Thursday, March 28, 2024

‘John McCain hơn nhiều người ở chỗ biết rõ nhược điểm của mình’

Cựu Tổng Thống Barack Obama

Cơ Nguyễn (chuyển ngữ)

LTS: Lễ tang của cố Thượng Nghị Sĩ John McCain vừa được cử hành long trọng hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Chín, 2018, tại vương cung thánh đường Washington, DC. Nhật báo Người Việt xin giới thiệu điếu văn của cựu Tổng Thống Barack Obama nhắc lại những thoáng láu lỉnh, niềm đam mê và những tranh cãi thường xuyên với những người bất đồng ý kiến của ông McCain.

Thưa gia đình thân yêu của John – bà McCain, thưa Cindy và những người con của McCain, Tổng Thống và bà Bush, Tổng Thống và Bộ Trưởng Clinton, Phó Tổng Thống và bà Biden, Phó Tổng Thống và bà Cheney, Phó Tổng Thống Gore, và các bạn của tôi, như cách chào hỏi của John.

Chúng ta đến đây để vinh danh một con người ngoại hạng – một chiến sĩ, một chính trị gia, một nhà ái quốc, nhân vật tượng trưng cho rất nhiều giá trị cao đẹp nhất của nước Mỹ.

Tổng Thống Bush và tôi là hai người trong số ít những người may mắn được tranh cử ngang hàng với John ở những bậc cao nhất trong chính trường. Ông đã giúp chúng tôi trở nên những vị tổng thống tốt hơn. Ông cũng giúp cho Thượng Viện tốt hơn. Cũng như ông đã giúp cho đất nước này tốt hơn. Do đó, đối với một người như John mà yêu cầu tôi, trong lúc ông vẫn còn sống, đứng lên nói về con người này vào giờ phút tiễn biệt thì đó là một vinh dự đặc biệt và quý báu.

Đầu năm nay, khi John gọi điện thoại cho tôi nói lời yêu cầu đó, tôi thú nhận đã cảm thấy một nỗi buồn cùng với một chút ngạc nhiên. Nhưng sau cuộc nói chuyện, tôi nhận thức được việc này thật đúng với cốt cách của John.

Để bắt đầu nhé, John thích làm người khó đoán, và hơi đối nghịch. Ông ta không thích tuân thủ những lề lối được xếp đặt sẵn về hoạt động của một thượng nghị sĩ, và ông cũng không thích một tang lễ với những nghi thức được sắp đặt sẵn theo lề thói.

Điều này cũng cho thấy ông khinh mạn sự tự thương hại. Ông đã từng xuống địa ngục và trở về, và không hiểu tại sao ông đã không hề mất nghị lực, mất tính lạc quan, hoặc mất đi niềm vui sống. Vì thế, bệnh ung thư không làm ông khiếp sợ, và ông vẫn giữ được tinh thần tươi vui cho đến ngày cuối đời, vẫn bướng bỉnh không chịu ngồi yên, vẫn khăng khăng với chủ kiến của mình, vẫn mãnh liệt tận tụy với bạn bè và nhất là với gia đình ông.

Điều này nói lên thái độ ngang tàng, óc khôi hài và một chút láu lỉnh của ông. Xét cho cùng, còn cách nào giễu cợt hơn là bắt Tổng Thống George Bush và tôi phải ca ngợi ông ta trước toàn thể quốc dân?

Cuối cùng, điều đó biểu hiện một tâm hồn lớn, một nỗ lực nhìn lại những khác biệt trong quá khứ để nhận ra những điểm chung. Thật vậy, về mặt ngoài thì John và tôi rất mực khác biệt. Chúng tôi thuộc những thế hệ khác nhau. Tôi xuất thân từ một gia đình đổ vỡ và không hề biết gì về cha tôi; John là con nhà nòi của một trong những gia đình nổi danh về truyền thống quân đội. Tôi có tiếng là điềm tĩnh; John không được như vậy. Chúng tôi là những người gánh vác những cột trụ của truyền thống chính trị Hoa Kỳ, và suốt trong thời tôi làm tổng thống, John không ngần ngại nói với tôi mỗi khi tôi làm điều gì sai – mà theo sự tính toán của ông ta thì chuyện đó xảy ra mỗi ngày.

Nhưng dù chúng tôi có những khác biệt, dù chúng tôi luôn đấu đá nhau, tôi không bao giờ tìm cách che giấu lòng ngưỡng mộ tôi dành cho John, và tôi nghĩ John dần dần đã hiểu.

Như lời thú nhận của John, ông từng là một người trẻ nổi loạn. Điều đó dễ hiểu trong trường hợp của ông – còn cách nào thể hiện bản thân nhanh chóng cho bằng nổi loạn trong khi bạn là con cháu của các vị đô đốc?

Dù vậy, cuối cùng, ông kết luận rằng con đường duy nhất để lưu danh vào lịch sử là thực hiện điều to tát hơn chính mình. Và đối với John, muốn như thế là phải đáp lời kêu gọi cao cả nhất – phục vụ đất nước trong thời chiến.

Trong tuần lễ này và buổi sáng hôm nay, những vị khác đã nói đến tận cùng của nỗi thống khổ, đến chiều sâu của lòng dũng cảm, nói đến những xà lim tại Hà Nội, nơi đó thỏi sắt non trẻ đã được tôi luyện trở thành thép cứng, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác. Nó khiến tôi nhớ đến những lời Hemingway đã viết trong tác phẩm mà Meghan trích dẫn: “Hôm nay chỉ là một ngày trong số những ngày trong cuộc đời. Nhưng những gì xảy ra trong những ngày còn lại sẽ tùy thuộc vào những gì bạn làm ngày hôm nay.”

Trong lao tù, John đã thấm được ý nghĩa của những lời văn đó trong hoàn cảnh mà ít người trong chúng ta phải trải qua – mỗi thời khắc, mỗi ngày, mỗi chọn lựa là một thử thách. Và John McCain đã vượt thắng những thử thách đó – hết lần này đến lần khác. Và đó là lý do những điều John phát biểu về những đức tính như phục vụ, và trách nhiệm, không phát xuất từ sự trống rỗng. Đoạn văn đó đối với ông không chỉ là lời nói suông. Đó là sự thật mà ông đã sống, và ông sẵn sàng chết cho sự thật đó. Nó buộc mọi người, kể cả những người hoài nghi nhất, phải cân nhắc chúng ta đã làm gì cho đất nước, chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả cho điều gì.

Trong tuần lễ này người ta đã nói rất nhiều về John, một người có suy nghĩ và hành động độc lập. Thật vậy, John là một con người khá bảo thủ. Tin tôi đi, tôi đã nhận được nhiều phiếu bầu của nhóm cử tri đó. Nhưng ông ta hiểu rằng một số nguyên tắc sẽ vượt lên trên cả chính trị. Một số giá trị vượt lên trên cả đảng phái. Ông cho rằng ông có phần trách nhiệm trong việc duy trì những nguyên tắc và duy trì những giá trị đó.

John rất trân trọng cơ chế chính quyền tự quản – Hiến Pháp của chúng ta, Tuyên Ngôn Nhân Quyền, pháp quyền và tam quyền phân lập, kể cả một rừng luật lệ và thủ tục của Thượng Viện. Ông biết rằng, trong một quốc gia rộng lớn, sinh động và đa dạng như chúng ta, những cơ chế đó, những luật lệ đó, những tiêu chuẩn đó là thứ để gắn kết chúng ta lại với nhau và tạo thành khuôn phép và trật tự cho cuộc sống chung, ngay cả khi chúng đa không đồng ý, đặc biệt là khi chúng ta không đồng ý.

Cựu Tổng Thống Barack Obama đi ngang qua quan tài cố Thượng Nghị Sĩ John McCain sau khi phát biểu trong lễ tang ông. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

John tin vào những tranh luận thẳng thắn và lắng nghe quan điểm của người khác. Ông hiểu rằng nếu chúng ta có vào thói quen bẻ cong sự thật cho phù hợp với thủ đoạn chính trị hoặc cương lĩnh của đảng phái, nền dân chủ của chúng ta sẽ không còn hiệu quả. Đó là lý do nhiều lần ông sẵn sàng phản đối đảng của chính mình, đôi khi ông phải hợp tác với đảng đối lập trong việc cải cách tài trợ tranh cử và cải cách di trú. Đó là lý do ông bênh vực một nền báo chí truyền thông tự do và độc lập vì đó là điều tối cần cho những tranh luận dân chủ. Và sự kiện ông được thiện cảm của báo chí cũng không có gì lạ.

John hiểu, như JFK hiểu, như Ronald Reagan cũng hiểu, rằng một phần trong những thứ làm cho đất nước này trở nên vĩ đại là vì các thành phần công dân không được chọn lựa dựa vào huyết thống; không dựa vào vóc dáng, không dựa vào tên họ. Không dựa vào sinh quán của ông bà cha mẹ, không dựa vào thời gian đến nơi này, nhưng chỉ dựa vào sự tuân thủ một tín điều chung: Rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, được Thượng Đế ban cho một số quyền không thể bị tước đoạt.

Ngày hôm nay người ta nhắc đến, và trong tuần này chúng ta đã thấy đoạn phim ghi lại hình ảnh John đưa tay ngăn cản một đám ủng hộ viên thách thức tôi về lòng ái quốc trong cuộc tranh cử năm 2008. Tôi biết ơn John, nhưng tôi không ngạc nhiên. Theo lời Joe Lieberman, John đã phản ứng theo bản năng tự nhiên. Tôi chưa bao giờ thấy John đối xử khác biệt với một người nào vì chủng tộc, tôn giáo, hoặc giới tính của người đó. Và tôi tin chắc rằng trong những giây phút ấy của cuộc tranh cử, ông ta cảm thấy như cần bảo vệ bản sắc của nước Mỹ, không phải cho chính tôi, vì ông quan niệm mọi công dân nếu yêu mến đất nước này thì bắt buộc phải cư xử công bằng với mọi người.

Và cuối cùng, mặc dù John và tôi luôn đối chọi nhau trong mọi vấn đề ngoại giao, nhưng chúng tôi có cùng quan điểm về vai trò bắt buộc của nước Mỹ. Chúng tôi tin rằng càng có nhiều sức mạnh và nhiều ân sủng, chúng ta có trách nhiệm lớn lao. Gánh nặng đó đè nặng trên vai những người mang quân phục – những quân nhân như Doug, Jimmy, và Jack, đã tiếp bước cha ông – và những gia đình phục vụ những đơn vị quân đội của chúng ta.

Nhưng John hiểu rằng chúng ta thắng lợi trong việc giữ gìn an ninh và gây ảnh hưởng không chỉ nhờ vào sức mạnh quân sự, không chỉ nhờ vào sự giàu mạnh, không chỉ vì khả năng đè bẹp các quốc gia khác theo ý chúng ta, mà do khả năng truyền cảm hứng cho các quốc gia khác vì chúng ta tuân thủ một số giá trị có tính phổ quát – như pháp quyền và nhân quyền, và chúng ta yêu cầu phải tôn trọng nhân quyền mà Thượng Đế đã ban cho mỗi con người.

Dĩ nhiên, John vẫn nói với chúng ta rằng ông ta không hoàn hảo. Như tất cả những người đã từng là quân nhân, ông ta có cái tôi của ông ấy. Như mọi người chúng ta, chắc chắn có những lá phiếu ông đã bầu, những tổn thương ông đã gây ra, những quyết định ông đã làm mà ông ước gì có thể quay ngược trở lại. Có một điều không được coi là bí mật, người ta nói ông là người nóng tính, và khi bùng nổ, nó là cơn giận dữ rất hoang dã, một cảnh tượng rất lạ – hàm dưới ông trễ xuống, mặt đỏ bừng, đôi mắt như những mũi khoan xuyên thủng người đối diện. Nhưng xin quý vị lưu ý, chính mắt tôi chưa từng nhìn thấy cơn giận của ông.

Biết đến John là phải biết rằng nhiệt tình của ông bộc phát rất nhanh, và ông tha thứ và xin lỗi cũng nhanh như vậy. Ông hơn nhiều người ở chỗ biết rõ nhược điểm của mình và những điều ông còn thiếu sót, và ông biết cách tự chê cười mình. Tinh thần tự giác đó khiến ông thu hút được nhiều cảm tình.

Chúng tôi ít khi tiết lộ điều này, trong suốt nhiệm kỳ của tôi, John thỉnh thoảng lại đến Tòa Bạch Ốc và chúng tôi ngồi chuyện trò với nhau, chỉ hai người chúng tôi – chúng tôi đã nói chuyện về chính sách, về gia đình chúng tôi, và về tình hình chính trị. Và không thể tránh được những bất đồng trong những lần gặp riêng tư này. Những bất đồng đó rất thật và rất sâu xa. Nhưng chúng tôi rất thích những khoảnh khắc chia sẻ với nhau như thế. Chúng tôi đã cười với nhau, đã học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi chưa bao giờ ngờ vực nhau về sự chân thành hay lòng ái quốc của nhau. Khi đã nói hết mọi chuyện và làm được mọi chuyện, thì chúng tôi đã trở thành đồng đội. Chúng tôi là những người đồng hội đồng thuyền, không còn nghi ngờ gì nữa.

Mặc dù có những khác biệt, nhưng chúng tôi có chung một lòng trung thành với những lý tưởng mà nhiều thế hệ người Mỹ đã đồng hành, chiến đấu, hy sinh, và hiến thân. Chúng tôi coi những cuộc đấu tranh chính trị là một đặc ân, một cơ hội để phục vụ như những người quản gia tận tâm chăm sóc những lý tưởng đó trong nước, và làm hết sức mình để đưa những lý tưởng này ra khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi nhận thấy rằng đất nước này là nơi mọi thứ đều có thể làm được – và bổn phận công dân là làm thế nào để bảo đảm đất nước này mãi mãi được như vậy.

Hơn một lần trong sự nghiệp của John, ông khiến người ta liên tưởng tới Teddy Roovevelt. Và chắc hẳn người ta nhận thấy bài diễn văn “Người đứng giữa đấu trường” (Man in the Arena) dường như là viết về John. Quý vị đã biết trong bài diễn văn đó, Roosevelt nói về những người đang đấu tranh, dám làm những việc lớn, có khi thắng và có khi thất bại, nhưng luôn thích một trận đấu công bằng – trái ngược với những con người nguội lạnh, nhút nhát, không hề biết đến thắng bại.

Phải chăng chúng ta đang ca ngợi tinh thần đó trong tuần lễ này.

Tình thần đấu tranh để trở nên tốt hơn, để làm tốt hơn, để trở nên xứng đáng với di sản mà những người khai quốc đã trao lại cho chúng ta.

Rất nhiều vấn đề chính trị, xã hội, và tranh luận dường như nhỏ bé, hèn mọn và tầm thường, buôn bán bằng ngụy ngôn và nhục mạ, trong những tranh cãi giả vờ và những xúc phạm ngụy tạo. Đó là loại chính trị làm ra vẻ can đảm và cứng rắn, nhưng thật ra được nảy sinh từ nỗi sợ.

John kêu gọi chúng ta hãy lớn hơn những thứ đó. Ông kêu gọi chúng hãy trở nên tốt hơn.

“Hôm nay chỉ là một ngày trong số những ngày trong cuộc đời. Nhưng những gì xảy ra trong những ngày còn lại sẽ tùy thuộc vào những gì bạn làm ngày hôm nay.”

Phải chăng cách vinh danh cuộc đời phục vụ của John McCain là làm theo tấm gương của ông?

Phải chăng sự tự nguyện bước vào đấu trường và đấu tranh cho đất nước này không chỉ dành cho một vài người, nó dành cho mọi người và thực sự là đòi hỏi mọi người, mọi công dân của nền cộng hòa vĩ đại này?

Đó có lẽ là cách tốt nhất để vinh danh John – bằng cách nhận thức rằng có những thứ lớn lao hơn đảng phái, hoặc tham vọng, hoặc tiền bạc, hoặc danh tiếng, hoặc quyền lực. Rằng có những thứ xứng đáng để chúng ta hy sinh tất cả. Nguyên tắc là vĩnh cửu. Sự thật là vĩnh cửu.

John đã chứng tỏ điều ấy bằng cách tốt nhất. Chúng ta đều mang một món nợ lớn đối với John.

Xin Chúa ban phước lành cho John McCain, và xin Chúa ban phước lành cho đất nước này, nơi ông đã tận tâm phục vụ. (Cơ Nguyễn chuyển ngữ)

MỚI CẬP NHẬT