Monday, April 15, 2024

Kinh tế kiểu Tư Bản và Cộng Sản ở Việt Nam

Bài và hình: Văn Lang

Việt Nam đổi mới kinh tế, mở cửa thị trường từ năm 1986, rồi gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2007. Nhưng cho tới nay (2018) cương lĩnh chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội vẫn khăng khăng chủ trương “kinh tế thị trường định hướng XHCN.” Dẫn tới việc Việt Nam có song song hai “hệ điều hành” – Tạm gọi là “hệ Tư Bản” và “hệ Cộng Sản”…

Hệ Cộng Sản

Xã hội Cộng Sản Việt Nam thời “kinh tế thị trường,” không chỉ đẻ ra những tập đoàn kinh tế của nhà nước, mà còn đẻ ra nhiều công ty tư nhân. Thuở ban đầu những công ty tư nhân này hầu hết là công ty con (công ty sân sau) của các quan chức nắm quyền điều hành kinh tế, rồi sau này mới tới các quan chức chính trị.

Giai cấp mới – Giới Tư Bản Đỏ ra đời, có lẽ nó cũng tình cờ và đơn giản.

Khi mở cửa kinh tế, Việt Nam phải liên doanh với nước ngoài để đổi mới công nghệ (lúc đó đã quá lạc hậu). Đi tiên phong “mò” vô thị trường Việt Nam lúc đó phải kể tới giới làm ăn Đài Loan (lúc đó Việt Nam còn chưa kịp hòa hoãn với Tàu Cộng). Một tay tổng giám đốc (quốc doanh) của một tổng công ty (hay còn gọi là Liên Hiệp Các Xí Nghiệp) vốn được tiếng là “liêm khiết,” thường ngày vẫn đi làm bằng xe đạp (dù được đãi ngộ bằng xe hơi đưa rước). Nhưng khi liên doanh với Đài Loan, thì bà vợ của sếp tổng đã kịp “chỉ thị” cho chồng lập công ty con, do con rể đứng tên.

Và mọi sự đầu tư công nghệ, cũng như mối lái làm ăn, thay vì đổ về tổng công ty, thì đều chảy dồn về phía công ty con của ngài tổng. Cho đến khi ngài tổng nghỉ hưu (hạ cánh an toàn), thì gia đình ông ta nghiễm nhiên trở thành một đại công ty, với số vốn lên đến nhiều triệu Mỹ kim, với nhiều đối tác làm ăn ở nước ngoài…

Trụ sở Mobifone, công ty độc quyền của nhà nước với “đại án” tham nhũng 8,000 tỷ đồng vẫn chưa bị “xử lý.”

Nhưng “ngoạn mục”hơn cả, vẫn là việc cướp đất của nông dân để xây sân… golf.

Có những tỉnh, một thời dự án xây sân golf lên tới… 34 sân. Nghe qua tưởng chuyện “tấu hài,” không lẽ nông dân tỉnh này ăn rồi suốt ngày đi đánh golf hay sao mà xây nhiều sân dữ vậy? Sau tìm hiểu ra mới biết, mỗi dự án sân golf cướp trắng hàng chục, mấy chục héc-ta (ha) đất của nông dân. Sau một thời gian bỏ đó, thì lập báo cáo kinh doanh thua lỗ (mà đúng là có ai chơi đâu mà chả… lỗ). Để xin chuyển đổi công năng sử dụng đất, chuyển từ sân golf qua nhà đất hoặc trung tâm thương mại. Trong cơn sốt đất quét qua đất nước này như một cơn… dịch hạch. Thì từ đền bù cho nông dân 1 mét vuông vài ba chục ngàn đồng, họ (Tư Bản Đỏ) quy hoạch bán ra thị trường thu từ vài triệu tới… vài chục triệu 1 mét vuông (tùy địa thế và tùy thời điểm).

Với giới quan chức chính trị thì ngoài việc bán chữ ký (trên giấy tờ quy hoạch), khoản thu béo bở khác chính là tiền… công quỹ. Muốn lấy được tiền công một cách hợp pháp, thì cách đơn giản là lập công ty… sân sau. Những công ty gọi là “dịch vụ công ích” ăn một số tiền rất lớn của ngân sách hàng năm. Như mấy công ty ở Sài Gòn, giám đốc bỏ túi hàng mấy trăm ngàn Mỹ kim hàng năm, mỗi “cớm” có vài ba căn biệt thự ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt. Trong khi công nhân móc cống, không được ký hợp đồng lao động, lãnh lương công nhật 3-4 triệu/1 tháng, với đủ thứ dịch bệnh từ công việc hôi thối…

Tiền bù lỗ từ ngân sách cho dịch vụ xe buýt ở Sài Gòn, lúc đầu chỉ là 53 tỷ đồng, hiện đã tăng lên hàng ngàn tỷ đồng. Dù kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe, mặc báo chí kêu oai oái, người ta vẫn tiếp tục chi tiền cho xe buýt, trong đó có không ít… xe ma, và tuyến xe ma.

Vung tiền thuế của dân qua cửa sổ… nhà quan, phải kể tới mấy “quả đấm thép” kinh tế là Vinashin, Vinalines với hàng tỷ Mỹ kim “bốc hơi” theo những chuyến tàu… ma, biến giấc mơ “cheabol” của Việt Nam thành kịch bản… phim hài.

Hệ Tư Bản      

Thời kỳ đầu tư bản mới vô Việt Nam chủ yếu là mấy anh Tàu Đài Loan và Tàu Hồng Kông (lúc đó còn chưa bị Tàu Cộng thu hồi). Mấy anh “Ba Tàu” này trước khi mở công ty tại Việt Nam, bao giờ cũng đòi hỏi trong “liên doanh” phải có cán bộ bự, hoặc con mấy ông to, bà lớn “chung lưng” bảo kê. Kiểu làm ăn của mấy công ty này chủ yếu là “chụp giật,” lợi dụng sự “bảo kê” mà họ vung tiền lót đường mua chính sách, hốt được càng nhiều càng tốt rồi… hô biến. Vì thực ra, kinh nghiệm của mấy anh tư bản “Ba Tàu” này là: Không bao giờ tin ở Cộng Sản. Làm ăn lúc đó ở Việt Nam chỉ là một canh bạc… liều.

Công trình Metro tại Sài Gòn, với vốn ODA của Nhật Bản, nhà thầu xây dựng Nhật Bản bị đình đốn nhiều năm vì Việt Nam thiếu chịu tiền giải ngân cho nhà thầu Nhật.

Từ khi Mỹ bỏ cấm vận và bang giao với Việt Nam. Là lúc, những công ty, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, Liên  Âu, Nhật Bản, Úc… đổ vào thị trường Việt Nam. Các công ty, tập đoàn này hoạt động theo luật ở bên chính quốc, do vậy các hành vi phạm luật, cụ thể là đưa hối lộ sẽ bị truy tố trước pháp luật. Cho dù những hành vi đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Việt Nam, nhưng cảnh sát của các nước trên, hoặc FBI của Hoa Kỳ có đủ bằng chứng thì họ sẽ truy tố các quan chức của các công ty phạm luật.

Do vậy, các công ty-tập đoàn tư bản của các nước lớn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đa số gặp “khó khăn” trên thị trường Việt Nam. Nhất là khi các công ty này có các đối tác là các công ty, tập đoàn của nhà nước Việt Nam. Thí dụ, cụ thể như việc Nhật Bản cho Việt Nam vay vốn ODA, các công ty-nhà thầu Nhật thi công. Kết quả, cảnh sát Nhật bắt và truy tố một số quan chức công ty Nhật đưa hối lộ. Buộc phía Việt Nam phải truy tố một vài quan chức, vì trước sức ép của dư luận Nhật, chính phủ Nhật buộc phải “cảnh báo” sẽ cắt ODA, nếu phía Việt Nam không xử lý nghiêm.

Vì luật “bôi trơn” trong làm ăn ở Việt Nam gần như là phổ quát, tuy là “luật bất thành văn” nhưng ai không theo thì gần như tự bị loại ra khỏi sân chơi nghiệt ngã này.

Thí dụ như công ty tư vấn thiết kế PEA (Pacific Architects and Engineers Incorporated) của Hoa Kỳ. Đây là công ty tư vấn thiết kế cho nhiều công trình tại Nhật Bản (sau Đệ Nhị Thế Chiến), cũng là công ty tư vấn thiết kế cho phi trường Tân Sơn Nhất tại miền Nam, Việt Nam (trước 1975). Và mới đây, PEA tuy thắng giải nhất (đồng hạng) trong việc thiết kế sân bay Long Thành: PAE – CPG – Asuza Sekkei (cùng với một công ty Nhật Bản, và một công ty của Nam Hàn). Nhưng PEA vẫn giữ ý định sẽ đóng cửa văn phòng tại Sài Gòn, chỉ giữ lại văn phòng vùng bên Singapore (dù PEA đã trở lại Sài Gòn trên 20 năm nay, từ 1994).

Việc nhiều “ông lớn” của các tập đoàn tư bản lặng lẽ rời khỏi Việt Nam. Cùng với việc kêu gọi để Trung Cộng đầu tư vô sân bay Long Thành, càng làm dấy lên mối lo ngại âm ỉ lâu nay. Là cùng với việc thiếu vốn, quản lý kinh tế thì tồi tệ, tham nhũng thì tràn lan dẫn tới việc Việt Nam ngày càng lệ thuộc sâu vào “nền tài chính – đen” của Tàu Cộng.

Nếu Việt Nam không diệt trừ được quốc nạn tham nhũng. Phải xem tội tham nhũng ngang bằng với tội phản quốc, sau xét xử công khai, là đưa ra “pháp trường cát” xử bắn luôn. Nếu không vậy, ngày toàn dân Việt Nam phải nói tiếng “Bắc Kinh,” xem ra cũng chẳng chóng thì chầy!

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT