không lẽ Thanh có tài “thăng thiên, độn thổ” sao mà về tới Bộ Công An mà chẳng ai hay biết gì?

Năm 2014, Sài Gòn cũng như cả nước có đại dịch cúm H5N1 (lây từ gà qua người), nên lúc đó có lệnh tiêu hủy gà để… cứu người. Mà người dân qua tuyên truyền của truyền thông cũng sợ tới… chết khiếp, lỡ ra đường mà gặp một “trự” gà là cắm đầu chạy, y như là vừa nhìn thấy thần chết đang chuẩn bị… vung lưỡi hái. Đến nỗi mà, một thiếu nữ đang ngồi mơ màng bên cửa sổ, thấy một bóng chim bay ngang trời, cũng vội bịt mũi đóng sầm cửa lại vì sợ virus cúm H5N1 theo gió mà bay vào “cửa số tâm hồn.” Đến như bao nhiêu người có tâm hồn ăn uống tràn trề, cũng đành phải giã từ món tiết canh với cháo vịt nổi tiếng, vì cúm H5N1 đã biến “khung trời ăn uống Thanh Đa” thành… chùa Bà Đanh.

Nhưng khi đại dịch đi qua, cuối cùng trời yên biển lặng, cuộc sống người dân lại trở lại bình thường. Thế mà, đùng một cái, bẻ khóa xông vô nhà dân bắt gà (mà lại là gà quý nữa chứ, nghe các bác bên ngành “chai-lọ” nói lại gà Đông Tảo mà nhậu là số dzách). Không có chữ ký của chủ nhân, mà bảo là đem đi… tiêu hủy, ai biết các quý vị sai nha kia tiêu hủy ở đâu?

Theo ý kiến của các luật sư ở Sài Gòn, thì nghị định tiêu hủy gà của thành phố kể từ vụ có dịch cúm đã hết hiệu lực thi hành từ năm… 2015. Vậy xem ra mấy vị “đày tớ dân” này coi bộ “tận tâm” với giống gà quý Đông Tảo? Chưa kể, các chợ ở Sài Gòn bán đầy những gà còn sống (loại thường) chẳng hề có giấy kiểm dịch, mà có thấy ai “vì dân vì nước” đi kiểm tra mà tiêu hủy đâu? Có vấn đề gì, mà chính chủ nhân của chín chú gà Đông Tảo cũng vô cùng thắc mắc?

Nhưng thôi. Nghe ông chủ tịch phường, cấp trên trực tiếp của mấy ông sai-nha bắt gà trả lời báo giới truyền thông nghe mới “vui.”

Đầu tiên, ông chủ tịch phường thừa nhận với báo giới là: “Cán bộ của phường có… ‘hơi sai.’”

Luật thì chỉ có đúng hoặc sai, chứ đâu có trường hợp nào là: hơi sai?

Ông chủ tịch phường, tiếp tục trả lời: “Là vì anh em nóng vội, đáng lý phải xin phép quận trước khi ‘bẻ khóa’ bắt gà. Mà xin một cái, 15 phút sau là có ngay.”

Ông phường trưởng nay hay thật, chưa xin mà biết là 15 phút có ngay (lệnh bắt gà). Nhưng khi báo chí hỏi, bây giờ nếu thấy sai thì có xin lỗi dân không? Thì ông phường trưởng lại đây đẩy: “Cái này phải xin phép quận, cấp trên cho phép xin lỗi thì mới được…xin lỗi (bó tay!).”

Tự ý đi bắt gà không xin phép ai, đến khi gây lỗi bị dân phản ứng, đáng lý phải xin lỗi thì lại đổ thừa, chờ lệnh cấp trên. Không rõ ông phường trưởng này học luật ở cái trường hành chánh nào ra mà lý sự rất ư là “vòng vo tam quốc.” Theo lý sự… cùn của ông phường này, thì lỗi bắt gà không phải thuộc sai nha của phường, mà là do… cấp trên của ông phường trưởng.

Xin trích lời một cấp trên (rất cao) của ông phường trưởng. Đây là “khuôn vàng, thước ngọc” mà cấp trên ông phường trưởng đã chỉ đạo trong một vụ án nổi tiếng về đất đai (chứ không phải riêng trong vụ án “gà mờ” này): “Nếu ta sai (tức cán bộ sai), ta phải xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”( Lời của Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ). Đọc xong câu trên của ông bộ trưởng, máu trong người đông cứng hết lại, nên không thể suy nghĩ thêm hay bình luận gì ráo.

Trong khi truyền thông nhà nước “hoan hỉ” đưa tin Trịnh Xuân Thanh về nước “đầu thú” mong được hưởng “khoan hồng,” thì Bộ Ngoại Giao Đức và truyền thông Đức giận dữ đòi Việt Nam phải “trả” Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, đồng thời trục xuất “nhân vật số 2” của Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đức.

Trước cáo buộc Việt Nam bắt cóc người bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền và luật pháp Đức, cũng như luật quốc tế. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ biết nói là:”Rất lấy làm tiếc trước phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Đức.” Điều này giống như là châm thêm dầu vào lửa giận của công luận Đức, cũng như của quốc nội lẫn quốc ngoại.

Không ai đi bênh vực một kẻ phạm pháp (dĩ nhiên là trừ đồng phạm của kẻ đó). Nhưng điều luật căn bản của xã hội văn minh (mà hầu hết các nước phải tuân thủ), đó là – Một kẻ chỉ được xem là tội phạm khi tòa án chứng minh được điều đó. Nhưng trước đó, phiên tòa phải đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng… thiếu những điều đó, lời tuyên của tòa sẽ bị xem là…vô hiệu (ít ra là ở các nước văn minh, như nước Đức chẳng hạn). Đằng này, xông vào một nước có chủ quyền, luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật như nước Đức để bắt cóc người như thời chiến tranh lạnh. Điều đó gây phẫn nộ, không chỉ là với phần lớn dân Đông Đức đã từng một thời là nạn nhân của chế độ mật vụ toàn trị thời cộng sản, trong đó có cả bà thủ tướng Đức đương nhiệm…

Hành xử kiểu “rừng xanh” – tức vô luân, vô pháp trong một xã hội văn minh toàn cầu như ngày nay đừng nói là không thể chấp nhận. Mà tệ hơn nữa là sự – Lợi bất cập hại.

Tỷ dụ như, ở Biển Đông, Trung cộng chơi luật rừng xanh. Dư luận Đức và quốc tế quay lưng, coi như “ăn cướp cha” đang dạy cho “ăn cướp con” một bài học. Còn Hoa Kỳ thì giở sách Tàu ra mà nói, Mao xếnh-xáng có thuyết – Thiên hạ đại loạn Trung quốc hưởng lợi.” Người Việt thì có câu: “Ngư ông đắc lợi,” người Tàu lại có câu: “Tọa sơn quan hổ đấu…”

Nói tóm lại, chơi dao thì có ngày đứt tay. Nhưng nếu vẫn tiếp tục chơi “luật rừng” cả trong nước và quốc tế, thì ngày không còn chốn nương thân cũng không còn xa lắm đâu.

Mời độc giả xem bình luận “Khủng hoảng sắc tộc tại Miến Điện”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT