Thursday, March 28, 2024

‘John McCain là một trong những món quà tặng của định mệnh’

Cơ Nguyễn (chuyển ngữ)

LTS: Lễ tang của cố Thượng Nghị Sĩ John McCain vừa được cử hành long trọng hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Chín, 2018, tại vương cung thánh đường Washington, DC. Nhật báo Người Việt xin giới thiệu điếu văn của cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger với những lời đầy xúc động để vinh danh những đóng góp của ông McCain với đất nước.

Đất nước chúng ta đã may mắn có được những con người vĩ đại vào những thời điểm đầy thử thách để nhắc nhở về sự đoàn kết thiết yếu và khơi dậy trong chúng ta những giá trị trường cửu. John McCain là một trong những món quà tặng của định mệnh.

Tôi gặp John lần đầu tiên vào Tháng Tư, 1973, trong một cuộc tiếp tân tại Tòa Bạch Ốc dành cho những tù nhân trở về từ Việt Nam. Hình ảnh ông luôn vương vấn trong tâm trí tôi suốt thời gian thương thuyết để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, cũng thật kỳ lạ là vì thân phụ của ông, thời đó là tổng tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương, trong khi tường trình cho tổng thống và được hỏi han về người con thì luôn nói vỏn vẹn “Tôi cầu nguyện cho cháu.”

Đối với gia đình McCain, nghĩa vụ quân sự tự nó là một phần thưởng và không chấp nhận một sự đối xử đặc biệt nào. Tôi nghĩ về điều đó khi những kẻ giam giữ ông đề nghị phóng thích ông vào giai đoạn cuối của cuộc thương thuyết để ông hồi hương cùng với tôi trên chiếc máy bay đã đưa tôi đến Hà Nội. Bất chấp mọi khó khăn, ông cám ơn nhưng từ chối lời đề nghị đó.

Rốt cuộc rồi chúng tôi cũng gặp nhau, lời chào hỏi của ông vừa khiêm tốn lại vừa cảm động, “Cám ơn ông đã cứu danh dự tôi.” Lúc ấy ông không cho tôi biết và cũng chẳng bao giờ cho tôi biết rằng ông đã có một cơ hội được thả trước đấy nhiều năm nhưng ông đã khước từ. Vì quyết định ấy mà ông phải kéo dài thời gian bị biệt giam và đối xử tàn tệ. Ông cũng không nhắc tới lao tù một lần nào nữa trong suốt thời gian gần nửa thế kỷ chúng tôi là bạn thân thiết với nhau.

Mục tiêu của John là kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Là một thượng nghị sĩ, ông ủng hộ việc phục hồi quan hệ với Việt Nam, thực hiện được điều đó trên cơ sở lưỡng đảng trong thời Clinton nắm quyền và đã trở thành một trong những người chủ trương hòa giải với kẻ thù của ông ta.

Danh dự là một giá trị phi vật thể, chứ không phải là một trách nhiệm. Nó không có quy tắc. Nó phản ảnh một sự thôi thúc từ bên trong, hoàn toàn không vì tư lợi. Nó theo đuổi một mục tiêu, chứ không phải một tham vọng cá nhân. Nó tượng trưng cho hoài bão của xã hội, vượt trên nhu cầu hiện tại. Tình yêu làm nên cuộc sống. Danh dự và sự cao thượng, đó là cách sống của John.

John trở về Hoa Kỳ trong một đất nước đang bị chia rẽ về quyền lực, chia rẽ về cuộc chiến. Giữa những rối ren chính trị, phân hóa về phương cách bảo vệ đất nước và phân vân về quan điểm liệu Hoa Kỳ cần nêu cao sức mạnh hay nêu cao lý tưởng thì John trở về từ cuộc chiến và tuyên bố rằng chúng ta đang sai lầm.

Nước Mỹ có bổn phận duy trì cả sức mạnh lẫn lý tưởng. Qua nhiều thập niên phục vụ trong ngành lập pháp, đã từng làm chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Nghị Viện, John là nhân vật tiêu biểu cho một nước Mỹ đủ mạnh để theo đuổi mục tiêu của mình.

Nhưng John cũng tin vào một nước Mỹ đầy lòng nhân ái, được những nguyên tắc cốt lõi hướng dẫn, mà chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ luôn bảo vệ. Ông lý luận rằng “tự do và công lý cho mọi người” không phải là một tình cảm sáo rỗng, nó là nền tảng cho ý thức của quốc gia chúng ta.

Theo John, những ưu điểm của nước Mỹ có thể được áp dụng ở mọi nơi. Tôi không tin, ông ta nói, vào những ngoại lệ sai lầm thí dụ như ngoại lệ đối với người da đen hoặc ngoại lệ đối với sắc dân Á Châu, Nam Mỹ. Ông cảnh báo về khuynh hướng muốn tách rời với thế giới. Theo cách đó, tên tuổi của John McCain trở nên đồng nghĩa với một nước Mỹ cởi mở để bắt buộc những quốc gia cường thịnh phải ứng xử trung thực và gieo hy vọng cho những con người bị áp bức.

John luôn luôn ở tuyến đầu trong mọi cuộc chiến đấu cho tự do và công chính. Ông là một chiến binh tận tụy tranh đấu cho mục tiêu của ông với sự sôi nổi, quả cảm và khiêm tốn. John luôn tràn trề hy vọng.

Trong một diễn văn tại Wesleyan University, tiểu bang Ohio, ông tóm gọn cốt lõi của suốt cuộc đời chiến đấu của ông bằng câu nói, “Không ai trong chúng ta, nếu là một người có cá tính, để lại trần gian này một cuộc sống lãng phí.”

Cũng như phần lớn những người thuộc lứa tuổi của tôi, tôi cảm thấy khát khao những gì đã mất mà không thể phục hồi lại được. Nếu những ước mơ tìm hạnh phúc và vẻ đẹp bình dị của tuổi thanh xuân hiển nhiên là những thứ chóng tàn, thì có một thứ quý hơn có thể sống mãi và sống mãi cho đến phút cuối của cuộc đời, đó là khoảnh khắc trong đời mà chúng ta hy sinh cho một điều gì lớn lao hơn chính bản thân ta. Các vị anh hùng, hiển nhiên, gợi lên sự hy sinh và tầm nhìn cao của họ.

Thế giới sẽ vắng vẻ hơn khi thiếu vắng John McCain, thiếu vắng niềm tin của ông về nước Mỹ và thiếu vắng cảm quan của ông về trách nhiệm đạo đức. Không một ai trong chúng ta có thể quên được, ngay cả trong lúc John ra đi, rằng ông đã ban tặng cho chúng ta một khoảnh khắc hòa giải vào lúc mà chúng ta rất cần và làm sống lại niềm tin vào khả năng của nước Mỹ.

Kể từ giờ phút này, giữ vững danh dự của nước Mỹ là trách nhiệm của tất cả chúng ta. (Cơ Nguyễn chuyển ngữ)

Mời độc giả xem bình luận “John McCain có phải là anh hùng?(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT