Thursday, March 28, 2024

Hành trình của một tù nhân chính trị hay cộng hưởng tiếng vọng lương tâm

Trực Đoàn

“Chúng tôi sẽ làm hết mình để ông Liêm thoát khỏi ngục tù.” Bà Kristin Jones nói một cách nghiêm túc khi ghé thăm nhà tôi vào một ngày cuối năm 1995.

Nhìn vào ánh mắt, tôi tin vào sự chân thành của bà. Nhưng, thú thật, lúc ấy tôi nghi ngờ về một kết quả khả quan. Chẳng là trong suốt nhiều năm trước đó, nhiều nước, nhiều hội đoàn, tổ chức, cá nhân kể cả các nhân vật tai to mặt lớn lên tiếng tranh đấu cho bố tôi.

“Chính phủ Đức rất quan tâm đến nhân quyền. Chúng tôi đang vận động cho ông Liêm cũng như nhiều nguời tù lương tâm khác được tự do.” Một vị đại diện toà Đại Sứ Đức nói.

Trong buổi họp bàn về bang giao, thương mại, cũng như việc gia nhập WTO của Việt Nam, Thượng Nghị Sĩ Tom Harkin đã đề cập đến trường hợp của bố tôi với ông Lê Đức Anh, Chủ Tịch nước.

“Nhà nước Việt nam sẽ thả nếu như ông Liêm cải tạo tốt.” Ông Tom Harkin thuật lại lời nói của ông Lê Đức Anh.

***

“Bố bị bắt rồi” mẹ thảng thốt nói với tôi khi vừa đi học về.

Cảnh nhà bừa bộn như bãi chiến trường.

“Tôi già thế này, chúng cũng không tha” bác Nguyên, người chị họ ở miền Bắc của bố, rầu rĩ tâm sự.

“Tôi là mẹ liệt sĩ, các ông cho tôi đi” bác Nguyên nói với công an khi họ ập vào nhà khám xét. Bác hy vọng có con là bộ đội chết ở chiến trường miền Nam sẽ được công an thả đi. Thật ra bác chỉ là khách tình cờ đến thăm nhà tôi.

“Bà ở lại đây!” viên công an trẻ măng, đáng tuổi con cháu, quát lớn với bác Nguyên. Lực luợng công an bị tẩy não, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù phản động, kể cả mẹ liệt sĩ. Vậy là bác bị giữ lại để thẩm vấn.

Tiếng máy rà kim loại kê rò rò. Công an khám nhà, khám người, khám cả khe tường lẫn lỗ…tò vò.

“Tiền bạc chúng lấy cả!” mẹ nói, giọng khản đặc, mắt đỏ hoe. Mẹ lo lắng cho cuộc sống tương lai.

“Lo gì mẹ, có Chúa gìn giữ.” tôi an ủi mẹ.

Không hiểu sao lúc ấy tôi lại cười. Một cái cười không đúng lúc.

Bắt người, lấy của, công an còn cẩn thận gạch thẳng tên bố trong sổ hộ khẩu rồi ghi thêm “phản cách mạng”. Cuồng phong đỏ kéo đến, thời kỳ đen tối của gia đình tôi bắt đầu.

“Trần Sơn, Phó Giám Đốc Công An Đà Nẵng, là người chỉ huy trực tiếp bắt bố.” Bố tôi kể lại.
Ngay sau khi bắt bố tôi tại sân bay Đà Nẵng vào tháng 4 năm 1990, công an tổ chức qui mô khám nhà tôi, căn nhà nhỏ bé với kích thước 4 x 20 mét tại Sài Gòn.

“Công an bố ráp tứ phía” chú Lương Văn Tròn, người hàng xóm cạnh nhà, kể lại. Cả trăm công an “chìm, nổi” đủ loại bao vây khu xóm. Họ đi xe nhà binh, súng ống đầu đủ, dùng bộ đàm liên lạc với nhau. Cứ như là hành quân đánh trận lớn. Chiến thuật của chế độ là bắt một người, muôn ngàn người phải lo sợ nơm nớp.

“Mới bắt được một ổ phản động lớn lắm. Trong đó có Đoàn Thanh Liêm sống ở xóm này.” chú Nguyễn Cảnh, ở đầu xóm , kể lại lời của viên công an an ninh sống cạnh nhà chú.

Đúng là vụ bắt lớn bao gồm Mike Morrow, doanh gia Mỹ, Đỗ Ngọc Long, chuyên viên kinh tế, Nguyễn Tấn, nhà báo, Nguyễn Mộng Giao, tiến sĩ Vật lý, Trương Hùng Thái, nhà thơ, và cả các đảng viên cao cấp như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Trung Hiếu, …

Trong bối cảnh thế giới thay đổi. Các chế độ cộng sản tại Đông Âu lần lượt sụp đổ. Biến cố sinh viên Trung Quốc biểu tình đòi tự do dân chủ tại Thiên An Môn đã làm cho đảng thực sự lo ngại. Trong cung đình Hà Nội, ông Trần Xuân Bách, Uỷ viên Bộ Chính Trị, lên tiếng đòi hỏi đa nguyên đa đảng. Lo sợ cho sự tồn vong của mình, chế độ độc tài toàn trị ra tay trấn áp người dân bằng nhiều vụ bắt bớ.

“Bằng vụ bắt bớ này, cánh bảo thủ Mai Chí Thọ muốn dằn mặt cánh cấp tiến Võ Văn Kiệt.” Chú Dick Hughes nhận định.

Theo báo The New York Times, giới bảo thủ Hà Nội vẫn một mực cho rằng cả Mike Morrow lẫn Dick Hughes là điệp viên CIA.

Trong cuộc chiến Việt Nam, Mike Morrow là nhà báo đã đưa ra công luận vụ thảm sát Mỹ Lai. Năm 1990, với tư cách là doanh gia, ông quay lại Việt Nam tìm cơ hội đầu tư kinh tế. Chú Mike mời bố tôi làm luật sư cố vấn kinh tế.

Dick Hughes, là nhà hoạt động xã hội, qua Việt Nam năm 1968, sáng lập chương trình Shoeshine Boys Project nhằm giúp trẻ em mồ côi. Chú Dick, bố tôi và chú Long cùng nhau xây dựng các trại mồ côi ở Sài Gòn và Đà Nẵng. Năm 1976, dưới áp lực của chính quyền, chú Dick buộc phải rời Việt Nam.

Sài Gòn rúng động sau cuộc trấn áp. Mọi người rỉ tai nhau về các tin tức liên quan đến vụ bắt bớ.

“Nghe nói vụ này liên quan tới Xịa (CIA)? chú Trịnh Thanh Hoàng, người em họ của bố, nói. Dính tới “trùm Xịa” Mike Morrow và Dick Hughes, coi như là tù mọt gông.

“Chị mơ bố bị tử hình!” Chị tôi kể về giấc mơ dữ đêm qua.

“Dám lắm.” Tôi ngập ngừng trả lời. Báo Công an đăng nhiều kỳ về vụ án. Qua báo chí quốc doanh, nhà nước định hướng dư luận rằng đây là ổ phản động câu kết với thế lực trong đảng và nước ngoài để lật đổ chính quyền.

“Không tổ chức, không vũ khí , không giết người, làm sao mà tử hình được.” chị tôi lập luận.

Không cam lòng việc bạn mình bị tù oan ức, chú Dick đã tận lòng tranh đấu cho bố tôi và chú Đỗ Ngọc Long.

“Tôi chỉ ngủ mỗi ngày vài tiếng” chú Dick kể rằng dành rất nhiều thời gian để viết hàng ngàn lá thư, hàng ngàn cuộc điện đàm, lẫn hàng trăm cuộc gặp để vận động hai người bạn Việt nam được tự do.

“Chiến thuật của tôi là kêu gọi giới báo chí liên tục hỏi về ông Long và ông Liêm mỗi khi gặp phái đoàn Việt Nam.” chú Dick kể.

“Gia đình mình ra sao?” Bố tôi, với mắt thâm quầng, mặt tái xanh sau nhiều tháng biệt giam, hỏi trong kỳ gặp đầu tiên tại trại giam đường Cường Để.

Nhờ sự giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất của thân bằng quyến thuộc, gia đình tôi vượt qua mọi khốn khó.

“Cầu mong bố con sớm về.” bác Huỳnh Thị Hoa, mẹ bạn Thái Tường, an ủi sau khi đãi tôi một bữa tai heo quấn bánh tráng thật ngon.

“Đây là quà cô gửi cho bố.” cô Trần Thị Thức, vợ người tù lương tâm Đoàn Viết Hoạt, vui vẻ nói. Lúc ấy, tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng của cô. Chú Hoạt vẫn đang trong tù. Hoàn cảnh gia đình cô Thức cũng khó khăn. Vậy mà cô vẫn nhớ đến bố tôi.

Cô Thức cũng như nhiều người bạn khác vẫn âm thầm gửi quà cho bố tôi. Nhận được những món quà ân tình này, bố tôi lại san sẻ cho các người tù khác. Trong gọng kiềm khắc nghiệt của chế độ Cộng sản, người vẫn thương người, giúp nhau qua cơn khốn khó.

“Ông Liêm có thể phải cải tạo dài hạn.” một vị đảng viên cao cấp bắn tiếng với gia đình tôi.

“Cải tạo không án hay phải ra toà?” Chẵng ai có thể đoán được ý định của nhà nước lúc nào cũng mờ ám.

Ngay buổi tối trước hôm xử án vào tháng 5 năm 1992, gia đình tôi bất ngờ nhận được giấy báo của một viên chức toà. Tôi vội vã đi báo tin cho bà con và bạn bè của bố.

Lần đầu tiên tôi vào tòa án Sài Gòn, một công thự kiến trúc Pháp tuyệt đẹp. Nhìn thấy tượng Nữ Thần Công Lý bám bụi và màng nhện trong sảnh tòa, tôi đoán là lành ít dữ nhiều.

Chánh Án Lê Thúc Anh, Công Tố Viên Nguyễn Văn Bông, hai vị Hội Thẩm Nhân Dân, và thư ký toà đều ngồi bàn có chiều cao bằng nhau. Riêng luật sư biện hộ Nguyễn Đăng Trừng ngồi cạnh thư ký tòa trên chiếc bàn phụ, thấp hơn khoảng nữa mét.

“Tòa có mời ông Vũ Sinh Hiên làm nhân chứng. Ông Hiên có mặt?” chánh án nói.

“Thưa toà, tôi hoàn toàn không nhận được thư mời.” chú Hiên, bạn của bố, giải thích rằng chú đến đây là do tin từ gia đình tôi.

“Chắc là bên bưu điện làm thư thất lạc.” Chánh án nhanh nhẩu đáp

Công Tố Bông luận tội đầu tiên. Bằng chứng chính là bản”Thoả Thuận Năm Điểm” do bố tôi viết với nội dung xây dựng nhà nước dân chủ, công bằng, tôn trọng nhân quyền. Công tố viên kết luận rằng bị can đã phạm tội “tuyên truyền chống phá Cách mạng”.

Luật Sư Trừng, người duy nhất trong phòng xử án mặt áo veston, đeo cà vạt, tóc chải láng mượt, chăm chú lắng nghe công tố viên luận tội. Do ngồi ở vị thế thấp hơn, Luật Sư Trừng phải ngước đầu lên nhìn về hướng công tố viên.Trông giống như học sinh nhìn lên bục giảng thầy giáo.

Luật Sư Trừng biện hộ rằng đương sự là trí thức đưa ra quan điểm với mục đích xây dựng đất nước tốt hơn. Chiếu theo Hiến Pháp về quyền tự do ngôn luận, bị can vô tội.

“Tôi yêu cầu tòa xét lại lập trường, tư tưởng cách mạng của luật sư biện hộ.” Công Tố Bông lớn giọng tại tòa.

Mặt Luật sư Trừng mặt đỏ tía, bàn tay trái run run từ từ nắm chặt, đứng lên nói lớn,”Thưa tòa, tôi theo cách mạnh từ khi công tố viên còn mặc quần thủng… đít”

Công tố viên Bông, da đen xám, đeo kính mát vàng chóe, nhếch môi thâm xì cười lộ hàm răng vàng màu khói thuốc lá.

Ông hội thẩm đầu bạc trắng đang lim dim ngủ, chợt mở bừng đôi mắt, đưa tay ra dấu như muốn bảo hãy bình tĩnh nào…

“Lịch sử sẽ phán xét việc làm của tôi.” Bố bình thản nói trước vành móng ngựa,”Tôi vô tội. Tôi không xin khoan hồng.”

“Anh là con cáo già chính trị.” Quan toà cau mày lên giọng sắt như dao,”Anh ngoan cố.”

Mấy viên công an trừng trừng nhìn với ánh mắt căm thù, thủ thế nhào tới bị can.

Sau đó, ông tòa chăm chú đọc bản án dầy hơn 10 trang đánh máy từ trước. Toà tuyên án phạt 12 năm từ vì tội”tuyên truyền chống phá cách mạng”.

Chú Phạm Văn Thực, em họ mẹ, mon men đến gần xe tù.

“Anh ráng giữ gìn sức khỏe.” chú Thực nói khi công an áp giải bố vào xe tù.

“Cám ơn chú. Cho tôi gửi lời thăm bà cụ.” Bố mỉm cười đáp lại ngay trước khi cửa xe đóng cái sầm.

Cả nhà buồn tê tái, chị tôi khóc tức tưởi.

Luật sư Đoàn Thanh Liêm (thứ 8 từ trái qua) trong lần họp mặt cựu học sinh Chu Văn An Sài Gòn, ngày 16 Tháng 2, năm 1974. (Hình: Tư liệu gia đình)
Luật sư Đoàn Thanh Liêm (thứ 8 từ trái qua) trong lần họp mặt cựu học sinh Chu Văn An Sài Gòn, ngày 16 Tháng 2, năm 1974. (Hình: Tư liệu gia đình)

Vụ án làm xôn xao dư luận thế giới

Theo nhà báo Malcolm Browne, Hội Ân Xá Quốc Tế, Văn Bút Hoa Kỳ, Hội Nhân Quyền, Bộ Ngoại Giao Mỹ, các tổ chức Công Giáo, Phật Giáo, cùng nhiều tổ chức khác lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Trong một buổi phỏng vấn, ông Lê Mai, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nói, “Việt Nam không tiếp nhận những tư tưởng về nhân quyền một cách áp đặt”. Khi được yêu cầu gặp tù nhân lương tâm Đoàn Thanh Liêm, một viên chức ngoại giao đáp rằng “vấn đề nhân quyền rất phức tạp và yêu cầu này không được chấp nhận.”

Dư luận thế giới nghi ngờ về sự khả tín của chính phủ Việt Nam. Trong lúc tuyên bố “dân chủ gấp triệu lần tư bản” và kêu gọi đầu tư, giới lãnh đạo Hà Nội lại bắt bớ những người kêu gọi nhân quyền, dân chủ.

Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton gửi lời thăm đến bố tôi.

“Cái này gửi bà Clinton.” bố dúi vội lá thư vào tay tôi trong lúc thăm nuôi tại trại Hàm Tân. Trong thư, bố cám ơn vì đã nhớ đến người tù lương tâm và tin tưởng “cuộc tranh đấu bất bạo động sẽ đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam”.

Nhiều vị dân cử Hoa Kỳ như Thượng Nghị Sĩ John McCain, John Kerry… liên tục kêu gọi chính quyền Hà Nội thả bố tôi.

Giới trí thức và nghệ sĩ đã gửi thư cho Tổng Bí Thư Đỗ Mười đòi thả tự do bố tôi và chú Long. Giới phản chiến như Ed Asner, Noam Chomsky, Jane Fonda, Oliver Stone,.. ký tên vào bức thư với lời cảnh báo,” Việc bắt giam này ánh hưởng nghiêm trọng đến nổ lực hội nhập vào thế giới của Việt Nam.”

Qua “cải tạo,” ” đánh tư sản,” và “vượt biên,” thế giới đã nhận thức rõ bản chất của chế độ Hà Nội. Nay vụ bắt giam này làm giới phản chiến thức tỉnh. Từ thiên cảm, ủng hộ, giới phản chiến quay sang nghi ngờ, chống đối việc vi phạm nhân quyền. Đây là thiệt hại chính trị lớn của công sản trên trường quốc tế. Tính chính danh của chính quyền Việt Nam đã mất, ước mơ “phân hóa nội bộ Mỹ” tiêu thành mây khói.

Chi phí tài chánh cho việc vận động là gánh nặng quá sức của chú Dick. Riêng tiền điện thoại, điện thư hàng tháng là vài ngàn dollar.

“Lương của tôi không đủ trả tiền lời của các thẻ tín dụng.” chú Dick kể, “Sau khi tư vấn với luật sư, tôi tuyên bố phá sản.”

”Daddy, cái này cho Long và Liêm.” bé Tara, 6 tuổi, rút trong gối 2 dollar đưa cho bố. Ôm con vào lòng, chú Dick cảm thấy hạnh phúc dâng trào.

Hiểu được tình cảnh của chú Dick, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp vào quỹ vận động. Trong danh sách có Robert De Niro, Paul Newman,… Đặc biệt, ngôi sao Tom Cruise góp 10 ngàn dollar.

Trời thương người hiền. Bao công lao vận động nay đã có kết quả. Tin vui đến trong bất ngờ. Sau buổi họp, một viên chức Việt Nam kẹp mẩu giấy trong cuốn sách rồi đưa cho Thượng Nghị Sĩ John McCain. Mẩu giấy ghi “Thả Đoàn Thanh Liêm và Đỗ Ngọc Long”.

Sau khi bàn bạc với các bạn đồng nhiệm, Thượng Nghị Sĩ John McCain trình vấn đề lên Văn Phòng Tổng Thống. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Anthony Lake là người trực tiếp dàn xếp việc thả bố tôi. Ông nhờ bà Kristin Jones, chủ tịch một tổ chức doanh nghiệp tư nhân, đứng ra làm trung gian đàm phán giữa hai chính phủ.

***

Lời nói của bà Kristin Jones hiệu nghiêm cấp kỳ. Cỡ một tuần sau, một viên thiếu uý công an đến nhà tôi và mời gia đình tôi lên Phòng Xuất Nhập Cảnh.

“Lệnh trên giao cho chúng tôi lo giấy tờ xuất cảnh cho gia đình anh. Xin anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.” Đại tá Nê nói với tôi tại trụ sở đường Nguyễn Du.

“Bố quyết định đi Mỹ.” Bố tôi nói tại Trại Cải Tạo Hàm Tân. Bố đành chấp nhận kiếp sống lưu vong.

Nếu ở tù, không chắc gì bố tôi còn mạng để trở về. Ông nội tôi đã chết trong ngục tù Việt Minh.

Mọi thủ tục xuất cảnh hoàn thành nhanh chóng. Trước ngày đi, bà Kristin trao cho chị tôi lá thư của giám đốc Cục Di Trú Hoa Kỳ yêu cầu các giới chức quan thuế cho gia đình tôi nhập cảnh Hoa Kỳ.

Tối ngày 11 tháng 2 năm 1996, gia đình tôi thu xếp ra phi trường Tân Sơn Nhất. Đang ngồi chờ tại phi trường, bố bỗng xuất hiện với một dàn công an đi kèm. Công an còn cẩn thận cho người theo quay phim chụp hình.

“Sợ bay đầu cả lũ!” một nữ nhân viên la toáng lên.

“Tất cả theo lệnh trên mà.” Viên trung tá an ninh tháp tùng gia đình tôi đáp lại trong lúc làm thủ tục xuất cảnh.

“Xin chúc mừng ông và gia đình.” một nữ nhân viên đại diện Đại Sứ Mỹ nói với bố tôi. Bà ra phi trường để giám xác việc thả bố tôi.

***

Từng là nạn nhân của chế độ Cộng sản, tôi rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của các nhà tranh đấu dân chủ và gia đình. Nhưng tôi tin rằng các bạn không cô đơn bởi lẽ rất nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước luôn ủng hộ các những tiếng nói lương tâm.

Hơn 25 năm trước, bố tôi lên tiếng gọi lương tâm trong cô đơn. Ngày nay, hàng trăm hàng ngàn người Việt cùng nhau đứng lên kêu gọi dân chủ cho đất nước. Nhiều dòng nước nhỏ hợp lại thanh dòng thác cuốn trôi độc tài, bạo lực, dối trá, và tham nhũng. Rồi một ngày hàng triệu cánh chim én xuất hiện báo hiệu mùa Xuân của dân chủ, hòa bình, sự thật, và công lý.

***

Tài liệu tham khảo:
– Hanoi Jails Lawyer For Links With American. Barbara Crossette. The New York Times. June 7, 1992.
-Security Tactics In Vietnam Still Inspire Widespread Fear. Malcolm W. Browne. The New York Times. May 23, 1994.
-At Lunch With: Richard Hughes; An Actor Prepares;Vietnam Interrupts.Ralph Blumenthal. The New York Times. July 20, 1994

Mời độc giả xem phóng sự: “Khu biệt thự dành cho người đã khuất”

MỚI CẬP NHẬT