Friday, April 19, 2024

Cành vàng lá ngọc

Hải Nguyễn (San Jose)

Có những gặp gỡ không chờ đợi khi cuộc đời là triệu triệu bàn chân đi về muôn hướng. Một lúc nào đó hai người đối diện nhau theo những ràng buộc vô hình từ rất lâu rồi…

Một câu nói chia sẻ đủ để an lòng, một ánh nhìn gây nên bao khắc khoải, một nụ cười vực lại niềm tin khi trái tim đập hốt hoảng nhịp đời bất trắc…

Sáng đi vòng vòng chợ trời, ngẩn ngơ trước bộ kim chi ngọc diệp cũ mèm, lăn lóc tội nghiệp. Có một ai đó đã đem theo nó trên chuyến tàu vượt biển hay quyết định gói ghém nó chèn vào mớ hành lý lúc lên máy bay chính thức rời xa quê hương. Nó có ý nghĩa như thế nào mà người ta đem nó theo cùng trong cuộc đổi dời số phận? Một người nào đó… lạ hay quen đã chọn nó mua về làm vật trang trí trong nhà, kỷ niệm gắn bó nào đã làm người ấy không thể xa rời? Giờ đến đời con, đời cháu trên xứ Mỹ hiện đại đủ đầy vật chất, nó không còn là gì nữa, nó cập kênh, so le trong căn nhà remodel định kỳ cho hợp mốt và người ta bỏ nó đi không một chút tiếc thương.

Nhớ hồi xưa, Bố mua ở Hồng Kông về một bộ y như vậy, giải thích với các con sự quý giá của nó. Bố trưng bày trong tủ kính để tự hào trong nhà có bốn cô con gái là cành vàng lá ngọc, để nhắc nhở các con phải ăn học nên người, để luôn nhớ giữ mình cao quý… Bạn bè đến nhà, ai cũng trầm trồ sắc vàng óng ả và những viên ngọc pha lê lấp lánh, trố mắt nghe ý nghĩa của món đồ quý báu rồi khen tôi sao mà sướng quá!

Những năm ăn bo bo bột mì, bà chị lớn phải đem “cành vàng lá ngọc” ra chợ trời bán lấy tiền đắp đổi được vài ba ngày… Nhìn cái tủ kính trống trải, cả nhà buồn như mất của… Rồi tới lượt cái tủ cũng ra đi, không đủ ăn đủ mặc, tuột xuống dốc đói nghèo, sống trong mặc cảm chẳng nghe ai trong nhà tiếc nhớ “kim chi ngọc diệp” nữa…

Bốn cô con gái được đặt tên Kim Chi, Ngọc Diệp, Mỹ Dung, Thanh Hoa nay cũng bốn phương trời chia cách. “Lá ngọc cành vàng” trên đất Mỹ tất bật bôn ba. Lâu lâu họ gọi nhau khi trời bão tuyết, lũ lụt, cháy rừng hay đợt heat báo động từng giờ. Ba bốn năm trời mới gặp mặt, lá ngọc cành vàng – tiểu thư của bố thấy rõ những phôi pha tàn úa trong mưa gió cuộc đời của nhau…

Ôi ước mơ “kim chi ngọc diệp” ngày xưa!

Nghe tiếng Việt cất lên lúc đang nao lòng hồi tưởng:

– Việt Nam hả chị?

– Dạ anh… Anh ơi, bộ đồ này bao nhiêu?

– Ba đồng thôi.

– Nó bằng gì hả anh?

– Tôi cũng không biết, hốt một mớ đủ thứ bày ra bán thôi chị…

– Anh mua nó ở đâu vậy anh?

– Mua của gara sale. Sao hỏi kỹ vậy?

Tôi tần ngần nhìn người đàn ông lam lũ, đưa ba đồng mua bộ đồ cũ, tự hỏi hay chính đó là bộ đồ của bố mua ngày xưa… tự nhiên muốn khóc.

Anh nhìn tôi thông cảm:

– Thôi khỏi mua đi, mua làm chi, muốn hỏi gì thì hỏi đi?

Không lẽ kể ra cái cảm giác khó tả của mình, tôi đành cười gượng…

– Hay muốn mua đồ ra đây bán, tôi chỉ cho?

– Tôi đi làm ăn lương thôi, buôn bán không quen sợ lỗ lắm anh ơi!

– Đi bán đi cũng được lắm, một tuần vài ba buổi từ từ nghề dạy nghề. Hồi còn ở Việt Nam ở đâu?

– Ở Bà Chiểu.

– Học trường nào? Tôi học Phước An Thị Nghè nè.

– Phước An là trường của mấy cha, sát bên nhà thờ Thị Nghè. Tôi học Lê Văn Duyệt.

– Lê Văn Duyệt là ngon rồi, hồi đó trai Phước An làm gì dám mơ, toàn kết với tụi Hồ Ngọc Cẩn phải không… Hồi đi có đi bán báo Xuân không? Toàn mấy cô đẹp đẹp…

Ôi những mùa Xuân của áo trắng, môi hồng, của tình thơ trong trắng… Sao sáng nay anh đem nó trở về dễ dàng như vậy?

Tự nhiên thấy tin cậy như gặp lại bạn học cũ, tôi nói ra hết cảm giác đang gặm nhấm trong lòng… Tôi thấy anh ngừng hút thuốc lắng nghe… Rồi anh lấy tờ báo gói món đồ, dúi vào tay tôi.

– Tôi tặng chị luôn, trời ơi, ai biết đâu, có giá với người này, đồ bỏ với người khác, đem về nhà chơi cho đỡ nhớ ông già đi chị.

Tôi nói tôi đâu phải trẻ con. Mà sao anh dễ tin người, nói vậy mà cũng tin.

Anh cười ha hả, mặt sáng rỡ, nhất định không lấy tiền. Tôi chỉ biết cầm theo rồi chào anh nói để anh còn bán hàng.

Anh nói tôi lưu số điện thoại, khi nào đi chợ gọi ra nói chuyện chơi, hay muốn kiếm mua cái gì thì anh kiếm giúp… Còn nếu khi nào đi làm cực quá hay bị lay-off kêu anh, anh dẫn đi bán chợ trời, vui lắm. Anh chỉ chỗ cho mướn luôn, ba chục đồng một ngày tránh mấy chỗ vạch vàng tới năm chục lận…

– Tui chỉ cho cách mua cách bán, mua gara sale, ra GoodWill lựa hàng, đầu chợ, cuối chợ mua qua bán lại cũng có lời… Nhát quá thì tôi đưa hàng, đưa giá cho bán, khỏi bỏ vốn lời lấy…

– Lỗ thì ôm hàng trốn luôn ha… Anh chỉ hết trơn, không sợ tôi ra bán cướp mối, “cho vàng không dẫn đàng đi buôn” anh không biết sao?

– Trời ơi, đồng hương mà, nhằm nhò gì mấy đồng bạc lẻ trong cái chợ trời mênh mông này, già hết rồi chị ơi!

Tôi thích cái nhìn của anh với tôi, cái nhìn của người đang tất bật làm ăn nhìn người thất nghiệp, cái nhìn của người yêu đời tự tin nhìn người hoang mang thiểu não. Cái nhìn của một tấm lòng rộng rãi phóng khoáng sẵn sàng đưa tay ra với người yếu đuối thiệt thòi…

Có tính toán hơn thiệt gì đâu dù mới lần đầu biết mặt. Những Phước An, Lê Văn Duyệt, Hồ Ngọc Cẩn của ngày xa xưa cũng đủ bảo chứng làm cho người ta tin và quý mến nhau như thời thơ trẻ…

Tôi muốn giữ cho anh nguyên cái giá trị ấy để khi nào nhớ lại sáng nay anh sẽ vui vì thấy mình vừa làm điều thiện. Biết đâu anh đang chờ một cuộc gọi nhờ vả của tôi để luôn nuôi lòng tốt với những người không quen biết…

Tôi có sẵn trong lòng một nụ cười ấm áp khi nghĩ đến anh, dù chưa nhận sự giúp đỡ, tôi luôn muốn nói cám ơn vì thấy nợ một tấm lòng, một niềm tin bắt gặp giữa chốn xô bồ của những người nghèo kiếm cơm trên đất Mỹ…

Trên đường về cứ nghe trong đầu âm vang “già hết rồi chị ơi!” theo mỗi vành bánh xe lăn… Già rồi đâu còn thời gian, mơ “kim chi ngọc diệp” làm chi nữa! Cuộc sống như chuyến xe hướng về phía trước dù gập ghềnh chông chênh hay thênh thanh thuận lợi. Cứ mong ước và sắp đặt thậm chì giành giật, cướp đoạt, gian manh nhưng có ai biết chắc mình sẽ gặp điều gì dù năm phút nữa? Còn bàn tay của Trời nữa mà.

Hôm nay, có người đi ngang qua một buổi sáng như vậy đó…

Người ấy gặp lại ngày xưa giữa bao la cuộc đời… để đi tiếp đến ngày mai… (Hải Nguyễn)

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “NAMM Show 2018 – Triển lãm công nghệ âm nhạc quốc tế”

MỚI CẬP NHẬT