Friday, March 29, 2024

Công bằng trong giáo dục Việt Nam: Chắc khó!

Cao Huy Huân
(Nguồn: VOA)

Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, ngành giáo dục Việt Nam bắt đầu đi vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ – từ sách giáo khoa đến những chương trình hành động chống tiêu cực trong thi cử. Đám bạn tôi thường kể về thời chúng tôi còn ngồi ghế nhà trường khoảng hai thập niên trước, với những bộ sách trắng đen và những kỳ thi phao rải trắng sân trường. Có hôm, một ông chủ tịch xã đi thi bổ túc văn hóa phải nhờ đám học sinh đáng tuổi con cháu vào giúp mới mong được qua. Thế nên khi nghe cải cách thì người dân, nhất là phụ huynh và học sinh, ai nấy đều mừng, đều tin vào một nền giáo dục mới công bằng hơn, hiệu quả hơn.

Gần hai thập kỷ đã trôi qua nhưng việc cải cách giáo dục vẫn còn dở dang, khiến người dân cứ chờ, giống như những gương mặt học sinh ngơ ngác vẫn chờ đáp án cho bài toán cuối cùng mà giáo viên chuẩn bị thông báo. Tôi không phủ nhận những tiến bộ nhất định về điều kiện dạy học, cũng như sự nỗ lực của nhiều thế hệ thầy giáo cô giáo lẫn các em học sinh. Nhưng nhìn vào tình trạng của nền giáo dục hiện nay, những người làm giáo dục và những nhà quản lý có lương tâm ắt phải cảm thấy day dứt.

Không day dứt sao được khi việc kêu gọi chống tiêu cực trong giáo dục đã diễn ra suốt nhiều năm, nhưng tiêu cực vẫn còn và ngày càng tinh vi hơn. Không đơn giản là những kỳ thi phổ thông, mà ngay cả bằng đại học, thạc sĩ hay thậm chí là tiến sĩ vẫn có thể mua bằng tiền chứ không phải bằng nỗ lực đèn sách. Vài ba anh bạn của tôi đang theo học thạc sĩ tại một trường danh tiếng ở Hà Nội nhắn với tôi rằng mọi mảnh bằng đều có một cái giá dù người học có nỗ lực đến chừng nào. Nghĩa là, vẫn có những phong bì với những khoản tiền lấp liếm cho hành vi tiêu cực. Một giảng viên đã gửi trực tiếp cho tôi một số tấm hình, bằng chứng cho thấy nạn lấp tay nhau trước khi vào phòng bảo vệ luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ vẫn còn là những nỗi đau nhức nhối. Mới tháng trước, báo chí còn loan tin có quan chức lấy tiền nhà nước đi học tại nước ngoài, học bằng cấp này lại báo khống thành bằng cấp khác. Thì ra, tiêu cực không chỉ trong nước mà còn lan ra ngoài biên giới. Tôi lo ngại cho tương lai một quốc gia phải vận hành dựa trên những tấm bằng vốn có dấu ấn của những đồng tiền đen.

Không day dứt sao được khi cuộc tranh luận dạy thêm và học thêm vẫn đang làm đau khổ biết bao nhiêu con người lương thiện. Tôi phản đối những kẻ mang danh làm thầy cô lại cố tình chèn ép, đưa học sinh và phụ huynh vào thế phải đi học thêm để được qua môn. Tình trạng này không phải hiếm ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, ngay cả khi nhiều nơi đã ra lệnh cấm dạy thêm từ trước. Ôi cái nghề mà người đời vẫn tôn sùng là cao quý và đáng được toàn xã hội tôn vinh, chẳng hiểu vì đâu lại sinh ra tiêu cực đáng buồn như vậy. Có người thở dài “thì cũng từ giáo dục mà ra.” Những thầy, cô vô tâm ấy cũng được đào tạo và trưởng thành trên chính mảnh đất giáo dục mà người ta đã ra sức cải cách trong nhiều năm qua. Một nền giáo dục tốt sẽ không thể sinh ra quá nhiều hạt sạn, khiến nạn dạy thêm tràn lan đến mức báo động như hiện nay.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ việc cấm dạy thêm một cách vô thưởng vô phạt. Nhiệm vụ của người quản lý giáo dục là tạo ra một môi trường giáo dục công bằng. Tôi cũng cho rằng làm nghề dạy học, việc kiếm thêm thu nhập vẫn là một mưu cầu chính đáng. Tất nhiên việc chọn nghề dạy học dù biết nghề này còn đang khó khăn về tài chính rồi quay sang bắt nạt phụ huynh và học sinh là sai, nhưng nếu nhà nước không bảo đảm được đời sống tối thiểu cho giáo viên thì chính nhà nước phải chịu trách nhiệm lớn trong việc gây ra tình hình tiêu cực này. Nhà nước không chỉ có trách nhiệm đối với những người làm nghề dạy học, mà còn có trách nhiệm đối với cả vấn đề dạy thêm tràn lan như thời gian qua. Không biết các vị lãnh đạo có thấy day dứt khi giáo viên bị chụp mũ, miệt thị vì dạy thêm; còn phụ huynh và học sinh, mặc dù ghét cái chuyện học thêm học bớt mà vẫn phải ngày ba buổi đến trường?

Mặc dù chuyện dạy thêm – học thêm hiện nay có phần sai về một số giáo viên, lẫn phần sai về một số phụ huynh và các em học sinh, nhưng suy cho cùng những sai lầm đó không hẳn không phải xuất phát từ một nền giáo dục cải cách lâu rồi mà vẫn chưa đến nơi đến chốn. Nó còn những lỗ hổng cho người ta có quyền luồn lách; nó còn những bất cập khiến người ta đôi lúc phải bỏ quên lương tri của một người thầy giáo để tồn tại; nó còn những nghịch lý khiến phụ huynh và học sinh dù muốn hay không cũng phải chạy đua thành tích bở hơi tai. Thử hỏi, quản lý một nền giáo dục như vậy làm sao không day dứt?

Mời độc giả xem thêm video: ASEAN – Trung Quốc ra tuyên bố chung về Biển Đông

Hôm rồi, các em học sinh khối 12 chọn đại học. Nếu như năm ngoái các em phải chạy trường như chơi chứng khoán thì năm nay đến phiên các trường đại học khổ sở vì thí sinh ảo quá nhiều do cơ chế cho các em nộp nhiều trường. Rồi nghe đâu, năm sau không chừng lại có điều chỉnh kiểu tuyển sinh mới. Nhiều năm trước, một số chuyên gia giáo dục đã nói rằng việc tuyển sinh hãy để trường tự lo. Nhiệm vụ của Bộ Giáo Dục là quản lý chất lượng đào tạo của trường để tránh trường vì lợi nhuận và thành tích mà sinh tiêu cực. Nôm na là, muốn đảm bảo mọi gia đình sinh con đều nuôi con tốt thì hãy xem xét tài sản của họ, cách nuôi con của họ, cam kết dạy dỗ con cái của họ thay vì nhắm mắt nhắm mũi bắt họ chỉ sinh một hay hai con. Tuyển sinh cũng vậy, nhìn xem trường có bao nhiêu phòng học, hạ tầng cụ thể ra sao, giáo viên trình độ thế nào, chương trình đào tạo chuẩn mực hay chưa… rồi từ đó cho họ chọn bao nhiêu em vào học và thanh tra giám sát hoạt động dạy học. Ở các nước đều làm như vậy, chẳng ai như Việt Nam, Bộ Giáo Dục can thiệp càng sâu vào tuyển sinh thì người học cũng mệt mà người dạy cũng chẳng vui vẻ gì.

Không biết các vị lãnh đạo nghĩ sao khi thấy các em 12 năm đèn sách, nay lại vất vả với kỳ tuyển sinh; các thầy cô ngoài việc dạy còn phải chống chọi với cuộc sống khó khăn, giáo viên dạy thêm thì bị gièm pha đủ điều, thậm chí có khi bị đuổi việc; và một nền giáo dục đã được cải cách trong nhiều năm mà vẫn cứ bất cập. Các vị có thấy day dứt hay không?

MỚI CẬP NHẬT