Thursday, April 18, 2024

Cựu Đại Sứ Ted Osius

Nguyễn Đạt Thịnh

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – ông Ted Osius- xin từ chức để phản đối lệnh của Tổng Thống Donald Trump chỉ thị ông tạo áp lực với chính phủ VC bắt họ nhận lại trên 8,000 người tị nạn gốc Việt, có hành động phạm pháp trong lúc sống tại Hoa Kỳ.

Chính sách thân hữu của Mỹ đối với những người đồng minh cũ trong chiến tranh Việt Nam bắt đầu thay đổi từ toan tính trục xuất bất thành đó; và ông Osius là viên chức đầu tiên có thái độ quyết liệt phản đối: ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Tư, 2018, ông Osius tuyên bố, “Tôi nói lên thái độ phản đối của tôi, mặc dù tôi đã được chỉ thị phải tuyệt đối im lặng. Tôi quyết định không bước qua lằn ranh đạo đức đó để không làm mất sự chính trực của chính tôi.”

Đã từng phục vụ ngành ngoại giao Hoa Kỳ suốt 30 năm, cựu đại sứ Osius nói, đa số những người bị Trump trục xuất đều vượt thoát vào năm 1975.

Trong tờ tạp chí Foreign Service Journal của Bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Osius viết, “Những người đó chỉ phạm những tội nho nhỏ, và họ là những người tị nạn chiến tranh, những người đã đồng minh với Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tranh đẫm máu và rất dài.

“Giờ này, mất nước, họ yêu thương mầu cờ của một quốc gia không còn nữa. Bắt họ ‘trở về’ với chế độ cộng sản là bắt những người bạn đồng minh cũ, giao nạp cho kẻ thù. Tôi sợ nhiều người sẽ bị hành hạ, sẽ trở thành những trường hợp vi phạm nhân quyền điển hình mà chính phủ Mỹ không thể không trách nhiệm.

“Tôi nói lên với Bộ Ngoại Giao quan điểm đó, và được chỉ thị không được công khai phản đối, nhưng tôi không thể im lặng a tòng với chính phủ mà không cảm thấy nhục nhã.”

Ông Osius từ chức và sống tại Sài Gòn như một tư nhân, cộng tác với viện đại học Fulbright University Vietnam, tại Sài Gòn, và viết sách.

Năm ngoái VC yêu cầu ông tạm rời khỏi Việt Nam vài ngày, trước ngày Tổng Thống Trump đến dự hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation); Osius giản dị tuân hành.

Ông là một trong một số viên chức ngoại giao cộng tác với cả 2 chế độ Dân Chủ và Cộng Hòa, nhưng vì phản đối việc hồi hương người tị nạn cộng sản nên từ chức.

Trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, viên chức Bạch Cung nói những người Việt bị trục xuất đều là những tội phạm, và dĩ nhiên họ bênh vực chính sách của Tổng Thống Trump. Bà Katie Wadman, nữ phát ngôn viên của Bộ Nội An, nói, “Nếu ông cựu đại sứ thích thay đổi luật lệ, xin mời ông đòi hỏi việc đó với quốc hội.”

Người viết bài báo nhỏ này không biết rõ về luật lệ trục xuất người tị nạn, nhưng một nhà văn nữ gốc Nhật nêu lên văn kiện mà đại diện chính phủ Mỹ ký với đại diện chính phủ VC như một thỏa ước ngày 22 Tháng Giêng, 2008 về việc VC nhận lại người Nam Việt tị nạn cộng sản đang sống tại Mỹ. Trong thỏa ước đó khoản 2 của điều thứ nhì ghi rõ: Vietnamese citizens are not subject to return to Vietnam, under this Agreement if they arrived in the United States before July, 1995, the date on which diplomatic relations were re-established betwen the U.S. Government and the Vietnamese Government. (Công dân Việt Nam không bị trục xuất, theo tinh thần thỏa ước này, nếu họ đến Mỹ trước Tháng Bảy, 1995, thời điểm tái lập liên hệ ngoại giao giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam).

Ông Osius rất thích văn hóa Việt Nam, ông nói tiếng Việt, sống tại Sài Gòn, và thường xuất hiện trong nhiều chương trình sinh hoạt văn nghệ.

Là con một bác sĩ và một nữ giáo viên trung học, Osius chào đời tại Maryland; ông là người đồng tính, hiện đang sống với ông Clayton Bond cùng 2 đứa con một cuộc sống tương đối giản dị và hạnh phúc.

Tiếp phóng viên Mỹ tại phòng khách căn nhà ông đang sống tại Saigon, Osius nói, “Tôi thích cuộc sống giản dị của người Việt, khác hẳn cuộc sống nhiều nhu cầu tại Hoa Kỳ.”

Osius theo ngành ngoại giao từ năm 1984, sau khi tốt nghiệp tại Harvard; ông đã phục vụ tại 10 sứ quán, sứ quán đầu tiên là Philippines.

Osius chỉ trích thái độ ngoại giao của Hoa Kỳ là, “Chúng ta quá thông minh, quá cao ngạo, và không tìm hiểu đối tượng;” lời tự phê đó là để giải thích sự thất bại của tòa đại sứ Mỹ trong những điều họ thương lượng với chính phủ Phi, dưới quyền nữ Tổng Thống Corazon Aquino.

Osius đến Việt Nam vào cuối thế kỷ trước, để tìm cách nối lại bang giao với VC; ông không bao giờ hình dung mình có thể trở thành một đại sứ, vì kỷ luật ngoại giao Mỹ không chấp nhận một người đồng tính đảm nhận chức vụ đó.

Nhưng cơ may đến với ông năm 2014, khi Ngoại Trưởng John Kerry đề nghị với Tổng Thống Obama để ông giữ chức vụ đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông Clayton Bond – chồng của Osius – mô tả, “Nhà tôi mừng như trúng số.”

Nhận chức vụ đại sứ, Osius nỗ lực thuyết phục chính phủ VC tham gia tổ chức Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – Trans-Pacific Partnership – TPP, một quan niệm thị trường chung của Tổng Thống Obama. Quan niệm này bị Tổng Thống Trump dẹp bỏ.

Osius được viện đại học Fulbright University Vietnam mời giữ chức vụ phó viện trưởng, và ông đã nhận lời. Giải thích việc ông từ bỏ ngành ngoại giao sau 29 năm thâm niên công vụ, Osius nói, “Tôi không còn là tôi nữa, nếu tôi tuân hành chỉ thị của tổng thống.”

Chỉ thị bảo ông “trao trả” 8,000 người tị nạn cộng sản cho cộng sản! (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT