Thursday, April 18, 2024

Các hãng lớn báo động

Nguyễn Đạt Thịnh

Từ Ford đến Walmart, nhiều hãng xưởng lớn đang theo nhau lên tiếng báo động là họ sẽ phải tăng giá sản phẩm của họ.

Walmart cảnh cáo là giá sinh hoạt sẽ đắt đỏ hơn, khách mua hàng của họ sẽ phải trả giá cao hơn, nếu chính phủ duy trì biện pháp đánh thuế tariff – thuế quan – trên những món hàng nhập cảng. Họ viết thư báo động với ông Robert Lighthizer, vị đại diện thương mại của Hoa Kỳ; Walmart cho biết họ phải tăng giá nhiều món hàng nhập cảng để bù vào tiền thuế nhập cảng họ phải trả.

Tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế Economic Policy Institute ước tính số hàng Walmart nhập cảng từ Trung Quốc đã loại 400,000 job của công nhân Mỹ; điều này có thể đúng mặc dù Walmart phủ nhận, và cho là họ cũng tạo thêm nhiều job trong số nhân viên họ sử dụng.

Walmart khẳng định thuế tariff sẽ làm tăng giá mọi sản phẩm – từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm; giá hàng nội địa cũng sẽ tăng, như giá thép, giá nhôm do hãng xưởng Mỹ sản xuất đang tăng theo cho bằng giá cao hơn của thép và nhôm nhập cảng.

Báo chí yêu cầu văn phòng đại diện thương mại giải thích hiện tượng đó, lời giải thích chưa đến, thì tin thuế Tariff đến trước: tổng thống quyết định giá thuế tariff (thuế quan) cho $200 tỉ hàng Trung Quốc là 10%. Biện pháp đó khiến anh công nhân gốc Mễ mua cái xe đạp $100 đồng, phải trả $110 + sale tax, trong lúc chính phủ thâu vào $20 tỉ tiền thuế quan.

Tuần trước, sau khi chủ tịch Nha Dự Trữ Liên Bang, ông Jerome Powell, tổ chức họp báo để giải thích việc Fed (hệ thống dự trữ tài ngân liên bang) tăng tiền lời ngân hàng; trả lời câu hỏi, “Tariff có làm giá sinh hoạt đắt đỏ hơn không?” ông Powell nói, “Người tiêu thụ chưa thấy gia tăng đâu. Tuy nhiên nhà buôn có thể lợi dụng việc họ phải đóng thuế quan để tăng giá những mặt hàng họ nhập cảng và bán ra thị trường.”

Dù giải thích cách nào, thì người thực sự trả tiền thuế quan (tariff) vẫn là người tiêu thụ, người Mỹ đóng thuế xuất cảng cho các hãng xưởng Tàu đem sản phẩm của họ sang thị trường Mỹ.

Việc đó không làm khác đi được vì cái phương trình giá bán = tiền vốn + tiền lời; vốn nặng hơn, giá bán phải cao hơn. Không có cách nào bắt nhà buôn giữ giá bán cũ, trong lúc gia tăng tiền vốn họ phải trả để sản xuất hoặc nhập cảng món hàng.

Tổng thống phủ nhận sự thật đó; ông quả quyết là người tiêu thụ sẽ không cảm thấy thiệt thòi, vì giá hàng bán ra chỉ hơi nhỉn hơn giá cũ một tí xíu. Trong sinh hoạt kinh tế Mỹ, chính phủ không ấn định giá bán, nên tổng thống không thể tiên đoán giá bán mới sẽ là bao nhiêu.

Nhưng tổng thống vẫn cứ tuyên bố, “Thuế nhập cảng không tạo ảnh hưởng gì cả trên sinh hoạt kinh tế của Hoa Kỳ,” điều mà Giám Ðốc James Hackett của hãng xe hơi Ford không đồng ý. Ông Hackett nói trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, “Có thể nền kinh tế Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi và khách hàng của chúng tôi bị ảnh hưởng. Chúng tôi phải mua thép và nhôm mắc hơn khiến chi phí tăng cao hơn đến $1 tỉ tính từ Tháng Ba năm nay đến năm 2019.”

Ford chủ trương mua thép và nhôm nội hóa, nhưng hàng nội hóa tăng giá trước hàng nhập cảng, vì yếu tố cạnh tranh về giá cả không còn nữa.

Từ Ford đến Walmart, nhiều hãng xưởng lớn đang theo nhau lên tiếng báo động là họ sẽ phải tăng giá sản phẩm của họ. (Hình minh họa: Getty Images)

Hacket nói Ford không thể nào bỏ vốn vào chiếc xe nhiều hơn mà vẫn giữ giá cũ; những hãng sản xuất xe hơi khác cũng đồng ý là họ phải tăng giá. Chuyên viên phân tách thị trường Peter Nagle nhận định, “Để tránh phản ứng đột ngột của khách hàng, các hãng xe hơi có thể chịu đựng ngắn hạn, nhưng nếu chính sách thuế quan không thay đổi, họ sẽ buộc lòng phải tăng giá.”

Hãng Ford công bố là họ cố gắng giữ cho sản phẩm của họ đừng quá đắt để giá xe của họ vẫn rẻ hơn xe các hãng khác. Trong đợt đầu từ Tháng Ba vừa rồi chính phủ Trump đã đánh thuế thép và nhôm nhập cảng từ Trung Quốc và một vài nước khác – thuế thép là 25% và nhôm 10%; đến Tháng Sáu, thép nhập cảng từ Âu Châu, Mexico và Canada cũng phải chịu thuế; thép và nhôm nội địa (không bị đánh thuế tariff) cũng tăng giá theo sản phẩm nhập cảng.

Chính phủ giải thích việc tăng thuế quan là cần thiết vì giá thép và nhôm tạo nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia; không ai hiểu lối giải thích đó.

Chính phủ đang nghiên cứu giá thuế quan cho xe ngoại quốc nhập cảng vào thị trường Mỹ để tránh hiện tượng xe ngoại quốc rẻ hơn xe Mỹ; có thể giá thuế nhập cảng xe hơi sẽ cao tới mức 25%.

James Quincey, CEO của hãng Coca-Cola, thông báo cho cổ phần viên biết là hãng bắt buộc phải tăng giá nước giải khát Coca-Cola vì nhôm, nguyên liệu để làm lon coca tăng giá; ông trình bày, “Giải thích với người tiêu thụ là việc thép và nhôm tăng giá khiến chi phí của Coca Cola gia tăng, do đó việc tăng giá là chuyện không thể tránh, nhưng giải thích cũng không phải là chuyện dễ.”

Người tiêu thụ không cần hiểu dài dòng; họ chỉ biết coca đắt, họ bớt uống coca.

Dụng ý của Quincey chỉ là báo động tình trạng ế ẩm sắp tới; đệ nhị tam cá nguyệt năm ngoái, Coca đã thu $1.4 tỉ. Số thâu đó sẽ tụt xuống vì giá tăng lên, trong lúc người tiêu thụ lại kiệt quệ vì thuế tariff đánh trên mọi món hàng nhập cảng.

Quincy giải thích trên đài CNBC, “Tăng giá là giảm tiêu thụ, trong lúc tiền làm lon nhôm gia tăng, tiền lương công nhân gia tăng.”

Tariff không chỉ bắt người Mỹ bớt uống Coca, bớt đổi xe hơi mới, mà còn bắt họ bớt đọc báo nữa; ông Jay Seaton chủ nhiệm tờ nhật báo Daily Sentinel của tỉnh Grand Junction, bang Colorado cho biết tờ nhật báo không còn xuất bản 7 ngày mỗi tuần nữa vì thuế tariff làm tăng giá giấy, làm tăng lương công nhân.

Lương tối thiểu tại Colorado hiện nay là $10.20, sẽ tăng thành $12.00 mỗi giờ; tờ báo sẽ đóng cửa, không làm việc hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba để tiết kiệm.

Ngần đó thứ tăng giá, nhưng tổng thống vẫn quả quyết là giá sinh hoạt không gia tăng! Không cần gia tăng trợ cấp cho người tàn tật, người già nua. Ăn đói một tí cũng tốt cho thuật dinh dưỡng mới. (Nguyễn Ðạt Thịnh)

MỚI CẬP NHẬT